Mất dấu người thân thời Covid-19
Nhân viên cấp cứu hối hả vào phòng Maria Correa, 73 tuổi, nói với gia đình ở New York rằng họ đưa bà đến bệnh viện Jamaica.
Nhưng khi gia đình gọi cho bệnh viện Jamaica vào ngày hôm sau để hỏi thăm tình trạng của bà, họ được thông báo rằng bà không có ở đó.
Bà Maria Correa tại Queens, New York. Ảnh: Julian Escobar.
Trong suốt một tuần, các thành viên gia đình gọi cho sở cứu hỏa, các bệnh viện khác và dịch vụ cấp cứu nhưng họ không thể tìm thấy Correa. Tình cảnh của gia đình Correa là minh chứng cho thấy Covid-19 đã gây sức ép chưa từng có lên các bệnh viện và hệ thống ứng phó khẩn cấp của New York, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Các cuộc gọi đổ về 911 với số lượng kỷ lục. Bệnh viện hết khẩu trang, các bác sĩ và y tá bị lây nhiễm, họ đứng trước nguy cơ phải chọn lựa cứu bệnh nhân nào khi thiếu hụt thiết bị y tế.
Vụ bà Correa “mất tích” bắt đầu bằng cuộc gọi đến 911 chiều 30/3. Gia đình Correa khi đó đang đau buồn vì con dâu bà, Amparo Holguin, tuần trước qua đời tại nhà sau khi bị sốc insulin do biến chứng tiểu đường. Holguin chưa được xét nghiệm nCoV nhưng gia đình nghi ngờ bà nhiễm virus.
Cả 5 thành viên gia đình đều bị ốm. Correa bị ho vào sáng 30/3. Bà mắc bệnh tiểu đường và ung thư, tình trạng xấu đi nhanh chóng. Con trai bà, Julian Escobar, gọi cho 911. Để xác định danh tính, Escobar cho nhân viên cấp cứu biết tên mình và trao cho họ lọ thuốc có tên mẹ trước khi họ đưa bà đi.
Nhưng khi gia đình liên lạc vào ngày hôm sau, bệnh viện Jamaica nói rằng không có bệnh nhân nào tên Maria Correa. Cháu gái Janeth Solis hỏi lại dịch vụ xe cứu thương, họ khẳng định xe đã đến bệnh viện Jamaica và không chuyển hướng tới cơ sở y tế nào khác.
Sau nhiều ngày gọi điện, người phụ trách thủ tục nhập viện của bệnh viện Jamaica nói rằng không có bệnh nhân nào tại đây giống bà Correa. Anh khuyên Solis liên lạc các bệnh viện khác ở Queens.
Solis và một người bạn gọi điện cho các cơ sở y tế khác. Họ còn nhờ một người trong Hội đồng Thành phố giúp đỡ và đăng thông báo tìm người mất tích trên mạng xã hội. “Nếu bạn làm việc tại bệnh viện và đã thấy Maria, xin vui lòng gọi hoặc nhắn tin cho tôi càng sớm càng tốt. Gia đình tôi đang quẫn trí”, thông báo viết.
Gia đình cho rằng bà Correa đã qua đời nhưng họ không thể tìm thấy thi thể. “Nếu bà được đưa vào bệnh viện Jamaica, thì chẳng phải họ có camera cho thấy ai ra vào hay sao? Phải có giấy tờ khi vào viện chứ?”, Solis nói. “Chúng tôi chỉ muốn bà được yên nghỉ”.
Solis liên lạc với tờ New York Times vào tuần trước để xin giúp đỡ. Tờ báo đã liên lạc với bệnh viện Jamaica vào sáng 6/4, nhưng nhân viên bệnh viện trả lời rằng họ không thể tìm thấy bệnh nhân có tên Maria Correa hay người nào sinh ngày 12/5/1946. Bệnh viện từ chối bình luận thêm với lý do cần bảo mật thông tin y tế.
Ngay sau đó, cuộc tìm kiếm có tiến triển. Một nhân viên bệnh viện gọi cho Escobar, nói rằng thi thể một phụ nữ không rõ danh tính chết vào ngày 30/3 đang được bảo quản trong nhà xác bệnh viện Jamaica.
Hóa ra các nhân viên y tế đã nhầm lẫn nghiêm trọng khi đưa bà vào viện hôm 30/3. Trên giấy tiếp nhận bệnh nhân, họ viết tên con trai Julian Escobar thay vì tên bà.
