Mất giấy chứng nhận đăng ký kết hôn có ly hôn được không?
Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn như một bằng chứng cho mối quan hệ vợ chồng hợp pháp. Trong cuộc sống cũng có nhiều lúc cần phải có Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn như lúc khai sinh cho con, ly hôn…
Hỏi: Hiện tại bố mẹ em có cuộc sống hôn nhân không hòa hợp. Bố em không đánh đập mẹ nhưng thường xuyên gây tổn thương về mặt tinh thần và tham gia vào các tệ nan xã hội: đánh bài, cá độ bóng đá. Mẹ em muốn ly hôn nhưng hiện tại Giấy đăng ký kết hôn không còn nữa. Vậy mẹ em phải làm sao để được ly hôn?
Mất giấy chứng nhận đăng ký kết hôn có ly hôn được không?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn như một bằng chứng cho mối quan hệ vợ chồng hợp pháp, được pháp luật bảo vệ quyền lợi, là nền tảng của cuộc hôn nhân bền vững, là sự ràng buộc về nghĩa vụ của mỗi người. Trong cuộc sống cũng có nhiều lúc cần phải có Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn như lúc khai sinh cho con, ly hôn…
Về nguyên tắc mẹ bạn vẫn có quyền nộp đơn xin ly hôn gửi lên tòa án cấp có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.
Tuy nhiên để có căn cứ giải quyết, bên cạnh các giấy tờ như: đơn xin ly hôn, bản sao hộ khẩu thường trú, tạm trú, bản sao chứng minh nhân dân hoặc bản sao hộ chiếu, các giấy tờ chứng minh về tài sản, bản sao giấy khai sinh của các con…, tòa sẽ yêu cầu mẹ bạn phải cung cấp bản chính Giấy chứng nhận kết hôn hoặc bản sao (kèm theo đơn giải trình về việc không có bản chính).
Về việc làm lại Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP: “Việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 1/1/2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại”.
Do đó, để giải quyết việc ly hôn trước tiên bạn cần đến Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký kết hôn trước đây để nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, thủ tục này được quy định tại Điều 27 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015, cụ thể như sau:
“1. Hồ sơ đăng ký lại kết hôn gồm các giấy tờ sau:
a) Tờ khai theo mẫu quy định;
b) Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp trước đây. Nếu không có bản sao Giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao hồ sơ, giấy tờ cá nhân có các thông tin liên quan đến nội dung đăng ký kết hôn.
Video đang HOT
2. Trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra, xác minh hồ sơ. Nếu thấy hồ sơ đăng ký lại kết hôn là đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện đăng ký lại kết hôn như trình tự quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Luật Hộ tịch.
Nếu việc đăng ký lại kết hôn thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã không phải là nơi đã đăng ký kết hôn trước đây thì công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân nơi đăng ký kết hôn trước đây kiểm tra, xác minh về việc lưu giữ sổ hộ tịch tại địa phương.
Trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký kết hôn trước đây tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản về việc còn lưu giữ hoặc không lưu giữ được sổ hộ tịch.
3. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh về việc không còn lưu giữ được sổ hộ tịch tại nơi đã đăng ký kết hôn, nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện việc đăng ký lại kết hôn như quy định tại Khoản 2 Điều này.
4. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn trước đây và được ghi rõ trong Giấy chứng nhận kết hôn, Sổ hộ tịch. Trường hợp không xác định được ngày, tháng đăng ký kết hôn trước đây thì quan hệ hôn nhân được công nhận từ ngày 1/1 của năm đăng ký kết hôn trước đây”.
Sau khi được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, mẹ bạn vẫn có quyền nộp đơn xin ly hôn gửi lên tòa án cấp có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Nguồn: Người đưa tin
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Thủ tục đăng ký giấy khai sinh cho con ngoài giá thú
Theo quy định pháp luật, việc đăng ký khai sinh cho con không phụ thuộc vào cha, mẹ của người con đó có đăng ký kết hôn hay không. Việc không đăng ký kết hôn không mất quyền làm cha, làm mẹ.
Theo quy định của Nghị định số 58/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch, để đảm bảo quyền được khai sinh cho trẻ em khi sinh ra, con trong giá thú và con ngoài giá thú đều bình đẳng về việc được đăng ký khai sinh mà không có bất kỳ sự phân biệt nào cả.
Thủ tục đăng ký giấy khai sinh cho con ngoài dã thú - Ảnh minh họa
Thủ tục đăng ký khai sinh được quy định chung như sau:
- Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em được thực hiện tại UBND cấp xã nơi cư trú của người mẹ. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ thì đăng ký khai sinh tại UBND cấp xã nơi cư trú của người cha. Tuy nhiên, đối với trường hợp đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú nếu không xác định được người cha, phần ghi về người cha ghi trong sổ đăng ký khai sinh và giấy đăng ký khai sinh để trống. Nếu tại thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, Uỷ ban nhân dân cấp xã kết hợp việc nhận con và đăng ký khai sinh.
