Mẫu Sơn vẫn còn hoang vắng
Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) được đánh giá là khu vực có tiềm năng phát triển du lịch do có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và điều kiện khí hậu khác biệt. Tuy nhiên, nơi đây hiện vẫn còn khá hoang vắng, cần đầu tư để phát triển.
Khách sạn 9 gian là công trình còn giữ được nét kiến trúc đẹp nhất hiện nay tại khu du lịch Mẫu Sơn Ảnh: K.N
Trên đỉnh Mẫu Sơn
Gần đây, chúng tôi có dịp đi du lịch Mẫu Sơn. Đường từ thành phố Lạng Sơn lên Mẫu Sơn khoảng 30km, nhưng chỉ có 15 km cuối được xem là khó đi nhất với lòng đường nhỏ và những khúc cua liên tục. Tới nơi, đỉnh Mẫu Sơn hiện ra trong không gian mờ của mây trắng. Với độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, Mẫu Sơn tách biệt hẳn với những khu dân cư, khiến vẻ đẹp nơi đây ẩn chứa nét hoang sơ pha chút kỳ bí đối với mỗi du khách khi tới đây.
Đến Mẫu Sơn, chúng tôi ở tại khách sạn 9 gian. Đây là khách sạn lớn nằm tại vị trí đắc địa nhất của khu du lịch, được xây dựng cách đây 30 năm dựa trên thiết kế của một ngôi biệt thự cũ được làm từ thời Pháp tại Mẫu Sơn. Bà Hà Thị Thủy, người phục vụ trong khách sạn 9 gian cho biết, khu vực Mẫu Sơn là nơi đón gió mùa Đông Bắc đầu tiên vào Việt Nam nên mùa đông nơi đây khá khắc nghiệt, thường xuyên có băng giá và sương mù. Nhưng đây lại là nét đặc trưng hiếm có ở đất nước nhiệt đới, thu hút khách du lịch hiếu kỳ đến thăm thú. Còn vào mùa hè, người dân đến đây để hưởng không khí mát mẻ. “Những năm gần đây, chỉ ít ngày sau tết nguyên đán cũng đã có một số người gọi điện đặt phòng để lên đây ngắm cảnh quan và nghỉ dưỡng”- bà Thủy cho hay.
Tại Mẫu Sơn, tuy không có nhiều sự lựa chọn về đồ ăn, nhưng nơi đây vẫn có những đặc sản như gà sáu ngón, ếch hương, lợn bản… Bà Thủy cho biết, nếu muốn thưởng thức những món ăn đó phải báo trước để còn vào bản mua. Do thực phẩm được mua sống mang về, nên chúng tôi có dịp thấy con gà sáu ngón. Đây là loại gà có sáu ngón chân, đặc sản đặc biệt của Mẫu Sơn, được người dân nuôi thả trong bản. Loại gà này thịt săn chắc, thường được tẩm mật ong rồi nướng ăn rất thơm ngon. Còn ếch hương thường sống trong hang hốc hoặc ven các khe suối trong bản, được người dân đánh bắt tự nhiên. Thịt ếch rất thơm ngon, ăn không có mùi tanh, kể cả khi nguội. Với món lợn bản, do được bà con nuôi thả trong vườn rừng nên thịt rất chất lượng. Khi thịt lợn thái miếng để nướng hoặc lợn sữa được quay nguyên con trên than, lúc ăn nhấp thêm ngụm rưụ Mẫu Sơn có cảm giác ngon tuyệt.
Ngay buổi đầu lên đây, khi đứng tại quầy lễ tân của khách sạn, chúng tôi đã thấy bầy một số chai rưụ Mẫu Sơn, đặc sản của vùng này. Bà Thủy cho biết, rưụ này được ủ trong hầm rưụ của khách sạn cỡ một năm mới đem ra bày bán cho du khách. Rồi thể theo đề nghị của chúng tôi, hôm sau bà Thủy đưa một số người xuống hầm rưụ. Trong căn hầm nhỏ le lói ánh đèn, thấy một số chum và bình rưụ để tại đây. Bà Thủy giới thiệu loại rưụ ở đây được bà con dân tộc Dao sống trên đỉnh Mẫu Sơn chưng cất bằng phương thức truyền thống. Chủ khách sạn đã đặt mua loại rưụ này rồi ủ thêm trong hầm một thời gian cho ngon hơn rồi mới đem phục vụ du khách.
