Mặt trận Tu Vũ – nơi mở đầu cho những trận đánh lớn
Trận đánh đồn Tu Vũ là mốc son, là sự khởi đầu mạnh mẽ trong chặng đường đi đến thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
“Phải thắng, chỉ được thắng”- mệnh lệnh của toàn dân tộc
Hơn 60 năm, dấu ấn còn lại của mặt trận Tu Vũ (Thanh Thủy – Phú Thọ) – nơi mở đầu cho chiến dịch Hòa Bình và cũng là trận công kiên lớn nhất của quân và nhân dân ta cho cuộc chiến tiếp theo ở Điện Biên Phủ. Trận đánh đồn Tu Vũ vẫn là dấu son, như một sự khởi đầu mạnh mẽ trong chặng đường đi đến chiến dịch Điện Biên Phủ của dân tộc Việt Nam.
Tính ra, chẳng thể đếm được đây là lần thứ bao nhiêu tôi trở lại Tu Vũ. Với tôi, vùng đất ven con sông Đà có một sức cuốn hút kỳ lạ. Sức hút đó không phải là những nương bãi xanh rì ven sông; lại càng không phải là những xóm làng trù phú. Mà sức hút của Tu Vũ chính là những trận đánh công kiên lớn nhất của quân đội ta mở màn cho chiến thắng của chiến dịch giải phóng Hòa Bình cách đây hơn 60 năm (10/12/1951 – 25/2/1952).
Tượng đài chiến thắng Tu Vũ
Không giống với những lần trước, lần này trở lại Tu Vũ với tâm nguyện đi tìm lại những nhân chứng lịch sử – những người từng tham gia chiến đấu tại mặt trận Tu Vũ cách đây hơn 60 năm để được nghe họ kể về cái khí thế tiến công hào hùng theo mệnh lệnh “Phải thắng! Chỉ được thắng!” của vị Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi xưa. Trên suốt chặng đường từ Hòa Bình về Tu Vũ, tôi cứ mông lung về một điều gì đó không trọn vẹn. Bởi đã hơn 60 năm, chắc gì những nhân chứng sống năm xưa còn sống. Quả thực, cái dự cảm đó đã trở thành sự thật khi bà Phan Thị Hoan, Chủ tịch UBND xã Tu Vũ lắc đầu tiếc nuối: nhân chứng sống duy nhất từng trực tiếp tham gia đánh trận Tu Vũ là ông Đinh Công Hội vừa mới mất ở tuổi 83.
Vậy là không thực hiện được cái tâm nguyện tìm gặp nhân chứng sống trong trận đánh Tu Vũ năm xưa. Đang phân vân chưa biết sẽ làm gì tiếp theo thì bất chợt bà Chủ tịch UBND xã Tu Vũ nói như reo: tôi nhớ ra rồi, vẫn còn một người nữa cũng tham gia chiến dịch Tu Vũ hiện còn sống và cũng ở cách UBND xã không xa. Đó là bà Trần Thị Tâm năm nay khoảng 85 tuổi ở khu 3 xã Tu Vũ. Ngày xưa, bà là một trong số những y tá làm công tác tải thương, cứu chữa cho thương binh trong chiến dịch.
