‘Màu cỏ úa’: Thông điệp ‘không gục ngã’ từ cuộc đời nhạc sỹ Trần Tiến
80 phút của bộ phim mang lại cảm xúc bồi hồi và hoài niệm, ra mắt sau khi những cơn bàn tán về sức khỏe của người nghệ sỹ còn chưa nguôi ngoai, từ trong giới văn nghệ sỹ tới người hâm mộ.
Nhạc sỹ Trần Tiến trong một cảnh phim. (Ảnh chụp màn hình)
Trong buổi công chiếu phim “Màu cỏ úa” về nhạc sỹ Trần Tiến tại Hà Nội cuối tháng 11 vừa qua, cháu gái ông – ca sỹ Hà Trần khẳng định chú mình hiện đã ổn sau hàng loạt những tin đồn về sức khỏe. Tuy nhiên, khi cô định chia sẻ về tình hình bệnh trước đó của chú mình thì nhạc sỹ Nguyễn Cường ngăn lại.
Thể theo đúng mong muốn của bạn, thành viên “Bộ tứ sông Hồng” khăng khăng rằng cô không nên nói gì cả, dù bây giờ bạn ông đã khỏe. Nghe được thông tin ấy, cả khán phòng phần nào được cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Hiện nay, “Màu cỏ úa” đã có kế hoạch ra rạp để phục vụ khán giả. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, phim được chiếu ở rạp DCine Bến Thành (số 6 Mạc Đĩnh Chi, Bến Nghé, Quận 1) từ 24/11 với 2 suất chiếu cố định mỗi ngày, lúc 18 giờ 30 và 20 giờ 10.
Ở Hà Nội, phim dự kiến ra rạp tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (số 87 Láng Hạ, quận Ba Đình) kể từ 4/10, giờ chiếu phim sẽ được cập nhật sớm nhất.
Không gục ngã
“Màu cỏ úa” là bộ phim tài liệu dài 80 phút về nghệ sỹ Trần Tiến của đạo diễn trẻ Lan Nguyên cùng nhà sản xuất Silver Moonlight, ra mắt khán giả cuối tháng 11 năm nay. Tựa phim gợi nhiều cách liên tưởng, một trong số đó là nói đến màu áo lính – một thời bom đạn gắn liền và có ảnh hưởng rất lớn tới ông cũng như những sáng tác của ông.
Phim không nhằm kể lại tiểu sử cuộc đời ông mà là hành trình theo chân nhạc sỹ suốt 5 năm, hơn 15 đợt ghi hình, kể những lát cắt cuộc đời: Những cuộc du ca tuổi già, cuộc vui, giao lưu chia sẻ, ca hát của ông với ê-kíp, bạn bè và các anh em nghệ sỹ. Hành trình bắt đầu từ năm 2015 khi Lan Nguyên 25 tuổi, đến đầu 2020, “Màu cỏ úa” về cơ bản hoàn thành.
Đạo diễn Lan Nguyên. (Ảnh: NVCC)
Trong 5 năm quay làm phim, có thời gian dài tới cả năm, Lan Nguyên không thể liên lạc với nhạc sỹ do sức khỏe của ông quá yếu. Thế nhưng, đến khi bộ phim thành hình, một trong những lời nhắn nhủ của nhạc sỹ mà người xem nhớ mãi chính là “Con người không lớn lên trong bão tố, không lớn lên trong chiến tranh. Con người lớn lên trong nỗi cô đơn của mình, nếu mà không tuyệt vọng. Tôi ơi, đừng tuyệt vọng là vì vậy.”
Nhà báo Chu Minh Vũ – biên tập viên các chương trình ca nhạc giải trí của VTV – cho biết trong thời gian mọi người bàn tán nhiều nhất về sức khỏe của nhạc sỹ Trần Tiến, ông đã viết một ca khúc mới mang tên “Đừng gục ngã,” hiện đã được gửi cho các nhạc sỹ để thu âm nhưng chưa công bố.
Giống như tựa đề, đến nay, ông vẫn truyền đi những thông điệp vô cùng mạnh mẽ: Không gục ngã trong bất cứ hoàn cảnh nào.
“Bản thân ông là người đã trải qua rất nhiều giai đoạn với biến động lịch sử lớn như chiến tranh và thời kỳ đổi mới – quãng thời gian mà đối với người nghệ sỹ, có lẽ là bi kịch khi không được cất lên tiếng nói của mình. Trong những thời điểm đó, ông đều không gục ngã để cất lên tiếng lòng vị nhân sinh,” nhà báo Chu Minh Vũ nói thêm.