Ông Quan Văn Sính và bà Hà Thị Thủy trong phòng bếp của khách sạn 9 gian
Cần đầu tư để phát triển
Tại nơi ở, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Quan Văn Sính, chủ khách sạn 9 gian. Nay đã hơn 70 tuổi, lại sống trên mảnh đất này nhiều năm nên ông Sính có những hiểu biết về vùng núi Mẫu Sơn. Ông Sính cho biết, trước đây, nhận thấy cảnh quan của Mẫu Sơn rất phù hợp cho việc nghỉ dưỡng, người Pháp đã đầu tư xây dựng tại đây một số khu nhà, biệt thự nằm rải rác từ chân đến đỉnh núi để sử dụng cho mục đích này. Những công trình mang kiến trúc Pháp đó là điểm nhấn sinh động cho cảnh sắc núi rừng Mẫu Sơn thời ấy. Tuy nhiên, theo thời gian, đến nay hầu hết các khu biệt thự đã bị hỏng. Hiện có vài ngôi biệt thự được xây dựng lại trên nền đất cũ để sử dụng, còn lại để hoang chưa thể xử lý. Ngoài ra, tại đây một số người dân đã xây dựng thêm nhà nghỉ, khách sạn để phục vụ du khách.
Tuy nhiên, do nằm khá biệt lập với khu dân cư, đường sá cũng chưa thật thuận lợi nên lượng khách đến Mẫu Sơn không nhiều. Những năm gần đây, vào mùa đông, mỗi khi có tuyết là du khách mới đổ dồn lên Mẫu Sơn để xem khiến nơi đây quá tải. Còn lại trong năm, người dân chủ yếu lên Mẫu Sơn vào hai ngày nghỉ cuối tuần, vì chừng đó là đủ để họ thăm thú một số nơi của khu du lịch này như suối Long Đầu, núi Phật Chỉ, khu linh địa cổ Mẫu Sơn, hầm rưụ Mẫu Sơn Đỉnh…
Bên cạnh đó, có một số thanh niên đi phượt lên Mẫu Sơn để chiêm nghiệm, chụp ảnh rồi về ngay mà không nghỉ lại. Do vậy, hiện quanh khu vực Mẫu Sơn chỉ có hơn chục nhà nghỉ, khách sạn để phục vụ du khách, nhưng chất lượng và tiện nghi các phòng nghỉ nhìn chung chưa được đảm bảo.
Video đang HOT
Gà 6 ngón Mẫu Sơn
Qua tìm hiểu được biết, do thời tiết quanh năm mát mẻ, độ ẩm cao nên nhà xây ở Mẫu Sơn nhanh bị xuống cấp. Nhiều ngôi nhà mới xây được ít năm đã bị rêu phong, ẩm mốc trông như nhà cổ. Tại khách sạn 9 gian nơi chúng tôi ở, khi trời đổ mưa đã có hiện tượng thấm dột ở một số phòng và hành lang. Còn tại các phòng, có một số vật dụng, thiết bị đã cũ hỏng nhưng chưa được sửa chữa hoặc thay mới. Nghe chúng tôi phản ánh điều này, ông Sính cho biết sắp tới khu Mẫu Sơn sẽ được quy hoạch tổng thể để thành khu du lịch quốc gia. Do chờ quy hoạch nên ông Sính cũng như các chủ nhà nghỉ, khách sạn khác chưa muốn sửa chữa để nâng chất lượng dịch vụ. Tuy có phần lo lắng cho tương lai khách sạn của mình khi quy hoạch, nhưng ông Sính cũng công nhận rằng, việc quy hoạch tổng thể và đồng bộ khu Mẫu Sơn trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, vì chỉ như thế khu du lịch này mới có cơ hội để phát triển xứng với tiềm năng.
Ngày 15/5/2019, Thủ tướng Chính phủ có quyết định (số 557) phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu du dịch quốc gia Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2040. Quy mô nghiên cứu quy hoạch khoảng 14.964ha, với mục tiêu phát triển khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, đặc sắc về văn hóa, tâm linh và du lịch sinh thái của vùng trung du miền núi Bắc bộ và cả nước.
KIẾN NGHĨA
Theo tienphong.vn
Đặc sản xứ Lạng: Rùa đá nhốt rọ, quả lạ vàng rực, rết độc nhốt chai
Hàng năm tại khu du lịch núi Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn) vẫn diễn ra chợ phiên vùng cao Mẫu Sơn.
Tại đây, la liệt các sản vật núi rừng độc, lạ, hiếm thấy, đặc trưng của núi rừng xứ Lạng được đồng bào các dân tộc người Dao nơi đây bày bán khiến nhiều du khách tò mò, thích thú.
