Mất oan một chân khi điều trị ở phòng khám tư
Dù các bác sĩ chẩn đoán Thức chỉ bị “rạn vỡ kín mâm chày trái”, thế nhưng sau ít ngày điều trị, bệnh nhân đã bị hoại tử nghiêm trọng và buộc phải cưa đi 1/3 chân trái.
Bức xúc
Gia đình ông Nguyễn Mai Thịnh (SN 1965, trú xóm 7, Thịnh Sơn, Đô Lương, Nghệ An), tố cáo Giám đốc và đội ngũ y bác sĩ Phòng khám đa khoa Việt An (PKĐK Việt An, đóng ở xã Hòa Sơn) tắc trách trong thăm khám điều trị gây hậu quả nghiêm trọng.
Nội dung sự việc cụ thể như sau: Lúc 17h ngày 31/8/2013, con trai ông Thịnh là Nguyễn Thế Thức (SN 1996, học sinh lớp 12, Trường THPT Đô Lương 1) bị tai nạn trên đường đi học về. Gia đình đưa Thức vào PKĐK Việt An thăm khám.
Sau khi thực hiện các kỹ thuật khám, chụp X-quang, siêu âm, các bác sĩ chẩn đoán nạn nhân bị &’rạn vỡ kín mâm chày trái’, chỉ định BS Nguyễn Bá Đại hút dịch ở đầu gối và thực hiện bó bột.
Sau đó, Thức được kê đơn thuốc và cho về nhà điều trị, dặn phải sau 4 tuần mới tháo bột.
Em Nguyễn Thế Thức đã phải lắp chân giả để đi lại. Hơn 1 tháng qua em đã phải nhờ bố chở đi học.
Tuy nhiên khi về nhà, chân của Thức bị sưng to và đau nhức. Đến 22h ngày 31/8, gia đình lo lắng đã gọi cho bác sĩ phòng khám và được hướng dẫn dùng kéo cắt chừng 5cm nới lỏng vòng bó bột để bớt đau.
“Thấy con trai kêu đau chân không dứt, chỗ sưng ngày một to, đến chiều hôm sau (ngày 1/9 – PV), gia đình đưa cháu đến phòng khám nhờ bác sĩ xem xét và hướng dẫn điều trị.
Tuy nhiên chúng tôi đợi mãi không gặp được ai, đành phải đưa con về nhà. Thấy con đau quá, tôi đã tháo bột ra. 4 ngày sau, con tôi không những không đỡ mà chân còn bị bầm tím, bàn chân lạnh và mất cảm giác.
Hoảng quá, chúng tôi vội chuyển con xuống BVĐK Nghệ An. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bị chèn ép khoang do bó bột dẫn đến tắc mạch máu, làm hoại tử chân trái” – ông Thịnh bức xúc kể lại sự việc.
Ông Thịnh cho biết, trong quá trình điều trị, dù rất lo lắng trước tình trạng sức khỏe của con trai, nhưng gia đình đã không nhận được sự giúp đỡ từ bác sĩ phòng khám.
Video đang HOT
“Biết chân con đã bị hoại tử, chúng tôi phải vận chuyển gấp ra BV Quân y 108 (Hà Nội). Các bác sĩ tiến hành cắt phần chân dưới của con tôi để tránh nhiễm trùng máu” – ông Thịnh cho biết.
Bác sĩ hoạt động chui
Đơn tố cáo của gia đình gửi Sở Y tế Nghệ An và các đơn vị chức năng.
Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, PKĐK Việt An được Sở Y tế Nghệ An cấp phép ngày 9/11/2007. Phòng khám có 9 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 1 y tá và 2 kỹ thuật viên.
Trong Giấy phép hành nghề ghi rõ các lĩnh vực được phép hoạt động gồm: Nội nhi thông thường, Ngoại sàng thông thường, Răng mặt thông thường, Mắt thông thường, Chẩn đoán hình ảnh bằng X – Quang và Xét nghiệm sinh huyết học.