“Mỗi bài hát đều nói hộ một ai đó: Từ những người lính hậu chiến, những em bé mồ côi bán vé số, những người nghèo… ai cũng có thể tìm thấy chính mình trong âm nhạc của Trần Tiến ,” anh khẳng định. Để viết được những gì như nhạc sỹ Trần Tiến đã viết đều là nhờ có trải nghiệm cuộc sống sâu sắc.
Đó chính là tinh thần mà Lan Nguyên cảm nhận vô cùng thấm thía. Hồi nhỏ, cô bé Nguyễn Thúy Lan (tên thật của đạo diễn Lan Nguyên) từng rất “nghiện” xem truyền hình và thường được nghe nhạc của Trần Tiến. Khi đã lớn, trở thành một biên tập viên truyền hình, thế hệ của ông không còn xuất hiện nhiều trên tivi nữa, cô gái tìm đến người nghệ sỹ.
Về phía nhạc sỹ Trần Tiến, chỉ khi nghe được sự trong sáng mà cô thể hiện trong ca khúc “Tạm biệt chim én” của mình, ông mới chấp thuận cho cô gái cùng ê-kíp theo chân mình suốt 5 năm để làm bộ phim tài liệu.
Nghe ca khúc do Lan Nguyên trình bày:
Bản nhạc mà nghệ sỹ Trần Tiến nghe chính là demo (bản thử nghiệm) mà Lan Nguyên hát cùng một người bạn trong Đội văn nghệ trường, cho Đêm nhạc chuyên đề “Những ngày tuổi trẻ” vào tháng 5/2013 tại trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, nơi cô từng theo học.
Đây cũng chính là ca khúc đầy vang vọng, da diết được phát ở phần credit cuối phim (phần danh đề, ghi tên những người/đơn vị có công thực hiện, giúp đỡ bộ phim).
Nhạc về/dành cho những gì trong sáng nhất
Hẳn khán giả còn nhớ hình ảnh “cô bé nhìn qua khe, nghe tiếng đàn của tôi, chú bé trèo cành me, mắt xoe tròn lắng nghe” trong ca khúc “Mặt Trời bé con.” Đó đều là những hình ảnh trẻ thơ rất ngây ngô, trong sáng, có chút tò mò và phấn khích, háo hức.
Sở dĩ người viết nhắc lại hai câu hát đó vì trong “Màu cỏ úa,” Lan Nguyên được giới thiệu về một nhân vật rất thú vị. Dù không phải “bé con” mà là một người đàn ông đã cận lão niên, ông cũng ngồi trên cây me và say mê nói về âm nhạc cũng như con người của Trần Tiến.
Nhạc sỹ Trần Tiến trong một chuyến du ca. (Ảnh chụp màn hình)
Đó là một người đồng đội ở chiến trường xưa, đặc biệt yêu quý, cảm mến người nhạc sỹ và các tác phẩm của ông. Người đồng đội cũ này sống cách nhạc sỹ chỉ vài căn nhà tại vùng đất Vũng Tàu – nơi nhạc sỹ đang an nghỉ tuổi già.
Tới nơi, Lan Nguyên cùng người quay phim ông được dẫn lên “ngôi nhà” mà ông dựng trên cây me trong vườn của mình. “Đó là một ‘ngôi nhà’ nhỏ xíu, có lẽ chủ ngồi đủ vừa cho 3 người. Nó nhỏ tới nỗi tôi không có chỗ để chụp lại cái ảnh. Bay flycam [thiết bị camera có thể điều khiển cho bay lên-PV] thì kỳ quá!”
Đoạn phim về người đàn ông này có nhiều điều thú vị, khi đồng cảm với những chia sẻ của ông, cảm xúc của người xem cũng có thể được đẩy lên cao trào, hào hứng không kém.
Yêu mến và ngưỡng mộ người nghệ sỹ như vậy, Lan Nguyên khẳng định còn nhiều điều chưa biết về người nghệ sỹ. “Cái mình chưa biết lớn nhất là nỗi niềm của ông quá lớn, thật sự mình vẫn chưa cảm nhận được hết được toàn bộ những điều ông truyền tải qua âm nhạc, chưa biết rằng để sáng tác ra những bài hát như thế, ông đã phải trải qua những gì, nỗi niềm ông chứa đựng những gì,” chị nói.
Với tinh thần tôn trọng quá khứ, đạo diễn quyết định giữ nguyên hiện trạng những đoạn tư liệu về những chuyến du ca, nhiễu, mờ chứ không xử lý giảm nhiễu, chuyển sang màu đen trắng.
