“Mắt thần” biển Đông
Với sự ra đời của phi đội máy bay tuần thám, Cảnh sát Biển Việt Nam sẽ có thêm công cụ để giữ gìn an ninh, hòa bình và bảo vệ vùng lãnh hải của Tổ quốc
Hai chiếc máy bay CASA-212 là “tân binh” vừa xuất hiện trong hệ thống phi cơ đang được Không quân Việt Nam quản lý và vận hành. Sự xuất hiện của loại máy bay tuần thám này sẽ giúp nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải hiệu quả hơn. Phi đội máy bay tuần thám cũng sẽ là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân đánh bắt cá ngoài biển Đông thường xuyên bị tàu bè lạ bắt nạt, giúp họ vượt bão trong những chuyến đi biển dài ngày.
Phi công, kỹ sư radar Việt Nam và các chuyên gia Tây Ban Nha trong buổi tiếp nhận chiếc máy bay CASA-212 thứ hai vào cuối năm 2012
“Tân binh” uy lực
Lực lượng Cảnh sát Biển đã tiếp nhận 2 chiếc máy bay tuần thám CASA-212 do Tập đoàn Airbus Military sản xuất với số hiệu VN-8981 và VN-8982. Chiếc cuối cùng mang số hiệu VN-8983 trong phi đội máy bay tuần thám sẽ có mặt tại Việt Nam vào cuối năm nay. Trung đoàn Không quân 918 trực thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân đã được Bộ Quốc phòng giao trọng trách vận hành và tổ chức phi đội máy bay tuần thám biển đầu tiên.
Phi công và các chuyên gia bên chiếc máy bay CASA-212 – Ảnh: NGUYỄN HOÀI
Đại tá phi công Lê Kiêm Toàn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 918, đơn vị đang quản lý, vận hành 2 máy bay CASA-212, cho biết: “Phi đội 4, còn gọi là phi đội bay tuần thám của trung đoàn, sắp tới sẽ bắt tay vào nhiệm vụ bay biển. Chúng tôi đang nỗ lực để sớm đưa máy bay này vào vận hành từ cuối quý 2 năm nay”. Đại tá Lê Kiêm Toàn là người đầu tiên được đi học chuyển loại phi công ở Tây Ban Nha. Trước đây, ông là phi công lái máy bay vận tải AN-26.
Bên trong buồng lái hiện đại, điều khiển tự động bằng điện tử của CASA-212.
Về kế hoạch bay cũng như thực hiện nhiệm vụ đa dạng trên biển Đông của máy bay tuần thám, Bộ Quốc phòng giao cho Lực lượng Không quân và Cảnh sát Biển cùng hiệp đồng để nhiệm vụ tuần tra đạt hiệu quả cao nhất. Với đặc thù là công cụ của lực lượng chấp pháp trên biển, máy bay tuần thám không trang bị vũ khí nhưng lại có những công cụ sắc bén. “Cảnh sát Biển có quyền kiểm tra tất cả tàu bè lưu thông trong vùng lãnh hải Việt Nam cũng như yêu cầu các tàu xâm phạm rời khỏi hải phận của chúng ta” – đại tá Toàn khẳng định.
Công cụ lợi hại nhất của máy bay tuần thám CASA-212 là hệ thống radar MSS-6000 tối tân, cho phép “tân binh” này bao quát vùng biển, vùng trời trong hải phận của Việt Nam. “Mắt thần” của CASA-212 có thể quan sát mọi phương tiện hoạt động trong bán kính 120 km khi máy bay hoạt động ở độ cao dưới 3 km.
Trung đoàn trưởng Trung đoàn 918 tâm đắc: “Mọi dữ liệu bằng hình ảnh động của tàu bè và cả những thông tin chi tiết hơn như quốc tịch, số hiệu, loại tàu… đều được truyền về trung tâm xử lý thông qua vệ tinh Vinasat. Từ đó, sở chỉ huy sẽ đưa ra quyết định dừng tàu kiểm tra hay cho lưu thông tiếp”.
2 năm chế ngự CASA-212
Máy bay tuần thám là phương tiện hiện đại, được hỗ trợ các thiết bị tối tân nên từ khi ý tưởng thành lập phi đội bay tuần thám trên biển hình thành, phải mất gần 2 năm, những phi công và chuyên gia Việt Nam mới hoàn thành nhiệm vụ chế ngự và làm chủ CASA-212.
