Mất tối đa 15 ngày để người lao động nhận hỗ trợ từ gói 38.000 tỷ
Nếu không phải điều chỉnh thông tin trong hồ sơ, người lao động mất tối đa 15 ngày để nhận được tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Việc chi trả do cơ quan BHXH thực hiện.
Ngày 1/10, Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 28 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Tổng số tiền hỗ trợ đợt này là 38.000 tỷ đồng, trong đó 30.000 tỷ hỗ trợ cho người lao động và 8.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động.
BHXH phải nêu rõ lý do nếu không chi trả hỗ trợ
Theo quyết định, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) lập danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp để gửi người sử dụng lao động, chậm nhất đến hết ngày 20/10. Danh sách lao động được hỗ trợ sẽ được công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan BHXH cấp tỉnh.
Trong 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được danh sách, người sử dụng lao động công khai danh sách người được hỗ trợ để người lao động biết, đối chiếu, bổ sung thông tin (nếu có).
Sau đó, doanh nghiệp, người sử dụng lao động lập và gửi danh sách người lao động có thông tin đúng, đủ và người tự nguyện không nhận hỗ trợ. Danh sách gửi đến cơ quan BHXH.
Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được hỗ trợ từ 1,8 đến 3,3 triệu đồng. Ảnh minh họa: P.N .
Video đang HOT
Với người lao động cần điều chỉnh thông tin, chậm nhất đến ngày 10/11, doanh nghiệp lập danh sách đã điều chỉnh của những người này gửi đến cơ quan BHXH, kèm theo hồ sơ chứng minh thông tin điều chỉnh theo quy định pháp luật.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách người lao động đúng, đủ thông tin và trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được danh sách người lao động điều chỉnh thông tin, cơ quan BHXH chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động.
Việc chi trả được khuyến khích thông qua tài khoản ngân hàng của người lao động. Trường hợp không chi trả hỗ trợ, cơ quan BHXH thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Như vậy, người lao động có hồ sơ đúng, đủ thông tin theo yêu cầu sẽ được nhận hỗ trợ trong vòng tối đa 15 ngày. Lao động có hồ sơ cần chỉnh sửa thông tin sẽ nhận được hỗ trợ trong tối đa 25 ngày.
Lao động đang bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp đăng ký hỗ trợ qua đâu?
Với người lao động bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9/2021 và đã ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc không còn ở doanh nghiệp, người lao động gửi hồ sơ đề nghị theo biểu mẫu có sẵn, gửi cơ quan BHXH cấp tỉnh hoặc cấp huyện nơi có nhu cầu nhận hỗ trợ. Thời hạn tiếp nhận đề nghị hỗ trợ chậm nhất hết ngày 20/12/2021.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan BHXH chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động. Thời gian hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12, khuyến khích trả qua tài khoản của người lao động.
Trường hợp không chi trả hỗ trợ, cơ quan BHXH cũng phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Người lao động có thể nộp hồ sơ đề nghị nhận hỗ trợ theo các hình thức: trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam hoặc các tổ chức cung cấp dịch vụ I-VAN; ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (VssID); thông qua dịch vụ bưu chính; trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh hoặc cấp huyện.
Tại Quyết định số 23, Chính phủ cũng nêu rõ chính sách hỗ trợ giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đối với doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Theo đó, thời gian thực hiện giảm mức đóng là 12 tháng, kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.
Trong thời gian này, hàng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện giảm mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Theo Quyết định được ban hành, mức hỗ trợ người lao động dựa trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Cụ thể:
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng: 1,8 triệu đồng/người.
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng: 2,1 triệu đồng/người.
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng: 2,4 triệu đồng/người.
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng: 2,65 triệu đồng/người.
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng: 2,9 triệu đồng/người.
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 132 tháng trở lên: 3,3 triệu đồng/người.
Thời gian thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ ngày 1/10 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12.
Những thông tin người lao động cần chuẩn bị để nhận hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp nhanh và chính xác
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, từ ngày 01/10/2021, cơ quan Bảo hiểm xã hội trên toàn quốc sẽ triển khai chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Để đảm bảo việc chi trả chính sách hỗ trợ đến tay người lao động một cách nhanh chóng, chính xác, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị người lao động nên chuẩn bị một số thông tin liên quan đến quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của bản thân để cùng rà soát, đối chiếu với dữ liệu của cơ quan Bảo hiểm xã hội, giúp xác định đúng mức hỗ trợ của mình.
Người lao động có thể tra cứu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của mình qua nhiều hình thức như sổ Bảo hiểm xã hội, ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số trên điện thoại thông minh, Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại địa chỉ https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/tra-cuu-dong-bao-hiem.aspx, dịch vụ tin nhắn tra cứu qua Tổng đài 8079 (soạn tin nhắn theo cú pháp: BH QT mã số Bảo hiểm xã hội gửi 8079, mã số Bảo hiểm xã hội là mã số trên sổ Bảo hiểm xã hội hoặc 10 số cuối trên thẻ bảo hiểm y tế của người lao động), hoặc gọi Tổng đài Tư vấn và chăm sóc khách hàng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam: 19009068.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam lưu ý, quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp tra cứu qua các phương thức trên có thể bao gồm cả thời gian tham gia đã hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động nên chỉ mang tính tham khảo.
Từ quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của mình, người lao động có thể biết được mức tiền mình được hỗ trợ một lần là bao nhiêu. Theo quy định tại Nghị quyết 116, mức hỗ trợ được tính trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Cụ thể, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người; từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng được hỗ trợ 2,1 triệu đồng/người; từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng, hỗ trợ 2,4 triệu đồng/người; từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng, hỗ trợ 2,65 triệu đồng/người; từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng, hỗ trợ 2,9 triệu đồng/người và từ đủ 132 tháng trở lên được hưởng mức hỗ trợ 3,3 triệu đồng/người.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người lao động nên chuẩn bị một tài khoản ngân hàng cá nhân để nhận tiền hỗ trợ được nhanh chóng, thuận tiện nhất. Với người lao động đã có tài khoản ngân hàng cá nhân, thông tin cần cung cấp để nhận hỗ trợ là tên ngân hàng mở tài khoản (bao gồm cả tên chi nhánh), số tài khoản ngân hàng, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân được dùng để mở tài khoản ngân hàng. Tên chủ tài khoản ngân hàng phải trùng với tên người nhận hỗ trợ. Số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân phải trùng với số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân dùng mở tài khoản ngân hàng của người lao động.
Với người lao động chưa có tài khoản ngân hàng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị người lao động nên mở tài khoản ngân hàng cá nhân để việc nhận hỗ trợ được nhanh chóng và chính xác nhất. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã có dịch vụ mở tài khoản trực tuyến, người lao động chỉ cần có điện thoại thông minh, máy tính hoặc laptop và đường truyền Internet là có thể thực hiện được dịch vụ này.
Bên cạnh đó, người lao động chuẩn bị một số điện thoại để cung cấp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội giúp thuận tiện cho việc liên hệ giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và người lao động trong trường hợp cần thiết.
Người lao động thụ hưởng gì từ khoản chi 30.000 tỷ đồng vừa được duyệt? Sau khi UB Thường vụ Quốc hội thông qua đề xuất hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bằng nguồn của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, hôm nay, Chính phủ sẽ có nghị quyết cụ thể thực hiện chính sách. Tổng mức hỗ trợ 38.000 tỷ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp bất thường của...