- Hồ sơ đăng ký khai sinh bao gồm: Giấy chứng sinh do cơ sở y tế nơi đứa trẻ sinh ra cấp, nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, Giấy chứng sinh được thay thế bằng Giấy xác nhận của người làm chứng, nếu không có người làm chứng thì người làm giấy khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực. Trường hợp cha mẹ có đăng ký kết hôn thì xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
Quy định tại: Điều 15, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch có quy định:
"1. Người đi đăng ký khai sinh phải nộp giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha mẹ có đăng ký kết hôn).
Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế thì Giấy chứng sinh được thay thế bằng giấy xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người làm giấy khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
Trong trường hợp cán bộ tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.
2. Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi khai sinh một bản chính Giấy khai sinh. Bản sao giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.
3. Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha ghi trong sổ đăng ký khai sinh và giấy đăng ký khai sinh để trống. Nếu tại thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã kết hợp việc nhận con và đăng ký khai sinh".
Thủ tục nhận cha cho con được tiến hành theo 2 trường hợp như sau:
Trường hợp thứ nhất: Việc nhận cha cho con do các bên tự nguyện và không có tranh chấp được thực hiện tại UBND cấp xã theo quy định tại Điều 34, Nghị định số 58 như sau:
- Người nhận cha cho con nộp Tờ khai (theo mẫu quy định), trường hợp nhận cha cho con chưa thành niên phải có sự đồng ý của người đang là mẹ của đứa trẻ, trừ trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, đồng thời phải xuất trình các giấy tờ sau đây: Giấy khai sinh của người con; Giấy tờ, đồ vật hoặc chứng cứ khác chứng minh quan hệ cha - con (nếu có).
- Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha cho con là đúng sự thật và không có tranh chấp UBND cấp xã đăng ký việc nhận cha cho con. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.
- Khi đăng ký việc nhận cha cho con, các bên cha, mẹ, con phải có mặt và UBND xã sẽ cấp Quyết định công nhận việc nhận cha cho con.
Căn cứ vào Quyết định công nhận này, các bên có thể đề nghị UBND xã đăng ký bổ sung phần ghi thông tin người cha trên Giấy khai sinh cho trẻ em.
Trường hợp thứ hai: Các bên không tự nguyện trong việc nhận cha cho con, tức là có tranh chấp về việc nhận cha cho con, có thể là người cha không thừa nhận đứa con hoặc người mẹ không đồng ý về việc nhận cha cho con của mình đối với trường hợp con chưa thành niên hoặc người con không đồng ý nhận cha khi đã thành niên hoặc có người thứ ba cùng yêu cầu nhận cha cho con. Trường hợp này, người có yêu cầu nhận cha cho con phải làm đơn khởi kiện ra Tòa án cấp huyện.
Đây là một loại án hôn nhân gia đình, cụ thể là tranh chấp về xác định cha cho con do TAND có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình và Tố tụng dân sự.
Trường hợp này, người yêu cầu phải cung cấp các chứng cứ chứng minh quan hệ cha - con, ví dụ như: thư từ trao đổi giữa cha mẹ có tình cảm yêu đương, thời điểm quan hệ giữa hai người, thông báo việc có thai, trao đổi về trách nhiệm nuôi con... hoặc kết quả giám định ADN.
Quy định tại: Điều 34, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch có quy định:
" 1. Người nhận cha, mẹ, con phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định). Trong trường hợp cha hoặc mẹ nhận con chưa thành niên, thì phải có sự đồng ý của người hiện đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Kèm theo Tờ khai phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
a) Giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao) của người con;
b) Các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (nếu có)
2. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng sự thật và không có tranh chấp, thì Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.
Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.
3. Khi đăng ký việc nhận cha, mẹ, con, các bên cha, mẹ, con phải có mặt, trừ trường hợp người được nhận là cha hoặc mẹ đã chết. Cán bộ tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con và Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên một bản chính Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con. Bản sao Quyết định được cấp theo yêu cầu của các bên".
Luật Gia ĐỒNG XUÂN THUẬN
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Niêm phong xưởng nhuộm doanh nghiệp FDI vì gây ô nhiễm Ngày 10/5, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam (Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) - ông G.Narasimha Rao đã ký vào biên bản niêm phong xưởng nhuộm sau khi đoàn công tác liên ngành hoàn tất việc niêm phong tất cả các máy móc, thiết bị trong xưởng. Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam....