Máu HIV dính vào vết thương hở có lây không?
Tay tôi bị xước rất nhỏ (dài 1 cm, rộng 0,1 mm), sau khoảng 2 giờ thì bị máu của người HIV bắn vào. 2 phút sau, tôi đã rửa vết thương rất sạch.
Giờ tôi rất hoang mang, xin bác sĩ tư vấn giúp tôi có bị lây HIV không? (Hoan)
Ảnh minh họa: Health.
Trả lời:
Chào anh,
Tình huống của anh có thể được xem là phơi nhiễm có ý nghĩa, vì trong đó, máu có HIV dây vào vết thương hở trên da.
Những trường hợp phơi nhiễm do dây máu vào vết thương nói riêng, hay bất cứ tiếp xúc với máu khác, thì khả năng lây nhiễm HIV còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cụ thể trường hợp này là độ nông sâu và rộng của vết thương, thời gian tiếp xúc với máu có HIV, nồng độ virus trong máu người nhiễm… Các yếu tố kể trên khiến cho nguy cơ nhiễm HIV dao động 0,3-0,5% cho một lần phơi nhiễm như vậy.
Xử trí ban đầu của anh là hoàn toàn chính xác, việc gột rửa vết thương bằng vòi nước sạch thật sớm ngay khi tiếp xúc với máu sẽ làm giảm đáng kể thời gian tiếp xúc. Như phân tích, khả năng lây nhiễm là có nhưng “không hoàn toàn” và đủ chỉ định để điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV. Vấn đề lúc này là chọn lựa của anh có tham gia vào điều trị dự phòng hay không? Điều này phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro, điều kiện kinh tế, tình trạng tâm lý…
Nếu muốn tham gia điều trị, anh có thể đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Nhiễm, ví dụ bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, thành, hay Bệnh viện Nhiệt đới nếu anh đang ở TP HCM.
Video đang HOT
Lưu ý, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho kết quả tốt hơn nếu được sử dụng càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vài giờ đầu, và không quá 72 giờ tính từ lúc phơi nhiễm.
Thân ái.
Theo VNE
Cách sơ cứu khi trẻ bị thương
Trường hợp trẻ gặp những thương tích bất ngờ bạn cần hết sức bình tĩnh và thực hiện các bước sơ cứu kịp thời nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc. Dưới đây là những điều cần lưu ý trong năm trường hợp bị thương phổ biến ở trẻ.
Bị thương ở đầu
Nếu quan sát thấy trẻ vẫn tỉnh táo bạn có thể dùng đá lạnh chườm lên vùng bị va chạm khoảng 20 phút để giảm sưng tấy.
Nếu bạn thấy trẻ có những biểu hiện như: con ngươi mắt trẻ lúc to lúc nhỏ hoặc không có phản ứng với ánh sáng; nôn ói hoặc không muốn ăn uống, chóng mặt, đau đầu với cấp độ ngày càng tăng hoặc trẻ bị mất ý thức hãy lập tức gọi cấp cứu.
Trong vòng 24 giờ sau khi bị va đập cách vài tiếng bạn lại kiểm tra trẻ một lần.
Không nên: Không để trẻ ngủ giấc quá dài, cứ cách bốn tiếng lại gọi trẻ dậy để kiểm tra.
Cho dù thấy trẻ có dấu hiệu chuyển biến tốt cũng không nên để trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao hoặc vận động mạnh.
Vết thương hở hoặc trầy xước
Nếu vết thương chảy máu bạn có thể dùng miếng vải sạch bịt trực tiếp vào miệng vết thương giữ trong 5 - 10 phút để cầm máu. Nếu máu không ngừng chảy thì hãy lập tức nhờ sự can thiệp của bác sĩ.
Trường hợp trong miệng vết thương có dị vật nhỏ bạn có thể dùng rượu cồn thanh trùng chiếc nhíp nhỏ rồi gắp dị vật ra. Dùng nước ấm có hòa chút xà bông để rửa vết thương, sau đó dùng bông gạc thấm khô nhẹ nhàng. Thoa lên một chút thuốc mỡ kháng viêm rồi dùng băng cá nhân dán lên miệng vết thương, mỗi ngày thay băng một lần.
Không nên: Không dùng cồn hoặc rượu trực tiếp rửa lên vết thương vì sẽ khiến trẻ bị đau rát.
Chảy máu mũi
Nếu trẻ có kèm theo các biểu hiện như nôn ói, sắc mặt tái đi bất thường hoặc ra nhiều mồ hôi thì bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Nếu không có gì bất thường bạn có thể để trẻ hơi hướng đầu về phía trước, rồi bóp lỗ mũi lại để trẻ thở bằng miệng, giữ nguyên tư thế trong khoảng mười phút. Nếu sau 10 phút máu vẫn không ngừng chảy bạn hãy lặp lại động tác trên thêm một lần nữa, nếu vẫn không có chuyển biến cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Không nên: Không nên để trẻ nằm thẳng hoặc ngửa cổ lên vì như vậy máu sẽ chảy vào cổ họng. Cũng không nên dùng khăn giấy khô nhét vào lỗ mũi trẻ vì có thể làm miệng vết thương rách ra một lần nữa. Thay vào đó bạn nên dùng băng gạc ẩm có thấm loại thuốc cầm máu mũi chuyên dụng để nhét vào lỗ mũi.
Bị bỏng
Dùng nước lạnh xối lên vùng bị thương trong vài phút, sau đó lau khô nhẹ nhàng bằng khăn bông sạch. Dùng băng cá nhân hoặc băng gạc tiệt trùng che vết thương lại. Ngoài ra có thể dùng thêm loại thuốc chống viêm dành cho trẻ em. Nếu vết thương lớn có nổi bọc nước hoặc tiết dịch hay sưng tấy gây đau đớn trong vài giờ liên tiếp thì bạn nên nhờ bác sĩ can thiệp xử lí.
Không nên: Không bôi các loại thuốc mỡ Neosporin vì sẽ làm giảm khả năng phân tán nhiệt của vùng bị thương. Không dùng các phương pháp dân gian chưa qua kiểm chứng bôi lên vết thương vì có thể gây nhiễm trùng vết bỏng.
Bị kẹp ngón tay hoặc ngón chân
Nếu ngón tay và ngón chân bị biến dạng, phần móng bị xô lệch hoặc tụ máu dưới móng nhiều hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chữa trị. Chườm lạnh để tiêu sưng.
Nếu vết thương chảy máu thì sau khi dùng nước xà bông rửa sạch, hãy dán băng lên vùng vết thương hở để bảo vệ.
Nếu sau 72 giờ vết thương càng tấy đỏ gây đau đớn, mưng mủ hoặc trẻ bị sốt có nghĩa là vết thương đã bị nhiễm trùng hãy đưa trẻ đến bệnh viện điều trị.
Không nên: Không nên tự nắn khớp hoặc kéo thẳng ngòn tay ngón chân bị thương, chỉ
có các bác sĩ có chuyên môn mới tiến hành được phương pháp này.
Hoàng Hoa
Theo Sina