Mẫu máy bay SuperJet và giấc mơ chưa thành của người Nga
Ra đời mang theo hy vọng vực dậy ngành công nghiệp hàng không dân dụng, vốn chưa gặt hái được thành công đáng kể nào sau khi Liên Xô tan rã, song mẫu máy bay thương mại SuperJet SSJ-100 cuối cùng lại bị coi là “giấc mơ chưa thành” của người Nga.
Hôm 5-5, một chiếc Sukhoi SuperJet SSJ-100 của Hãng hàng không Aeroflot bốc cháy sau khi hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Sheremetyevo ở phía Bắc thủ đô Moscow, khiến 41 người thiệt mạng.
Các nguyên nhân có thể của vụ tai nạn thảm khốc đều đang được tính đến kĩ lưỡng. Nhiều nguồn tin từ Ủy ban điều tra Nga tiết lộ, chiếc máy bay đã bị sét đánh khi cất cánh và các nhà điều tra đang tập trung vào giả thuyết phi công đã mắc lỗi khi hạ cánh khẩn cấp chiếc máy bay nặng hàng chục tấn với lượng nhiên liệu quá lớn, khiến khoang nhiên liệu bắt lửa và bị thiêu rụi.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại đang dấy lên nghi án chiếc SuperJet SSJ-100 của người Nga có lỗi kĩ thuật chết người, bởi đây không phải lần đầu tiên một chiếc SSJ-100 gặp sự cố.
Từ hy vọng vực dậy hàng không dân dụng
Hai thập niên sau sự sụp đổ của Liên Xô, công nghiệp hàng không Nga vẫn là một thế lực hàng đầu thế giới về máy bay quân sự, minh chứng cho điều này là các hợp đồng nhiều tỉ USD với các nước trên khắp thế giới, bao gồm cả những đồng minh thân cận nhất của Mỹ.
Máy bay SuperJet của Nga. Ảnh: Sukhoi.
Tuy nhiên, khác với thành công với những mẫu trực thăng tấn công, máy bay chiến đấu khắp thế giới, ngành hàng không dân dụng Nga một thời hùng mạnh chỉ như chơi ở “chiếu dưới” trong nhiều năm liền.
Theo báo cáo của truyền thông Nga, từ năm 1991 đến 2005, các công ty hàng không Nga chỉ xuất xưởng trên dưới 70 đơn vị máy bay thương mại, thuộc những mẫu cũ xuất hiện từ cuối những năm 1980 như Il-96 và Tu-154, vốn bị các nước phương Tây coi là lạc hậu.
Tình trạng này buộc các hãng hàng không quốc gia như Aeroflot hay S7 Airlines phải chuyển sang sử dụng máy bay Boeing hoặc Airbus để phục vụ các chuyến bay ra nước ngoài. Có những thời điểm, máy bay thương mại Nga không còn xuất hiện trên những đường băng lớn thế giới, khiến người ta tưởng rằng người Nga đã quên cách chế tạo máy bay dân dụng.
Tuy nhiên, tình trạng trì trệ này không duy trì quá lâu sau khi Tổng thống Putin nhậm chức. Hơn một năm từ ngày khởi động nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai, vào năm 2006, ông Putin cho sáp nhập các nhà sản xuất máy bay thương mại và quân sự thành một tập đoàn quốc gia có tên gọi United Aviation Corporation (UAC).
Video đang HOT
Theo đó, Sukhoi – tập đoàn chế tạo máy bay quân sự hàng đầu thế giới – được giao là thành viên chính với nhiệm vụ lập tức lấy lại vị trí tiên phong trong việc chế tạo kỹ thuật hàng không dân dụng, cho ra đời những mẫu máy bay có khả năng cạnh tranh cao. Nhà lãnh đạo Nga cũng yêu cầu các chuyên gia lập tức loại bỏ những đề án nâng cấp các thế hệ máy bay cũ với các phương pháp truyền thống như thay động cơ mới, thay đổi kết cấu trên bản vẽ cũ….
