Mất tiền tỷ vì lo sợ vô lý về “ngày tận thế”
Dù các nhà khoa học hàng đầu thế giới đều bác bỏ thông tin Trái Đất diệt vong vào 21/12 tới nhưng nhiều người dân vẫn tỏ lo sợ đến mức phi lý.
Ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), cảnh sát đã nhận được 25 cuộc gọi khẩn cấp chỉ trong vòng 2 ngày thể hiện nỗi lo lắng, sợ hãi khi ngày cuối cùng theo lịch người Maya đang đến rất gần.
Ở thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô), một nữ kỹ sư họ Jiang quyết định làm việc thiện giúp đỡ cộng đồng trước ‘ngày tận thế’. Người phụ nữ 54 tuổi đã thế chấp ngôi nhà trị giá tới 3 triệu tệ (hơn 10 tỷ đồng) để đổi lấy khoản tiền 1 triệu tệ (hơn 3,3 tỷ đồng), cộng thêm vay mượn bên ngoài nhằm quyên góp cho trẻ em thiếu may mắn.
Gia đình bà Jiang không hề biết chuyện cho tới khi chồng bà, một giáo sư đại học, nhận được cuộc gọi từ một trong các chủ nợ. Rất may, công ty bất động sản đã đồng ý trả lại căn hộ với điều kiện gia đình cựu kỹ sư phải bồi thường khoản tiền 20.000 tệ (gần 69 triệu đồng).
Gia đình lo ngại bà kỹ sư họ Jiang sẽ còn làm chuyện “điên rồ” do quá tin vào Ngày tận thế.
Còn tại Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên), giám đốc một công ty công nghệ tin học đã quyết định cho nhân viên nghỉ phép 2 ngày đúng vào dịp 21/12 tới.
Video đang HOT
Darynn, giám đốc điều hành công ty, cho biết, ông đưa ra quyết định này vì nhận thấy nhân viên không thể tập trung làm việc vào thời điểm được đồn đoán là ‘ngày tận thế’.
Vị giám đốc hóm hỉnh chia sẻ: “Vậy tại sao lại không vin luôn vào cớ ngày tàn của thế giới để về thăm cha mẹ và tận hưởng một ngày tận thế vui vẻ bên người thân?”.
Ăn nên làm ra nhờ ‘ngày tận thế’
Trong bộ phim vể thảm họa diệt vong của Trái Đất tựa đề “2012″ (trình chiếu năm 2009), chiếc thuyền khổng lồ cứu giúp những người may mắn được đặt tại dãy Himalaya thuộcTây Tạng. Tận dụng chi tiết đáng giá này trong bộ phim ăn khách, nhiều địa danh ở Tây Tạng bắt đầu bán bưu thiếp dưới dạng một chiếc vé tới chiếc thuyền cứu hộ.
“Giờ G” được xác định là 10h ngày 21/12/2012 (giờ Bắc Kinh). Thậm chí trên vé còn ghi chú: Mỗi người mang không quá 1kg hành lý, không kèm vật nuôi, thời hạn bán vé cuối cùng là 20/12/2012… Một khách hàng họ Zheng tiết lộ với tờ Oriental Outlook Weekly rằng, vào thời điểm anh mua chiếc vé, rất nhiều điểm bán vé ở Tây Tạng đã sạch nhẵn hàng.
Ở Chiết Giang, doanh nhân Dương Tông Phúc đã sáng tạo ra loại tàu cứu hộ khẩn cấp được đặt tên “Atlantis Emergency Life-saving Spherical Capsule”. Là một khối cầu khổng lồ màu vàng bằng kim loại, Atlantis có thể chống chọi với thời tiết khắc nghiệt như núi lửa phun, sóng thần, đại hồng thủy, động đất, bức xạ hạt nhân…
Sản phẩm này ngay lập tức được những người giàu có và tin vào thuyết ‘ngày tận thế’ hưởng ứng. Theo Want Daily, mức giá cao nhất đặt hàng trước một chiếc tàu cứu hộ Atlantis lên tới 5 triệu tệ (hơn 16,7 tỷ đồng). Doanh nhân Dương Tông Phúc tiết lộ thêm, một đại gia ở tỉnh Sơn Tây thậm chí còn đặt hàng bộ 15 chiếc.
Tàu cứu sinh cho Ngày tận thế của doanh nhân Dương Tông Phúc.
