Mẫu Sơn sắp thoát cảnh tiêu điều, manh mún?
Sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên diễm lệ, giá trị văn hóa lâu đời… nhưng phát triển chưa xứng tiềm năng, dự kiến tới đây, sự xuất hiện của nhà đầu tư chiến lược sẽ là cú hích để du lịch Mẫu Sơn bứt phá.
* Nàng công chúa ngủ Đông
Ông Hoàng Văn Tạ, 55 tuổi, sống ở Mẫu Sơn đã 20 năm. Trong suốt 2 thập kỷ qua, ông Tạ chứng kiến Mẫu Sơn như nàng công chúa ngủ đông, không được nâng niu, đang dần già nua và xuống sắc. “Mẫu Sơn đẹp từ khí hậu tới thiên nhiên nhưng từ lâu mọi người không để ý và chú trọng. 5-10 năm nay không có gì thay đổi, vẫn mộc mạc như thế. Thậm chí tôi còn thấy 10 năm trước Mẫu Sơn đẹp hơn bây giờ”, ông Tạ chia sẻ.
Hạ tầng du lịch ở Mẫu Sơn hiện tại
Nếu xét về điều kiện thiên nhiên, khí hậu thì Mẫu Sơn không hề thua kém những điểm đến hàng đầu Việt Nam như Sa Pa, Bà Nà, thậm chí là núi Phú Sĩ, Nhật Bản. Đỉnh núi cao 1.541 m là sự hòa quyện mê hoặc giữa bầu không khí trong lành và khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp biến đổi kỳ diệu suốt bốn mùa trong năm. Mỗi mùa Mẫu Sơn lại trở nên khác biệt, cuốn hút.
Mùa xuân, đỉnh núi như nàng công chúa kiều diễm với những bộ xiêm y rực rỡ. Khi là màu đỏ của hoa đào, lúc lại chuyển sang sắc trắng tinh khôi của hoa mận hay ánh tím bạt ngàn của cẩm tú cầu. Mùa hạ, Mẫu Sơn thật dịu dàng với nền khí hậu mát mẻ. Bước qua thu, Mẫu Sơn đẹp mơ màng trong ánh nắng vàng tươi như giọt mật.
Sang đông, đỉnh non trở nên huyền ảo với khung cảnh tuyết trắng bao phủ được ví như Phú Sĩ của Việt Nam.
Không chỉ cuốn hút bởi khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, Mẫu Sơn còn chứa đựng giá trị văn hóa lâu đời với những nghi thức vùng cao độc đáo, những làn điệu dân ca ngọt ngào hay lối kiến trúc nhà trình tường của Người Dao luôn níu chân du khách dừng chân.
* Sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng vì sao du lịch Mẫu Sơn lại phát triển èo uột?
Theo thông kế sở Văn hóa Thể thao du lịch Lạng Sơn, lượng khách đến Mẫu Sơn năm 2018 chỉ vỏn vẹn là 203.100 người. So sánh với những địa danh từng được người Pháp chọn là nơi nghỉ dưỡng như Bà Nà hay Sa Pa thì con số này còn rất khiêm tốn. Theo tính toán, lượng khách đến Sa Pa năm 2018 là 2,4 triệu người còn Bà Nà là khoảng 2 triệu khách, cao gấp hơn 10 lần Mẫu Sơn.
Mẫu Sơn đẹp như tiên cảnh
Còn nếu so sánh với đỉnh Phú Sĩ (Nhật Bản) – điểm đến có tiềm năng và lợi thế như Mẫu Sơn, thì mỗi năm, đỉnh thiêng này chỉ mở cửa hai tháng 7,8 nhưng lượng khách đạt tới 300.000 người, cao gấp rưỡi so với lượng khách tới Mẫu Sơn trong 1 năm.
Lý giải về sự thụt lùi của du lịch Mẫu Sơn, ông Nguyễn Minh Chuyển, Trưởng phòng Quản lý khu du lịch Mẫu Sơn, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Lạng Sơn cho biết:”Mẫu Sơn là vùng núi có nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên so với tiềm năng đó thì thực trạng khai thác du lịch tại Mẫu Sơn chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như mong muốn của khách du lịch.
Hiện Mẫu Sơn chỉ đáp ứng điều kiện ăn, nghỉ cho khoảng 100 khách, phải chia ra các cơ sở lưu trú chứ không đáp ứng một lúc được. Các dịch vụ phục vụ ăn uống, bán hàng, một số cơ sở ăn nghỉ hiện nay đều mang tính tự phát của người dân, chưa có sự đầu tư đồng bộ”.