Thượng tá Nguyễn Hoài Thủy, Phi đội trưởng Phi đội CASA-212, cho biết: “CASA-212 là loại máy bay rất hiện đại, thuộc thế hệ thứ 4, trong khi các loại máy bay trực thăng, vận tải ở Trung đoàn 918 đều thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3. Khi được cấp trên tín nhiệm cho đi học chuyển loại ở Tây Ban Nha, chúng tôi cũng có rất nhiều âu lo. Rất may là trước đó một năm, chúng tôi đã có bước chuẩn bị tốt khi được đào tạo ở Học viện Hàng không Việt Nam nên khi sang Tây Ban Nha chuyển loại phi công ở nhà máy Airbus Military, tất cả anh em đều nắm bắt rất nhanh”.
Video đang HOT
Tám phi công đầu tiên thuộc biên chế Phi đội 4 – sau này sẽ chuyên thực hiện nhiệm vụ bay tuần thám biển – đều nhận được bằng tốt nghiệp xuất sắc từ Airbus Military. Đối với hệ thống radar MSS-6000, 15 kỹ sư và kỹ thuật viên được gửi đi đào tạo ở Thụy Điển còn phải trải qua những khóa học dài hơi hơn bởi đây là hệ hống radar truyền tải hình ảnh trực tiếp qua vệ tinh hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay. Hệ thống radar này có giá thành đắt ngang bằng một chiếc máy bay tuần thám.
Ý thức được tầm quan trọng đối với nhiệm vụ nặng nề của phi đội bay tuần thám, lực lượng Cảnh sát Biển đã gửi các sĩ quan kỹ thuật giỏi nhất của mình đi đào tạo. “Các phi công và sĩ quan kỹ thuật của CASA-212 đều là những người rất giỏi tiếng Anh, vững về kỹ thuật vì hệ thống điều khiển của loại máy bay này do Airbus sản xuất và chế tạo hiện đại như máy bay hàng không dân dụng” – đại tá Lê Kiêm Toàn nhận xét.
Ghé thăm phòng giao ban làm việc của các phi công ở Phi đội 4, chúng tôi mới thấy tinh thần học hỏi không ngừng của những người được giao nhiệm vụ chế ngự chim sắt CASA-212 gắn mắt thần MSS-6000. Ngay giữa phòng họp là một bức hình mô tả hệ thống điều khiển trên buồng lái. Thượng tá Nguyễn Đức Hảo, Tham mưu trưởng – Phi đội phó Phi đội 4, cho biết: “Sau khi tiếp nhận máy bay CASA-212, chúng tôi đã đi vào quá trình vận hành thử và tiếp tục trau dồi kỹ thuật để khi tập huấn bay thật sẽ nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ”.
Theo đại tá Lê Kiêm Toàn, đầu tháng 4-2013 này, các chuyên gia của Airbus Military sẽ sang Việt Nam cùng phi công của Phi đội 4 bước vào đợt tập huấn cuối cùng. “Ở Tây Ban Nha, chúng tôi đã được thực hành bay biển rất nhiều. Tuy nhiên, tôi nhận thấy việc bay ở các vùng biển nước ngoài dù thực hành nhiều cũng sẽ không hiệu quả nếu không được thực tập trên chính vùng biển của chúng ta. Chính vì thế, chúng tôi đã đề nghị trong 8 tuần cuối cùng của đợt chuyển loại, các phi công sẽ bay thực hành ở Việt Nam” – đại tá Toàn lý giải.
Chỗ dựa của ngư dân
Phi đội máy bay tuần thám hiện tại mới chỉ có 8 phi công nhưng sau khi tiếp nhận đủ máy bay và đầy đủ biên chế, đây sẽ là một biên đội bay hùng mạnh với 113 người, trong đó 59 người làm nhiệm vụ bảo đảm mặt đất.
Đại tá Lê Kiêm Toàn khẳng định: “Nhiệm vụ của CASA-212 rất nhiều và nặng nề. Ngoài việc giữ gìn an ninh, thực thi pháp luật và bảo vệ lãnh hải, máy bay tuần thám sẽ hỗ trợ ngư dân tránh bão, cứu hộ cứu nạn, ngăn ngừa dầu tràn, chống cháy rừng, bảo vệ đặc quyền kinh tế tại các giàn khoan trên biển của ta”.
