Mất lãnh thổ, IS chật vật trả thù lao cho chiến binh
Nguồn thu từ các hoạt động gắn với kiểm soát lãnh thổ ngày càng ít đi đẩy IS vào tình thế khó khăn và phải liên tục tăng thuế phí với người dân.
Một đoàn xe chở dầu của IS bốc cháy sau khi bị Nga không kích. Ảnh: Twitter
Tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới Nhà nước Hồi giáo (IS) có vẻ như đang phải vật lộn với vấn đề tài chính để trang trải cho bộ máy chiến tranh và cai trị khổng lồ khi để mất nhiều phần lãnh thổ và nguồn thu nhập sau các cuộc không kích dữ dội của Nga, Mỹ, theo Washington Post.
Các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn ở Iraq và quân đội Syria dưới sự yểm trợ của Nga đã tái chiếm một vùng lãnh thổ lớn từ tay IS, khiến chúng bị mất một trong những nguồn thu quan trọng là tiền thuế đánh vào người dân, giới phân tích cho biết.
Nhiều thị trấn và làng mạc trước đây IS vẫn áp thuế để tăng nguồn thu mới đây đã bị lực lượng an ninh Iraq, quân đội chính phủ Syria và dân quân người Kurd chiếm lại. Các chiến lợi phẩm béo bở như các giếng dầu, tài sản tịch thu, tiền chuộc con tin đã ngày càng trở nên khan hiếm khi IS không thể chiếm thêm được lãnh thổ mới.
“Phần lớn thu nhập của IS trong hai năm qua đến từ hoạt động mở rộng lãnh thổ, tịch thu tài sản và tống tiền, tất cả những công cụ này đều chỉ áp dụng được một lần và không duy trì được lâu dài. IS đang bị mất lãnh thổ, điều này khiến áp lực tài chính đang ngày càng đè nặng lên các lãnh đạo của IS”, Quinn Mecham, phó giáo sư khoa học chính trị Đại học Bringham Young, nói.
Thông tin liên quan đến các nguồn tài chính của IS vẫn còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các nguồn thu đa dạng của chúng như bán dầu lậu, tống tiền và buôn lậu cổ vật đã giúp chúng đứng vững sau hơn một năm không kích của Mỹ và liên quân, theo giới phân tích. Bộ Tài chính Mỹ mới đây ước tính IS có thể đang kiếm được 40 triệu USD mỗi tháng từ bán dầu lậu với giá rẻ.
Một nguồn khác chiếm khoảng một nửa thu nhập của IS là từ việc đánh thuế và phạt tiền khoảng 6-9 triệu người dân sống trong vùng lãnh thổ do chúng cai trị ở Iraq và Syria. Một thủ lĩnh IS tuyên bố với truyền thông Arab hồi tháng một là tổ chức này có ngân sách tới hai tỷ USD năm 2015. Mặc dù nhiều khả năng đây là con số phóng đại, IS có thể đã tích trữ đủ tiền mặt để có được một nguồn thặng dư ngân sách lớn, Benjamin Bahney, một chuyên gia phân tích khủng bố ở Viện RAND, nói.
Gần đây, IS đã bị mất một phần ba lãnh thổ chúng kiểm soát ở Iraq, trong đó có các thành phố lọc dầu quan trọng như Tikrit và Baiji, vào tay quân đội Iraq và dân quân ủng hộ chính phủ. Tương tự, ở Syria, quân đội Syria cùng lực lượng người Kurd và Arab đã chiếm lại nhiều khu vực quan trọng từ tay IS, trong đó có cả vùng đất trọng yếu gần sào huyệt Raqqa của IS.
“IS càng bị mất quyền kiểm soát các thành phố thì tài chính của chúng càng bị thiệt hại do mất các nguồn thu từ thuế. Nguồn thu giảm sẽ khiến chúng chật vật hơn trong việc trả lương cho các tay súng, và hiệu quả chiến đấu trên chiến trường cũng sẽ giảm sút”, William McCants, một chuyên gia về IS ở Viện Brookings nói.
Tăng cường thuế phí
Tiền công trả cho thành viên IS mới đây đã bị giảm khoảng từ 400 USD xuống còn 300 USD/tháng, theo Columb Strack, một chuyên gia phân tích Trung Đông ở Tổ chức Jane’s Information. Ông cho biết ngoài việc đánh thuế, IS dường như áp đặt các khoản lệ phí lên mọi hoạt động của người dân trong vùng lãnh thổ chúng kiểm soát, từ chăn nuôi trồng trọt cho đến các mặt hàng điện thoại di động.
Các chương trình phúc lợi hỗ trợ người nghèo ở lãnh thổ IS dường như đã bị cắt giảm, khiến tình trạng nghèo đói ngày càng phổ biến, theo các nhà hoạt động Syria và nhân viên cứu trợ. Họ cho biết các khu vực lãnh thổ IS kiểm soát đang lâm vào cảnh thiếu thốn trầm trọng thuốc men để chữa trị các bệnh mãn tính như tiểu đường, trong khi tình trạng cắt điện kéo dài xảy ra triền miên.
