Mặt trận Tổ quốc muốn tăng giám sát xã hội, Chính phủ lo áp lực
Ngày 14/4, tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 5, UB Pháp luật của Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch quy chế chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam. Phía Chính phủ vẫn chưa có ý kiến chính thức về việc tham gia ký nghị quyết…
Dự phiên họp, Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu, theo quy định của Luật MTTQ Việt Nam thì hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia của nhân dân, thành viên của MTTQ Việt Nam xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân thực hiện công khai minh bạch không chồng chéo, không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát.
Trên tinh thần đó, theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, Nghị quyết liên tịch đã quy định: Quý IV hàng năm, UBMTTQ và các tổ chức chính trị xã hội các cấp chủ động xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của năm sau. Kế hoạch giám sát có sự trao đổi, thống nhất với UB Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, HĐND, UBND cùng cấp về nội dung, lĩnh vực, địa bàn và thời gian giám sát.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết – Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, thường trực UB nhất trí với tờ trình của Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam về việc cần có sự phối hợp để thống nhất về kế hoạch giám sát hàng năm giữa Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương với kế hoạch giám sát của Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội…
Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo nghị quyết.
Nguyên tắc đề ra là không được để xảy ra chồng chéo, không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, không để một vụ việc lĩnh vực nội dung có đồng thời nhiều cơ quan, tổ chức cùng giám sát ở một thời gian, địa bàn nhất định.
Về cơ bản, thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với cơ chế phối hợp giám sát được quy định tại khoản 3 điều 3 của dự thảo Nghị quyết. Theo đó Quý IV hàng năm, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội các cấp chủ động xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của năm sau. Kế hoạch giám sát có sự trao đổi, thống nhất với UB Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, HĐND, UBND cùng cấp về nội dung, lĩnh vực, địa bàn và thời gian giám sát.
Tuy nhiên Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật cho biết, đến thời điểm này Chính phủ vẫn chưa có ý kiến chính thức chuyển sang.
Video đang HOT
Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đích thân ông đã gọi điện mời lãnh đạo Văn phòng Chính phủ sang họp. Tại phiên họp hôm nay, giải thích lý do đến nay Chính phủ vẫn chưa có ý kiến chính thức về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng cho biết: Ngày 31/3 Bộ Tư pháp đã có văn bản thẩm định gửi Chính phủ. Ngày 4/4 Bộ đã có văn bản gửi Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam. Ngày 10/4 Văn phòng Chính phủ đã nhận được văn bản của Mặt trận gửi sang. Hiện Chính phủ đang được lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Dự kiến thứ 2 tới các thành viên Chính phủ mới có ý kiến, sau đó Văn phòng Chính phủ mới tổng hợp ý kiến để gửi Quốc hội.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, đây là Nghị quyết 3 bên, cả 3 bên phải có ý kiến.
“Mặt trận đã có ý kiến, UB Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến rồi, nhưng giờ Chính phủ chưa có ý kiến, phản hồi gì trong khi chương trình đưa vào từ tháng trước. Tháng trước tại phiên họp của UB Thường vụ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói sẽ có văn bản nhưng đến nay chưa có hồi âm. Giờ Chính phủ ký hay không ký thì cần sớm có văn bản gửi sang” – ông Định nói.
Chủ nhiệm UB Pháp luật cho biết sẽ báo cáo UB Thường vụ Quốc hội 2 phương án. Phương án 1: Nghị quyết sẽ được ký 3 bên (UB Thường vụ Quốc hội – UB Trung ương MTTQ – Chính phủ). Phương án 2: trường hợp 2 bên ký Nghị quyết là UB Thường vụ và Mặt trận ký thì Chính phủ là cơ quan chấp hành.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh góp ý thêm, dự thảo Nghị quyết cần xác định phân cấp rõ hơn nữa đối tượng giám sát. Ông Thanh phân tích, hiện tại, các cơ chế thanh tra kiểm toán nhiều giao cho quá nhiều cơ quan.
“Hôm qua Chủ tịch nước làm việc với Kiểm toán nhà nước, kiểm toán cho biết, các đối tượng đều than bị phiền hà. Ngay bản thân chúng tôi cũng thấy như vậy. Vậy nên, giám sát của Mặt trận nên nhằm vào cơ quan thanh tra kiểm toán ở cấp Trung ương sẽ hiệu quả hơn, đỡ gây phiền hà cho đối tượng ở cấp dưới chứ thanh tra kiểm tra tầng tầng lớp lớp sẽ gây lãng phí” – ông Thanh phân tích.