Trong số các nhiệm vụ này, đại tá Toàn đặc biệt tâm đắc với việc bảo vệ ngư dân, không để hàng chục vạn lao động trên biển của ta bị tàu hải giám Trung Quốc ức hiếp. CASA-212 cũng sẽ là chú “chim báo bão” đối với ngư dân nhờ các thiết bị cảnh báo hiện đại của mình. “CASA-212 có thể bắn đạn pháo hiệu để tàu bè tìm nơi trú ẩn an toàn. Trường hợp tàu bè của ngư dân gặp bão, CASA-212 sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện thời tiết phức tạp để thả phao cứu sinh, cứu nạn khẩn cấp” – thượng tá Nguyễn Đức Hảo cho biết thêm.
Sau khi nhận đủ máy bay và kiện toàn biên chế, phi đội bay tuần thám của Cảnh sát Biển sẽ chia làm 3 tổ bay trực tại 3 miền Bắc, Trung, Nam để bao quát tốt nhất đường bờ biển dài hơn 3.000 km. Ở miền Bắc, một chiếc CASA-212 sẽ trực ở sân bay Gia Lâm, miền Trung là sân bay Đà Nẵng và khu vực phía Nam sẽ đóng ở sân bay Vũng Tàu hoặc Phan Rang.
Tự tin sẽ hoàn thành nhiệm vụ khi CASA-212 đã ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, đại tá Toàn khẳng định: “Bộ Quốc phòng coi nhiệm vụ của máy bay tuần thám có ý nghĩa lớn để bảo vệ chủ quyền, an ninh hàng hải cũng như chủ quyền kinh tế biển của ta. Vì thế, Trung đoàn 918 sẽ được bảo đảm tốt nhất về nhiên liệu để bay thường xuyên, có thể bay theo ngày, bao quát tất cả các vùng biển của ta”.
Bay liên tục 8 giờ
Theo thượng tá Nguyễn Hoài Thủy, CASA-212 đang được hơn 40 nước khai thác. Trong điều kiện bình thường, CASA-212 có thể bay ở độ cao thấp để quan sát rõ tàu bè đi lại trên biển nhưng khả năng hoạt động của nó ở độ cao tối đa lên đến 7 km. Đây cũng là loại máy bay có khả năng bay liên tục trong 7-8 giờ. Tổ bay CASA-212 gồm 8 nguời, trong đó có 2 phi công và 5 người vận hành hệ thống quan sát, radar MSS-6000. Dù phi đội CASA-212 hiện nay thuộc Trung đoàn Không quân 918 nhưng trong tương lai, những người lính không quân sẽ khoác trên mình màu áo của Cảnh sát Biển để dễ dàng thực hiện nhiệm vụ chấp pháp trên biển.
“CASA-212 là máy bay của Cảnh sát Biển Việt Nam, vì thế có đầy đủ tư cách pháp nhân và công cụ để thực hiện các nhiệm vụ giữ gìn an ninh, chủ quyền trên biển của ta” – đại tá Lê Kiêm Toàn khẳng định. CASA-212 cũng giúp việc đấu tranh bảo vệ lãnh hải qua đường ngoại giao được hiệu quả hơn vì máy bay này thừa khả năng cung cấp hình ảnh và bằng chứng xác thực khi tàu bè nước ngoài xâm phạm chủ quyền của ta.
Bên trong buồng lái hiện đại, điều khiển tự động của CASA-212
Ảnh: NGUYỄN HOÀI
Theo Dantri
Không quân Việt Nam bảo vệ Trường Sa từ khi nào
Không quân Nhân dân Việt Nam đã điều những máy bay hiện đại nhất làm nhiệm vụ trinh sát, tuần tiễu bảo vệ quần đảo Trường Sa cuối những năm 1980.
Chiến đấu cơ hiện đại nhất Không quân Nhân dân Việt Nam khi đó Su-22M được cơ động vào Trường Sa
Giữa những năm 1980, tình hình khu vực Biển Đông và đặc biệt là quần đảo Trường Sa có những diễn biến hết sức phức tạp do các hoạt động do thám, khiêu khích, quấy phá, chiếm đóng một số đảo do hải quân nước ngoài tiến hành.
Cuối năm 1986, nước ngoài điều máy bay và tàu chiến liên tục thực hiện hoạt động trinh sát, thăm dò ở khu vực Trường Sa. Đặc biệt, ngày 24-30/12/1986, nước ngoài cho máy bay trinh sát từ đảo Song Tử Tây đến khu vực Thuyền Chài. Hành động này đã gây nên tình hình căng thẳng về tranh chấp chủ quyền vùng biển Việt Nam.
Trong năm 1987, hải quân nước ngoài điều tàu trinh sát phần lớn các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Trong đó, có những đảo mà Việt Nam đang giữ. Chúng liên tục huy động tàu qua lại khu vực đảo An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa lớn, Trường Sa Đông, Song Tử Tây, có lúc chỉ cách ta khoảng 1-2 hải lý.
