Mặt trận Quảng Bình chăm lo cho người nghèo
Nhằm góp phần hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo vươn lên trong cuộc sống, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể ở tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể.
Phát huy vai trò của mình, MTTQ các cấp ở Quảng Bình đã chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh các hoạt động vì người nghèo, tạo điều kiện để họ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Hoàng Đăng Quang – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình (người đứng thứ 3 từ trái qua) tặng công trình nước sạch cho nhân dân bản La Trọng 2, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa.
Quảng Bình là địa phương thường hay bị thiệt hại do thiên tai, vì vậy tỉ lệ hộ nghèo còn cao hơn so với mức bình quân cả nước, do đó, không phải cứ đợi đến tháng cao điểm “Vì người nghèo” mà trong suốt cả năm, MTTQ các cấp ở Quảng Bình đã triển khai nhiều hoạt động hướng đến người nghèo nhằm tạo việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn. Cụ thể như xây dựng nhà Đại đoàn kết, trao tặng bò giống, hỗ trợ khám chữa bệnh, xây dựng các công trình thiết yếu cho cộng đồng người nghèo, thăm tặng quà trong dịp lễ, Tết…
Theo ông Trần Quang Minh – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình – thì song song với các hoạt động hỗ trợ xây nhà, chữa bệnh, tặng quà, Mặt trận Quảng Bình đang hướng đến mục tiêu hỗ trợ để hộ nghèo thoát nghèo bền vững thông qua việc tặng “cần câu” thay vì tặng “con cá” cho người nghèo. Đề án hỗ trợ bò giống sinh sản cho hộ nghèo bị thiệt hại do lũ lụt và vùng thường xuyên bị thiên tai được triển khai từ năm 2017 đến nay do MTTQ tỉnh chủ trì đã hỗ trợ 2.050 con bò giống cho 2.050 hộ nghèo. Có thể nói, từ việc tặng “cần câu” là những con bò cái sinh sản đã giúp cho các hộ nghèo có động lực vươn lên trong phát triển chăn nuôi, sản xuất.
Xác định công tác chăm lo cho người nghèo là việc làm thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội. Chỉ tính riêng trong năm 2019, MTTQ tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ xây mới 95nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi…
Triển khai tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2019, mới đây, Ủy ban MTTQ thị xã Ba Đồn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thị xã tổ chức bàn giao ngôi nhà Đại đoàn kết cho gia đình ông Lê Văn Dũng, ở tổ dân phố 8, phường Quảng Phong. Để xây dựng ngôi nhà mới cho ông Dũng, Mặt trận thị xã đã hỗ trợ 40 triệu đồng, Hội Chữ thập đỏ thị xã 30 triệu đồng cùng với số tiền hỗ trợ từ các nhà hảo tâm. Cũng trong dịp này, Mặt trận huyện Minh Hóa cũng đã bàn giao ngôi nhà đại đoàn kết cho gia đình bà Cao Thị Nguyệt, ở thôn 5 Kim Bảng (xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa). Trong khi đó, Mặt trận huyện Tuyên Hóa phối hợp với Huyện Đoàn huy động lực lượng và kinh phí để tổ chức sửa chữa 12 ngôi nhà cho đồng bào dân tộc tại bản Cà Xen (xã Thanh Hóa) và bản Kè (xã Lâm Hóa). Cùng chung tay hỗ trợ người nghèo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình phối hợp với MTTQ 2 huyện Minh Hóa và Bố Trạch tổ chức xây dựng 10 ngôi nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo ở các xã trên địa bàn.
Video đang HOT
Thực hiện tháng cao điểm Vì người nghèo năm 2019, cùng với tổ chức lễ phát động, MTTQ tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực giúp người nghèo ở trên địa bàn tỉnh.
Để giúp người nghèo phát triển sản xuất, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã triển khai mô hình nuôi gà kiến thả vườn nhằm tạo sinh kế cho 35 hộ nghèo, cận nghèo tại xã Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch) và xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh). Với số tiền hỗ trợ mô hình gần 400 triệu đồng, các hộ nuôi được tập huấn kỹ thuật làm chuồng trại, cách chăn nuôi và được cung cấp con giống, thuốc thú y và cả thức ăn cho gà trong tháng đầu tiên.
Đặc biệt, để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo ở xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) sống chung với lũ, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ xây dựng 58 nhà phao với trị giá gần 1,3 tỷ đồng. Theo ông Ngô Thanh Đá – Chủ tịch UBND xã Tân Hóa – thì địa bàn của xã Tân Hóa là vùng lòng chảo, bao quanh toàn núi đá nên cứ mưa xuống là ngập. Đợt mưa lũ đầu tháng 9 vừa qua, toàn xã có 630/ 697 ngôi nhà bị nước ngập từ 3 đến 5 mét; trong đó có nhiều nơi nước ngập đến hết mái nhà. Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết: “Được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ cho Tân Hóa 58 nhà phao vượt lũ, người dân địa phương và chúng tôi rất vui. Như vậy, 58 hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ làm nhà phao để sống chung với lũ lụt”. Trước đó, Sở Tài chính tỉnh Quảng Bình cũng đã hỗ trợ 10 hộ nghèo của xã làm nhà phao tránh lũ.
Ông Trần Quang Minh cho biết: Phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, tinh thần đại đoàn kết của dân tộc, với sự quan tâm, sẻ chia của Mặt trận các cấp ở tỉnh Quảng Bình đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo cho người nghèo để họ cố gắng vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” tiếp nhận được, MTTQ các cấp ở Quảng Bình sẽ tập trung chăm lo cho người nghèo, góp phần cùng với Đảng và chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội của tỉnh.
