Mặt trận cùng nhân dân phòng dịch
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, Ủy ban MTTQ nhiều tỉnh, thành đã trực tiếp đi cơ sở để kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.
Tinh thần “chống dịch như chống giặc” được Mặt trận các cấp đề cao để bảo vệ sức khỏe của người dân.
Lãnh đạo MTTQ tỉnh Thái Nguyên đi kiểm tra tình hình phòng dịch tại cơ sở.
Tỉnh Thái Nguyên là địa bàn có rất nhiều trường Đại học đồng thời là địa phương có đường giao thông nối liền với các tỉnh vùng biên giới, lưu lượng người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn khá nhiều, di biến động dân cư lớn, do đó nguy cơ dịch bệnh nCoV xâm nhập vào Thái Nguyên là rất cao. Với chủ trương mỗi cán bộ Mặt trận là một tuyên truyền viên tích cực, để hạn chế tình trạng lây lan dịch, MTTQ tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức các đoàn xuống từng địa phương để nắm bắt tình hình đồng thời tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh.
Ông Phạm Thái Hanh – Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên cho biết, đến nay MTTQ các cấp đã triển khai các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh, địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp đến MTTQ cấp xã, các tổ chức thành viên và từng khu dân cư, hộ dân. Các địa phương cũng đã chủ động rà soát, nắm tình hình người nước ngoài, người Việt Nam đi từ vùng có dịch về, lập danh sách, kết hợp với trạm y tế xã, phường theo dõi tình hình sức khỏe và thực hiện cách ly nếu cần thiết; tạm dừng các lễ hội và tiến hành phun thuốc khử trùng tại các nơi công cộng. Các khu dân cư cũng chủ động nắm bắt các nguồn thông tin chính thống để tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến người dân về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống; đồng thời tổ chức vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm và từng hộ gia đình…
“UBMTTQ tỉnh Thái Nguyên đề nghị UBMTTQ các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương hướng dẫn, chỉ đạo Ban Công tác Mặt trận ở tất cả khu dân cư, tổ dân phố chủ trì phối hợp, lựa chọn các hình thức phù hợp, an toàn để triển khai tới đại diện 100% các hộ gia đình nhằm thông báo tình hình dịch bệnh; tuyên truyền, phổ biến, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh và chủ động triển khai công tác đảm bảo vệ sinh phòng dịch tại các hộ gia đình”, ông Hanh nhấn mạnh.
Với đặc thù là tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, khách du lịch trong nước và quốc tế di biến động đông nên hệ thống MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đưa ra nhiều phương án phòng dịch nhằm hạn chế thấp thất tình trạng lây lan, phát tán bệnh dịch. Ông Đỗ Việt Anh – Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình Bình cho biết, Mặt trận tỉnh đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản, Chỉ thị của Ban Bí thư, của Trung ương và của tỉnh. Tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo trong toàn hệ thống MTTQ tỉnh, tạo sự thống nhất trong mọi hành động. Mỗi cán bộ MTTQ phải là những tuyên truyền viên tích cực, vận động nhân dân nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm túc các biện pháp tự phòng dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Video đang HOT
“Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương đã được rà soát, triển khai thực hiện đúng, đủ theo yêu cầu của Trung ương; kiện toàn các đội cấp cứu lưu động, phản ứng nhanh tại các địa phương, công khai số điện thoại đường dây nóng đến nhân dân; tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ lây nhiễm, người từ vùng dịch trở về địa phương” – ông Đỗ Việt Anh nói.
Tại tỉnh Bắc Giang, UBMTTQ tỉnh cũng tổ chức đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Theo ông Trần Công Thắng – Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, để hạn chế dịch bệnh lây lan, phát tán, các huyện đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh phù hợp với thực tế từng địa phương. Công tác nắm bắt tình hình được thực hiện tốt, đặc biệt việc giám sát các trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan đến người nhiễm virus corona, người đi từ vùng dịch trở về địa phương.
Cùng với đó, công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng được đẩy mạnh để người dân hiểu về tình hình dịch bệnh và các hướng dẫn, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh. Việc xây dựng phương án thiết lập các khu vực cách ly, điều trị, chăm sóc tích cực cho người mắc bệnh tại các cơ sở y tế được thực hiện đầy đủ.
“Bên cạnh đó, có các phương án hậu cần, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ số thuốc, hóa chất, vật tư y tế cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Công tác vệ sinh môi trường, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng được đảm bảo” – ông Thắng chia sẻ.
