“Mắt xích” giúp siêu lừa Huyền Như kiếm 1.700 tỷ đồng
Vốn là sếp của Huỳnh Thị Huyền Như, Võ Anh Tuấn – PGĐ Vietinbank chi nhánh Nhà Bè hùn vốn cùng Như lập công ty riêng làm ăn. Trong quá trình “vun vén” cho công ty riêng, Tuấn đã giúp Như lừa đảo 4 công ty chiếm đoạt số tiền gần 1.700 tỷ đồng.
Theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Võ Anh Tuấn với cương vị Phó giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè đã dùng thủ đoạn để giúp siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên tới gần 1700 tỷ đồng. Vị lãnh đạo chi nhánh ngân hàng Vietinbank này được coi mà một trong những “mắt xích” quan trọng trong vụ án.
Tuấn và Như vốn đã có mối quan hệ thân thiết trong thời gian cùng làm việc tại Phòng tín dụng Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Thời điểm này, Tuấn làm phó phòng còn Như chỉ là cán bộ tín dụng. Mối quan hệ giữa cặp đôi này mật thiết đến độ vào năm 2007, hai người cùng nhau lập chung Công ty CP Đầu tư Hoàng Khải (Công ty Hoàng Khải) để kinh doanh xuất nhập khẩu gạo.
Tại công ty riêng, Như lại “đổi vai” làm giám đốc trong khi Tuấn là thành viên góp vốn 500 triệu đồng. Như cũng góp vốn bằng bất động sản. Khi nào công ty hoạt động cần vốn, công ty sẽ dùng số bất động sản này để vay tiền.
Tuy nhiên, công ty Hoàng Khải lại chưa hề kinh doanh gì nên Như dùng số tiền 500 triệu để chơi chứng khoán và buôn bất động sản. Vì vậy, tháng 2/2011, Tuấn và Như lại cùng góp vấn xây dựng nhà máy lau bóng gạo tại An Giang. Như góp vốn bằng hơn 4700m2 đất. Tuấn góp 10 tỷ đồng san lấp, xây dựng, tường bao nhà xưởng.
Để được hưởng chính sách miễn giảm thuế của tỉnh An Giang, cặp đôi này lập thêm Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoàng Khải để phục vụ cho việc kinh doanh xuất nhập khẩu gạo sau khi nhà máy hoàn thành. Trong quá trình Nhưhuy động vốn của các đơn vị, Tuấn đã dùng nhiều chiêu trò, thậm chí ký khống, giúp sức đắc lực để Như lừa đảo chiếm đoạt đến gần 1700 tỷ đồng.
Công ty Vận tải dầu khí Bình Dương là “miếng mồi” béo bở mà Tuấn và Như nhắm đến. Tháng 3/2010, Võ Anh Tuấn đến gặp Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Thái Bình Dương để huy động tiền gửi vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Do mức lãi suất Phạm Anh Tuấn đề nghị quá cao nên Võ Anh Tuấn không thể huy động được tiền. Tuy nhiên, Võ Anh Tuấn không từ chối ngay mà đề nghị Phạm Anh Tuấn trao đổi với Như.
Đang cần tiền, Như vẫn lấy danh nghĩa huy động tiền gửi vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè đồng ý huy động tiền của Công ty Thái Bình Dương với lãi suất trong hợp đồng là 14%, lãi suất chênh ngoài hợp đồng từ 1 – 4%. Sau đó, Như dùng con dấu giả làm giả 15 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Vietinbank chi nhánh Nhà Bè với Công ty Thái Bình Dương. Đặc biệt, trong đó có 1 hợp đồng mà Võ Anh Tuấn ký thật nhưng chưa sử dụng và đưa cho Như tạo điều kiện cho nữ quái này huy động đến gần 1500 tỷ. Sau khi tất toán, Như đã chiếm đoạt của Công ty Thái Bình Dương 80 tỷ đồng.
Video đang HOT
Nhiều nạn nhân là các ngân hàng và doanh nghiệp điêu đứng vì “sập bẫy” nữ quái Huỳnh Thị Huyền Như.
Như vậy, Võ Anh Tuấn biết rõ Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè không huy động vốn của Công ty Thái Bình Dương. Nhưng Tuấn đã ký 10 giấy xác nhận với nội dung Vietinbank chi nhánh Nhà Bè đã nhận tiền của Công ty Thái Bình Dương theo các hợp đồng Như làm giả để tạo niềm tin cho Như lừa đảo.
Sau phi vụ lừa Công ty Thái Bình Dương ngon ăn, Tuấn và Như tiếp tục “lập mưu” đánh quả lớn. Cặp đôi này bay ra Hà Nội gặp lãnh đạo 3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Công ty Hưng Yên để huy động vốn vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Mặc dù sau đó Tuấn không huy động về ngân hàng nhưng không thông báo lại cho các công ty để Như lấy danh nghĩa ngân hàng mặc sức huy động tiền của 3 công ty này với lãi suất trên trời từ 18 đến 22%.
Siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như sau đó đã làm giả 100 hợp đồng tiền gửi và phụ lục hợp đồng với 3 công ty trên bằng 47 chữ ký giả Hà Tuấn Anh – giám đốc và 53 chữ ký giả của Võ Anh Tuấn – Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để huy động gần 2500 tỷ của 3 công ty.