Dù vẫn đang ốm, Escobar đeo khẩu trang, lái xe đến bệnh viện sáng 7/4 để nhận dạng mẹ. Họ cho ông xem một bức ảnh và ông xác nhận đó là mẹ mình. Bà đã qua đời vào ngày nhập viện. “Tôi rất mừng vì giờ mẹ tôi đã được yên nghỉ”, Escobar nói.
Solis cho biết cô cảm thấy nhẹ nhõm và không quá tức giận. Cô tin rằng tất cả mọi người đã cố gắng làm hết sức mình trong một hệ thống bị quá tải. Ngày 30/3, dịch vụ khẩn cấp 911 nhận hơn 7.000 cuộc gọi. Trước khi dịch bùng phát, họ nhận 4.000 cuộc gọi mỗi ngày.
“Với tình trạng đó, họ cuống cuồng xử lý và để xảy ra nhầm lẫn”, cô nói. “Covid-19 đã khiến thế giới quay cuồng”.
Phương Vũ
Seoul phản đối biện pháp cách ly của Nhật với du khách đến từ Hàn Quốc
Seoul lên tiếng phản đối Nhật Bản về quyết định cách ly 2 tuần đối với du khách đến từ Hàn Quốc, gọi đây là quy định "vô lý, quá đáng và cực kỳ đáng hối tiếc".
Reuters dẫn nguồn tin từ Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc cho biết nước này cho rằng kế hoạch cách ly của Nhật Bản là "bất công" và "không thể chấp nhận được".
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 5/3 ra lệnh cách ly 2 tuần đối với những người đến từ Hàn Quốc, đồng thời cấm nhập cảnh đối với những người đến từ khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, bắt đầu từ ngày 7/3.
Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết đã liên lạc với một nhà ngoại giao cấp cao Nhật Bản vào cuối ngày 5/3 để yêu cầu giải thích. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng triệu tập đại sứ Nhật vào ngày 6/3 để phản đối quyết định này.
Từ ngày 7/3, du khách từ Hàn Quốc đến Nhật Bản sẽ bị cách ly 2 tuần. Ảnh: AFP.
Dữ liệu của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm 28/2 cho thấy 27 nước đã cấm người Hàn Quốc và người nước ngoài đã đến thăm đất nước châu Á trong vài tuần qua nhập cảnh, so với số liệu của ngày hôm trước là 22, theo Yonhap.
Các nước này bao gồm Saudi Arabia, Palestine, Jamaica và hai quốc gia khác. Một vài quốc gia châu Âu bắt đầu tăng cường các thủ tục kiểm dịch đối với người từ Hàn Quốc, bao gồm Bosnia-Herzegovina, Serbia, Iceland và Croatia.
Tại Trung Quốc, một số khách du lịch Hàn Quốc đã bị cách ly ngay lập tức sau khi hạ cánh ở các tỉnh Quảng Đông, Thiểm Tây và Giang Tô.
Hàn Quốc ngày 6/3 công bố thêm 518 ca nhiễm virus corona, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên tới 6.284.
Cho đến nay, nước này ghi nhận 42 trường hợp tử vong vì Covid-19, chủ yếu là bệnh nhân cao tuổi có bệnh nền. Trong số 518 trường hợp nhiễm bệnh mới trong ngày 5/3, 367 ca bệnh được xác nhận tại thành phố Daegu và 123 ca khác ở tỉnh Gyeongsang Bắc, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC).
Trường học vắng tanh, siêu thị 'cháy' mì gói ở Hàn Quốc giữa mùa dịch
Tô Tôn Thành, du học sinh tại thành phố Daejeon, Hàn Quốc, cho biết người dân cũng như sinh viên Việt Nam tại đây khá hoang mang và cảm thấy dịch Covid-19 "đang tới rất gần".
Theo news.zing.vn
Thêm du thuyền bị xua đuổi vì nghi có người nhiễm virus corona Du thuyền khởi hành từ Miami bị chính quyền Jamaica và quần đảo Cayman cấm cửa sau khi một người trên tàu bị ho, sốt. Theo New York Times, du thuyền MSC Meraviglia đã bị các quốc gia ở vùng Caribe cấm cửa hôm 26/2 sau khi một người trên du thuyền có biểu hiện nhiễm cúm. Du thuyền MSC Meraviglia khởi hành...