Ông Putin khi đó thậm chí đặt mục tiêu chiếm ít nhất 10% thị phần máy bay dân dụng thế giới, đứng thứ ba trong các nước sản xuất máy bay trước năm 2020.
Chiếc SuperJet của hãng Aeroflot cháy rụi nửa thân ở sân bay Sheremetyevo, Moscow. Ảnh: Reuters.
Sau cải tổ, ngành hàng không dân dụng Nga đã có những thay đổi đáng kể phù hợp hơn với thị trường quốc tế. Thay bằng việc tự túc sản xuất tất cả các bộ phận của máy bay như trước, Nga liên kết với các hãng sản xuất máy bay lớn trên thế giới, gồm cả Airbus và Boeing để tìm kiếm những mẫu linh kiện phù hợp.
Vào năm 2007, thời điểm Nga đang trên đà vực dậy nền kinh tế, mẫu máy bay từ Nga có tên SuperJet SSJ-100 bất ngờ cất cánh lần đầu trong sự ngỡ ngàng của quốc tế. Dù do người Nga thiết kế, nhà sản xuất khẳng định họ sử dụng cả những công nghệ phương Tây tối tân cho máy bay.
Trong số này, động cơ của máy bay do PowerJet, một liên doanh giữa công ty động cơ máy bay Safran của Pháp và công ty Saturn, Nga cung cấp; còn hệ thống điều khiển thì được chế tạo với sự giúp đỡ của Airbus. Cũng theo nhà sản xuất, mẫu máy bay được xác định là phi cơ tầm ngắn đến trung, thân hẹp, hai động cơ và có thể chở tối đa 103 người.
Với thiết kế như vậy, mục đích sử dụng chính của SSJ-100 là thay thế những máy bay lớn thực hiện các tuyến ngắn và không quá nhiều người đi nhằm tiết kiệm chi phí. Ngay lập tức, SSJ-100 không những trở thành gương mặt hấp dẫn với các hãng hàng không vừa và nhỏ trên khắp thế giới, mà còn khiến hành khách đi trên máy bay cảm thấy tin tưởng vì nó là thành quả của sự hợp tác quốc tế.
Chỉ trong giai đoạn trước khi chế tạo hàng loạt, có hơn 150 đơn đặt hàng SuperJet SSJ-100 từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ và cả châu Phi được gửi tới trụ sở của Sukhoi ở Moscow. Trong men say chiến thắng, vào năm 2011, người Nga tiếp tục nhận tin Ủy ban An toàn hàng không châu Âu cấp chứng nhận an toàn cho SSJ-100, tức tấm “vé” vận hành trên khắp thế giới.
Vào thời điểm đó, người Nga có lẽ đã tin rằng họ đang sở hữu trong tay một “quân át chủ bài” để đánh bại các đối thủ cùng hạng do công ty Embraer của Brazil và Bombardier của Canada, xa hơn là nhắm tới những mẫu máy bay tương tự do Airbus và Boeing chế tạo.
Đến giấc mơ chưa thành
Vụ cháy cướp đi mạng sống của 41 người trên chiếc SuperJet SSJ-100 ở thủ đô Moscow, Nga hôm 5-5 là thảm kịch thảm khốc nhất của mẫu máy bay Nga sau khi nó được đưa vào khai thác thương mại. Song đó không phải vụ tai nạn đầu tiên với mẫu máy bay này. Kể từ khi còn đang thử nghiệm tới lúc đi vào vận hành, SSJ-100 đã gặp phải nhiều sự cố.
Năm 2010, một năm trước khi máy bay được bàn giao cho khách hàng Aeroflot, một cuộc điều tra tại nhà máy sản xuất máy bay Komsomolsk của Sukhoi cho thấy ít nhất 70 nhân viên nhà máy sử dụng bằng giả. Trong số này, không ít người góp phần chế tạo ra những chiếc SSJ-100, dấy lên nghi ngờ về độ an toàn của máy bay.
Việc bị cấm vận bởi phương Tây khiến các hãng hàng không gặp khó trong tìm kiếm linh kiện thay thế trên SuperJet. Ảnh: RT.
