Mặt trời Nhật Bản mọc trên đầu thiên triều
Ngày 28/5, tờ Vzgliad – một tờ báo có rất nhiều bạn đọc của Nga đã cho đăng bài với tiêu đề “MẶT TRỜI MỌC (là NHẬT BẢN) TRÊN ĐẦU THIÊN TRIỀU”
Tác giả là S.Borziakov nhân sự kiện Thủ tướng Nhật Bản S.Abe trả lời phỏng vấn tờ “The Wall Street Journal” mới đây.
Xin giới thiệu với bạn đọc bản lược dịch bài báo này.
Bài báo bắt đầu với dòng phụ đề “Thủ tướng S.Abe công bố chính sách đối ngoại mới – đối đầu với Trung Quốc và đối thoại với Nga.
Căn cứ vào những tuyên bố mới nhất của Thủ tướng Nhật Bản S.Abe, Tokyo tiếp tục chính sách đối đầu toàn diện với sự bành trường của Trung Quốc, bao gồm cả việc giúp đỡ tất cả những nước cũng sẵn sàng thách thức mối đe dọa đó.
Trong bối cảnh như vậy, Nhật Bản rất cần một mối quan hệ bình thường với Nga, và Nga cũng rất quan tâm đến việc duy trì nguyên trạng cán cân lực lượng trong khu vực (Đông Á và Đông Nam Á-ND)”.
Ảnh của bài báo – Lưu ý hàng chữ Chi/Nazizm- chủ nghĩa quốc xã . Ảnh của REUTERS
Ngay đầu bài báo – tác giả nhấn mạnh- Shinzo Abe là một nhà chính trị lỗi lạc. Sau khi điểm qua những bước thăng trầm trong sự nghiệp hoạt động chính trị của S.Abe, tác giả nhận xét:
Shinzo Abe đã củng cố dược quyền lực, mặc dù các cải cách kinh tế của ông vấp phải nhiều sự chỉ trích. Chính sách phá giá đồng Yên, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và khuyến khích tiêu dùng trong nước thực sự đã giúp Nhật Bản đạt được những thành tựu trong mấy năm gần đây:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng (cả tốc độ tăng trưởng lượng hàng bán ra lẫn tốc độ tăng trưởng công nghiệp), tạo ra nhiều việc làm mới… tuy cũng có một số hệ lụy kèm theo như nợ công tăng v.v .
Video đang HOT
Tác giả viết tiếp: Thủ tướng Abe từ lâu đã nổi tiếng là người theo đuổi chính sách quân sự cứng rắn, là “diều hâu”, là mối đe dọa đối với Bắc Triều Tiên và là người ủng hộ nhiệt thành các biện pháp kiên quyết.
Ông đã đến thăm đền Yasukuni để tưởng niệm linh hồn các chiến binh Nhật Bản, kể cả những người là tội phạm chiến tranh trong thế chiến thứ hai (bất chấp các phản ứng rất tiêu cực từ một số nước láng giềng của Nhật Bản, – cũng giống như người Nga rất tức giận trước việc tôn vinh các chiến binh Quân đội khởi nghĩa Ukraine hoặc lính lê dương SS Latvia).
Và đây mới là điều quan trọng nhất: Shinzo Abe – tác giả và là người vận động tiến hành một cuộc cải cách quân sự sâu rộng.
Về mặt hình thức, Nhật Bản không có quân đội (cách đây không lâu còn không có cả Bộ Quốc phòng), nhưng trên thực tế là có.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đang được đầu tư một nguồn kinh phí khổng lồ, và vấn đề thậm chí không chỉ ở chỗ chính quyền S.Abe lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã trao cho Quân đội quyền được tiến hành đòn tiến công vào các căn cứ của đối phương bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản và Nhật Bản trở thành một bộ phận của hệ thống phòng thủ tập thể – có nghĩa là có thể hỗ trợ các đồng minh của Nhật Bản.
Trước đây Nhật Bản (theo Hiến pháp nước này) chỉ có quyền tự bảo vệ trên lãnh thổ nước mình. Bây giờ Nhật Bản đã có thể tấn công, hay nói cụ thể hơn – tiến hành một cuộc chiến tranh tấn công, còn việc sửa đổi Hiến pháp (theo các tiêu chí trên) – đây chỉ là vấn đề thời gian, – một thời gian rất gần đây.
