Mẫu iPod bí ẩn ngoài tầm kiểm soát của Steve Jobs
Nhà thầu của Bộ Năng lượng Mỹ từng phát triển một mẫu iPod riêng và chỉ bốn người tại Apple biết về dự án này, trong đó không có Steve Jobs.
“Đó là một ngày âm u cuối năm 2005. Tôi đang ngồi viết code cho mẫu iPod chuẩn bị ra mắt năm sau. Giám đốc iPod Software bất ngờ vào phòng, đóng cửa và nói thẳng vấn đề. Ông ấy giao nhiệm vụ đặc biệt cho tôi, nhiệm vụ mà ngay cả cấp trên của tôi cũng không biết: hỗ trợ hai kỹ sư thuộc Bộ Năng lượng Mỹ phát triển một mẫu iPod đặc biệt. Tôi sẽ báo cáo trực tiếp với ông ấy”, David Shayer, cựu kỹ sư Apple, tiết lộ hôm 17/8.
Hôm sau, lễ tân thông báo có hai người đàn ông đang chờ Shayer bên ngoài. Ông gặp Paul và Matthew, hai kỹ sư tham gia chế tạo chiếc iPod này.
“Tôi rất muốn mô tả họ đeo kính đen, mặc áo choàng và liên tục theo dõi xung quanh như trong phim trinh thám, nhưng thực tế họ là những kỹ sư ngoài 30 tuổi và trông rất bình thường. Tôi ký sổ tiếp nhận họ và chúng tôi vào phòng họp”, Shayer nhớ lại.
Một mẫu iPod năm 2005. Ảnh: Flickr/Pororinkaori.
Hai kỹ sư này không thuộc biên chế Bộ Năng lượng Mỹ, họ làm việc cho chi nhánh của Bechtel, một nhà thầu lớn của cơ quan này. Paul và Matthew muốn bổ sung một số phần cứng riêng vào iPod, cũng như xây dựng phương án ghi dữ liệu từ thiết bị này vào ổ cứng iPod mà không bị phát hiện. Tuy nhiên, chiếc iPod bí ẩn vẫn phải có vẻ ngoài và hoạt động như mọi chiếc iPod trên thị trường.
Video đang HOT
“Họ làm tất cả mọi việc. Nhiệm vụ của tôi là hỗ trợ những gì họ cần từ Apple”, Shayer nói.
Quan chức Bộ Năng lượng Mỹ có vẻ đã liên hệ với Phó chủ tịch phụ trách phần cứng của Apple, đề nghị tập đoàn hỗ trợ chế tạo chiếc iPod này. Lãnh đạo Apple sau đó chuyển yêu cầu tới Phó chủ tịch bộ phận iPod, mệnh lệnh được chuyển tiếp cho Giám đốc iPod Software và cuối cùng là Shayer.
Dự án không phải thỏa thuận công khai với Bechtel, mà là Apple đang bí mật hỗ trợ Bộ Năng lượng Mỹ. “Sếp tôi nhận thông báo rằng tôi đang tham gia một dự án đặc biệt và được yêu cầu không hỏi thêm gì”, Shayer nói thêm.
Paul và Matthew được cấp một văn phòng trống trong tòa nhà. Shayer yêu cầu bộ phận kỹ thuật nối dây mạng vào văn phòng, cho phép họ kết nối với mạng Internet bên ngoài và không truy cập được mạng nội bộ Apple. Họ cũng không được tiếp cận máy chủ chứa mã nguồn, mà nhận một đĩa DVD chứa bản sao mã nguồn và được yêu cầu không mang nó ra khỏi tòa nhà Apple.
Apple không cung cấp công cụ phần cứng hay phần mềm cho họ. Shayer đưa thông số kỹ thuật của máy tính chạy Windows mà hai kỹ sư cần, cùng trình biên dịch ARM và gỡ lỗi JTAG. Họ cũng tự mua ít nhất hàng chục chiếc iPod ngoài thị trường để thử nghiệm.
An ninh trong tòa nhà Apple được duy trì nghiêm ngặt. Chỉ những nhân viên được cấp thẻ mới mở cửa ra vào tòa nhà. Ở mỗi tầng cũng có một cửa kiểm soát thẻ, chỉ những người được phép ra vào tầng đó mới có thẻ.
Hàng ngày, Paul và Matthew phải chờ Shayer ở sảnh lễ tân vì không có thẻ. Kỹ sư Apple ký giấy xác nhận họ là khách vào tòa nhà và đưa họ đến văn phòng. Cuối cùng ông lấy thẻ dành cho nhà cung cấp sản phẩm của Apple cho họ để đơn giản hóa việc ra vào.
Sau vài tháng làm việc, Paul và Matthew hoàn tất quá trình tích hợp phần cứng riêng vào chiếc iPod và kết thúc dự án. Họ chuyển máy tính và thiết bị dò lỗi về văn phòng Bechtel ở Santa Barbara, sau đó trả đĩa DVD cùng thẻ ra vào cho Shayer. Paul và Matthew nói lời tạm biệt kỹ sư Apple và họ không bao giờ gặp lại nhau.
