Mặt thảm tuyến quốc lộ nghìn tỷ bị “xé toang”
Mới được đưa vào sử dụng chưa lâu song quốc lộ 12 nối Cảng Vũng Áng – Cửa khẩu Cha Lo đoạn qua huyện kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã xuống cấp trầm trọng, nền đường bị lún sụt, mặt thảm bị xé toang.
Quốc lộ 12 nối Cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) với Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) là tuyến đường mới được xây dựng trên cơ sở mở rộng và nâng cấp một phần tỉnh lộ đã có. Tuyến quốc lộ này được Bộ GTVT giao Sở GTVT Hà Tĩnh, Sở GTVT Quảng Bình và BQL dự án 85 (PMU85) làm chủ đầu tư, với nguồn vốn lên đến hơn 1.500 tỷ đồng, trong đó đoạn khó nhất do PMU 85 làm chủ đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án phục vụ phát triển Cảng Vũng Áng, giao thương giữa một phần Hà Tĩnh, Quảng Bình và Lào.
Ngay từ khi được đưa vào sử dụng (2009), tuyến đường này đã khiến dư luận nghi ngại về chất lượng thi công, mà cụ thể nhất là vào tháng 10/2009 khi vừa đưa vào sử dụng nhiều điểm trên cung đường do PMU 85 làm chủ đầu tư bị rách làm đôi, hệ thống kè chống sạt lở thuộc bờ taluy dương bị đổ sập nhiều điểm, khiến chủ đầu tư và nhà thầu phải vất vả sửa chữa. Tại cung đường do Sở GTVT Quảng Bình làm chủ đầu tư, nối thị trấn Đồng Lê đi Cửa khẩu Cha Lo cũng xảy ra tình trạng sạt lở tương tự.
Và nay, tình trạng xuống của tuyến quốc lộ này tiếp tục xảy ra đối với hơn 30km do Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, chạy qua địa phận huyện Kỳ Anh. Chuyến khảo sát mới đây của PV Dân trí cho thấy, trên lý trình dài hơn 30km từ điểm đầu tuyến là Cảng Vũng Áng chạy qua các xã Kỳ Lợi, Kỳ Trinh, thị trấn Kỳ Anh, Kỳ Hợp đến xã Kỳ Tân huyện Kỳ Anh đang xuống cấp một cách trầm trọng. Phần nền đường đã bị sụt lún thê thảm, mặt thảm bị xé toang tạo thành những con lươn nằm nhô lên khỏi mặt đường hết sức nguy hiểm.
Hậu quả của tình trạng xuống cấp này là đã có quá nhiều vụ tai nạn, đặc biệt là tai nạn chết người khiến người dân và giới tài xế hết sức lo sợ. Nhiều tài xế phản ánh, mỗi lần chạy xe trên cung đường nói trên họ phải hết sức cẩn thận, giảm tối đa tốc độ và hạn chế cho xe chạy lệch lằn đường để tránh bị lật xe. Theo ghi nhận của PV Dân trí, vào buổi tối, khi thiếu ánh sáng, tuyến đường xuống cấp này đã thực sự trở thành một mối hiểm họa cho bất kỳ ai.
Trước thực trạng nêu trên, chiều ngày 4/9, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần 496 (thuộc Tông công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cenco 4) đóng tại TP Vinh, Nghệ An), đối tác thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng tuyến Quốc lộ 12 cho Khu Quản lý đường bộ IV. Ông Dương thừa nhận thực trạng tuyến quốc lộ 12 xuống cấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo ông Dương, nguyên nhân chính khiến quốc lộ 12 đoạn qua huyện Kỳ Anh xuống cấp trầm trọng như hiện nay đó là do khí hậu khắc nghiệt, tình trạng xe quá tải, đặc biệt là xe vận tải cở lớn vận chuyển đá từ hai mỏ đá tại địa bàn xã Kỳ Tân phục vụ xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng, gây ra.
Lý giải vì sao đường xuống cấp một thời gian rất dài nhưng không được sửa chữa, ông Dương cho hay, thiếu vốn đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác duy tu, bảo dưỡng của nhà thầu, giải pháp mà đơn vị của ông đang triển khai chỉ có thể là cho máy cắt bỏ phần nhô lên mặt đường. “Trong bối cảnh thiếu kinh phí, thiếu đầu tư thời gian qua Công ty 496 chỉ có thể thực hiện giải pháp “tối ưu” (rẻ) nhất hiện nay đó là cho máy cắt bỏ, hạ độ cao những con “lươn” trồi cao trên mặt đường để bảo đảm việc đi lại, giảm đến mức thấp nhất tai nạn có thể xảy ra”- ông Dương nói.
