Mất mạng vì một bát tiết canh
Tỷ lệ tử vong của bệnh liên cầu lợn còn cao hơn dịch SARS. Hơn một nửa số lợn lành mang mầm bệnh này, vì thế hãy cảnh giác với món tiết canh, lòng lợn.
Dù bệnh liên cầu lợn chưa xếp vào danh mục các bệnh truyền nhiễm buộc phải báo cáo như cúm A/H1N1, H5N1 nhưng số người mắc bệnh đang gia tăng. Đáng lo ngại, tỷ lệ tử vong của bệnh còn cao hơn cả dịch SARS.
Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận 7 trường hợp mắc liên cầu lợn, trong đó có một ca tử vong. Do không thuộc diện dịch bệnh bắt buộc báo cáo của Bộ Y tế, các ca mắc liên cầu lợn chỉ được ghi nhận khi bệnh nhận được chuyển lên điều trị tại các bệnh viện lớn nên con số mắc thực tế có thể còn lớn hơn nhiều.
Mắc bệnh vì… tiết canh, cháo lòng
Anh T., 34 tuổi, ở Phủ Lý, Hà Nam là người chuyên bán lòng lợn tiết canh. Theo lời kể của gia đình bệnh nhân, ngày 5/5, anh có ăn tai và mũi lợn. Ngay trong ngày, anh bị sốt cao và chỉ một ngày sau rơi vào trạng thái lơ mơ. Bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng hôn mê sâu, ban hoại tử nổi khắp người, huyết áp tụt và có dấu hiệu suy đa phủ tạng. Đến nay, sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân đã qua khỏi cơn nguy kịch nhưng tình trạng hoại tử ở chi vẫn rất trầm trọng và có khả năng phải cắt một phần chi.
Còn anh L., 38 tuổi, ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh mua lòng lợn, tiết lợn về cho cả nhà cùng ăn. Sau đó chỉ mình anh L. bị sốt cao và có hiện tượng nổi ban. Gia đình tưởng bệnh nhân chỉ bị sốt phát ban thông thường mà không ngờ đến căn bệnh liên cầu lợn. Khi đi khám tại Bệnh viện tỉnh Nghệ An, bệnh nhân đã được chuyển ngay lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Sau khi nhập viện được vài giờ, bệnh nhân cũng lịm dần, rơi vào tình trạng hôn mê.
Bệnh nhân liên cầu lợn tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Châu Anh.
Video đang HOT
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu và điều trị tích cực, vi khuẩn có thể gây bệnh liên cầu lợn cho người chỉ qua một tổn thương nhỏ, trầy xước da trong quá trình giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh. Hai thể bệnh lâm sàng hay gặp nhất khi nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn và viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết. Với trường hợp bị viêm màng não, bệnh nhân sẽ bị rối loạn ý thức, phát ban ngoài da, giảm thính lực, liệt thần kinh sọ, suy thận nhẹ… Trường hợp nhiễm khuẩn huyết thì hay bị nổi ban hoại tử toàn thân, tập trung nhiều nhất ở mặt, ngực, chân tay, tụt huyết áp và rơi vào tình trạng hôn mê. Với các trường hợp này nếu không được cấp cứu kịp thời rất dễ tử vong. Bác sĩ Cấp cũng cảnh báo, bệnh liên cầu lợn để lại nhiều di chứng nguy hiểm như: điếc chiếm 25% – 40%; hoại tử chi dẫn đến phải cắt chi, suy thận.
Ruồi nhà có thể là trung gian lây bệnh
Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết điều đáng lo ngại là có đến 50% – 60% lợn lành mang mầm bệnh. Chính vì thế, việc kiểm soát nguồn lây bệnh gặp nhiều khó khăn. Vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn có nhiều nhất ở các nơi như khoang mũi, đường sinh dục, tiêu hóa và phân của lợn. Các vi khuẩn này có thể sống 10 phút ở nhiệt độ 60 độ C; 24 giờ ở 25 độ C và 8 ngày trong phân.
“Ruồi nhà cũng có thể là vật trung gian làm lây lan mầm bệnh. Khi ruồi đậu vào phân, thịt lợn có vi khuẩn liên cầu lợn sau đó đậu vào các vết trầy xước trên da người có thể khiến người bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, khả năng này cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lượng vi khuẩn trong ruồi lớn, trong khi sức đề kháng của người lại yếu”, tiến sĩ Hiển cũng cảnh báo.
Do đó, để phòng bệnh, cần phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn dễ dàng bị tiêu diệt bởi các thuốc khử khuẩn như Cloramin B. Người dân phải đeo găng tay khi tham gia giết mổ, chế biến lợn đề phòng lợn nhiễm bệnh mà không biết. Tuyệt đối không ăn hoặc tiếp xúc với lợn đã nhiễm bệnh. Tránh để ruồi bâu vào vết thương. Nếu thấy có các dấu hiệu như sốt cao đột ngột, mệt mỏi, rét run, buồn nôn, chóng mặt… sau khi tiếp xúc với lợn hoặc ăn các thực phẩm chưa nấu chín từ lợn như nem chua, nem chạo, tiết canh, cần nghĩ ngay đến bệnh liên cầu lợn và đến các cơ sở y tế để được điều trị sớm, tránh để xảy ra biến chứng.