Đến năm 2012, chiếc phi cơ SSJ-100, khi đang trong hành trình đi tìm kiếm khách hàng Đông Nam Á, thì bất ngờ đâm vào vách núi Salak ở Indonesia trong một sự kiện bay biểu diễn khiến tất cả 37 hành khách và 8 thành viên tổ bay thiệt mạng.
Vụ tai nạn được kết luận là do lỗi của con người khi phi hành đoàn bỏ qua 6 cảnh báo địa hình từ hệ thống và không tuân thủ quy trình chống xao lãng khi vận hành máy bay. Tuy nhiên, đối với một chiếc máy bay mới ra mắt, vụ tai nạn trên đã khiến nhiều hành khách không còn sẵn lòng bước lên SSJ-100.
Trong giai đoạn vận hành thương mại tiếp theo, SSJ-100 gặp một loạt sự cố nhỏ liên quan đến càng đáp, sự cố với hệ thống điều áp hay các hệ thống điện tử. Chiếc máy bay hạ cánh khẩn cấp nhiều đến nỗi vào tháng 2-2014, Ủy ban Hàng không Liên quốc gia buộc phải ra thông cáo bày tỏ quan ngại về số sự cố cao bất thường liên quan tới SSJ-100.
Theo Aerotime, một số nhà khai thác SSJ-100 đã phàn nàn về độ tin cậy của phi cơ, dẫn tới việc giảm số lượng đặt hàng, thậm chí hủy đơn hàng. Thêm vào đó, họ cũng phàn nàn việc đặt hàng phụ tùng máy bay từ nhà cung cấp quá khó khăn, làm giảm khả năng sẵn sàng phục vụ.
Cần lưu ý rằng, từ giai đoạn 2014, Nga liên tiếp vướng phải các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, khiến họ buộc phải tự tìm cách thay thế những linh kiện nước ngoài trên SSJ-100. Tháng 9-2018, khách hàng lớn nhất của SSJ-100, cũng là hãng hàng không lớn nhất Nga Aeroflot đặt hàng 100 chiếc SSJ-100.
Tuy nhiên, vào tháng 10 và tháng 11-2018, một trong những khách hàng lớn nhất của Sukhoi, Công ty Cho thuê Vận tải Nhà nước Nga (STLC), lại trình hai yêu cầu bồi thường liên tiếp với tổng giá trị lên tới 7,7 triệu USD vì Sukhoi không thể hoàn thành 30 chiếc SSJ-100 cho họ đúng hạn hợp đồng.
Vận đen tiếp tục đến với SSJ-100 từ giữa năm ngoái khi nhiều nhà khai thác tiếp tục phàn nàn về việc động cơ của liên danh Nga-Pháp PowerJet trên các máy bay của họ “cho thấy sự hao mòn sớm sau 2.000-4.000 giờ bay, mặc dù các nhà sản xuất cho rằng động cơ này được thiết kế để hoạt động trong 7.500-8.000 giờ”.
Buồng lái hiện đại của máy bay SuperJet. Ảnh: Twitter.
Tháng 11-2018, Hãng hàng không Bỉ Brussels Airlines thông báo những vấn đề liên tục xảy ra với 4 chiếc SSJ-100 khiến họ từ chối gia hạn hợp đồng thuê và họ chọn mẫu Bombardier CRJ-900 để thay thế. Cách đây vài tuần, Hãng hàng không quốc gia Slovenia Adria Airways cũng nối gót Brussels Airlines khi ra quyết định xé bỏ hợp đồng thuê 15 chiếc SSJ-100 và viện dẫn lý do từ “sự thiếu tầm nhìn chung về chiến lược phát triển máy bay” với nhà sản xuất…
Lật lại vụ cháy máy bay SSJ-100 của Aeroflot hôm 5-5, dù rằng nhiều nhân chứng nói rằng chiếc máy bay bị sét đánh trúng, cùng với quyết định vội vàng của phi công đã gây ra thảm kịch. Tuy nhiên, một số người khác chỉ trích chiếc máy bay dường như có lỗi thiết kế trong hệ thống điện, khiến nó trở nên quá mỏng manh trước các yếu tố bên ngoài như sét đánh.