Đó là những thông tin vô cùng quý gia với chúng tôi lúc này. Theo chỉ dẫn của vị lãnh đạo xã, cũng không mấy khó khăn để chúng tôi tìm đến nhà bà Tâm. Trước mắt chúng tôi là một cụ bà với thân hình mảnh mai thục nữ, mái tóc bạc màu thời gian. Thời trẻ, chắc hẳn đây là một người con gái có nhan sắc yêu kiều. Chiến tranh đã làm cho họ trở nên gai góc và phi thường. Bà kể: ngày ấy tham gia trận đánh đồn Tu Vũ tôi mới 21 tuổi và là một trong số 2 đảng viên của xã. Do vậy đã được cấp trên cho đi chiến dịch. Tuy nhiên, là phận gái nên chỉ được tham gia làm công tác cứu chữa thương binh ở tuyến sau. Nhưng cho đến bây giờ vẫn không quên được những trận đánh ác liệt ở mặt trận Tu Vũ. Trong trí nhớ của bà Tâm thì đồn Tu Vũ được giặc Pháp xây dựng trở thành một cứ điểm kiên cố. Ngoài hệ thống đồn bốt với hỏa lực mạnh thì chúng còn bố trí 6 vòng dây thép gai bảo vệ…
Dập tắt những họng pháo của quân Pháp trên sông Đà
Được xem là vị trí trọng yếu trong việc bảo vệ tuyến hành lang phòng ngự dọc sông Đà nên tại Tu Vũ địch đã bố trí 3 đại đội bộ binh. Cùng với đó chúng còn tăng cường 1 trung đội xe tăng, 1 đại đội pháo. Với việc xây dựng Tu Vũ trở thành cứ điểm phòng ngự then chốt trên sông Đà, quân Pháp hy vọng sẽ ngăn được bước tiến của ta đánh lên giải phóng Hòa Bình. Để giải quyết vị trí án ngữ đường tiến quân của ta, sau khi cân nhắc, Tổng quân ủy đã quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt cụm cứ điểm Tu Vũ – Núi Chẹ bên sông Đà. Đây là một cứ điểm nằm bên tả ngạn sông Đà, cắm sâu vào địa phận tỉnh Phú Thọ.
Video đang HOT
Cứ điểm này do tiểu đoàn bộ binh Marốc số 1 – một đơn vị thiện chiến trấn giữ. Vị trí này chạy dài khoảng 300m bên bờ sông Đà, có chiều ngang hẹp, địa hình bằng phẳng và được chia làm 3 khu. Địch đã bố trí hỏa lực ở đây rất mạnh gồm 5 lô cốt có súng trọng liên và nhiều ụ súng máy và súng cối. Ngoài ra, còn có 6 xe tăng và xe thiết giáp. Đã tạo thành những ổ đề kháng di động trong cứ điểm. Cứ điểm này còn được hàng rào dây thép gai và bãi mìn rộng 24m bao bọc. Xung quanh cứ điểm đều được phát quang với địa hình bằng phẳng rộng hơn 100m…
Xác chiếc xe tăng mang số hiệu B2885498USA của quân đội Pháp bị anh hùng Cù Chính Lan tiêu diệt tại Giang Mỗ (Bình Thanh – Cao Phong)
Tuy vậy, với quyết tâm “phải thắng và chỉ được thắng”, đêm ngày 10/12/1951 bộ đội ta đã nổ súng tấn công cứ điểm Tu Vũ. “Đó là một đêm trăng sáng do vậy, khi bộ đội tiếp cận mục tiêu chiếm lĩnh trận địa thì bị địch phát hiện và chúng đã bắn xối xả vào đội hình. Cùng với đó, pháo các vị trí xung quanh cũng cấp tập đồn về. Khi đó, dù cho anh em bộ đội bị thương vong nhiều nhưng tinh thần chiến đấu vẫn không hề giảm sút”, bà Tâm bồi hồi nhớ lại. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, vượt qua cơn bão đạn lửa, đến 5h sáng ngày 11/12/1951 Tu Vũ đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Tu Vũ thất thủ đã gây cho quân địch nỗi kinh hoàng. Vì đây là một vị trí được tổ chức phòng ngự cẩn mật nhất. Sau trận đánh, chỉ có một số ít quân địch sống sót bơi qua sông chạy trốn.
Kết quả, ta đã tiêu diệt 159 lính Pháp, bắt sống 12 tù binh, bắn cháy 1 xe tăng, 2 xe thiết giáp, phá hủy 5 khẩu pháo và thu nhiều vũ khí, phương tiện chiến đấu của địch. Về phía ta, để có được chiến thắng mở màn cho chiến dịch Hòa Bình cũng đã có 152 cán bộ, chiến sỹ anh dũng hy sinh, 490 người bị thương, hỏng 3 khẩu pháo 75mm và 2 khẩu pháo 85mm. Đây là trận đánh có thương vong lớn nhất của bộ đội ta qua 6 năm kháng chiến chống Pháp.