Mặc dù thế, phòng khám này trưng biển quảng cáo ghi thêm các loại hình khám chữa bệnh khác như: Nội soi, Phụ khoa, Chấn thương…
Đặc biệt, theo thông tin từ Phòng Quản lý ngành nghề Y dược, Sở Y tế Nghệ An, giấy phép hoạt động của PKĐK Việt An đã hết hạn hơn 1 năm (từ tháng 11/2012). Thế nhưng mọi hoạt động khám chữa bệnh vẫn được tổ chức bình thường trong suốt thời gian qua.
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Sỹ Lương, Phó Trưởng phòng Quản lý hành nghề Y dược, Sở Y tế Nghệ An cho biết: “PKĐK Việt An đang trong thời gian chờ được cấp phép trở lại theo Luật khám chữa bệnh mới đối với cơ sở tư nhân (hạn cuối là 31/12/2013 – PV).
Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã cấp phép cho 23 phòng khám đa khoa. Nhiệm vụ theo dõi hoạt động các phòng khám này do các Phòng Y tế huyện quản lý”.
Điều đáng nói, bác sĩ Nguyễn Bá Đại, người trực tiếp bó bột cho em Nguyễn Thế Thức, gây ra tình trạng tắc mạch máu và hoại tử, lại không có trong danh sách các y bác sĩ được phép hành nghề tại PKĐK Việt An. Thông tin này khiến gia đình nạn nhân và dư luận địa phương rất bức xúc.
Trao đổi với báo chí, ông Võ Văn Huy, Giám đốc PKĐK Việt An cho biết, BS Đại vốn là bác sĩ chuyên khoa I của Bệnh viện 103; là bộ đội về hưu, phụ trách siêu âm của phòng khám!
Ông Huy thừa nhận chính bác sĩ Đại là người vừa phụ trách siêu âm, vừa điều trị bó bột cho em Thức. Tuy nhiên, vị giám đốc này lại cho rằng để xảy ra vụ việc là do lỗi từ phía gia đình bệnh nhân.
“Việc tắc mạch, tắc khoang có thể xảy ra khoảng sau 2 – 6 giờ đồng hồ. Trường hợp này không phải tắc do chèn ép mà tắc do chấn thương đụng dập.
Về chuyên môn, chúng tôi không có gì sai. Do gia đình chủ quan không theo dõi dẫn đến gặp rủi ro.
Gia đình bệnh nhân Thức là người trong làng, trong xã quen biết nhau cả, nên bác sĩ Đại đã xử lý luôn, bó bột luôn” – ông Võ Văn Huy khẳng định.
Đền bù 100 triệu đồng để phủi trách nhiệm?
Ông Nguyễn Bá Đại, người trược tiếp thăm khám và bó bột cho em Thức không có tên trong danh sách các bác sĩ được phép hành nghề tại PKĐK Việt An.
Ông Nguyễn Mai Thịnh cho biết, ngay sau khi con trai ông được cắt bỏ phần chân bị hoại tử để cứu lấy tính mạng, ông đã nhận được 50 triệu đồng do một nhân viên của phòng khám chuyển vào tài khoản.
“Hôm đó tôi gọi điện về cho giám đốc Võ Văn Huy thông báo việc con tôi đã cưa chân. Một lúc sau tài khoản tôi đã được cộng thêm 50 triệu do 1 nhân viên của phòng khám chuyển vào” – ông Thịnh kể.
Ít ngày sau, một nhân viên khác của phòng khám đã mang thêm 50 triệu đồng nữa đến đưa cho ông Thịnh.
“Anh ta gọi tôi ra cổng đưa 50 triệu tiền mặt rồi bảo ký vào một tờ giấy nhỏ.
Từ đó đến nay, gia đình tôi nhiều lần yêu cầu phía phòng khám hỗ trợ vì chi phí chữa trị, đặc biệt là tiền làm chân giả cho con là rất lớn; thế nhưng họ chẳng đoái hoài.
Hơn 1 tháng qua tôi phải ngày 2 buổi chở con đến trường. Con trai tôi vốn khỏe mạnh bây giờ tự nhiên thành người tàn phế. Gia đình mong cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và xử lý trách nhiệm của PKĐK Việt An” ông Nguyễn Mai Thịnh cho biết.
