Mất cơ hội sang Hàn: LĐ Việt hoang mang
Hàng chục nghìn lao động đang chờ cấp visa xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc đều hoang mang trước thông tin Hàn Quốc tạm dừng chương trình cấp phép việc làm cho lao động Việt Nam.
Hiện cả nước còn khoảng hơn 12.000 hồ sơ lao động đã được đưa lên mạng chờ ngày đối tác các công ty Hàn Quốc xét duyệt. Đây là những đối tượng đã đạt đủ chỉ tiêu xét tuyển và hoàn tất thủ tục.
Bắc Giang là tỉnh có nhiều huyện nghèo được ưu tiên trong chương trình xuất khẩu lao động. Trong kỳ thi tiếng Hàn năm 2011, toàn tỉnh Bắc Giang có 954 lao động đạt yêu cầu và nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển. Tuy nhiên tính tới nay, trong số người nộp hồ sơ mới chỉ có 148 lao động được xuất cảnh sang Hàn Quốc. Trước đó, toàn tỉnh Bắc Giang vẫn còn 455 hồ sơ tồn từ năm 2010, theo quy định tất cả trường hợp này đã hết hiệu lực vào tháng 10 này.
Nộp hồ sơ dự tuyển từ cuối năm 2011, hoàn thành tất cả thủ tục chỉ chờ ngày bay, anh Dương văn Tuấn, SN 1986 (xã Tân hiệp – Yên thế – Bắc Giang) đang nóng lòng vì sao mãi hồ sơ mình chưa được xét duyệt thì lại nghe tin phía Hàn Quốc tạm dừng tuyển lao động Việt Nam. “Nghe tin càng buồn mà thất vọng, sau ngày nộp hồ sơ, mình xác định lâu lắm cũng chỉ 4 đến 5 tháng sau là được bay, ai ngờ…”, anh Tuấn tâm sự. Sống ở vùng quê miền núi, đất cày lên sỏi đá, ngoài nghề nông, anh Tuấn còn làm thêm cơ khí tại nhà để có thêm thu nhập nuôi vợ con. “Làm cố lắm cũng chỉ được khoảng 2 triệu đồng/tháng, nhà lại có con nhỏ hay ốm đau nên vợ chồng mình sống tằn tiện chưa đủ mà còn phải vay thêm anh em họ hàng. Ngày nghe thông tin tuyển lao động sang Hàn Quốc mình tưởng đã có đường thoát nghèo nên gắng học rồi cũng thi đỗ. Lệ phí 30 triệu để làm thủ tục mình cũng phải đi vay anh em mới có”, anh Tuấn nói.
Chờ mãi mà chưa thấy được gọi tên, nhưng anh Tuấn vẫn không từ bỏ, sợ vốn tiếng Hàn bị mai một, mỗi tối anh vẫn đem sách vở ra học tiếng cho đỡ quên.
Anh Tuấn cho biết, nếu còn cơ hội được sang Hàn anh sẽ hết lời khuyên giải những người đang bỏ trốn ra ngoài làm việc chui nên về nước để dành cơ hội cho những người khác ở quê nhà. “Tôi nghĩ với mức thu nhập theo hợp đồng 3 năm bên Hàn cũng đủ để đời sống kinh tế của người lao động nơi quê nhà dễ thở hơn, chứ không phải đối mặt nghèo khó như những người chưa được đi như chúng tôi. Họ không thể trốn làm việc bên đó mãi được, còn quê hương, gia đình nữa chứ!”.
Video đang HOT
Lớp học tiếng Hàn tại Bắc Giang vẫn đông học viên với giấc mơ đổi đời nhờ xuất khẩu lao động….
Cùng hoàn cảnh như anh Tuấn nhưng gia đình anh Trần Văn Ly, SN 1992 (An Bá- Sơn Động) còn khó khăn hơn rất nhiều. Gia đình thuộc hộ nghèo, là con trai út trong nhà nhưng anh Ly lại là niềm hy vọng lớn nhất của cả nhà. “Làm nông nghiệp mỗi tháng cùng lắm cũng chỉ kiếm được vài trăm nghìn, ngoài ra không có khoản thu nhập nào khác. Hiện tại mỗi tháng bố mẹ em còn phải dành dụm để trả lãi ngân hàng”. Anh Ly cho biết, nếu không được đi xuất khẩu, anh buộc phải xa nhà đi làm công nhân để lấy tiền trả nợ cho gia đình. “Những đứa bạn em đi làm công nhân trong Nam ngoài Bắc nghe kể mỗi tháng cũng được hơn 3 triệu mà vẫn không dành dụm được đồng nào gửi về nhà..”, Ly kể.