Tuệ Phương
Theo ĐĐK
1.110 người chết vì virus corona ở TQ, Hồ Bắc có thêm 94 ca tử vong
Số người tử vong vì virus corona đã lên tới 1.110 tại Trung Quốc đại lục hôm 12/2 sau khi tỉnh Hồ Bắc công bố 94 ca tử vong mới.
Theo số liệu mới nhất công bố hôm 12/2, tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của dịch bệnh, ghi nhận thêm 94 ca tử vong trong ngày 11/2, nâng tổng số người chết lên thành 1.068.
Tổng số người chết vì virus corona tại Trung Quốc đại lục đã lên tới 1.110 ca.
Số ca nhiễm mới được ghi nhận tại Hồ Bắc trong ngày 11/2 là thấp nhất kể từ ngày 31/1, khi 1.347 ca nhiễm mới được ghi nhận. Tổng số ca nhiễm trong toàn tỉnh hiện là 33.336 tính đến hết ngày 11/2.
Phần lớn ca tử vong mới được ghi nhận ở thành phố Vũ Hán, tỉnh lỵ tỉnh Hồ Bắc. Thành phố ghi nhận 72 ca tử vong hôm 11/2, tăng so với 67 ca ngày trước đó. Tổng cộng 820 người ở thành phố đã thiệt mạng vì virus.
Một hình ảnh được báo China Daily công bố cho thấy khu cách ly ở Vũ Hán.
Trung Quốc đã phong tỏa hàng chục triệu cư dân ở nhiều thành phố trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus. Song số ca nhiễm mới cũng như số người tử vong vẫn tăng lên từng ngày.
Chính quyền Vũ Hán, nơi bị phong tỏa toàn thành từ ngày 23/1, đã siết chặt các biện pháp hạn chế tại thành phố 11 triệu dân. Các biện pháp mới bao gồm quy định không được đi khám bệnh tại bệnh viện ngoài quận cư trú, và "quản lý theo kiểu niêm phong" mọi khu dân cư.
Virus corona chủng mới, có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã được đặt tên chính thức là "Covid-19" hôm 11/2. Tới nay, hơn 43.000 ca lây nhiễm đã được ghi nhận tại 28 quốc gia, với số trường hợp chủ yếu tập trung ở Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 11/2, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố tên chính thức cho virus là Covid-19. Trong đó, "Co" là viết tắt của "corona", "vi" trong "virus" và "d" là "dịch bệnh" (disease).
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói dù 99% ca nhiễm là ở Trung Quốc, nơi dịch bệnh vẫn đang là "vấn đề rất khẩn cấp", virus cũng "gây ra mối đe dọa lớn đối với phần còn lại của thể giới".
Ông nói các nước có cơ hội để ngăn chặn sự lây lan toàn cầu của virus và kêu gọi chia sẻ thông tin để tiếp tục nghiên cứu về căn bệnh. Lô vaccine đầu tiên có khả năng đối phó với Covid-19 sẽ được đưa vào sử dụng trong 18 tháng tới, theo lãnh đạo WHO.
Phát biểu với các nhà khoa học tại hội thảo quốc tế đầu tiên về chống chọi với virus corona, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo virus corona là một mối đe dọa cực kỳ chết chóc.
"Virus có thể gây hậu quả mạnh mẽ hơn bất cứ hành động khủng bố nào", ông Tedros nói với báo giới sau hội thảo.
Cuộc hội thảo quy tụ 400 nhà khoa học, nhóm họp trong 2 ngày ở Geneva. Các nhà khoa học đã kêu gọi xem xét cách thức lây truyền của virus corona và chế vaccine có thể chống lại dịch bệnh.
"Chúng ta không phải đã bất lực", ông Tedros nói. "Nếu bây giờ chúng ta đầu tư, chúng ta sẽ có cơ hội thực sự chấm dứt bùng phát dịch".
Theo Guardian, những người tham gia sự kiện cũng sẽ thảo luận nguồn gây ra virus - vốn đang được coi là xuất phát từ dơi và lây sang con người qua những loài trung gian như rắn hoặc tê tê.
Theo Zing.vn
Chủ tịch Quốc hội: Giảm lễ hội, họp trực tuyến để phòng chống corona "Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội luôn sẵn sàng sát cánh cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị chống dịch do virus corona gây ra". Phát biểu khai mạc phiên họp 42 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 10/2, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, năm 2020 là một năm có ý nghĩa đối với đất nước...