Phiên chợ vùng cao Mẫu Sơn không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ giao lưu của bà con vùng cao nơi đỉnh mây mù này. Đặc trưng nổi bật nhất của các phiên chợ vùng cao đó là luôn rực rỡ màu sắc từ trang phục của bà con dân tộc đến những sạp thổ cẩm, chim thú muôn loài... được bày bán la liệt dưới nền đất. Dù ngày nay, các phiên chợ vùng cao không còn được như xưa, nhưng vẫn tạo sự hấp dẫn, hiếu kỳ, háo hức của du khách thời hiện đại.
Sắc màu thổ cẩm từ những bộ đồ của người Dao nơi đây luôn là nổi bật nhất trong Phiên chợ vùng cao Mẫu Sơn.
Mẫu Sơn từ xa xưa vốn đã nổi tiếng với những bài thuốc cổ truyền của người sắc tộc Dao. Vùng núi này cách thành phố Lạng Sơn 30km về phía đông, nằm trên địa bàn 3 xã: Công Sơn, Mẫu Sơn (huyện Cao Lộc) và xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình). Dân bản xứ Mẫu Sơn là người Dao, do tập quán sống và canh tác, nên rất am hiểu về núi rừng.
Cuộc sống người dân nơi đây khá biệt lập, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên nơi đỉnh mây mù.
Đến chợ phiên vùng cao Mẫu Sơn vào dịp lễ hội du khách sẽ thấy khung cảnh yên bình, dân dã chứ không kẻ bán người mua tấp nập, nhộn nhịp như khu chợ miền xuôi. Khu chợ đặc biệt này khiến nhiều người có cảm nhận những thứ vốn đã thuộc về ký ức, bỗng như lại trở về qua từng sạp hàng bày bán các sản phẩm nông sản, các cây thuốc... của đồng bào dân tộc Dao nơi đây.
Chợ phiên vùng cao Mẫu Sơn đơn giản, người bán đặt các loại hàng hóa lên tấm bạt, người mua sẽ rất dễ dàng chọn lựa. Nơi đây như địa điểm "hội tụ" bao nhiêu thứ từ đặc sản cho đến bình dân, từ hoa lá cho đến những chú rùa người dân bắt được từ rừng sâu. Nhưng hầu như tất cả đều là "lộc trời cho", người dân lấy được từ rừng già.
La liệt nông sản, những thứ hay, độc lạ .. thu hút sự tò mò của nhiều du khách khi tham gia chợ phiên vùng cao Mẫu Sơn.
Cuộc sống người Dao trên đỉnh Mẫu Sơn cao 1.000m so với mực nước biển hoàn toàn nhờ cậy vào thiên nhiên. Thức ăn lấy từ rừng, tự trồng trong vườn nhà, lúa gạo trồng trên nương rẫy. Mọi hoạt động đều khá tách biệt với thế giới bên ngoài bởi vị trí địa lý và đường sá di chuyển khó khăn. Để tồn tại giữa rừng thiêng nước độc, chống lại các loại bệnh tật, người Dao nơi đây đã chế biến những cây cỏ trong rừng thành những bài thuốc, vị thuốc có tác dụng chữa bệnh rất đặc biệt, sáng tạo và lưu truyền nhau cho đến nay.
Chị A Múi, xã Mẫu Sơn chia sẻ với PV báo điện tử Danviet.vn: "Chợ đông vui nhộn nhịp như này ở đây năm chỉ có vài lần nên lần nào tôi cũng tranh thủ vào rừng kiếm hoa lan, cây thuốc... mang lên đây bán. Ở đây hầu như ai cũng biết các loại cây thuốc của người Dao. Đó đều là những bài thuốc gia truyền học từ người lớn tuổi trong gia đình, dòng họ...
Theo chị Múi, nhiều du khách lên đây thường tìm mua các vị thuốc chữa bệnh. Họ tò mò thích thú khi thấy những con rết, con rùa đá, những loại quả lạ làm thuốc... chúng tôi hái được từ rừng", chị Múi nói.
Những chú rùa đá được người dân bắt từ rừng sâu đem nhốt vào rọ mang ra chợ phiên Mẫu Sơn bán thu hút sự tò mò của nhiều du khách.