Trước thông tin người lao động hoang mang về sự việc Hàn Quốc tạm ngừng không tiếp nhận lao động Việt Nam, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) trấn an: “Không nên gọi là ngừng mà chỉ là tạm hoãn để hai bên tiếp tục đàm phán”. Nói về hoạt động tiếp theo của cơ quan chức năng hai nước trong việc giải quyết sự việc, ông Hải cho biết hiện Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH còn đang bận nên chưa thể thu xếp cuộc làm việc với đối tác Hàn Quốc ngay được.
Theo 24h
Lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc: Vì sao?
Nhiều lao động Việt Nam cho biết, vì chi phí cho việc đi XKLĐ ở Hàn Quốc quá lớn và khó khăn nên nhiều người bằng mọi cách trốn ở lại để tìm việc kiếm thêm thu nhập.
Làm thủ tục đi xuát khẩu lao động Hàn Quốc (Ảnh minh họa)
"Cùng lắm mới chịu về"
Nguyễn Văn D, Bạch Đằng Kiến Xương, Thái Bình, đi xuất khẩu sang Hàn Quốc theo chương trình Thẻ vàng từ năm 2002. Theo hạn, anh chỉ ký hợp đồng làm việc trong 2 năm, tuy nhiên, khi hết hạn D đã ra ngoài đi làm chui thêm được 4,5 năm nữa. "Ai cũng biết sang đó là khó khăn lắm mới được nên chả ai dại gì muốn về sớm. Hơn nữa khi ra ngoài làm thêm, thu nhập của mình cũng cao hơn so với ngày làm chính thức. Vì thế nên ai cũng nghĩ nếu hoàn cảnh bắt buộc mới phải về nước đúng thời hạn", anh D. cho biết.
Khi được hỏi có biết việc trốn ở lại nước bạn là bất hợp pháp hay không, anh D. thật thà: "Biết chứ, mình luôn xác định sẵn tâm lý khi ra làm bên ngoài nếu ngay ngày mai bị bắt thì cũng vẫn cứ làm. Cùng lắm cũng chỉ bị trục xuất về nước chứ có tội tình gì đâu mà sợ!".
Nói về khâu quản lý lao động của bên cung ứng, anh D. cho biết rất lỏng lẻo: "Tất cả đều thông qua ban đại diện người lao động Việt Nam bên đó. Tuy nhiên, chỉ khi nào có sự cố tranh chấp thì người của Ban đại diện mới tới còn bình thường thì họ chả biết mình đang làm gì, ở đâu".
Cũng theo anh D., ngay cả khi biết lao động ở lại làm chui, người của Ban đại diện cũng không hề có hành động xử lý thậm chí lời nhắc nhở cũng không: "Anh em gặp nhau có khi còn làm chầu rượu vui vẻ như người nhà ấy mà".
Sau gần 7 năm làm việc tại Hàn Quốc, mặc dù thừa nhận số tiền tích lũy được đã cải thiện đáng kể kinh tế gia đình, tuy nhiên anh D. cũng chia sẻ: "Số tiền đó vừa đủ trang trải nợ nần, cất được ngôi nhà nho nhỏ ở quê vậy là hết. Thử hỏi nếu chỉ đi làm 2 năm như hợp đồng thì làm sao có được như vậy".
Điều tra mới nhất về tình hình hậu xuất khẩu lao động tại Việt Nam của Ngân hàng thế giới mới công bố cho thấy đại bộ phận lao động có tích lũy từ XKLĐ (88,9%). Trong đó, mức tích lũy cao và ổn định nhất thuộc về thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, thấp nhất là Malaysia. Mức tích lũy bình quân của người lao động làm việc đủ 3 năm ở Nhật Bản là 312 triệu đồng/người, ở Hàn Quốc (243 triệu đồng/người), Đài Loan (145 triệu đồng/người) và Malaysia (51 triệu đồng/người). Báo cáo cũng thừa nhận mức tích lũy của người lao động tỷ lệ thuận với độ dài thời gian làm việc ở nước ngoài. Đối với nhiều trường hợp lao động trẻ (18-20 tuổi) về nước đúng hạn từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không có tích lũy. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do lao động trẻ chưa có ý thức tiết kiệm trong quá trình sống và làm việc ở nước ngoài.
Mặt khác, việc sử dụng tiền tích lũy của người lao động chưa thực sự hiệu quả. Phần lớn số tiền tích lũy được sử dụng để giải quyết các nhu cầu cấp bách của gia đình như trả nợ của gia đình phát sinh từ trước hoặc trong quá trình đi xuất khẩu lao động (chiếm 34,37% tổng số tiền tích lũy), xây dựng/sửa chữa nhà cửa (28,49%) và mua sắm đồ đạc trong gia đình (10,59%). Trong khi đó, việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và đầu tư cho việc học hành còn rất hạn chế, chỉ chiếm tương ứng khoảng 8,79% và 3,67% tổng tiền tích lũy.