Ông Dương cho biết thêm, với trách nhiệm của mình Công ty 496 vừa có văn bản gửi lãnh đạo Sienco 4 đề nghị Khu Quản lý đường bộ quan tâm, bố trí nhanh nguồn vốn để đơn vị kinh phí tiến hành duy tu, bảo dưỡng, đồng thời phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh có biện pháp ngăn chặn tình trạng xe qúa tải đang hoành hành tại cung đường nói trên.
Một số hình ảnh Quốc lộ 12 đoạn qua huyện Kỳ Anh – Hà Tĩnh xuống cấp do PV Dân trí vừa ghi lại:
Quốc lộ 12 đoạn qua xã Kỳ Trinh, Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh đang lún sụt mạnh, khiến mặt thảm bị xé toang
Video đang HOT
Vô số “con lươn” chình ình trên mặt thảm hết sức nguy hiểm.
Chỉ cần thiếu quan sát, lạc tay lái là tai nạn có thể ập đến với bất kỳ phương tiện tham gia giao thông nào
Dù đơn vị duy tu bảo dưỡng – Công ty 496 – đã cho cắt, hốt phần lằn đường nhô lên, nhưng quốc lộ 12 đoạn qua xã Kỳ Tân vẫn hết sức nguy hiểm
Vào ban đêm nguy hiểm rình rập cả ô tô và người đi xe máy.
Văn Dũng – Minh Đức
Theo Dantri
Được cảng, mất đất liền?
Hàng ngàn mét khối đất, cát tại thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã trôi xuống biển kể từ khi có hoạt động nạo vét bờ biển, tạo luồng lạch cho tàu ra vào khu vực Cảng Vũng Áng "ăn" hàng.
Đất, cát trôi theo "lốc" biển
Sau hơn một năm trở lại xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chúng tôi không khỏi giật mình với tốc độ biển xâm thực lấn sâu vào đất liền địa bàn thôn Hải Phong. Cả một bờ biển dài với rừng cây phi lao chắn sóng vững chắc nay đang dần biến mất. Vô số gốc cây chết khô, nằm trơ trọi trên bờ biển. Nhiều cây, biển "ăn" sâu, khoét trồi cả gốc, chỉ nay mai nữa chúng sẽ cùng chịu chung số phận chết thảm.
Một gốc phi lao trơ trọi gốc sau khi cát đất phủ quanh nó trôi xuống biển
Cách đó không xa, những ngôi nhà, vô số chuồng trại chăn nuôi của người dân vốn đang nằm trong diện buộc phải di dời sụp đổ hoặc rạn nứt khủng khiếp. Nhiều chủ quán hàng tạm bợ nằm sát mép biển đang sống trong nỗi lo, có người bảo chỉ cần một cơn bão mang theo cơn sóng dữ thì mọi thứ ở đây trở thành miếng mồi ngon của biển.
Biển xâm thực xé toạc một quán hàng của người dân
Một vài quán hàng lèo tèo trên bờ biển cũng sắp bị xóa sổ
"Mấy năm trước, rừng phi lao ở tận ngoài kia, nay nó đã bị biển cuốn phăng mất rồi. Chừ còn chút ít ni nữa, chắc ít thời gian chi nữa có cũng trôi luôn xuống biển. Tui hơn 70 tuổi sống chết chô ni chưa khi mô thấy biển lấn, đất lở khùng khiếp như ri"- một cụ ông ngoài 70 tuổi dừng nhặt rong biển chỉ tay về khu đất đang chuẩn bị sụp xuống bở biển sâu nói một cách đầy tiếc nuối.
Biển xâm thực với tốc độ chóng mặt khiến cuộc sống của hàng chục hộ dân ở thôn Hải Phong, vốn chưa thể di dời để nhường đất phục vụ cho việc xây dựng cầu cảng, đã bị đảo lộn hoàn toàn. "Vẫn biết là thời gian tới người dân chúng tôi sẽ phải di dời lên nơi ở mới (hiện còn một số vướng mắc người dân thôn Hải Phong chưa chịu di dời-PV), nhưng chừng nào chưa chuyển đi nơi đây vẫn là quê hương của chúng tôi. Không đau sao được khi từng khối đất, khối cát của chúng tôi, của đất nước cứ trôi xuống biển. Sống làm sao được khi nhà cửa, ruộng vườn không yên" - cụ ông dẫn chúng tôi rảo bước trên khu vực cát lở bức xúc nói.