Có nhận thức được quy mô và tầm quan trọng của những cải cách (quân sự) đó chúng ta mới thấy được ý nghĩa của nội dung bài trả lời phỏng vấn mà Thủ tướng Nhật Bản dành cho tờ “The Wall Street Journal”.
Trong cuộc phỏng vấn, S.Abe trên thực tế đã đề nghị giúp đỡ quân sự cho Việt Nam trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Sau khi nhận xét là “những bước đi đơn phương” của Bắc Kinh hạ đặt dàn khoan Hải Dương-981 tại vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền “đã làm gia tăng căng thẳng”, Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh:
“Chúng tôi không bao giờ chấp nhận việc thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc”.
Qua tuyên bố trên, Hà Nội có thể tính đến việc Nhật Bản sẽ cung cấp cho nước này một sô tàu tuần tiễu, hơn nữa, qua cách nói của mình, S.Abe đã gợi ý cho Hà Nội tự mình đưa ra đề nghị Nhật Bản giúp đỡ. (Có tin mới là Nhật Bản chưa thể cung cấp ngay lập tức các tàu tuần tiễu cho Việt Nam – ND).
Một chi tiết khá thú vị: Trước đây Nhật Bản cũng đã cung cấp các tàu tuần tiễu cho Philippines – một nước cũng có xung đột lãnh thổ với Trung Quốc (chính vì thế mà Nhật Bản mới cung cấp).
Còn đây là điểm đáng chú ý nhất: Khu vực xung đột giữa Trung Quốc và Philippines là quần đảo Trường Sa, đây cũng chính là các hòn đảo mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Từ thực tế này có thể thấy là Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ tất cả các bên liên quan đến tranh chấp lãnh thổ (với Trung Quốc) – kể cả khi giữa các bên đó cũng có tranh chấp với nhau,- miễn là cùng chống lại Trung Quốc.
Về quan hệ Nhật – Trung, cách đây không lâu, trong một cuộc trả lời phỏng vấn khác, Thủ tướng S.Abe đã thẳng thừng tuyên bố rằng quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc (hiện nay) làm người ta nhớ lại mối quan hệ giữa Anh và Đức trước thềm cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Rõ ràng là nếu tính về quân số thì Nhật Bản thua Trung Quốc nhiều. Tuy nhiên, quân đội Nhật Bản được đầu tư rất mạnh và đang được hiện đại hóa ráo riết, – quân đội nước này đang được trang bị những loại vũ khí và trang bị kỹ thuật mới nhất, (thêm nữa, cũng không nên quên rằng, Nhật Bản không phải là nước nhỏ – 130 triệu dân).
Không nghi ngờ gì nữa, Nhật Bản muốn thành lập tại khu vực một liên minh chống Trung Quốc có sự can dự của Mỹ. Washington không muốn xung đột trực tiếp với Bắc Kinh (đó là chưa kể tới việc nước này (Mỹ) đang buộc phải cắt giảm ngân sách quốc phòng, trong khi Trung Quốc đang đầu tư mạnh cho quân đội), nhưng nếu (đối đầu với Trung Quốc) thông qua S.Abe thì Mỹ rất sẵn lòng.
Ngoài ra, Mỹ là nhân tố đảm bảo an ninh cho Nhật Bản, đấy là điều mà ai cũng biết. Cách đây không lâu, cam kết này đã một lần nữa được Tổng thống B.Obama khẳng định lại – ông coi các đảo tranh chấp Sensaku là lãnh thổ Nhật Bản và tuyên bố sẽ bảo vệ các hòn đảo nếu chúng bị phía Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng.
Nói chung, tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên biển và mưu đồ kiểm soát cả tuyến giao thương hàng hải lẫn các mỏ tại đây sẽ không dễ được thực hiện.
Bắc Kinh bác bỏ thẳng thừng việc giải quyết các tranh chấp (lãnh thổ ) thông qua tòa án quốc tế và trọng tài biển, điều đó có nghĩa là việc lựa chọn biện pháp khoa trương sức mạnh vũ khí đã được giới cầm quyền nước này lựa chọn một cách có chủ ý và như thế Nhật Bản không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải thực hiện một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn.
Nhân đây xin nói thêm là vào tháng Tư năm nay Quân đội Nhật Bản lần đầu tiên sau hơn 40 năm đã tiến hành một chiến dịch quân sự trên Biển Hoa Đông – rất gần Senkaku. Một đơn vị gồm 100 lính đã đổ bộ xuống đảo Ionaguni – cách Senkaku 100 km.
