“Mất một con thiên nga chắc anh em chúng tôi cũng mất tết”
Sau khi đàn chim thiên nga gồm 12 cá thể trắng và đen được di chuyển từ Hồ Gươm về hồ Thiền Quang (Hà Nội), hàng ngày, tại đây có khoảng gần chục công nhân thay phiên nhau trông coi cả ngày lẫn đêm để tránh trường hợp chim thiên nga bị bắt trộm.
Công nhân phải luân phiên ngày, đêm trông giữ 12 con chim thiên nga ở hồ Thiền Quang (Ảnh: Trần Thanh)
Sáng nay, 7/2 PV có mặt tại hồ Thiền Quang ghi nhận vẫn có rất đông người dân hiếu kỳ tới ngắm những chú chim thiên nga bơi lội giữa hồ, nhiều người lấy điện thoại chụp lại khoảnh khắc thú vị khi đứng cạnh những chú chim thiên nga và thậm chí còn cố gắng chạm vào thiên nga.
Những chú chim thiên nga tỏ ra khá bạo dạn ở môi trường sống mới, ăn cả những thức ăn mà người dân ném xuống (Ảnh: Trần Thanh).
Theo quan sát của PV, 12 con chim thiên nga khi được đưa về thả ở hồ Thiền Quang tỏ ra khá bạo dạn và dường như đã thích ghi được với môi trường sống mới. Một số người dân hiếu kỳ còn chạm được cả vào những chú chim thiên nga này.
Nhiều người hiếu kỳ còn chạm được cả vào những chú chim thiên nga (Ảnh: Trần Thanh).
Sáng nay, 7/2 vẫn rất đông người dân đến hồ Thiền Quang để ngắm nhìn những chú chim thiên nga thú vị này (Ảnh: Trần Thanh).
Video đang HOT
Hoặc chụp ảnh bằng điện thoại để lưu lại những hình ảnh thú vị (Ảnh: Trần Thanh).
Những chú chim thiên nga ở hồ Thiền Quang sáng ngày 7/2 (Ảnh: Trần Thanh).
Trao đổi với PV sáng ngày 7/2, một nam công nhân thuộc Xí nghiệp thoát nước số 1 cho biết, mỗi ngày đơn vị cử các công nhân chia làm 3 ca, 2 ca ngày và 1 ca đêm đến hồ Thiền Quang để làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ đàn thiên nga. Hầu như mọi người đều phải đứng để có thể quan sát đàn thiên nga và không để kẻ gian bắt trộm.
“Ca sáng bắt đầu từ 6h-14h, ca chiều bắt đầu từ 14h-22h tối và ca đêm từ 22h – 6h sáng ngày hôm sau. Chúng tôi luôn phải thay phiên nhau trực để trông coi đàn chim thiên nga này. Được biết, giá trị mỗi một con chim thiên nga là khoảng 20 triệu đồng, nếu chẳng may thiên nga lên bờ mà bị bắt trộm thì chắc anh em chúng tôi không còn được ăn Tết” – nam công nhân chia sẻ.
Theo một công nhân khác làm nhiệm vụ trông coi đàn chim thiên nga, ban ngày việc trông coi đàn chim thiên nga sẽ dễ dàng và bớt áp lực hơn là vào buổi đêm, vì ban đêm những con chim thiên nga màu đen rất khó nhìn, phải dùng đèn pin và di chuyển liên tục theo chúng thì mới có thể đảm bảo được việc trông coi.
Liên quan đến việc này, chia sẻ với báo chí, ông Võ Tiến Hùng – Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho hay, việc cắt cử người trông đàn thiên nga chỉ là giải pháp tình thế trước mắt. Về lâu dài sẽ nghiên cứu làm sao cho thuận lợi hơn. Theo ông Hùng, ban ngày các công nhân có thể sẽ vừa thực hiện nhiệm vụ vớt rác tại hồ, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ thiên nga. Ban đêm các công nhân vẫn túc trực bình thường.
Những tấm lưới quây được cuộn tròn dùng để quây lưới khu vực giữa hồ Thiền Quang chiều ngày 7/2 (Ảnh: Trần Thanh).
Cả những chiếc cọc bằng thép được công nhân chuẩn bị để đóng xuống lòng hồ tạo thành khung quây lưới (Ảnh: Trần Thanh).
Công nhân cắt lưới để tiến hành quây nhốt đàn chim thiên nga ra giữa hồ, tránh việc bị mất trộm và dễ quản lý (Ảnh: Trần Thanh).
Khu vực được công nhân đóng cọc quây nhốt đàn chim thiên nga (Ảnh: Trần Thanh).
Theo ghi nhận của PV chiều ngày 7/2 tại hồ Thiền Quang, một số công nhân tại đây đang tiến hành cắt lưới và đóng cọc trên khu vực giữa hồ Thiền Quang. Trao đổi với một công nhân được biết, việc đóng cọc và giăng lưới ở khu vực giữa hồ để phục vụ việc quây nhốt đàn chim thiên nga, tránh việc bị mất trộm và dễ dàng quản lý chúng.