Người dân thôn Hải Phong tụ tập trên bãi rác đang từng giờ bị cuốn phăng xuống biển
Người dân thôn Hải Phong "tố", nguyên nhân khiến đất liền nơi họ sinh sống đang bị sóng biển cuốn trôi xuất phát từ hoạt động nạo vét, tạo luồng lạch cho tàu ra vào khu vực Cảng Vũng Áng Việt Lào và cảng than phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng. "Không cần chuyên gia, không cần cơ quan chức năng đánh giá, bất kỳ người dân nào ở đây cũng nhận ra, việc nạo vét, hút tạo luồng lạch ở đây là thủ phạm gây ra tình trạng sạt lở này. Họ càng hút, thì đất cát trong đất liền cứ bị sóng biển đánh sụp xuống. Cứ thế đất cứ lở, biển cứ xâm thực" - anh Tuấn, một người dân chỉ những con tàu đang hút cát trước mặt nói thêm.
Kêu mãi chỉ... mỏi miệng!
Làm việc với Dân trí, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi Lê Xuân Vượng cho biết, tình trạng biển xâm thực tại xóm Hải Phong xuất hiện từ năm 2009 - thời điểm cầu cảng số 2 của cảng Vũng Áng bắt đầu được thi công và thực trạng này càng diễn biến phức tạp hơn khi dự án nạo vét gần 40ha diện tích mặt biển phục vụ xây dựng cầu cảng phục vụ Nhá máy Nhiệt điện Vũng Áng được triển khai từ đầu năm 2013 này.
Hoạt động nạo vét tại khu vực Cảng Vũng Áng được xác định là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ biển tại Hải Phong
Theo ông Vượng, khó có thể thống kê hết có bao nhiêu mét khối đất, cát tại thôn Hải Phong bị biển cuốn trôi. Từ khi xuất hiện thực trạng nêu trên chính quyền xã Kỳ Lợi đã có nhiều văn bản gửi UBND huyện, BQL khu kinh tế Vũng Áng, UBND tỉnh Hà Tĩnh có giải pháp để ngăn chặn tình trạng biển xâm thực khoét sâu đất liền. Một trong những giải pháp được chính quyền xã này nêu ra đó là xây dựng một bờ kè vững chắc chạy dọc theo bờ biển, nối cảng Vũng Áng Việt Lào với Cảng than của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng. Thế nhưng, đến nay dự án trên vẫn chỉ dừng lại ở mức đề xuất của chính quyền xã.
"Chúng tôi đã đề xuất giải pháp nêu trên, tuy nhiên, đề xuất đến nay vẫn không thấy tỉnh thực hiện. Họ (tỉnh- PV) nói dự án đầu tư kè ở đây ngốn hàng trăm tỷ đồng, một số tiền quá lớn so với ngân sách của địa phương. Họ nói thế thì chúng tôi đành chịu chứ biết làm sao" - ông Vượng nói.
Một cụ ông ở thông Hải Phong mỏi mòn chờ đợi kè chắn sạt lở
Người đứng đầu chính quyền xã Kỳ Lợi không giấu được vẻ bức xúc vì từng mét đất trên địa bàn đang từng ngày, từng giờ bị biển cuốn trôi. "Bà con họ kêu là có lý. Không kêu sao được khi biển ngày càng khoét sâu, cuốn luôn nhà cửa và không ít mồ mả của bà con. Trước mắt, chúng tôi đã thống kê có 17 hộ trong xóm đang sống trong tình trạng báo động, nếu bão đạt đến cấp độ số 8 đến thì rất nguy hiểm" - ông Vượng nói.
Trước mắt, theo ông Vượng, trong khi chưa có kè ngăn biển xâm thực, chờ đợi các vướng mắc được giải quyết để người dân xóm Hải Phong di dời lên chô ở mới, chính quyền xã Kỳ Lợi chỉ có có duy nhất phương án, nếu bão giật từ cấp 8 trở lên sẽ cho người dân ở thôn này tạm đi lánh nạn.
Theo Dantri
Chi tiền tỷ mua laptop, Đại biểu HĐND "chê" không xài Dù máy tính xách tay được trang bị riêng cho từng đại biểu nhưng đã hai kỳ họp Hội đồng Nhân dân (HĐND) trôi qua, văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình vẫn phải phát tài liệu photo, mỗi bộ hàng trăm trang giấy. Ngày họp cuối cùng kỳ họp thứ 8 (18/7), HĐND tỉnh Quảng Bình khoá 16 vẫn phải tiếp tục photo...