Sau khi số tiền khổng lồ được chuyển về Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Như tiếp tục làm giả 127 lệnh chi rút tiền chiếm đoạt tổng số gần 1600 tỷ đồng.
Cáo trạng của VKSND Tối cao đã kết luận hành vi của Võ Anh Tuấn đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm giúp sức cho Huỳnh Thị Huyền Như gây án. Toàn bộ số tiền lừa đảo được, Như đem sử dụng vào mục đích cá nhân. Tuy nhiên, Như đã cắt 10 tỷ đồng chuyển qua Công ty XNK Hoàng Khải để Tuấn đầu tư xây dựng nhà máy lau bóng gạo tại An Giang.
Số tiền này Như nói rằng là số tiền thu lợi từ việc Tuấn đưa cho Như số tiền 500 triệu để kinh doanh chứng khoán, bất động sản từ năm 2007 nhưng thực chất là số tiền Như lừa chiếm được có sự giúp sức đắc lực của Võ Anh Tuấn.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã kê biên toàn bố số đất đứng tên sở hữu của Huỳnh Thị Huyền Như và toàn bộ phần công trình xây dựng dang dở thuộc dự án nhà máy lau bóng gạo mà cặp đôi này góp cổ phần xây dựng trước đó.
Đồng thời, VKSND Tối cao đã ra Cáo trạng truy tố bị can Võ Anh Tuấn tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị can Huỳnh Thị Huyền Như bị truy tố 2 tội danh là lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Anh Thế
Theo Dantri
Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 4.000 tỷ như thế nào
Nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh TP HCM Huỳnh Thị Huyền Như bị cáo buộc đã sử dụng 8 con dấu giả để lập chứng từ, hợp đồng chiếm đoạt số tiền cực lớn của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân.
Ngày 18/10, VKSND Tối cao ra cáo trạng truy tố bị can Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh TP HCM về hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Võ Anh Tuấn, nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank TP HCM, về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên quan vụ án, 21 bị can khác bị truy tố theo các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cho vay lãi nặng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại TP HCM và TP Hà Nội. Trong số này có hơn 13 nguyên là trưởng, phó phòng, cán bộ phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, phòng Giao dịch Đinh Tiên Hoàng cùng thuộc Vietinbank và phòng Giao dịch Võ Văn Tần, Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, TP HCM.
Như (đánh dấu X) và các đồng phạm trong vụ án.
Theo cáo trạng, từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã thuê làm giả 8 con dấu để tạo lập các giấy tờ chứng từ, hợp đồng và trả lãi suất cao huy động tiền của các tổ chức, cá nhân, chiếm đoạt tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.
Võ Anh Tuấn bị cáo buộc giúp sức tích cực cho Như trong việc huy động tiền của các ngân hàng gửi thông qua một số công ty trách nhiệm hữu hạn. Biết Như giả mạo danh nghĩa Vietinbank huy động tiền, Tuấn đã tạo điều kiện cho Như chiếm đoạt gần 1.600 tỷ đồng của 4 công ty. Trong quá trình huy động tiền của các đơn vị, cá nhân; Tuấn được Như chuyển cho 10 tỷ đồng qua Công ty Xuất nhập khẩu Hoàng Khải để Tuấn đầu tư xây dựng nhà máy lau bóng gạo tại An Giang. Số tiền này theo Như khai là số tiền thu lợi từ việc Tuấn đưa cho Như 500 triệu đồng để kinh doanh chứng khoán, bất động sản từ năm 2007. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng thực chất đây là tiền Như lừa đảo chiếm đoạt được và chia cho Tuấn.
Ngoài ra, theo cơ quan chức năng, bị can Huỳnh Hữu Danh, nguyên nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần quốc tế (VIB) Chi nhánh TP HCM đã làm thủ tục hồ sơ cho 12 cá nhân do Như giới thiệu đến Ngân hàng VIB vay hơn 480 tỷ đồng. Danh bị cáo buộc không làm đúng trách nhiệm kiểm tra, thẩm định tài sản đảm bảo; tin tưởng các xác nhận phong toả tài sản đảm bảo do Như chuyển cho dẫn đến việc Như lừa đảo, chiếm đoạt 180 tỷ đồng.
Liên quan vụ án, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã khởi tố 6 bị can nguyên là lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, được tách ra trong vụ án Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên).
Về vật chứng và tài sản thu giữ trong vụ án, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu 8 con dấu giả; kê biên, thu giữ tài sản các loại trị giá hơn 624 tỷ đồng; gần 157.000 euro, trên 217 tỷ đồng; 7 sổ tiết kiệm trị giá 30 tỷ; 4 ôtô trị giá 5 tỷ đồng; kê biên 20 bất động sản trị giá 361 tỷ đồng...
Theo Công an nhân dân
Chuyện lừa đảo như thôi miên khiến nhiều người mắc mưu Tại TP.HCM trong thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện những chiêu lừa đảo độc và lạ, làm rất nhiều người sập bẫy. Điều đáng nói là những thủ đoạn này không hề mới, song vẫn nhiều người móc túi đưa tiền cho tội phạm. Qua những vụ lừa đảo cho thấy các đối tượng đều sử dụng chiêu thức hết sức...