Video đang HOT
Aymenn al-Tamimi, một học giả ở Diễn đàn Trung Đông chuyên nghiên cứu vấn đề tài chính IS cho biết chúng bị thiệt hại lớn mùa hè vừa qua khi chính phủ Iraq ngừng trả lương cho viên chức dân sự sống trong các khu vực IS kiểm soát gồm cả thành phố Mosul.
Gần một năm sau khi Mosul bị IS chiếm, chính quyền Iraq vẫn tiếp tục trả lương cho các viên chức này, và IS đã đánh thuế khoản thu nhập đó, giúp chúng thu về một khoản tiền ước tính khoảng hàng chục triệu USD/tháng.
Mất đi khoản thu dễ dàng như vậy buộc IS phải tăng lệ phí, thậm chí cả với phí nhập học và sách vở, Tamimi nói.
“Giờ đây, nhiều bằng chứng cho thấy tình hình ngày càng trở nên khó khăn ở Mosul và IS đã buộc phải áp dụng nhiều biện pháp để thích nghi với thực tế mới”, ông nói.
Colin P.Clarke, một chuyên gia phân tích ở Viện RAND cho rằng IS sẽ càng phải thắt chặt tài chính khi nhiều cuộc không kích được tăng cường. Trong những tuần gần đây, liên minh do Mỹ đứng đầu đã tấn công các xe tải chở dầu, đe dọa khả năng vận chuyển dầu của IS. Các chiến đấu cơ của Anh cũng bắt đầu không kích các mục tiêu ở Syyria hôm 3/12, tấn công một giếng dầu IS kiểm soát ở miền đông Syria,theo BBC.
IS đánh thuế gần như mọi hoạt động của người dân trong vùng lãnh thổ chúng kiểm soát. Ảnh: Mashable
Nga cũng đã tăng cường không kích ở các khu vực sản xuất dầu then chốt của IS ở đông Syria..
“Sẽ cần thời gian để thấy được các kết quả của các chiến dịch không kích này, nhưng để tiếp tục duy trì hoạt động, IS chắc chắn phải giảm lương và cắt giảm nhân viên làm việc cho chúng”, Clarke nói.
Điều này sẽ ảnh hưởng tới hàng nghìn người, gia tăng giận dữ của người dân địa phương và IS sẽ ngày càng gặp khó khăn trong việc kiểm soát những bất mãn của họ.
“Các nhân viên trong ‘nhà nước tự xưng’ của chúng cần phải được trả lương, các tay súng cũng cần được hưởng những đãi ngộ cao, nên IS luôn cần rất nhiều tiền để duy trì hoạt động. Với nguồn thu ngày càng giảm, đây sẽ là vấn đề rất đau đầu với giới lãnh đạo của phiến quân”, chuyên gia Clarke nhấn mạnh.
Duy Sơn
Theo VNE
Cuộc sống dưới làn đạn ở thủ phủ của IS
Người dân ở Raqqa, Syria, như đang trong cơn ác mộng khi sống dưới sự cai trị của Nhà nước Hồi giáo. Chuối, chocolate trở thành hàng xa xỉ, nhà cửa bị bỏ hoang vì không kích và nhóm phiến quân tổ chức hành quyết ở khắp nơi.
Một tòa nhà tại Raqqa bị trúng bom hôm 29/11. Ảnh: RBSS.
CNN dẫn nguồn tin từ nhóm nhà hoạt động có tên "Raqqa đang bị tàn sát lặng lẽ" (RBSS), cho biết cảnh hành quyết bằng ném đá và chặt đầu diễn ra thường xuyên tại thành phố này. Mọi góc phố đều có chốt kiểm soát của Nhà nước Hồi giáo (IS).
Trường học bị đóng cửa. Những mặt hàng chocolate, chuối trở thành đồ xa xỉ do nhiều người không có việc làm.
"Chúng tôi không phải đang sống. Chúng tôi làm gì có cuộc sống", một phụ nữ 27 tuổi nói với RBSS. RBSS là một trong số ít nguồn tin có thể cập nhật tình hình Raqqa, nơi IS tuyên bố là thủ phủ của "đế chế" mà chúng thiết lập ở Syria.
Hàng nghìn người dân Raqqa không liên quan tới IS. Họ đang phải sống trong sự kìm kẹp của luật Hồi giáo hà khắc, không thể chạy trốn vì các tuyến đường bị phong tỏa, chốt kiểm soát ở khắp nơi. Tất cả những gì họ viết trên Internet đều bị IS kiểm duyệt, RBSS cho biết.
Theo RBSS, lực lượng tuần tra gồm toàn nữ của IS gần đây bắt đầu xuất tại một số khu vực, chặn và khám xét cả phụ nữ. Hình phạt đối với những người vi phạm quy định là tàn nhẫn.
"Thị trấn ma"
Ngoài tình trạng bạo lực đang diễn ra, người dân Raqqa còn sống với nỗi lo sợ những quả bom rơi từ trên trời xuống.
Liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu ném bom các mục tiêu IS tại Syria, bao gồm Raqqa, từ tháng 9/2014. Nga, Pháp và Anh mới đây đều đã đưa chiến đấu cơ tới Syria, nhiều cuộc không kích nhắm vào thủ phủ của IS.
Một phụ nữ 27 tuổi giấu tên cho biết khu vực nhà chị bị trúng bom. "Tôi không nhìn thấy gì cả... trên trời có một vài máy bay không người lái", người này nói. Nơi đây như một "thị trấn ma" bởi không có điện, dù các tòa nhà vẫn còn đứng vững.
Pháp không kích dữ dội vào Raqqa từ sau loạt vụ khủng bố Paris ngày 13/11 mà IS nhận trách nhiệm, làm 130 người thiệt mạng. Các chiến đấu cơ đã ném bom một sở chỉ huy, một trung tâm tuyển quân, một kho đạn và một trại huấn luyện tại Raqqa, quân đội Pháp cho biết.
Một chiến binh IS ra đường cùng ba cô vợ trùm kín từ đầu đến chân hôm 6/11. Phụ nữ tại Raqqa bị cấm ra đường một mình. Ảnh: RBSS.
Tuy nhiên, những quả bom của Pháp có thể cũng sát hại nhầm dân thường. IS đã rút khỏi một số vị trí sau khi dự đoán các vụ ném bom, RBSS khẳng định. Đường phố hiện vắng vẻ hơn, chợ cũng thưa người hơn thường lệ.
Abdalaziz al-Hamza, đồng sáng lập RBBS, nói IS vẫn cố thủ tại Raqqa dù chúng phải liên tục di chuyển vì bị oanh tạc.
Một trong những kẻ không kịp trốn thoát là Mohammed Emwazi, biệt danh "phiến quân John". Đây là tên khủng bố người Anh thường bịt mặt và công kích phương Tây, được xem như người phát ngôn và đao phủ của IS. Tình báo Mỹ khẳng định đã tiêu diệt Emwazi trong đợt không kích do máy bay không người lái thực hiện tháng trước.
Phiến quân IS thường dùng người dân làm bia đỡ đạn bằng cách sống trong cùng tòa nhà với họ và dùng trường học làm trụ sở. "Mọi người sợ các cuộc không kích dù họ thực sự hy vọng rằng chúng sẽ giải thoát họ khỏi IS", một nhà hoạt động của RBSS cho biết.
Raqqa từng là một trong những thành phố tự do nhất tại Syria. "Bạn có thể làm bất cứ điều gì như hút thuốc, mặc trang phục tùy thích", al-Hamza nói.
Năm 2013, các nhóm phiến quân, gồm cả IS lúc đó ít được biết tới, chiếm Raqqa. Chúng kéo đổ tượng cựu tổng thống Syria Hafez al-Assad và áp đặt luật Hồi giáo hà khắc. Mọi thứ sau đó thay đổi nhanh chóng. Mỗi sáng thức dậy thành phố lại trở nên bảo thủ hơn, theo RBSS.
Các quy định, được gọi là "Bayanaat", thường xuất hiện trên những bức tường trong thành phố, hạn chế quyền của phụ nữ như đi lại một mình, cách ăn mặc hoặc thậm chí cấm để lộ tóc. Một số quy định có thể được truyền miệng như cấm hút thuốc lá, cấm quay phim chụp ảnh.
Nhiều người tại Raqqa nói họ không muốn sống dưới sự cai trị của IS nhưng không còn lựa chọn.
"Cả thế giới nên biết chúng tôi không phải IS. Chúng tôi là những người chống lại chúng mạnh mẽ nhất. Chúng tôi là những người chịu đựng tội ác của chúng nhiều nhất", một nhà hoạt động thuộc RBSS nói. Ước mơ của chúng tôi, giống như mọi người, là có một cuộc sống "bình thường".
Raqqa hiện không còn trường học hay việc làm. Bác sĩ, giáo viên, luật sư đều thất nghiệp và muốn có việc thì phải gia nhập IS. Thiếu tiền có nghĩa là thiếu thốn mọi nhu yếu phẩm hàng ngày. Nước và điện lúc có lúc không tùy theo ý thích của bọn cai trị nhưng mọi người vẫn tiếp tục hy vọng thoát khỏi IS.
"Tôi muốn vào đại học... làm việc và kiếm tiền, có một gia đình và một đất nước tự do", người phụ nữ 27 tuổi nói. "Hãy giúp chúng tôi tìm một cuộc sống".
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Quốc hội Hy Lạp thông qua ngân sách 'thắt lưng buộc bụng' năm 2016 Quốc hội Hy Lạp đã thông qua ngân sách cho năm 2016 với những cắt giảm mạnh trong chi tiêu cũng như tăng thuế để làm vừa lòng các chủ nợ quốc tế, theo Reuters ngày 6.12. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (phải) và Bộ trưởng Tài chính Euclid Tsakalotos trước phiên bỏ phiếu của quốc hội - Ảnh: Reuters Theo ngân...