Hiện các nguyên nhân đều đang được điều tra, song nếu giới chức Nga xác nhận việc chiếc SSJ-100 bốc cháy làm 41 người thiệt mạng do lỗi kĩ thuật thì đó có thể là một dấu chấm hết với loại máy bay từng được coi là “niềm hy vọng” của người Nga trên thị trường quốc tế. Nhìn từ bài học Boeing 737 MAX mới đây, bất cứ loại máy bay nào không đạt được niềm tin của khách hàng thì sẽ đều đối mặt với kết cục duy nhất là bị loại bỏ.
Bởi vậy, có thể nói, sự ra đời của SuperJet SSJ-100 đã khiến người Nga tự hào rằng họ không hề từ bỏ trong cuộc đua cam go ở một ngành công nghiệp được đánh giá là “sân chơi” chỉ dành cho những ông lớn.
Tuy nhiên, để giành được vị trí xứng đáng trên thị trường hàng không dân dụng như mong muốn của Tổng thống Putin, người Nga cần nỗ lực hơn nữa với các mẫu máy bay đời mới, thay vì đưa ra bất kì quyết định nào bất ngờ. Nhiệm vụ này hiện ngày càng khó khăn hơn khi mà nước Nga còn đang đau đầu vật lộn với gói lệnh cấm vận gắt gao từ Mỹ và châu Âu.
Thiện Minh
Theo cand.com.vn
Tuyên bố sốc: Ukraine sẽ không tồn tại nếu chiến tranh với Nga
Ukraine sẽ không tồn tại nữa nếu xảy ra chiến tranh với Nga, cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Ukraine Igor Smeshko tuyên bố trên kênh truyền hình "112 Ukraine".
Binh sĩ Ukraine.
"Chúng ta không thể cho thấy bất kỳ thành công nào, cả trong kinh tế lẫn về phát triển lực lượng vũ trang. Đúng, giờ đây chúng ta có thể tạm kiềm chế các nhóm đối lập ở Donetsk và Lugansk. Tuy nhiên, ai cũng biết rõ rằng theo lý thuyết nếu Liên bang Nga huy động lực lượng Không quân tiến hành chiến dịch tấn công thì quân đội của chúng ta đơn giản là sẽ không trụ nổi", ông tuyên bố.
Smeshko nhận định, chi phí ngân sách quân sự của đất nước là không hiệu quả và lý giải nguyên nhân do "không minh bạch". Chẳng hạn, theo lời ông, ở Mỹ chỉ phân bổ 1,5-2% GDP hàng năm cho quốc phòng và trên trang web của Quốc hội Mỹ kê khai rõ về những khoản mua sắm bằng tiền ngân sách "đến tận từng xu", trong khi đó dự thảo ngân sách của Ukraine cho năm 2019 trong lĩnh vực quân sự cấp đến 5,3% GDP nhưng không ai biết chi tiêu những gì.
Kiev thường xuyên tung ra những lời cáo buộc khác nhau không hề có chứng cứ chống Moscow, kể cả tội "can thiệp" vào các vấn đề nội bộ, tham gia cuộc xung đột ở đông-nam đất nước, tiến hành "cuộc chiến lai" gián điệp và tội phạm mạng... Phía Nga phủ nhận những cáo buộc phi lý này và gọi các tuyên bố tương tự là luận điệu vu khống trắng trợn không thể chấp nhận.
Theo Danviet
Nga tiết lộ đáng sợ về cuộc oanh tạc của Mỹ ở Euphrates, Syria Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã nối lại các cuộc oanh tạc ở phía Đông sông Euphrates ở Syria và đang sử dụng cả bom phốt pho trắng (vũ khí bị cấm), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết. "Người Mỹ đã nối lại các cuộc không kích vào các khu định cư bị khủng bố...