Theo Vietnamnet
Bác sĩ "chùn tay" vì sợ người nhà bệnh nhân "đổ vấy"
Gần đây, đã xuất hiện một số trường hợp khả năng chữa được và rủi ro là 50-50, nhưng bác sĩ đã không quyết tâm cứu chữa người bệnh, do sợ bị "đổ vấy" trách nhiệm, khiến chịu thiệt thòi lại thuộc về người bệnh.
Thực tế này có nguyên nhân từ những phản ứng quá mạnh của người thân bệnh nhân sau những tai biến y khoa ngoài mong muốn. Thông tin này được PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ bên ngoài cuộc tọa đàm "Giảm thiểu các tai biến trong y khoa" của lãnh đạo Bộ Y tế và một số bệnh viện (BV) tại Hà Nội ngày 19/11.
Trong điều trị khám chữa bệnh (KCB), rủi ro là điều không ai mong muốn, nhưng lại khó tránh khỏi. Giảm thiểu tai biến y khoa luôn là mong mỏi thiết tha của cả các thầy thuốc lẫn người dân. Theo PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, ở nhiều nước phát triển, có tới 3,7% người dân là nạn nhân của sai sót y khoa, trong đó, chiếm 70% là do nhân viên y tế. 100.000 người bệnh ở Mỹ chết vì tai biến y khoa; 17.000 người Australia bị thiệt mạng do những lỗi lầm trong BV mà có thể phòng ngừa được. Việt Nam số tử vong do tai biến y khoa chiếm 15% số tử vong của cả nước, có nguyên nhân do lỗi hệ thống, hoặc do lỗi của bác sĩ, kỹ thuật viên, hộ sinh, điều dưỡng..vv... Thời gian qua, số vụ tai biến trong KCB, nhất là tai biến sản khoa, tai biến sau khi sử dụng vaccine, có chiều hướng gia tăng, khiến dư luận thấy bất an về chất lượng KCB.
GS.TS Nguyễn Đức Phú, Giám đốc BV TW Huế và BS Phạm Cầm Kỳ, Giám đốc BV sản nhi Ninh Bình đều có chung ý kiến về nguyên nhân tai biến y khoa ở Việt Nam là do quá tải BV. Vì thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị, bác sĩ ít có cơ hội thăm hỏi, tư vấn cho người bệnh kỹ lưỡng, rào cản thông tin giữa thầy thuốc với người bệnh làm ảnh hưởng đến chất lượng KCB. Môi trường quá tải cũng dẫn đến nhiễm khuẩn BV. Thậm chí, do nhiều bệnh nhân nằm ghép, có thể dẫn đến tai biến do nhầm lẫn, khi 2 người cùng họ tên, nhưng đơn thuốc lại khác nhau. Hoặc chỉ định của bác sĩ là thuốc tiêm bắp lại bị tiêm tĩnh mạch.
Để ngăn chặn tai biến, phải có chiến lược chứ không thể chỉ quy trách nhiệm.
Một số ý kiến cho rằng, vì quá tải BV khiến nhiều người bệnh tìm đến các cơ sở y tế tư nhân và dẫn đến những vụ tai biến đau lòng như vụ Phòng khám tư nhân Maria, Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội). Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến khẳng định, vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường là điều không thể chấp nhận được. Nhưng vấn đề không phải là BV tư nhân hay công lập, mà điều quan trọng là chất lượng KCB và đi liền đó là công tác giám sát, kiểm soát. Bởi trước khi xảy ra tai biến, Phòng khám tư nhân Maria đã có quảng cáo trên các phương tiện truyền thông với nội dung khá phi lý, nhưng vẫn không được kiểm tra giám sát, dẫn đến hậu quả khó lường. Khi quyết định mở phòng khám tư, các bác sĩ cần ý thức được trách nhiệm và năng lực của mình, tránh để xảy ra hậu quả.
PGS.TS Nguyễn Viết Tiến thừa nhận có hiện tượng bác sĩ làm việc ở BV công, nhưng lại "dẫn" bệnh nhân ra phòng khám tư để phẫu thuật và đã có trường hợp xảy ra tai biến, phải ra tòa. Để tránh điều này, đòi hỏi bác sĩ phải có tâm và nhất là phải luôn trau dồi nghề nghiệp.