* Hành trình tiến đến ngôi vương
Sau nhiều năm ngủ đông im lìm, nàng công chúa Mẫu Sơn đã được đánh thức. Năm 2017, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 240/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn đến năm 2030, đặt chỉ tiêu đến năm 2025, Mẫu Sơn sẽ đón khoảng 800.000 lượt khách, trong đó có 35.000 lượt khách quốc tế.
Video đang HOT
Những hàng quán người dân dựng tạm ở khu du lịch Mẫu Sơn
Và mục tiêu đến năm 2030, Mẫu Sơn đón trên 1 triệu khách tới tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó trên 50.000 khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt trên 2.300 tỉ đồng; đến năm 2030 đạt trên 3.400 tỉ đồng.
Mới đây nhất, tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2040 (557/QĐ-TTg). Mục tiêu nhằm phát triển Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, đặc sắc về văn hóa và du lịch sinh thái của vùng trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, UBND tỉnh Lạng Sơn đã cất công tìm kiếm và lựa chọn nhà đầu tư tiềm lực để thổi bùng sức sống mới cho du lịch Mẫu Sơn. Tại Hội nghị xúc tiến thị trường đầu tư tỉnh Lạng Sơn cuối tháng 9 vừa qua, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Lạng Sơn đã trao giấy chứng nhận đầu tư quần thể khu du lịch sinh thái Mẫu Sơn cho Tập đoàn Sun Group – nhà đầu tư hàng đầu Việt Nam về du lịch nghỉ dưỡng.
Sự góp mặt của Sun Group tại Mẫu Sơn được mong đợi sẽ đánh thức nàng công chúa ngủ đông, đưa Mẫu Sơn thành điểm đến hút khách. Lạng Sơn sẽ trở thành trung tâm du lịch vui chơi giải trí được đầu tư quy mô, đẳng cấp với nhiều trải nghiệm độc đáo, thú vị.
Cánh cửa du lịch buồn tẻ ở Mẫu Sơn đang dần đóng lại. Những biệt thự Pháp cổ tiêu điều hay tư duy làm du lịch manh mún, nhỏ lẻ sẽ chỉ còn là còn là câu chuyện quá khứ mà người dân vùng biên viễn sẽ ngại ngùng khi nhắc tới./.
Theo bnews.vn
Nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ và mối duyên nợ chưa bao giờ hết với Việt Nam
Đặt chân đến Việt Nam lần đầu vào năm 2006, Justin Mott lúc đó chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ chuyển hẳn đến đây sinh sống và gây dựng sự nghiệp tại mảnh đất hình chữ S này.
Nhiếp ảnh gia Justin Mott nổi tiếng trong lĩnh vực nhiếp ảnh du lịch. Anh là giám khảo của chương trình Photo Face-Off về lĩnh vực này được phát trên kênh History, các tác phẩm của anh được đăng tải trên rất nhiều trang ảnh nổi tiếng như National Geographic, Hasselblad,...
Justin Mott của 13 năm trước là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đang rong ruổi khắp nơi để tìm nguồn cảm hứng và tích lũy kinh nghiệm, mong muốn tạo được một phong cách riêng để in đậm dấu ấn cá nhân. Nhưng trong một lần trót đặt chân đến Việt Nam, anh đã say đắm vùng đất này để rồi nó trở thành một phần không thể thiếu trong anh.
Ngỡ ngàng với sự hiếu khách khi lần đầu đến Việt Nam
Đối với Justin, anh không biết anh đam mê du lịch hay nhiếp ảnh nhiều hơn, nhưng rõ ràng chúng là hai thứ phải đi cùng với nhau và tạo nên con người anh. Anh chia sẻ: "Nhiếp ảnh du lịch giúp tôi có thể đặt chân đến nhiều vùng đất mới, làm quen với nhiều người mới và giữ cho tâm hồn của mình trẻ mãi. Thành quả đạt được không chỉ là những bức ảnh đẹp mà ở đó còn là những câu chuyện thú vị mà có lẽ mình sẽ không bao giờ biết được trước đó".
Sau thời gian dài "chinh chiến" khắp nước Mỹ và trên thế giới, Justin Mott đến Đông Nam Á và đặt chân đến điểm đầu tiên là Campuchia. Từ thủ đô Phnom Penh, chàng nhiếp ảnh gia lên xe khách xuôi về phương đông để đến được Thành phố Hồ Chí Minh mà không biết rằng chuyến xe đó đã dần mở một chương mới trong cuộc đời anh.
