‘Mật mã Dyatlov’, sự trở lại của điện ảnh Nga
Bộ phim ly kỳ hồi hộp của đạo diễn người Mỹ, Renny Harlin, đưa điện ảnh xứ bạch dương trở lại rạp chiếu Việt Nam sau một thời gian dài.
Đã rất lâu rồi, người hâm mộ điện ảnh tại Việt Nam mới được thưởng thức một tác phẩm điện ảnh Nga tại rạp – The Dyatlov Pass Incident ( Mật mã Dyatlov). Bộ phim giật gân với nhiều bí ẩn này do đạo diễn người Mỹ Renny Harlin, người từng thành danh với Die Hard 2, thực hiện. Có lẽ nhờ vậy mà The Dyatlov Pass Incident vừa sở hữu những nét hồi hộp kịch tính mới lạ, lại bất ngờ đúng kiểu Hollywood.
Sự kiện “Dyatlov Pass” là có thật và từng gây hoang mang dư luận thế giới thập niên 1950, khi một đoàn thám hiểm gồm chín người với trưởng đoàn là Igor Dyatlov dày dặn kinh nghiệm bất ngờ thiệt mạng trên dãy núi Ural vào tháng 2/1959. Nhóm người này khởi hành du lịch mạo hiểm từ ngày 23/1/1959 và theo dự kiến phải trở về vào ngày 12/2, song không một ai còn thấy họ nữa. Các nhóm cứu hộ bắt đầu hoạt động từ ngày 20/2 và sau một tuần, lều trại với các thiết bị của họ được tìm thấy tại núi Holatchahl (theo tiếng Mansi nghĩa là “Núi Chết”). Sau đó, những cái xác dần được tìm thấy.
“Mật mã Dyatlov” được thực hiện theo phong cách “Found-Footage”. Ảnh: A Company.
Điểm khiến người ta chú ý nhất là những nhà thám hiểm trên đã rời khỏi lều trại mà không mang thiết bị bảo hộ, đi chân trần trong băng tuyết giá lạnh. Điều gì khiến họ hoảng sợ tới mức như vậy? Tại sao trong những cái xác trên lại có hai người bị tổn thương hộp sọ, một người mất lưỡi và có mức phóng xạ cao hơn bình thường? Những câu hỏi trên mãi không được giải đáp, nhất là khi chính phủ Nga đưa ra kết luận rằng “một thế lực thiên nhiên” đã gây ra những cái chết trên và biến nơi đây thành khu vực cấm trong suốt ba năm sau đó.
Suốt hơn 5 thập kỷ qua, cho tới trước đạo diễn Renny Harlin, chưa hề có ai khai thác một đề tài thú vị như vậy lên màn ảnh. The Dyatlov Pass Incident được kể toàn bộ qua ống kính máy quay cầm tay, do một nhóm sinh viên gồm 5 người là Holly (Holly Goss), JP Hauser (Luke Albright), Smirnov (Richard Reed), Jenson (Matt Stokoe) và Denise (Gemma Atkinson) lên đường tới đúng nơi những nhà thám hiểm năm xưa từng đặt chân tới.
Chuyến đi không chỉ nhằm thực hiện bộ phim tài liệu đầu tay cho cô nàng Holly mà còn để tìm hiểu xem thứ khủng khiếp gì đã diễn ra khiến 9 người bỏ mạng năm 1959. Lở tuyết, quái vật ngoài hành tinh, cư dân bộ lạc cổ Mansi với những thuyết tâm linh hay là một dự án bí mật liên quan tới quân đội? Càng tới gần câu trả lời, họ càng nhận ra rằng dường như lịch sử năm xưa đang lặp lại…
Video đang HOT
Phim có bối cảnh rất đẹp trên núi tuyết. Ảnh: A Company.