Chi 5.000-7.000 USD mới có suất
Theo quy định của Bộ LĐ-TB-XH, khi nhận được thông báo tuyển chọn hồ sơ xuất khẩu sang Hàn Quốc theo chương trình EPS, người lao động chỉ phải nộp khoản tiền 630 USD để trang trải chi phí mua vé máy bay, làm visa, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tuyển chọn, xử lý hồ sơ của người lao động. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế của PV, nhiều tỉnh thành người lao động đã phải bỏ từ 5.000-7.000 USD để được xuất khẩu lao động. Anh Vũ Văn Đ (Kiến Thụy, Hải Phòng) cho biết đang theo học lớp ôn thi tiếng Hàn của cô giáo tên S tại Hà Nội. Theo đó, mỗi học viên nếu muốn được đi xuất khẩu sẽ phải nộp cho cô S một khoản là 7.000 USD để lo chi phí từ A-Z. Đ cũng cho biết cô S từng công tác trong lĩnh vực xuất khẩu lao động đã về hưu nhưng vẫn còn quan hệ nên hoàn toàn có thể chạy hồ sơ được. "Nếu mình cứ đúng quy định cứ mang hồ sơ lên Sở LĐ-TB-XH tỉnh thì còn lâu mới được chạy. Bao nhiêu hồ sơ họ cũng nhận nhưng họ cứ cất vào tủ thì làm được gì?" Đ nói. Một trường hợp khác tại Kiến Xương Thái Bình cũng cho hay, anh ta làm đúng thủ tục theo quy định tuy nhiên sau gần 2 năm nộp hồ sơ mà vẫn chưa thấy quyết định được đi xuất khẩu. Quá sốt ruột, anh liền đưa cho cò khoảng 4.500 USD vậy là sau 2 tháng đã có quyết định hồ sơ của anh đã được công ty bên Hàn Quốc chấp nhận?!
Gần 23.000 lao động "chui"
Thống kê chưa đầy đủ hiện có gần 23.000 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Trong đó 12 tỉnh có số lao động ở lại nhiều nhất là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ. Trước tình trạng này, một biện pháp mạnh tay đã được tung ra khi Bộ LĐ-TB-XH đã gửi công văn về các địa phương yêu cầu ngưng tiếp nhận hồ sơ dự thi tiếng Hàn của 23 xã, phường và thị trấn có từ 5 lao động trở lên bỏ trốn ở lại Hàn Quốc khi hết hạn hợp đồng. Tuy nhiên tới nay tình trạng lao động bỏ trốn vẫn không thuyên giảm. Hiện Việt Nam vẫn là nước có nhiều lao động cứ trú bất hợp pháp nhiều nhất trong số 15 quốc gia tham gia cúng ứng lao động cho Hàn Quốc.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết: "Nước bạn sợ mình cư trú bất hợp pháp gây lộn xộn, náo động đất nước người ta. Bạn cũng lo lắng tình trạng người lao động chúng ta sang chưa làm việc đã đổi chỗ khác. Tất cả hành động này chắc chắn phải qua môi giới người lao động mới có thể làm được".
Quan hệ cung ứng và sử dụng lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu từ năm 1993, là chương trình hợp tác lớn nhất trong lĩnh vực LĐ - XH giữa hai nước, hiện đang được triển khai dưới 3 hình thức: lao động đi theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) lao động đi làm việc trên các tàu đánh cá của Hàn Quốc lao động có trình độ tay nghề kỹ thuật cao. Hiện có khoảng 75.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc. Từ trước tới nay, lao động Việt Nam vẫn được được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc ưa thích, bởi tính cần cù, chịu khó, sáng tạo và nhanh chóng hòa nhập với môi trường sinh hoạt, làm việc tại Hàn Quốc. Vì vậy, so với 14 quốc gia phái cử khác, Việt Nam luôn dẫn đầu về tỷ lệ LĐ được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn và số lượng lao động được nhập cảnh vào làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.
Theo 24h
Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam Bộ trưởng Bộ Lao động Hàn Quốc vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH VN thông báo "tạm dừng tiến trình thỏa thuận giữa hai bên về chương trình cấp phép việc làm cho lao động VN". Thực tế, tỉ lệ lao động VN bỏ trốn tại Hàn Quốc ngày một tăng cao và cao nhất trong 15 nước phái cử...