Và trong ký ức của mình, có lẽ chẳng bao giờ bà cụ Tâm có thể quên được đêm công đồn cách đây hơn 60 năm trên chính mảnh đất quê mình. Khi đó, toàn thân cô gái làm nhiệm vụ tải thương Trần Thị Tâm thẫm đỏ màu máu đào. Trong đó, có những người lính đã trút hơi thở cuối cùng trên lưng người chiến sỹ tải thương nhỏ bé. Sự hy sinh anh dũng đã làm nên chiến thắng, phá tan đồn bốt địch, giải phóng Tu Vũ sau 6 năm bị Pháp chiếm đóng; làm rung chuyển tuyến phòng thủ sông Đà của quân đội Pháp. Chiến thắng này là một trận công kiên lớn nhất của bộ đội ta tư trước tới nay. Chiến thắng Tu Vũ đã biểu hiện tinh thần quả cảm, hy sinh, tích cực, chủ động tiêu diệt địch, linh hoạt trong chiến đấu. Đã chứng tỏ bước tiến bộ của quân đội ta.
Những cô gái Mường giã gạo nuôi quân trong chiến dịch Hòa Bình
Thắng lợi to lớn này đã chứng tỏ khả năng đánh thắng quân Pháp với thế trận phòng ngự trong những công sự vững chắc có xe tăng, thiết giáp và hỏa lực pháo binh chi viện mạnh. Đặc biệt hơn, chiến thắng này đã tạo tiền đề cho các trận tiến công lớn sau này như chiến dịch Tây Bắc. Nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ. Điều đó đã được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: Chiến thắng Tu Vũ là trận công kiên lớn, mở đầu thắng lợi của chiến dịch Hòa Bình. Góp nhiều kinh nghiệm quý cho các trận đánh, các chiến dịch sau này.
(Còn nữa)
Theo ANTD
Khoảnh khắc anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai
Trong lúc "mưa bom bão đạn", y tá Phạm Công Thành là người trực tiếp băng bó vết thương cho anh hùng Phan Đình Giót và chứng kiến giây phúc người anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai và hy sinh trước lô cốt địch.
Đã 60 năm sau chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", hầu hết những người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã già yếu, có những người đã đi xa. Nhưng những câu chuyện về một thời khói lửa, hào hùng vẫn được tái hiện lại qua lời kể của các nhân chứng lịch sử.
60 năm trước, ông Phạm Công Thành, hiện đang ở thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) là một chiến sĩ công an nhân dân. Khi thực dân Pháp đổ bộ xuống Điện Biên Phủ, người thanh niên này được đơn vị huy động ra chiến trường. Tiếp đó, ông được cử đi học 6 tháng về quân y và trở về công tác tại Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Tiểu đoàn quân y của ông Thành có nhiệm vụ cấp cứu và chuyển thương binh về tuyến sau.
Ông Phạm Công Thành, nguyên y tá chiến trường chiến dịch Điện Biên phủ năm 1954.
Đối với ông Thành, kỷ niệm khó phai nhất trong thời gian làm công tác cứu chữa cho thương binh là trực tiếp băng bó vết thương cho anh hùng Phan Đình Giót. Dù đã 90 tuổi, nhưng khoảnh khắc chiến sĩ Phan Đình Giót ôm bộc phá, lấy thân mình lấp lỗ châu mai vẫn còn được ông nhớ như in.
Ông Thành hồi tưởng lại: "Đó là buổi chiều 13 tháng 3 năm 1954, bộ đội Đại đội 58 của ta mở màn trận đánh chiến dịch Điện Biên Phủ tại cứ điểm Him Lam. Cuộc chiến không cân sức giữa bộ đội ta và quân địch diễn ra vô cùng ác liệt.
Những trận "bão lửa" liên tiếp của địch trút xuống, bộ đội ta bị thương vong khá nhiều. Các chiến sĩ của ta phải giành giật đánh chiếm lấy từng cứ điểm, từng mỏm đồi trên Điện Biên Phủ.
Súng đạn của quân Pháp từ lỗ châu mai bắn ra xối xả, liên tiếp khiến nhiều chiến sĩ của ta liên tục hi sinh. Để đánh chiếm lấy những cứ điểm quan trọng, bộ đội ta đã chuyển sang dùng bộc phá để đánh lô cốt địch.