Trần Thanh
Theo Dantri
Thả thiên nga, trồng phong lá đỏ: Hà Nội sắp biến thành châu Âu?
Nhiều người cho rằng, Hà Nội đang Âu hóa sau khi trồng thử nghiệm phong lá đỏ, giờ lại thả thiên nga xuống hồ.
Đàn chim thiên nga mới được thả xuống Hồ Gươm đã phải chuyển sang hồ Thiền Quang.
Mới đây, người dân ở Hà Nội bất ngờ khi chứng kiến cảnh đàn thiên nga 2 màu đen, trắng bơi tung tăng ở Hồ Gươm. Theo tìm hiểu, những con thiên nga này do Công ty TTNHH MTV Thoát nước Hà Nội thả xuống hồ.
Tuy nhiên, do nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, tối 5/2, những con thiên nga đã được chuyển từ Hồ Gươm sang hồ Thiền Quang (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Trước đó, khoảng giữa tháng 1/2018, dư luận cũng xôn xao khi thấy những hàng cây phong lá đỏ được trồng dọc tuyến phố Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh...Trồng phong lá đỏ là một trong những chủ trương của TP Hà Nội về chương trình trồng một triệu cây xanh trong giai đoạn 2016-2020.
Trên thế giới, thiên nga được nuôi thả nhiều để làm cảnh như ở Pháp, Mỹ, Ireland, Úc... Phong lá đỏ là loại cây ôn đới, được trồng nhiều ở vùng lạnh châu Âu như Nga, Cộng hòa Séc... Thậm chí, lá phong còn được chọn in trên quốc kỳ của Canada, một quốc gia ở châu Mỹ.
Việc trồng phong lá đỏ ở Hà Nội có phù hợp hay không; thả thiên nga sẽ làm tăng thêm vẻ đẹp hay làm mất đi tính tâm linh của Hồ Gươm đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ nhưng nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội đang dần biến thành châu Âu.
Xung quanh vấn đề này, chiều 6/2, trao đổi với PV, ông Lý Tuấn Trường - Viện trưởng Viện kiến trúc cảnh quan - Nội thất (Đại học Lâm nghiệp) cho hay: "Chưa biết thành công thế nào nhưng tôi thấy việc trồng phong, thả thiên nga của lãnh đạo Hà Nội là nhằm mục đích tốt đẹp. Họ chỉ muốn làm cho Hà Nội đẹp lên".
Đánh giá về khoa học, ông Trường cho rằng: "Không phải cứ cái gì xưa cũ mới là văn hóa. Mọi cái đều phải phát triển chứ không cái gì đứng yên còn phát triển theo chiều hướng thế nào là do các nhà lãnh đạo Hà Nội định hướng.
Cần có sự thay đổi, nhưng thay đổi đến mức nào để vẫn tạo được điểm nhấn văn hóa của dân tộc mình. Thay đổi nhưng phải chọn lọc cái gì phù hợp với mình, chứ không phải bắt chước theo sẽ thành lố".
Hàng phong lá đỏ châu Âu cũng được trồng trên phố Hà Nội như đường Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh...
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến - người am hiểu về văn hóa Hà Nội cũng cho hay, trong xã hội hiện đại, du nhập là không tránh khỏi nhưng du nhập làm sao để nó không lấn át văn hóa bản sắc. Văn hóa ngàn năm văn hiến của Hà Nội vẫn phải giữ gìn.
"Du nhập cây phong lá đỏ hay thiên nga không nói lên điều gì. Thậm chí, trong một thành phố rộng như Hà Nội có 1 hàng cây lá đỏ càng làm đa dạng cây xanh đô thị", ông Tiến nói.
Việc Hà Nội trồng cây phong lá đỏ, theo ông Tiến đó là bình thường. Từ cuối thế kỷ 19, người Pháp đã đưa rất nhiều cây du nhập về Hà Nội để trồng thử nghiệm. Trong đó, những cây đô thị hiện tại ở Hà Nội cũng là du nhập chứ không phải cây bản địa. Ví dụ, bằng lăng được du nhập từ Úc, xà cừ được du nhập từ châu Phi, phượng nhập từ châu Mỹ...
Tuy nhiên, đối với việc thả thiên nga xuống Hồ Gươm, ông Tiến không đồng tình vì cho rằng, Hồ Gươm là nơi tâm linh, di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, ở đây, còn nhiều công trình văn hóa như đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Rùa... thả thiên nga làm mất đi sự tĩnh lặng của không gian văn hóa tâm linh.
"Theo tôi, thả thiên nga Hồ Bảy Mẫu, Hồ Tây... những nơi có không gian rộng thì sẽ hợp lý hơn", ông Tiến cho hay.
Theo Danviet
12 con thiên nga thả ở hồ Gươm "di cư" sang hồ Thiền Quang Sau khi được đưa khỏi hồ Gươm ngay trong đêm qua, 12 con thiên nga được "di cư" đến hồ Thiền Quang để nuôi thử nghiệm. Ngày 6.2, rất nhiều người dân "ngỡ ngàng" sau khi nhận được thông tin, đêm hôm trước, 5.2, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Thoát nước Hà Nội) đã cho nhân viên dùng lưới quây...