Nhiều người băn khoăn về "văn hóa buộc tội" vì khi xảy ra tai biến y khoa, thường lập tức quy trách nhiệm cho những người trực tiếp chăm sóc, cứu chữa người bệnh, dẫn đến cố tình che giấu sai sót, mà không có điều luật nào bảo vệ họ. Đây cũng là điều mà PGS.TS Nguyễn Viết Tiến lo âu, bởi nhiều khi nhân viên y tế bị buộc tội không có cơ sở, thậm chí, chính người quản lý BV cũng chỉ tìm trách nhiệm cá nhân, hoặc đồng nghiệp muốn "dìm" nhau xuống, mà không truy nguyên lỗi hệ thống để khắc phục. Không một bác sĩ nào mong muốn tai biến sản khoa, nhưng khi xảy ra, có bác sĩ bị đập phá nhà cửa, thậm chí, bị đưa quan tài đặt trước nhà, đòi đền bù. Điều này, khiến nhiều bác sĩ giỏi không còn đủ dũng khí để cứu chữa người bệnh khi gặp một ca bệnh khó nữa, mà sẵn sàng chuyển viện, dù người bệnh rất cần được cứu chữa tức thời.
Giải pháp nào để giảm thiểu tỷ lệ tai biến y khoa, nhằm ngăn chặn những vụ việc đau lòng như thời gian qua, là câu hỏi được đặt ra riết róng. PGS.TS Nguyễn Viết Tiến cho rằng, phải tìm ra lỗi hệ thống mới phòng, tránh triệt để. Vì thế, Bộ Y tế đang rà soát xem chuyên khoa nào hay xảy ra tai biến, để có chiến lược tập trung. Ví như ở sản khoa thường xảy ra, thì cùng các biện pháp về chuyên môn, cần tư vấn cho các cặp đôi trước khi kết hôn, để biết có nên có con hay không? Hoặc tỉ lệ trẻ tử vong tập trung ở 5 tuổi trở xuống, trong đó, lại chiếm nhiều ở trẻ dưới 1 tuổi và đa phần ở trẻ sơ sinh, thì cần có các chiến lược phòng, tránh tai biến và tử vong cho lứa tuổi này. Bên cạnh đó, cần tìm nguyên nhân ở phía người bệnh: đưa người bệnh đến BV có muộn không? Có thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ không, ví như có người bệnh vẫn ăn trước khi gây mê, dù bác sĩ đã dặn không được ăn, dẫn đến sặc khi gây mê.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đã phần gia đình người bệnh phản ứng mạnh trước tai biến, thường là do thái độ của thầy thuốc thiếu trách nhiệm khi KCB. Vì thế, GS.TS Nguyễn Đức Phú cho rằng: Không thể chỉ kêu gọi thầy thuốc có thái độ cư xử tốt với bệnh nhân như hiện nay, mà phải xây dựng qui chuẩn hành nghề. Ở nước ngoài, có bộ câu hỏi trước mổ, bệnh nhân trả lời và cùng thấy thuốc ký cam kết, làm cơ sở pháp lý sau này, đồng thời, người bệnh cũng thấy được tôn trọng. Khi đã được tư vấn, người bệnh sẽ chia sẻ nếu xảy ra tai biến. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế 1 thì nhu cầu y tế tăng 1,5, đầu tư của Nhà nước cho y tế cũng cần tương xứng.
Việc cấp thẻ hành nghề cần độc lập với Bộ Y tế và Hội đồng khoa học của Bộ Y tế phải là những người có tài, có tâm và uy tín nghề nghiệp, để người bệnh thấy được công bằng trước các tai biến, là những điều cũng được đề xuất.
Theo CAND
Thầy lang dỏm chữa bá bệnh xương khớp bằng bó thuốc Khám chữa bệnh không phép, không chứng chỉ hành nghề, bất cứ bệnh hoặc chấn thương nào về xương khớp, "thầy" cũng chỉ... bó thuốc gia truyền và không quên đòi bệnh nhân phải chụp X-quang. Trung bình mỗi ngày, có đến hàng trăm bệnh nhân kéo đến "phòng khám" của ông Trần Coóc Lâm (thường gọi "thầy" Lâm) trên đường Đỗ Ngọc...