The Dyatlov Pass Incident được thực hiện theo phong cách Found-Footage (tài liệu được tìm thấy), khi cả bộ phim được kể lại từ dữ liệu của chiếc máy quay mà đoàn thám hiểm người Mỹ đã sử dụng. Được khởi xướng từ Cannibal Holocaust(1981), phổ biến rộng rãi với The Blair Witch Project (1998) và quen thuộc với người yêu điện ảnh vài năm trở lại đây với những Paranormal Activity, REC(2007), Cloverfield (2008) hay Chronicle (2012), thể loại Found-Footage được đạo diễn Renny Harlin vận dụng rất thành công. Không cần nhạc nền hay một dàn diễn viên danh tiếng, phim vẫn thu hút người xem nhờ những hình ảnh chân thực và cũng không kém phần đẹp mắt trong rặng núi Ural trắng xóa tuyết.
Một điểm hay gây khó chịu của thể loại này là máy quay thường rung, khiến người xem có cảm giác chóng mặt đã được loại trừ khi người cầm máy trong phim giữ thăng bằng cho hình ảnh rất tốt. Không những vậy, lý do đoàn sinh viên tới khu Ural để làm phim tài liệu cũng khiến việc một tiếng rưỡi phim được ghi lại trên camera cầm tay trở nên hợp lý. Sau khi vượt qua những nhược điểm của Found-Footage, Harlin khai thác điểm mạnh của nó triệt để – tính chân thực và khiến khán giả gắn bó hơn với câu chuyện bởi họ được nhìn thấy mọi việc từ góc nhìn của nhân vật.
Mang mác là “dựa trên một câu chuyện có thực” nhưng The Dyatlov Pass Incident chỉ mượn sự cố năm xưa tại đèo Dyatlov để làm sườn, còn hành trình của nhóm sinh viên và những khám phá của họ lại là điểm nhấn chính. Sự sáng tạo, trí tưởng tượng của các nhà làm phim đem tới cho khán giả một câu chuyện hấp dẫn khó rời mắt khỏi màn hình, bởi đa số người xem hiện đều chưa được nghe tới thảm kịch nửa thế kỷ trước và tò mò muốn biết những bí ẩn đằng sau.
“Mật mã Dyatlov” thuộc thể loại ly kỳ, hồi hộp với nhiều bất ngờ. Ảnh: A Company.
Từng là đạo diễn của phim kinh dị A Nightmare on Elm Street 4 và đặc biệt là tác phẩm giàu kịch tính về cá mập – Deep Blue Sea (Biển xanh sâu thẳm), Harlin rất biết cách “hù” khán giả với những khoảnh khắc nghẹt thở. Càng về cuối, khi những bí ẩn dần được mở ra, người xem càng được hòa mình vào những gì nhân vật được trải qua, trước khi các nút thắt được mở một cách khá thông minh.
Không có những diễn viên hạng A hay các cảnh kỹ xảo hoành tráng nhưng The Dyatlov Pass Incident vẫn hấp dẫn người xem bởi hành trình chân thực và những bí ẩn chưa được giải đáp. Một bộ phim hay thường đọng lại nhiều cảm xúc, câu hỏi trong lòng người xem, và chắc chắn sẽ có những người muốn tìm hiểu thông tin về sự cố đèo Dyatlov ở nước Nga năm xưa sau khi xem phim.
The Dyatlov Pass Incident (Mật mã Dyatlov) khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 12/4.
Thịnh Joey
Theo VNE
'Mật mã Dyatlov' - Bí ẩn về tai nạn gây chấn động nước Nga
Bộ phim nói về chuyến du lịch đầy kỳ lạ của một nhóm thanh niên Nga, chắc chắn sẽ khiến khán giả phải sởn gai ốc.
Sau hàng thập kỷ vắng bóng những tác phẩm điện ảnh Nga trên màn bạc của Việt Nam, nay sự xuất hiện của bộ phim Mật mã Dyatlov đánh dấu sự trở lại của một nền điện ảnh nổi tiếng, có vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển của điện ảnh thế giới. Mật mã Dyatlov là một chuyến phiêu lưu mạo hiểm nhưng đầy cuốn hút khiến cho người xem muốn xem lại.