Xuân Thi
Theo ĐĐK
"Rốn lũ" ở Quảng Bình bao giờ hết ngập lụt?
"Rốn lũ" xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình năm nào cũng bị ngập lụt. Cần có giải pháp nào để giúp người dân ổn định cuộc sống?
Phương án đục hang đá ở hệ thống hang Rục Làn đã được tính tới, làm tăng khả năng thoát lũ nhưng dự báo sẽ gây hậu quả nặng nề cho nhân dân vùng hạ du.
Nạn phá rừng đầu nguồn làm Tân Hoá trở thành rốn lũ.
Trận lũ vừa qua đã nhấn chìm hơn 600 nhà dân ở xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình. Hơn 50 tấn lương thực cùng hàng trăm nhà cửa, trường học, công trình nước sạch của người dân bị hư hại. Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề đối với xã miền núi nghèo khó như Tân Hoá.
Ông Đoàn Ngọc Lâm, Bí thư Huyện uỷ Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình cho biết, giải quyết bài toán ngập lụt ở Tân Hoá là vấn đề nan giải. Lâu nay, Tân Hoá được ví như là "rốn lũ" hay "cái phễu chứa nước". Vì xã này được bao quanh bởi các dãy núi đá vôi, thượng nguồn sông Rào Nan. Nước lũ dâng thì nước thoát rất chậm qua các hang núi đá.
Cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn trong mùa mưa lũ.
Theo ông Đoàn Ngọc Lâm, việc đục cửa hang để khơi thông, mở rộng khả năng thoát lũ từng được chính quyền địa phương xem xét: "Sau cơn lụt khủng khiếp năm 2010, tỉnh có chủ trương nghiên cứu khơi thông dòng chảy ở đây, nhưng rất khó vì qua hệ thống hang động sông ngầm rất dài đến mười mấy cây số. Qua một thung lũng rồi qua một cái hang sông ngầm, nên việc đó cũng khó".
Những năm gần đây, mặc dù lượng mưa thấp nhưng Tân Hoá cũng bị chìm dài ngày trong biển nước. Một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn. Khi nước lũ đổ về kéo theo các loại cây gỗ, rác rưởi chèn lấp, bịt miệng các cửa hang đá.
Ông Ngô Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình cho biết, mưa lũ ở đây thường kéo dài từ tháng 9 qua hết tháng 11, có năm vùng này bị hai, ba cơn lũ nhấn chìm.
Tân Hoá ngập nặng là do các dãy núi đá bao bọc, khó thoát lũ.
Ông Ngô Thanh Đá cho biết thêm, để hạn chế thiệt hại cho bà con, UBND xã Tân Hoá sẽ vận động di dân lên khu vực Rí Rị, là khu vực cao ráo, cách trung tâm xã chừng 3 cây số: "Xã rất mong muốn nước thoát nhanh, nghĩa là phải đục hang. Hai là phải có quy hoạch để chuyển xã lên chỗ cao. Mà chuyển đi rất khó vì có nhiều người không thích đi, họ nói đá trôi chứ làng không trôi. Còn ở Tân Hoá mùa này chủ động sản xuất cây ngắn ngày để thu hoạch trước khi lụt".
Việc mở rộng cửa hang thoát lũ thuộc hệ thống hang Rục Làn sẽ rất tốn kém.
Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho rằng, phương án đục hang đá mới dừng lại ở mức độ nghiên cứu. Trước đây, các nhà khoa học đã tìm về Tân Hoá nghiên cứu hệ thống sông ngầm, cửa hang. Các nhà khoa học nhận định cần phải có trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại mới mở rộng hang đá được, dự tính kinh phí trên 200 tỷ đồng vẫn chưa đủ để thực hiện dự án tốn kém này. Điều đáng lo ngại là khi mở rộng khả năng thoát lũ cho Tân Hoá thì sẽ gây hệ luỵ cho nhân dân các xã vùng hạ du dọc theo sông Gianh như huyện Tuyên Hoá, thị xã Ba Đồn.
Theo ông Long, thay vì tìm cách chỉnh trị sông ngầm, phá vỡ cấu trúc tự nhiên thì phương án di dời dân có khả thi, thuận với tự nhiên hơn: "Nhờ có hệ thống hang ngầm này thì dòng chảy điều tiết từ từ, trước khi nước đổ về đập Rào Nan. Nếu chúng ta mở rộng các cửa hang thì chắc chắn tốc độ chảy, tốc độ truyền lũ rất nhanh thì lúc đó nó tác động điển hình , xói lở khu vực hạ nguồn sông Gianh, trong đó có thị xã Ba Đồn. Chúng ta nên tôn trọng nguyên trạng hệ thống của thiên nhiên. Tôi nghĩ phương án khơi thông cửa hang và di dời thì việc di dời sẽ rẻ hơn"./.
Theo Thanh Tuấn/VOV-Miền Trung
Rốn lũ Tân Hóa nhà ngập đến nóc, bị cô lập ba ngày qua Tại xã Tân Hóa có 630 ngôi nhà đang bị ngập sâu, trong đó có 40 ngôi nhà bị ngập tới nóc. Chiều tối 5-9, trao đổi với PV PLO qua điện thoại, ông Ngô Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình), nói xã có 630 ngôi nhà dân vẫn đang ngập sâu, trong đó 40 nhà...