Nhớ lại lúc đó, anh cho biết: "Tôi bắt đầu để ý đến Việt Nam qua phóng sự ảnh về nạn nhân chất độc màu da cam của nhiếp ảnh gia Philip Jones Griffiths. Tôi nhớ rõ mình đã khóc nhiều khi xem những bức ảnh đó và tôi quyết định đến tận nơi để tìm hiểu câu chuyện này".
Những cung đường ngoằn ngoèo nhìn từ trên cao và bố con người dân tộc chạy xe trên con đường đó.
Từ trên cao những cánh đồng và cô bé người dân tộc đứng giữa chúng.
Justin chia sẻ thêm khi đặt chân đến đây vào năm 2006, anh không nghĩ mình sẽ được chào đón nồng nhiệt khi mang trong mình quốc tịch Mỹ - đất nước từng gây nên cuộc chiến ở đây, "Nhưng hóa ra không phải thế, không còn ai nói về chuyện chiến tranh và người dân chào đón tất cả du khách nước ngoài. Tôi không tin được đó là sự thật và tôi càng ngạc nhiên hơn khi đến các vùng núi, mọi người vô cùng thân thiện".
Lúc này, chàng nhiếp ảnh gia may mắn gặp được một cô giáo dạy tiếng Anh ở Hà Nội. Dù chỉ mới gặp gỡ nhưng nữ giáo viên đã giúp đỡ Justin rất nhiều trong việc hỗ trợ tìm kiếm chỗ ở, tìm kiếm nhân vật cho bài viết, giúp vượt qua trở ngại về ngôn ngữ và văn hóa,... 13 năm nhìn lại, Justin nghĩ rằng có lẽ anh đã không ở lại Việt Nam nếu cuộc gặp mặt đó không diễn ra.
Bức ảnh phơi hạt tiêu tại Kiên Giang gây ấn tượng mạnh trên trang National Geographic.
Thiên nhiên vùng núi Tây Bắc hùng vĩ.
Hơn một thập niên sống ở Việt Nam cũng là hơn một thập niên Justin được đắm chìm trong sự hiếu khách của mọi người anh gặp, từ người đi trên phố cho đến hội bạn các tay phó nháy khác. Có lần, anh cùng các nhiếp ảnh gia Việt Nam ngồi nói chuyện với nhau, nhưng chỉ trong tích tắc đã lên lịch cho chuyến đi Hà Giang rồi cả nhóm cùng kéo nhau đi vào hôm sau.
Sau tất cả những gì Việt Nam làm cho mình, Justin cảm thấy nơi đây là một mái ấm và luôn mang suy nghĩ "mắc nợ Việt Nam", phải làm điều gì đó để đáp lại món quà quá to lớn này.
Dự án ảnh vừa trả nợ bản thân, vừa trả nợ Việt Nam
Ở ngưỡng tuổi gần 40, Justin Mott đã chụp hàng vạn bức ảnh, làm việc với hàng ngàn khách hàng nhưng sâu trong anh vẫn có một điều gì đó chưa thật sự hài lòng, đó chính là vẫn chưa tạo được một tác phẩm đủ ấn tượng để có thể tạo nên nét riêng cho bản thân.
Sư thầy đứng ở mõm đá trước biển, qua cái nhìn từ trên xuống và từ dưới lên.
Justin đã đi dọc chiều dài nước Việt Nam, băng qua ba miền Tổ quốc, nhưng vẫn ghi lại hình ảnh những con người đất Việt tuyệt vời, những địa danh và nét văn hóa độc đáo cho các tạp chí nổi tiếng thế giới để quảng bá những điều này ra toàn cầu, nhưng như vậy vẫn là chưa đủ.
"Khi làm nhiếp ảnh gia thương mại và chụp ảnh cho các đối tác khách hàng, bản thân mình phải ý thức được vấn đề về doanh số, mình luôn phải chụp thật khéo sao cho ảnh được bán nhiều nhất cũng như phải chiều theo yêu cầu của khách hàng; từ đó mình không có cơ hội được bộc lộ cá tính riêng.
Từ trên cao và từ bên dưới tại Phú Quốc.