Trên chiến trường, chiến sĩ Phan Đình Giót cũng hừng hực khí thế đánh giặc như bao chiến sĩ khác. Cuộc giằng co kéo dài đến hơn 22 giờ đêm, khi anh Phan Đình Giót ôm quả bộc phá thứ 10 để nổ tung lô cốt địch thì bị thương vào đùi.
Lúc đó, bộ đội ta bị thương nhiều vô kể. Anh Giót được chuyển về phía sau, tôi là người trực tiếp băng bó vết thương. Do trên trận địa các dụng cụ y tế có hạn nên tôi tranh thủ băng bó nhanh cho anh Giót. Từng loạt đạn vẫn rít và bay qua trên đầu, nhưng khi vừa băng bó xong, máu chưa ngừng chảy thì Giót đã ôm hai quả bộc phá liên tiếp lao lên. Anh cầm theo tiểu liên xung phong mở đường cho đồng đội lên đánh lô cốt đầu cầu và lô cốt số 2".
Mộ phần anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót được quy tập tại Nghĩa trang A1, TP Điện Biên Phủ hiện nay.
Theo ông Thành thì sau lần đó, anh Phan Đình Giót đã bị thương lần hai. Vết thương ở vai bị mất máu khá nhiều, đồng đội đã đưa anh lùi về sau. Lần này ông Thành lại tiếp tục là người cấp cứu cho anh hùng Phan Đình Giót, nhưng tình trạng sức khỏe của chiến sĩ Giót đã yếu đi trông thấy.
"Sau đó, hỏa lực của quân Pháp từ lô cốt số 3 bắn ra liên tiếp khiến cho đơn vị của ta bị dồn ứ lại. Nhiều chiến sĩ xung phong lao lên đều hi sinh trước họng súng của kẻ thù. Bất ngờ, tôi chỉ kịp nhìn thấy Phan Đình Giót vùng dậy, ôm bộc phá lao lên rồi bịt kín lỗ châu mai của quân địch, cách nơi anh đang băng bó khoảng 200m. Tiếng súng đạn bỗng im bắt, nhưng chiến sĩ Phan Đình Giót đã hi sinh, toàn thân anh bị bom đạn kẻ thù bắn nát" - y tá Thành rưng rưng xúc động kể.
Nam y tá lặng người đi trước giây phút người anh hùng Phan Đình Giót ôm bộc phá lao lên chiến đấu và hi sinh. Khi Giót lao mình vào "mưa đạn", nhiều người đã cố cản nhưng không ngăn được khí thế hừng hực, căm thù cháy bỏng trong người thanh niên này.
Khi lỗ châu mai bị che lấp, hỏa điểm của quân Pháp bị dập tắt, bộ đội ta đã nhanh chóng xông lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam trong ngày 13 tháng 3. Đây là trận đánh mở màn thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Điện Biên được giải phóng, từ chiến trường, ông Thành được tiếp tục cử đi học bác sỹ và chuyển về sang công tác tại Cục Quân Y. Những năm sau giải phóng miền Nam Việt Nam, ông chuyển về Bộ Nông nghiệp công tác rồi nghỉ hưu.
"Công việc "hậu phương trên chiến trường" của tôi thường xuyên chứng kiến nhiều chiến sĩ hi sinh chỉ trong "nháy mắt". Gia cảnh anh hùng Phan Đình Giót nghèo nên anh đã phải đi ở từ năm 13 tuổi. Giây phút chứng kiến anh hi sinh, đến giờ nhắc lại tôi vẫn không thể nén nổi xúc động. Đã 60 năm sau chiến dịch lịch sử khốc liệt ấy..." - ông Thành chia sẻ.
Quốc Cường - Xuân Thái
Theo Dantri
Những tấm gương anh hùng trong chiến thắng Điện Biên Phủ Để góp phần vào sự thành công của chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) đã có biết bao tấm gương anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn xuân xanh. Họ, những người chiến sỹ mang trên mình một tình yêu Tổ Quốc, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc như: Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng,...