Đứng trước tình hình hết sức căng thẳng, để bảo vệ vững chắc các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Quân chủng Không quân và Hải quân trực tiếp được trên giao nhiệm tham gia bảo vệ và chi viện Trường Sa.
Trong đó, Quân chủng Không quân được giao các nhiệm vụ:
- Trinh sát chụp ảnh, quan sát bằng mắt trên các đảo và vùng biển xung quanh Trường Sa
- Bay thả hàng không dù trên các đảo có diện tích rộng
- Tổ chức huấn luyện phi công làm nhiệm vụ bay biển xa, trinh sát chụp ảnh, chi viện cho các đảo
- Sử dụng không quân tiêm kích - bom (cường kích) hoạt động ở tầm bay tối đa, mục tiêu ngắm vào tàu chở quân tiếp viện của đối phương.
Cơ động máy bay hiện đại nhất vào Nam
Tình hình lúc này, ở phía Nam ta không có loại máy bay chiến đấu nào đủ khả năng bay từ đất liền ra tuần tiễu Trường Sa. Vì thế, Quân chủng Không quân cơ động một bộ phận máy bay cường kích Su-22M từ Bắc vào Nam.
Su-22M là loại máy bay hiện đại do Liên Xô thiết kế dùng cho nhiệm vụ tấn công mục tiêu mặt đất, trên biển. Cuối năm 1979, không quân ta đã được tiếp nhận những chiếc Su-22M đầu tiên, trang bị cho Trung đoàn 923 Yên Thế (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Có thể nói, vào thời điểm đó, Su-22M là chiến đấu cơ hiện đại nhất của không quân ta với tầm bay xa, tải trọng vũ khí lớn.
Ngày 6/11/1987, Bộ Quốc phòng ra mệnh lệnh bảo vệ quần đảo Trường Sa. Sáng ngày hôm sau, Tư lệnh Quân chủng Không quân ra lệnh cho Sư đoàn 372 tổ chức cơ động một phi đội Su-22M của Trung đoàn 923 từ Thọ Xuân vào Phan Rang hiệp đồng với Vùng 4 Hải quân, Lữ đoàn Phòng không 378 sẵn sàng chiến đấu.
Ngày 14/11, đội ngũ dẫn đường sở chỉ huy của Ban Dẫn đường Sư đoàn 372 và Tiểu ban Dẫn đường Trung đoàn 923 cùng đội ngũ phi công thực hiện dẫn bay thành công Su-22M cơ động chuyển sân đường dài lần đầu tiên vào phía Nam.
Từ ngày 21/11, Sư đoàn 372 đã tổ chức trực ban chiến đấu và huấn luyện bay biển cho Su-22M tại sân bay Phan Rang.
Nhờ có công tác huấn luyện bay biển thường xuyên đạt chất lượng cao, tiến độ nhanh và an toàn. Sáng ngày 10/3/1988, phi công Vũ Xuân Cương đã thành công chuyến bay nhiệm vụ đầu tiên trên cường kích Su-22M từ Phan Rang ra tuần tiễu Trường Sa. Đây là lần đầu tiên máy bay chiến đấu của Không quân Nhân dân Việt Nam ra tới Trường Sa.
Tuy nhiên, ngày 14/3, khi các tàu vận tải của hải quân ta đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao (quần đảo Trường Sa), thì tàu chiến của Trung Quốc lao đến ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604, HQ-605 và HQ-505.
Chúng cho quân đổ bộ lên Gạc Ma nhổ cờ Tổ quốc, nổ súng vào bộ đội gây cho chúng ta nhiều tổn thất (3 cán bộ hy sinh, 11 cán bộ, chiến sĩ bị thương và 70 người mất tích). Hành động của Trung Quốc đã làm cho tình hình Trường Sa và Biển đông trở nên vô cùng căng thẳng.
Tăng cường bảo vệ Trường Sa
Trước tình hình đó, không quân được lệnh sẵn sàng xuất kích bảo vệ đảo. Đồng thời, ta cũng điều thêm nhiều Su-22M vào Nam để tăng cường lực lượng.
Từ ngày 1/3-20/4/1988, Trung đoàn không quân 918 thực hiện 10 chuyến bay ra Trường Sa quan sát chụp ảnh, thông báo tình hình đối phương trên biển về sở chỉ huy.