P.Thảo
Theo Dantri
Ông Nguyễn Thiện Nhân thăm quận kết nghĩa với Tây Hồ
Bắt đầu chuyến thăm hữu nghị Hàn Quốc, sáng nay, Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã tới thăm quận Jong no - quận kết nghĩa với quận Tây Hồ, Hà Nội.
Đây là quận trung tâm nhất của TP Seoul - nơi có nhiều mô hình quản lý về cơ chế tự quản, cộng đồng làng xã và mô hình hợp tác xã tiên tiến của Hàn Quốc.
Ông Kim Young Jong - Chủ tịch UBND quận Jong no đã giới thiệu về lịch sử, vai trò và sự phát triển của thủ đô Seoul và quận Jong no.
Chủ tịch UB TƯ MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với quận trưởng Kim Young Jong
Với vị trí là quận trung tâm, Jong no có 150.000 dân, 17 phường. Khoảng 1.200 công chức, 1.600 viên chức làm việc tại quận. Chức danh Chủ tịch quận do người dân trực tiếp bầu ra thông qua HĐND quận.
Ông Kim Young Jong cho biết, bộ máy hành chính tương đối lớn của quận chủ yếu tập trung lo phúc lợi cho người dân. Đặc biệt, quận là nơi triển khai chính sách của Trung ương và TPSeoul, chứ không ban hành chính sách xuống phường, xã.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi: "Các tầng lớp nhân dân có tham gia gì với chính quyền địa phương hay không?".
Chủ tịch UBND quận Jong no cho biết: "Nhiều năm trở lại đây, có rất nhiều học sinh, thanh niên, phụ nữ chủ động tham gia vào các phong trào do UBND quận phát động, các câu lạc bộ sinh hoạt theo các nhóm chủ đề riêng nhưng tất cả đều hướng tới việc tạo ra không khí đồng thuận trong xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành của chính quyền quận".
Chủ tịch UB TƯ MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân tặng quà cho quận trưởng Kim Young Jong
Đoàn công tác của MTTQ Việt Nam đã trực tiếp tham dự một buổi làm việc giữa các phòng nghiệp vụ của UBND quận Jong no và Hội đồng phụ nữ thẩm định "Jong no Sarang" (tổ chức được lập ra để góp ý và giám sát an toàn xây dựng và giao thông trên địa bàn quận).
Những câu hỏi được Hội đồng phụ nữ thẩm định "Jong no Sarang" đặt ra đều được các đơn vị có trách nhiệm của quận lắng nghe và trả lời thoả đáng, qua đó tháo gỡ những bức xúc hoặc điểm nóng đang nảy sinh trên địa bàn.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao cách điều hành có hiệu quả của quận Jong no, trong đó gắn liền với việc giám sát cộng đồng của người dân. Đồng thời đánh giá cao cơ chế, chính sách và điều kiện đảm bảo cho việc triển khai các hoạt động giám sát, tư vấn có hiệu quả của các hội và cơ sở tự quản ở quận Jong no.
Thông qua chuyến thăm và khảo sát mô hình và cách làm hay ở quận Jong no về giám sát cộng đồng, người đứng đầu MTTQ Việt Nam cho biết những kinh nghiệm thực tiễn của quận Jong no và TP Seoul rất ý nghĩa trong việc xây dựng một số mô hình giám sát nhân dân và hoạt động tự quản ở cơ sở ở Việt Nam hiện nay.
Nhân dịp này, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã thăm và tặng quà ông Kim Bok Dong - Chủ tịch HĐND quận Jong no - người có nhiều tình cảm, gắn bó với cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc cũng như có những đóng góp thiết thực cho mối quan hệ giữa Hà Nội - Seoul và Việt Nam - Hàn Quốc.
Cùng ngày, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và đoàn cấp cao MTTQ Việt Nam đã dự chiêu đãi của Chủ tịch Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) Lee Si Hyung.
Ngọc Quang
Theo_VietNamNet
Tổng Bí thư: "Không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội" Dự Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng năm 2016 hôm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu một loạt yêu cầu đối với cán bộ làm công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng: Phải rất nhạy bén, tinh ý, đừng vô cảm; phải liêm, phải sạch vì không liêm, không...