Mật vụ Mỹ “cấm” Tổng thống Obama dùng iPhone
Tổng thống Obama không được phép sử dụng iPhone và vẫn phải trung thành với chiếc BlackBerry vì lý do an ninh.
Trước khi trở thành Tổng thống Mỹ, Barack Obama đã nổi tiếng là một tín đồ nghiện điện thoại BlackBerry, thế nhưng ngày nay chiếc điện thoại kềnh càng này lại trở thành lựa chọn duy nhất của ông. Ngày 5/12, ông Obama đã ngậm ngùi tiết lộ với các thanh niên tham dự một hội nghị ở Nhà Trắng: “Tôi không được phép dùng điện thoại iPhone vì lý do an ninh.”
Quy định hạn chế này không có gì mới nếu so với các yêu cầu an ninh nghiêm ngặt đối với một Tổng thống Mỹ. Năm 2009, Tổng thống Obama thậm chí đã phải đấu tranh rất vất vả với các mật vụ thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) mới giữ được quyền sử dụng chiếc điện thoại BlackBerry ưa thích của mình.
Tổng thống Obama lúc nào cũng kè kè chiếc BlackBerry kềnh càng bên người
Các mật vụ Mỹ lo ngại rằng việc Tổng thống sử dụng điện thoại và thói quen nhắn tin khi ngồi trong xe của ông có thể khiến hành tung của Tổng thống bị lộ, và những thông tin mà ông viết ra trên điện thoại có thể trở thành “miếng mồi” cho các cuộc điều tra của quốc hội.
Video đang HOT
Hồi đó NSA chỉ nhượng bộ Tổng thống Obama sau khi ông tuyên bố rằng họ sẽ phải “đoạt nó khỏi tay tôi”, tuy nhiên ông cũng phải sử dụng chiếc điện thoại BlackBerry đã được tăng cường an ninh tối đa, đồng nghĩa với việc ông chỉ có thể liên hệ với tối đa 10 người bằng chiếc điện thoại này. Đó là lý do khiến ông Obama ngán ngẩm nhận xét về chiếc điện thoại này cách đây 3 năm: “Nó chả vui chút nào.”
Ông Obama cũng nói thêm rằng 2 cô con gái Sasha và Malia của mình dành rất nhiều thời gian cho chiếc điện thoại iPhone của chúng.
BlackBerry vốn nổi tiếng với khả năng bảo mật cao, đó chính là lý do khiến nó trở thành món đồ được ưa chuộng trong giới quan chức ở Washington, bất chấp việc hãng điện thoại này đã đánh mất nhiều thị phần vào tay các đối thủ khác, đặc biệt là Apple.
Trong các cuộc trò chuyện, Tổng thống Obama thường ám chỉ về những bất tiện bên trong chiếc “lồng kính” Nhà Trắng khi ông rất khó có thể liên lạc với người bình thường hoặc thu nhận thông tin từ thế giới bên ngoài mà không qua “bộ lọc” của đội ngũ thư ký và trợ lý báo chí. Trợ lý của ông cho rằng chiếc BlackBerry là một công cụ để giúp ông thoát khỏi sự “cầm tù” đó.
Nhà Trắng cho biết địa chỉ email của Tổng thống Obama được bảo vệ cẩn mật và chỉ phổ biến cho một số ít quan chức cấp cao và bạn bè của ông. Tuy nhiên họ không tiết lộ về những thiết bị mã hóa được sử dụng để bảo mật các thông tin liên lạc của Tổng thống.
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Obama nhắc đến điện thoại iPhone trong các bài phát biểu của mình. Hồi tháng 10, trong bài phát biểu về những lỗi kỹ thuật trên website của chương trình bảo hiểm y tế Obamacare, ông đã so sánh nó với cách Apple khắc phục các lỗi trên hệ điều hành iOS.
Ông Obama nói: “Không ai nói rằng Apple nên ngừng bán iPhone hoặc iPad hay phải đóng cửa công ty nếu họ chưa khắc phục được các lỗi đó. Đó cũng chính là cách mà chúng ta đang làm ở nước Mỹ.”
Theo CNN
ABC: Tình báo Úc nghe lén Tổng thống Indonesia
Hãng thông tấn ABC của Úc đã cáo buộc các cơ quan tình báo nước này nghe lén điện thoại của Tổng thống Indonesia trong thời gian dài.
Ngày 17/11, hãng truyền thông quốc gia Úc ABC (Australian Broadcasting Corp.) dẫn các tài liệu do cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ Edward Snowden cho hay các cơ quan tình báo Úc đã tìm cách nghe lén điện thoại của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Đệ nhất Phu nhân Indonesia và cả Phó Tổng thống Boediono.
Theo ABC, các cuộc điện đàm thông qua điện thoại di động của ông Yudhoyono đã bị tình báo Úc theo dõi trong suốt 15 ngày vào tháng 8/2009. Theo đó, ít nhất một lần các cơ quan tình báo Úc đã tìm cách nghe lén cuộc đàm thoại của ông Yudhoyono, tuy nhiên vì cuộc gọi này kéo dài chưa đầy 1 phút nên họ không thể nghe được nội dung.
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono
Sau khi nhận được thông tin này, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc đã nói rằng chính phủ nước này sẽ không đưa ra bất cứ bình luận nào về vấn đề tình báo.
Indonesia, quốc gia đạo Hồi đông dân nhất thế giới, là nơi trung chuyển chủ yếu của những người tị nạn tìm cách đến Úc bằng thuyền, và Thủ tướng Úc Tony Abbott đang tìm cách hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Indonesia để kiểm soát dòng người tị nạn này.
Ngày 18/11, ông Teuku Faizasyah, người phát ngôn của Tổng thống Yudhoyono tuyên bố chính phủ Úc "cần cấp thiết làm rõ thông tin này để tránh những thiệt hại hơn nữa" và khẳng định "đã có thiệt hại xảy ra" khi thông tin này được công bố.
Hôm 31/10, tờ Sydney Morning Herald của Úc cũng công bố thông tin cho biết các đại sứ quán Úc cũng tìm cách nghe lén điện thoại và thu thập dữ liệu tại nhiều nước châu Á như một phần trong mạng lưới gián điệp toàn cầu do Mỹ đứng đầu.
Phát biểu tại Canberra hồi tuần trước, Phó Tổng thống Indonesia Boediono tuyên bố: "Dư luận Indonesia rất quan tâm đến vấn đề này. Tôi cho rằng hai nước cần phải đi đến một số thỏa thuận nhằm đảm bảo các bên không sử dụng thông tin tình báo để chống lại nước kia."
Theo hãng tin ABC, ngoài nghe lén điện thoại của Tổng thống Yudhoyono, các quan chức tình báo Úc còn giám sát liên lạc của cựu Phó Tổng thống Jusuf Kalla cùng các bộ trưởng an ninh và thông tin của nước này.
Theo BBC
Mỹ hứa hẹn không tái diễn trò nghe lén Malaysia đã triệu tập người đứng đầu phái đoàn ngoại giao của cả Mỹ và Australia tại nước này đến để phản đối về những cáo buộc liên quan đến hoạt động gián điệp, nghe lén điện thoại, Ngoại trưởng Malaysia hôm qua (2/11) cho biết. Ảnh minh họa Trước đó, Indonesia cũng đã triệu tập Đại sứ Australia đến để yêu cầu...