Bộ phim kể về câu chuyện dựa trên các sự kiện có thực xảy ra vào năm 1959. Ngày 23/1/1959, một nhóm gồm 9 thành viên du lịch mạo hiểm bắt đầu chuyến du lịch mạo hiểm lên núi tuyết. Một tuần sau, vào ngày 1/2/59, cả nhóm đã dựng trại trên núi Holatchahl (theo tiếng Mansi nghĩa là Núi Chết), ngay bên Đèo Dyatlov. Ngày 12/2 họ dự kiến quay trở về, nhưng đã không xuất hiện tại điểm cuối trong chuyến đi của họ.
Đến ngày 26/2 nhóm cứu hộ tìm thấy trên núi Holatchahl một lều trại với các trang thiết bị, quần áo và giày dép của nhóm du khách đã bị mất tích. Ngày hôm sau, những cái xác đầu tiên được tìm thấy, số còn lại chỉ được phát hiện vào mùa xuân, sau khi tuyết tan chảy. Mức độ bức xạ trên quần áo của họ cao hơn bình thường. Một số thành viên của nhóm đã chết vì hạ thân nhiệt, một số bị tổn thương hộp sọ, một cô gái bị cắt lưỡi. Điều gì đã khiến cả nhóm rời khỏi lều trại của họ mà không cần mặc quần áo ấm vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Theo các điều tra viên, có thể thảm kịch đã xảy ra do tuyết lở. Các phỏng đoán tiếp theo sau đó - từ nguyên nhân hình sự đến những sự kiện huyền bí. Liệu có phải do có sự xuất hiện của động vật hoang dã, các tù nhân chạy trốn, những người lính lầm tưởng họ là tù nhân bỏ trốn, hay cư dân của bộ lạc Mansi, mà đối với họ núi Holatchahl mang ý nghĩa tâm linh, hay lực lượng quân sự thử nghiệm một loại vũ khí bí mật mới, tình báo nước ngoài và thậm chí cả người ngoài hành tinh (?!?). Những cuộc điều tra được tiến hành, tuy nhiên, cho đến nay, người ta vẫn không tìm được một giải thích hợp lý về thảm kịch đã xảy ra hơn từ nửa thế kỷ trước.
Bộ phim lấy bối cảnh chính vào năm 2012, khi một nhóm các sinh viên Mỹ nhận được một khoản tài trợ đi tới Ural theo đúng tuyến đường mà nhóm thám hiểm Dyatlov đã đi và cố gắng giải đáp những bí ẩn về cái chết bi thảm của các nhà thám hiểm Xô Viết. Câu chuyện vừa bí hiểm vừa thông minh, các nhân vật rất chân thực và việc dựng phim và hình ảnh sẽ tạo nên một tác phẩm bất hủ. Bộ phim đem đến sự bất ngờ cho khán giả, để sau khi rời khỏi rạp chiếu họ cảm thấy rung động như là họ vừa tham gia vào hoạt động huyền bí, và họ có những cảm nhận mạnh mẽ từ giác quan thứ sáu.
Xem trailer phim 'Mật mã Dyatlov' - Bí ẩn về tai nạn gây chấn động nước Nga
Đạo diễn của phim, Renny Harlin, phát biểu: " Mật mã Dyatlov khác với bất cứ điều gì mà tôi đã từng gặp trước đây. Điều thực sự khác biệt của nó từ thể loại phim dựa theo tư liệu tìm thấy được nhằm kết nối bộ phim với các sự kiện đã xảy ra trong thế giới thực. Tôi rất sốc khi biết được sự thật kỳ lạ về những gì thực sự đã xảy ra với nhóm Dyatlov vào năm 1959; đó là câu chuyện không thể hư cấu. Và để tìm ra một bí ẩn hấp dẫn như vậy, hầu như không ai có thể biết rõ về những gì như chưa từng xảy ra như vậy! Tôi đã biết ngay rằng đây là một câu chuyện cần phải được quan tâm".
Theo Tiin
Ma cà rồng Emmett Cullen trở thành Hercules Ngôi sao của "Chạng vạng" - Kellan Lutz - sẽ miêu tả vị thần nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp - Hercules. Sau thời gian dài tìm kiếm, cuối cùng bộ phim Hercules 3D của đạo diễn Renny Harlin (Die Hard 2, Deep Blue Sea) đã tìm thấy vai nam chính. Có lẽ dáng vóc kềnh càng cùng sức khỏe siêu phàm...