Tương tự với các bức ảnh chụp Việt Nam trước đây, những tác phẩm tạo ra trông hao hao với nhau vì nó đi theo một chuẩn chung của thị trường. Việc phá cách và sáng tạo riêng không phải là quá khó, nhưng như vậy sẽ khó bán được ảnh và không phải ai cũng hiểu được.
Với dự án ảnh "As Above So Below" mới nhất, tôi mong muốn tạo được dấu ấn riêng để vừa trả nợ bản thân, vừa trả nợ Việt Nam vì những gì mà đất nước này đã mang lại, đã cho tôi cơ hội có được ngày hôm nay. Vì đây là dự án cá nhân, nên tôi thực hiện mọi thứ rất chậm rãi nhưng chính xác, đảm bảo mỗi bức ảnh đều có giá trị", Justin Mott chia sẻ.
Những cánh đồng chè phủ đầy sương sớm ở Mộc Châu.
Dự án được khởi động từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, có lẽ nó cũng sẽ chẳng thể hoàn thành khi Justin liên tục mở rộng dự án bằng những bức ảnh mới. Đến nay, anh đã đi đến Mộc Châu, Hà Giang và Phú Quốc để làm bộ ảnh này.
Tuy chưa hoàn thiện, nhưng một số bức ảnh đã xuất hiện trên National Geographic với lời bình có cánh từ biên tập viên của tờ tạp chí danh giá. "Mọi thứ diễn ra thật chậm rãi theo đúng ý tôi và những bức ảnh trong dự án này phản ánh đúng tâm hồn của tôi theo cách tuyệt vời nhất", Justin cho biết.
Chiếc thuyền đánh cá và cơ sở sản xuất nước mắm cá tại Phú Quốc.
"As Above So Below" khai thác góc nhìn độc đáo khi sử dụng một cặp ảnh đi cùng với nhau, một bức chụp từ trên cao trong khi bức còn lại chụp ở mặt đất. Mục đích của việc này chính là cho thấy hai góc nhìn khác nhau của cùng một chủ thể từ đó cho người xem thấy được mối liên hệ giữa chúng.
"Phần lớn các bức ảnh trên cao được chụp bằng drone, những bức ảnh dưới mặt đất được tôi dàn dựng một chút nhưng không phải thuê người mẫu, thuê trang phục và tạo nên một bức ảnh giả mà là canh góc chụp để đảm bảo được bố cục và hướng ánh sáng tốt nhất", anh cho biết.
Tri ân Việt Nam bằng những món quà du lịch
Những tác phẩm của Justin Mott làm say đắm lòng người nhưng anh cho biết sẽ không giữ bản quyền mà để nguyên ảnh gốc để bất cứ ai cũng có thể sử dụng được, dù là với mục đích cá nhân hay thương mại, anh xem đây là một cách để tri ân Việt Nam.
"Tôi muốn tặng những bức ảnh này cho người Việt Nam, tôi không biết mọi người nghĩ về chúng như thế nào và có đón nhận hay không. Mặc dù vậy, đây vẫn là một dự án rất tâm huyết và tôi hy vọng người Việt sẽ thích và treo nó trong nhà của mình", anh tâm sự.
Sống ở Việt Nam 13 năm và đi đến gần như mọi ngóc ngách của nước Việt, Justin nhận thấy rằng dải đất này được thiên nhiên ưu ái cho rất nhiều thứ để phát triển du lịch, nhưng khi du lịch đã phát triển thì kéo theo những mặt tiêu cực như quá tải.
Ngoài dự án ảnh và vai trò nhiếp ảnh gia, Justin Mott cũng mong muốn được trở thành đại sứ du lịch để thông qua các tác phẩm của mình mà giới thiệu Việt Nam đến bạn bè quốc tế rộng rãi hơn. Anh cho biết: "Bằng ngôn ngữ của nhiếp ảnh, tôi muốn bất cứ ai trên thế giới cũng phải đến Việt Nam một lần. Tôi muốn mình là người Mỹ hiểu về Việt Nam nhiều nhất".
Quốc Khánh
Theo saostar.vn
Độc đáo cây chè Tổ ở Suối Giàng Cây chè Tổ ở Suối Giàng, Yên Bái có lá to, dày, màu xanh đậm, sẫm; búp chè to mập mạp, trên mặt lá phủ một lớp lông tơ mỏng giống như tuyết phủ nên được gọi là chè Shan tuyết. Thân cây nhuộm màu trắng mốc, to lớn, một người ôm không xuể. Vào mỗi vụ thu hoạch, người dân phải trèo...