Hiện nay trên đảo này đã có một đơn vị đồn trú và đích thân Bộ trưởng quốc phòng Nhật đã có mặt trong buổi lễ triển khai nhiệm vụ với tuyên bố là sự hiện diện quân sự của Đất nước mặt trời mọc sẽ được triển khai ở các đảo khác (trước đây trên đảo Ionaguni chỉ có 1.500 dân và 2 cảnh sát giữ gìn trật tự; người Nhật Bản là một dân tộc thượng tôn pháp luật).
Khi trả lời phỏng vấn tờ “The Wall Street Journal”, S.Abe đã gần như công khai cho biết là Nhật Bản sẽ không tranh cãi với Nga về những vấn đề liên quan đến Crimea.
Trước đây Tokyo cũng áp dụng các biện pháp cấm vận Nga, nhưng rất miễn cưỡng và những hạn chế mà Nhật áp dụng (đối với Nga) mang tính hình thức đến nỗi tất cả (các biện pháp đó) đã không còn ai nhớ tới nữa (dù V.Putin có cho biết là ngay cả việc (Nhật Bản) đặt vấn đề về cấm vận (Nga) cũng đã làm ông ngạc nhiên).
Hiện nay cũng xuất hiện dư luận là V.Putin có thể sẽ hủy chuyến thăm Nhật Bản mà hai bên đã thỏa thuận trong thời gian Olimpic mùa Đông ở Sochi đầu năm nay.
Tuy nhiên, theo lời S.Abe: “Nhật Bản muốn giữ quyền chủ động ngoại giao của mình đối với Nga” thì có thể hiểu là lời mời vẫn còn hiệu lực và S.Abe chờ đợi chuyến thăm của V.Putin vào mùa Thu năm nay.
Rất có thể là Tokyo muốn thông qua Moscow để thỏa thuận với Bắc Kinh – chính vì vậy mà gây sự với Nga về vấn đề Crimea như Brussel (NATO) không phải là quyết định không ngoan đối với Tokyo vào thời điểm này. Và đấy cũng không phải là tính cách của người Nhật.
Cũng dễ hiểu là trong chuyến thăm các bên sẽ đề cập đến vấn đề Kuril. Nhưng có thể chắc chắn một điều là sẽ không có một nhượng bộ mang tính nguyên tắc nào kể cả từ phía V.Putin lẫn S.Abe.
Vấn đề không phải chỉ ở chỗ S.Abe là một người theo chủ nghĩa quân sự cứng rắn và một người dân tộc chủ nghĩa, mà là ở chỗ: việc từ bỏ đòi hỏi chủ quyền đối các đảo Kuril của một chính khách Nhật đồng nghĩa với tự sát (còn nghiêm trọng hơn cả đối với chính khách Nga nếu như họ trao trả các đảo này cho Nhật Bản).
Một hành động như vậy sẽ không bao giờ được tha thứ. Cả hai bên đều hiểu rất rõ thực tế này.
Nhưng Nga có thể cũng không cần phải quá lo lắng trước việc quân sự hóa nước Nhật và cải cách quân đội Nhật Bản (tốt nhất là trích dẫn lại lời của S.Abe: “Chúng tôi không chấp nhận thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc”).
Điều quan trọng hơn nhiều là sự bành trướng không kiểm soát được của Trung Quốc tại khu vực (trong đó có cả việc Trung Quốc tấn công nước Việt Nam bạn bè của chúng ta) sẽ mâu thuẫn với các lợi ích của Nga.
Vâng, tầm quan trọng của các mối quan hệ thương mại và đối ngoại (của Nga) với Bắc Kinh là không thể coi thường, nhưng bên cạnh đó Moscow mong muốn duy trì tại cả hai biển này (Biển Hoa Đông và Biển Đông) một sự cân bằng lực lượng nhất định – sự cân bằng được xác lập và duy trì bởi sự kiềm chế và đối trọng.
Chính vì thế mà các kênh tiếp xúc Tokyo- Moscow có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với cả hai bên. Chỉ có điều cuộc chơi (địa- chính trị này) đối với Moscow tế nhị và phức tạp hơn nhiều: Nhật Bản có thể công khai đối đầu với Trung Quốc (và họ đã làm), còn chúng ta (Nga) thì không.
Theo Đất Việt