Ngày 30/3/1988, tư lệnh Quân chủng Không quân ra chỉ thị về việc tăng cường bay huấn luyện trên biển xa cho Su-22M nhằm nâng cao khả năng tác chiến trên biển. Ngày 24/4, quân chủng quyết định điều thêm 3 chiếc Su-22M từ Thọ Xuân vào Phan Ranh. Cuối tháng 6, có thêm 10 chiếc Su-22M nữa vào Phan Rang.
Ngày 10/6/1988, Tư lệnh Không quân phê duyệt lại kế hoạch triển khai nhiệm vụ bảo vệ và chi viện Trường Sa. Quân chủng chủ trương sử dụng các lực lượng hiện có (gồm tiêm kích đánh chặn MiG-21bis, cường kích Su-22M, vận tải cơ An-26 và trực thăng Mi-8/Ka-25) thực hiện 4 nhiệm vụ chính: bay trinh sát, vận chuyển đường không; tấn công các mục tiêu trên biển và đảo; tiêm kích bảo vệ đội hình chiến đấu không quân - hải quân; hiệp đồng chặt chẽ với hải quân và phòng không bảo vệ Trường Sa.
Sau chuyến bay đầu tiên của phi công Vũ Xuân Cương vào tháng 3, ngày 24-28/6 hai biên đội Su-22M (4 chiếc) lần lượt bay nhiệm vụ ra đảo Trường Sa và An Bang.
Ngày 24/29/10, không quân và hải quân tham gia cuộc diễn tập lớn mang tên CV-88 do Bộ Tổng Tham mưu và Quân chủng Hải quân tổ chức. Tham gia diễn tập có các đơn vị thuộc Sư đoàn 372, 2 trực thăng Mi-8 từ Trung đoàn 917, 2 vận tải cơ An-26 từ Trung đoàn 918, trung đoàn 920...
Diễn tập CV-88 tiến hành theo hai giai đoạn: đầu tiên là chuyển trạng thái sẵn sàng chiến và tiếp theo là thực hành chiến đấu tại Phan Rang và Cam Ranh.
Biên đội Su-22 phóng rocket tấn công mục tiêu
Trong diễn tập, phi đội Su-22M thực hiện các phương án tấn công tiêu diệt và ngăn chặn đội hình hải quân địch trên biển, chi viện yểm hộ cho hải quân phản công chiếm lại đảo. Đội hình tiêm kích đánh chặn MiG-21 yểm trợ bảo vệ đội hình tàu và máy bay Su-22M. Các đơn vị trực thăng Ka-28, Mi-8, vận tải An-26 làm nhiệm vụ trinh sát, chuyển quân, tìm kiếm cứu nạn.
Ngày 25/11, Tổng Tham mưu trưởng ra mệnh lệnh bảo vệ Trường Sa, khu vực biển và thềm lục địa. Ở phía Nam, Quân chủng Không quân tích cực tham gia bảo vệ Trường Sa, khi tàu nước ngoài gây ra chiến sự thì phối hợp với hải quân đánh bại họ ở vùng biển quần đảo Trường Sa.
Trong suốt những năm bảo vệ Trường Sa, Trung đoàn 923 là đơn vị chủ lực thường xuyên thực hiện các chuyến bay tuần tiễu. Sang tới cuối năm 1989, làm nhiệm vụ Trường Sa có thêm sự tham gia từ Trung đoàn cường kích 937 trang bị Su-22M4.
Ngày 19/10, biên đội Su-22M4 do phi công Vũ Kim Điến và Nguyễn Văn Thận đã hoàn thành xuất sắc chuyến bay đầu tiên của Trung đoàn 937 ra Trường Sa. Với sự kiện này, đơn vị này đủ cơ sở để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa và vùng kinh tế biển phía Nam tổ quốc.
Cuối tháng 12/1989, Trung đoàn 923 được lệnh cơ động ra sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa). Toàn bộ nhiệm vụ chiến đấu của không quân cường kích ở phía Nam giao lại cho Trung đoàn 937.
Bài viết có sử dụng tư liệu Lịch sử Không quân Nhân dân Việt Nam, Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam và Lịch sử Dẫn đường Không quân.
Theo xahoi
Bắn pháo hoa đêm giao thừa tại đảo Lý Sơn Chiều ngày 29.1, đại tá Trương Chí Lăng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy (BCH) Quân sự TP.Đà Nẵng cho biết UBND TP.Đà Nẵng vừa đồng ý chủ trương giao BCH Quân sự TP.Đà Nẵng tổ chức bắn pháo hoa vào đêm giao thừa Tết Quý Tỵ 2013 tạiđảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Đây là năm đầu tiên BCH...