Bên cạnh đó còn có những cảnh quay mang chủ ý riêng của Lan Nguyên . “Có những cảnh quay nho nhỏ mà chú rất thích, hình ảnh ở hồ Tây, hình ảnh trên cầu Long Biên, đoạn phim về đoàn tàu… đều là những tiểu tiết mà chú cảm nhận được,” cô ánh lên niềm tự hào khi những cảnh quay ấy được nhạc sỹ khen.
Xem trailer phim “Màu cỏ úa” :
Sinh ra bên dòng sông để trở về với biển sau một đời người, nhạc sỹ Trần Tiến chuyển tới sống ở Vũng Tàu đã 10 năm nay. Ông vẫn viết nhạc, viết thêm cả sách nhưng dường như không tính đến chuyện xuất bản. Đầu năm 2019, nhạc sỹ Trần Tiến xuất hiện trên sóng truyền hình của chương trình “Ký ức vui vẻ,” vẫn hào sảng, ca hát và chia sẻ về những bài hát của mình.
Đầu tháng 10/2020, thông tin ông mắc ung thư vòm họng rộ lên khắp nơi khi có người thấy Hà Trần đưa ông đi khám bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bấy giờ, nhạc sỹ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cùng giới nghệ sỹ mới biết tin Trần Tiến ốm nặng nhưng vì lòng tôn trọng mà không muốn hỏi sâu để tránh làm phiền.
Ngay sau đó, ca sỹ Hà Trần đã đính chính rằng cô đưa ông đi khám vì một bên mắt bị mờ chứ không có chuyện bị ung thư vòm họng. Hiện nay, ông được xác nhận là đã khỏe trở lại./.
Hàng trăm khán giả 'cháy' với âm nhạc và bộ phim về nhạc sỹ Trần Tiến
Tối 23/11, tại rạp phim Dcine Bến Thành (TPHCM), hàng trăm khán giả đã tới dự buổi chiếu ra mắt bộ phim tài liệu Màu cỏ úa với nhân vật chính trong phim là nhạc sỹ Trần Tiến và âm nhạc của ông. Đây là lần đầu tiên, người nhạc sỹ tài danh được gọi là "Gã du ca xuyên thế kỷ" được lên phim.
Đông đảo khách tới với phim về nhạc sỹ Trần Tiến.
Dù bộ phim được chiếu mang tính thương mại chỉ bán vé chứ không có vé mời nhưng trong một buổi tối thấp điểm của rạp phim, rạp Dcine Bến Thành với gần 200 chỗ ngồi vẫn kín khách. Nhiều khách không vào rạp được đã cùng nhau đứng bên ngoài, thưởng thức âm nhạc của nhạc sỹ Trần Tiến qua ban nhạc do BTC rạp phim bố trí. Nhiều nhân vật nổi tiếng như ca sỹ Đoan Trang, diễn viên Hồng Ánh cũng tham gia chương trình này.
Diễn viên Hồng Ánh cũng tới chúc mừng đoàn làm phim.
Với những ca khúc quen thuộc như Điệp khúc tình yêu, Vết chân tròn trên cát, Mặt trời bé con, Tạm biệt chim én, Ngẫu hứng sông hồng, Sắc màu, Chị tôi .... lần lượt vang lên. Không chỉ ca sỹ, không chỉ ban nhạc mà mọi người cùng hoà giọng. Bên cạnh sân khấu, một cuốn sổ lưu niệm được đặt trang trọng và rất nhiều người đã nắn nót ghi những dòng cảm xúc với âm nhạc, với người nhạc sỹ Trần Tiến.
Một khán giả hâm mộ đang nắn nót ghi những dòng cảm xúc.
Bên trong rạp phim, khán giả đi cùng với Trần Tiến trong suốt hành trình du ca của cả cuộc đời ông, tới khi đèn bừng sáng mới ngỡ ngàng sao phim hết nhanh thế. Dường như đây là lần hiếm hoi, một bộ phim tài liệu lại có thể kéo khách đến rạp phim đông như thế, say mê xem đến như thế, vì Trần Tiến!
'Gã du ca' Trần Tiến qua đôi mắt cô gái 9X Màu cỏ úa là phim tài liệu về nhạc sỹ Trần Tiến và âm nhạc của ông ra mắt tối 23/11 tại TPHCM, sau 5 năm thực hiện. Đây là bộ phim đầu tiên về nhạc sĩ tài hoa sau gần nửa thế kỷ du ca của ông. Đây cũng là bộ phim đầu tay của một cô gái thế hệ 9X: Lan...