Shayer không biết chiếc iPod được dùng làm gì và đoán nó là thiết bị đo phóng xạ bí mật, cho phép nhân viên Bộ Năng lượng Mỹ có thể tùy ý sử dụng mà không sợ người xung quanh để ý. “Bạn có thể vô tư đi quanh thành phố và nghe nhạc, đồng thời thu thập dữ liệu để tìm kiếm dấu vết chất phóng xạ bị đánh cắp hoặc vận chuyển trái phép, cũng như bằng chứng về những chương trình chế tạo bom bẩn”, Shayer nói.
Bộ Năng lượng chịu trách nhiệm quản lý các chương trình năng lượng và vũ khí hạt nhân của Mỹ, trong đó có cả Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, nơi phát triển quả bom nguyên tử đầu tiên của nước này. Ngân sách của Bộ Năng lượng Mỹ năm 2005 là 24,3 tỷ USD, trong đó 9 tỷ USD được đề xuất phục vụ mục tiêu quốc phòng, duy trì yêu cầu về răn đe hạt nhân theo Đánh giá Năng lực Hạt nhân Quốc gia, cũng như bảo đảm chiến lược loại bỏ mối đe dọa về vũ khí hủy diệt hàng loạt.
“Chỉ có bốn người ở Apple biết về dự án này. Tất cả chúng tôi đều đã rời tập đoàn. Hoàn toàn không có dấu vết trên giấy tờ, mọi liên lạc đều thông qua gặp mặt trực tiếp. Nếu bạn hỏi Apple về mẫu iPod trên, họ sẽ từ chối bình luận hoặc nói không có tài liệu nào về dự án như vậy. Nhưng giờ các bạn đã biết là nó có thật”, Shayer cho hay.
Tony Fadell, Phó chủ tịch bộ phận iPod của Apple khi đó, cũng xác nhận thông tin về chiếc iPod bí ẩn, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.
Chữ 'i' trên iPhone, iPad nghĩa là gì
Chữ "i" trên thiết bị Apple ban đầu được Steve Jobs dùng cho các sản phẩm có kết nối Internet, nhưng sau này sử dụng để nhận diện thương hiệu.
Apple đã có một loạt thiết bị với chữ "i" đứng đầu, bao gồm iPhone, iPad, iPod hay iMac. Một số sản phẩm đã bị "khai tử" như máy tính xách tay iBook hay phần mềm iTunes cũng có tiền tố "i".
Steve Jobs trên sân khấu ra mắt iPhone năm 2007.
Trở lại năm 1998, Steve Jobs đã giới thiệu iMac, mẫu máy tính cá nhân với lớp vỏ nhựa trong suốt màu kẹo, ưu tiên trải nghiệm người dùng, bộ xử lý tốc độ cao nhất thời bấy giờ và đặc biệt là khả năng truy cập Internet. Trong buổi ra mắt, Jobs cũng xác nhận "i" chính là "Internet" và "số một". "Chúng tôi đang nhắm mục tiêu là số một của người dùng, là một chiếc máy tính để truy cập Internet", Jobs nói.
Tuy nhiên, sau đó Jobs cũng nhấn mạnh chữ "i" còn đứng trước bốn từ có ý nghĩa khác, gồm Individual (cá nhân), Instruct (gợi ý), Inform (thông báo) và Inspire (truyền cảm hứng).
Tuy nhiên, khi Apple tạo ra những sản phẩm tốt hơn cả kỳ vọng, mục tiêu "kết nối Internet" ban đầu của Jobs không còn phù hợp. Những thiết bị sau này hầu hết đều có tiền tố "i" và theo Reader Digest, giờ đây nó được sử dụng để nhận diện thương hiệu của Apple. Thực tế, iPod đời đầu (ra mắt 2001) không có khả năng kết nối mạng, nhưng nó vẫn được đặt tên theo các "đàn anh".
Dù vậy, theo Mashable, nhiều thiết bị đời sau, như MacBook, hoặc mới hơn có đồng hồ Apple Watch, loa thông minh HomePod không có chữ "i". Gần đây, iTunes cũng bị phân tách thành các dịch vụ là Music, Podcast, TV với cách đặt tên mới. Một số ý kiến cho rằng nhiều khả năng đây là những thương hiệu đã bị đăng ký bản quyền, hoặc có thể Apple muốn đổi mới chính mình.
Bảo Lâm
Nhìn lại lịch sử iPhone: Khởi nguồn của smartphone hiện đại, định nghĩa lại nền di động thế giới Cách đây 13 năm, Steve Jobs đã khiến giới công nghệ "phát cuồng" khi trình làng mẫu iPhone đầu tiên, chiếc điện thoại di động có thể truy cập internet kiêm máy nghe nhạc iPod thời thượng. Năm 2007, cựu CEO quá cố của Apple, Steve Jobs đã đặt nền móng đầu tiên cho iPhone. Đến nay, nó đã thay đổi rất nhiều...