Chia sẻ với PV báo điện tử Danviet.vn, chị Nguyễn Thu Ngọc, khách du lịch từ Hà Nội cho biết: "Mình lên Mẫu Sơn chắc cũng phải đến 5 lần rồi nhưng mỗi chuyến đi lên đây là một trải nghiệm mới, một cảm nhận mới. Đặc biệt nhất với mình chính là không gian chợ vùng cao nơi đây, tất cả mọi thứ từ hoa, quả cho đến các vị thuốc. Nông sản của bà con người Dao tất cả đều từ tự nhiên, từ rừng già, đó là một điều riêng biệt hiếm có và điều đó cho mình nhiều cảm xúc. Đặc biệt nữa là sự dân dã, tự nhiên của cảnh đẹp cũng như sự chất phác, hiếu khách của con người nơi đây".
Phiên chợ vùng cao Mẫu Sơn những ngày lễ nhộn nhịp, đông vui nhưng không quá ồn ào. Nơi đây không chỉ là nơi người dân du khách trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ, tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc mang đậm tình người, tình quê mộc mạc, ấm áp và chân tình.
Cùng Danviet.vn và du khách "mãn nhãn" với la liệt những đặc sản, sản vật độc, lạ từ núi rừng của người Dao trên đỉnh Mẫu Sơn:
Một người Dao ở chợ phiên Mẫu Sơn cho biết: Đây là quả của cây rau ngót rừng. Quả này hiếm thấy vì đi rừng gặp nhiều cây rau ngót, tuy nhiên không phải cây nào cũng có quả. Quả rau ngót rừng có màu vàng tươi độc, lạ này được người dân giới thiệu là vị thuốc đặc biệt có thể chữa các bệnh đau đầu.
Những cây nấm linh chi màu đen và đỏ cũng được người Dao nơi đây hái được từ rừng. Trung bình giá bán của những cây nấm đặc biệt này là khoảng 2 triệu đồng/kg.
Những chú rùa đá được người dân bắt được từ rừng và đem nhốt trong những chiếc lồng tre đan trông rất sơ sài, đơn giản nhưng lạ và đẹp mắt. Giá của những chú rùa đá này là 200.000/con.
Theo như các bài thuốc của người Dao thì rết rừng ngâm rượu cũng là một loại thuốc chữa các bệnh về xương khớp rất hiệu quả.
Những khóm lan rừng bung nở hoa màu tím nhạt đẹp lung linh trong sương sớm vùng cao tại chợ phiên Mẫu Sơn. Nhiều người có đam mê về lan rừng coi đây như là điểm đến để đươc thỏa sức chiêm ngưỡng và lựa chọn những nhánh lan rừng mang về phố trưng và trồng.
Những trái dưa chuột màu vàng được người Dao nơi đây trồng trên các vạt đồi nơi đỉnh mù sương này cũng được nhiều người lựa chọn vì độ đảm bảo sạch, giòn và ngọt. Những trái dưa chuột ở Mẫu Sơn có kích thước to khác thường so với các giống dưa chuột ở miền xuôi.
Chanh rừng Mẫu Sơn nở múi căng mọng được đánh giá là vị thuốc trị ho rất tốt. Tùy từng thời điểm mà giá của loại chanh bé tin hin này có thể dao động từ 50.000-100.000/kg. Thậm chí có thời điểm hiếm giá chanh rừng này có thể lên đến 200.000/kg
Những trái đào Mẫu Sơn vốn đã rất nổi tiếng thơm ngon, tuy nhiên nhiều năm trở lại cây vườn đào trên đỉnh Mẫu Sơn đang dần bị thoái hóa nên những trái đào không còn căng mọng như những mùa đào trước đây.
Vị chua chua ngọt ngọt của những trái quất hồng bì căng mọng khiến nhiều người không thể cưỡng lại. Loại trái này được người dân trồng ở các sườn núi đá, nơi ẩm ướt hoặc hái từ rừng già .
Đây không chỉ là dịp để du khách được hòa mình ngắm cảnh mây trời Mẫu Sơn, mà du khách còn có cơ hội thưởng thức và mua làm quà những thức đặc sản của người Dao chỉ có ở nơi đỉnh mây mù này.
Theo Dân Việt
Vùng đất dân đổi đời nhờ trồng bạt ngàn các loài sâm quý Với khí hậu mưa nhiều, nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, UBND xã Măng Cành (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) đã tận dụng nguồn vốn hỗ trợ, vận động người dân và các doanh nghiệp phát triển các loại dược liệu. Chỉ hơn 1 năm thực hiện, hàng nghìn ha sâm của các hộ dân phát triển tươi tốt chỉ chờ ngày...