Nhiều người dân tại một làng xa xôi thuộc Đông Nam tỉnh Tứ Xuyên thì đổ xô tới các cửa hiệu để mua nến và diêm sau khi xuất hiện tin đồn Trái Đất sẽ chìm vào bóng tối kinh hoàng trong suốt 3 ngày liền, kể từ 21/12.
Tờ Nhật báo Đô thị miền Tây Trung Quốc đưa tin, nến và diêm hiện đã chẳng còn để bán tại hàng loạt cửa tiệm. Theo tờ báo này, tin đồn bắt nguồn trên mạng và được lan truyền tới các khu vực vùng sâu vùng xa.
Đa phần những người tin vào điều này đều là người cao tuổi, thông qua các câu chuyện phiếm trên phố, trên xe buýt và bàn cờ. Chủ một cửa hiệu ở làng cho hay: “Nến là mặt hàng bán chạy nhất trong vài ngày qua. Cho tới thời điểm này, chúng tôi chẳng còn cây nến nào để bán nữa”.
Trên thực tế, các nhà khoa học hàng đầu thế giới đều bác bỏ thông tin về ‘ngày tận thế’, các thông tin khác chỉ là đồn đoán, người dân không nên tin tưởng.
Theo Dantri
Biểu tượng nụ cười có từ bao giờ?
Một số người cho rằng ngày 19-9-2012 là sinh nhật thứ 30 của biểu tượng nụ cười :-) được dùng trong tin nhắn và Scott Fahlman - giáo sư Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) - là cha đẻ của nó.
Những quả trứng có vẽ biểu tượng được bán trong siêu thị ở Pháp
Ngày 19-9-1982, Scott Fahlman gửi một tin nhắn cho các đồng nghiệp: "Tôi đề nghị dùng chuỗi ký tự :-) để chỉ những câu chuyện đùa". Trả lời nhật báo The Independent (Anh), Scott Fahlman nói: "Đó chỉ là 10 phút ngắn ngủi trong đời tôi. Lúc ấy, tôi nghĩ rằng ký hiệu này chỉ thu hút một vài người bạn và sự việc sẽ dừng lại ở đó".
Ngày nay, biểu tượng :-) được dùng phổ biến trên toàn thế giới để diễn tả nhiều trạng thái khác nhau của tâm hồn. Nó phổ biến đến nỗi khi người dùng Microsoft Word gõ vào các ký tự :-), phần mềm sẽ mặc định chuyển nó thành biểu tượng cười. Scott Fahlman không hoàn toàn tán thành điều này: "Tôi cho là tồi tệ vì nó làm tan vỡ ý định đi tìm một phương tiện thông minh diễn tả cảm xúc bằng cách sử dụng các ký tự chuẩn của bàn phím".
Tuy vậy, việc xác định cha đẻ của biểu tượng nụ cười vẫn còn gây tranh cãi. Năm 2002 (được xem là 20 năm sau khi Scott Fahlman tạo ra biểu tượng), các chuyên gia đã sử dụng kỹ thuật về "khảo cổ thông tin" để tìm các dấu vết lưu lại trên máy nhắn tin và máy tính của Scott Fahlman.
Có người cho rằng biểu tượng nụ cười ra đời trước năm 1982. Trong một bài báo công bố tháng 9-2011, Owni viết: "Thật đáng ngờ khi xem Scott Fahlman là người sáng tạo ra biểu tượng này. Ý tưởng sử dụng dấu ngắt câu để tạo nên hình ảnh có nghĩa đã xuất hiện trong Morse từ năm 1850 và trong báo chí Mỹ từ cuối thế kỷ 19".
Nhiều người, nhiều công ty đã cố gắng chứng minh mình là người sáng tạo biểu tượng hoặc tìm cách đạt được chứng nhận sở hữu trí tuệ để chiếm độc quyền sử dụng khuôn mặt nhỏ mỉm cười.
Dù ngày 19-9 có phải là sinh nhật của biểu tượng nụ cười hay không, hàng triệu người trên thế giới vẫn tiếp tục gửi cho nhau hằng ngày những thông điệp mang biểu tượng vui vẻ và yêu thương này
Theo PL
Tranh cãi xung quanh vụ giáo sư Đại học cho con bú trên giảng đường Tranh cãi xung quanh vụ giáo sư Đại học cho con bú trên giảng đường Adrienne Pine là giáo sư trợ giảng tại khoa Nhân chủng học của trường Đại học Hoa Kì. Vụ việc xảy ra vào ngày học đầu tiên của học kì. Con gái của Adrienne bị ốm, vì vậy mà cô mang con bé đến trường. Trong một cuộc...