Bệnh liên cầu lợn có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Nếu như trước năm 1998, mỗi năm chỉ vài ca mắc thì đến nay đã tăng lên hàng chục ca. Trong năm 2010, riêng miền Bắc có 55 ca mắc liên cầu lợn, trong đó có 7 ca tử vong. Các ca bệnh ghi nhận rải rác ở tất cả các tháng trong năm nhưng có nhiều nhất vào các tháng 4, 5, 6 và 7. Tỷ lệ tử vong cao, xấp xỉ 13%, trong khi ngay cả với dịch SARS, tỷ lệ tử vong chỉ khoảng 7-8%.
Theo Đất Việt
Những món 'ăn tươi nuốt sống' của người Việt
Việt Nam là một đất nước có nền văn hóa ẩm thực rất đa dạng với hàng nghìn món ăn cùng nhiều phong cách chế biến khác nhau. Trong số đó, &'hãi hùng' nhưng cũng không kém phần lôi cuốn là những món ăn theo kiểu "ăn tươi nuốt sống".
Đó là những món ăn như, tiết canh, gỏi, thịt trâu, thịt rắn sống... Những món ăn này thường có truyền thống lâu đời và gắn với phong tục, tập quán của nhiều địa phương khác nhau trên cả nước. Thoạt nhìn các món "ăn tươi nuốt sống"có thể gây cảm giác ghê sợ, đặc biệt là với người nước ngoài, nhưng khi đã thưởng thức một lần hương vị của chúng có thể sẽ làm thực khách nhớ mãi.
Tuy nhiên, do môi trường sống, điều kiện chăn nuôi ngày càng ô nhiễm, trong những năm gần đây nhiều trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng đã xảy với người ăn các món ăn này. Bởi vậy, thực khách muốn thưởng thức những món ăn tươi sống cần chắc chắn nguyên liệu chế biến hoàn toàn sạch sẽ và cơ sở chế biến có uy tín, tay nghề...
Dưới đây là một số món &'ăn tươi nuốt sống' trong ẩm thực Việt:
Tiết canh là món ăn tươi sống sử dụng nguyên liệu là tiết động vật tươi được pha với chút nước mắm hoặc nước muối nhạt trước khi trộn với những phần thịt, sụn động vật băm nhỏ để làm đông tiết. Là món ăn đặc trưng và thịnh hành khắp đất nước Việt Nam, món tiết canh không xuất hiện trong văn hóa ẩm thực của bất cứ một nơi nào khác trên thế giới. Hai loại tiết canh phổ biến nhất là tiết canh lợn và vịt, ngoài ra cũng có tiết canh ngan, cua, dê, rắn, tôm hùm...
Với nhiều người Việt Nam, gỏi sống là món ăn có sức hút mạnh mẽ vào mỗi mùa hè. Nguyên liệu chính của các món gỏi là thịt, cá, tôm, mực... còn tươi. Không cần lửa, chúng được "nấu chín" bằng lượng a-xít có trong chanh hay giấm khi trộn đều với các thành phần này. Gỏi sống được ăn kèm với nhiều loại rau sống, nước mắm pha và tương ớt.
Xuất hiện phổ biến ở nhiều hàng quán, các loại hải sản như hàu, hà, sò huyết... thường được ăn sống kèm với chanh vắt và một ít mù tạt. So với khi được nấu chín, những loại hải sản này khi "ăn tươi nuốt sống" thường có hương vị đậm đà hơn và các chất dinh dưỡng cũng được cho là "nguyên vẹn" hơn.
Thịnh hành ở một số tỉnh miền Bắc như Thái Bình, Bắc Giang, Thanh Hóa, nem sống là một món ăn tươi sống được chế biến từ thịt lợn. Khi làm món ăn này, người ta chọn thịt nạc mông còn nóng hổi, thái mỏng, ướp hành khô, tỏi, hạt tiêu, thính rang, bột canh, lá chanh... Khi gia vị ngấm, món nem sống đã sẵn sàng cho thực khách thưởng thức.
Máu của một số loài bò sát như rắn, rùa, ba ba được cho là rất bổ dưỡng. Người Việt Nam tin rằng chúng là phương thức chữa nhiều loại bệnh và giúp tăng cường sinh lực của nam giới. Bởi vậy, các loài vật này thường được cắt tiết và hòa máu tươi vào rượu để uống như một loại cocktail.
Rắn ri voi sống là một đặc sản của miền Tây Nam bộ. Trong món ăn này, những con rắn to bằng bắp tay, cổ chân còn sống nguyên được chặt ra thành nhiều khúc, nướng qua lửa chừng một phút chỉ đủ để lớp da mỏng bên ngoài chín bong. Thế là khâu chế biến đã xong, mỗi thực khách chỉ việc cầm từng khúc rắn lên gặm và cảm nhận vị ngọt bùi của thịt rắn.
Tại nhiều địa phương ở Tây Nguyên và khu vực miền núi phía Bắc, thịt trâu một món ăn khá phổ biến, trong đó nổi tiếng nhất là món thịt trâu gác bếp (thịt trâu tươi được treo trên giàn bếp để xông khói). Bên cạnh đó, thịt trâu cũng có thể được ăn sống khi tẩm ướp gia vị và các loại rau đặc trưng của từng vùng.
Theo Báo Đất Việt
Lợn tai xanh "tuồn" khỏi vùng dịch Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần tại huyện Yên Thành, Nghệ An dịch tai xanh đã lây lan khá nhanh và diễn biến phức tạp. Toàn huyện đã có hơn 4.000 con lợn mắc bệnh và đã được tiêu hủy. Hàng tấn lợn bệnh đã bị bắt giữ trên đường tuồn đi tiêu thụ. Xã Liên Thành là một trong những địa...