Mất cả tỷ đồng với chiêu lừa nợ cước điện thoại
“Tôi cũng đủ tỉnh táo để hiểu tiền mình chuyển vào tài khoản người khác thì làm sao lấy lại, tôi thắc mắc nhưng họ nói cứ yên tâm chuyển tiền để điều tra.”- bà N.T.B.L.
Trần Văn Huy (21 tuổi, ngụ Cần Thơ) – một trong số các đối tượng trong đường dây lừa đảo bị bắt – tại Cơ quan điều tra Công an TP.HCM – Ảnh: Gia Minh
Thời gian qua, hàng trăm người tại TP.HCM và nhiều địa phương khác đã bị lừa hàng tỉ đồng với chiêu lừa bắt đầu bằng cuộc gọi thông báo nợ cước điện thoại. Dưới đây là một trường hợp điển hình.
Dụ dỗ, đe dọa khiến nạn nhân rối trí
Hơn 12h ngày 12/2, số điện thoại bàn nhà bà N.T.B.L. (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đổ chuông. Bà L. nhấc máy, từ tổng đài tự động thông báo: “Quý khách đang nợ 8.930.000 đồng cước điện thoại, vui lòng thanh toán trong vòng hai giờ, nếu không sẽ bị cắt liên lạc. Để biết thêm chi tiết, vui lòng nhấn phím số 9″. Khi bà L. nhấn phím số 9, một nam “tổng đài viên” hỏi, bà L. trình bày việc tổng đài thông báo nợ cước sai thì người này hỏi lại tên bà. Nghe bà báo tên xong, người này bảo tên bà được đăng ký một số điện thoại tại Hà Nội, số máy này liên tục gọi đi nước ngoài và nợ cước gần 9 triệu đồng.”Có thể bác đã bị đánh cắp thông tin đăng ký điện thoại, bác có muốn tôi nối máy cho bác gặp Công an Hà Nội để trình báo hay không?”. Tin người này là nhân viên tổng đài, bà L. đồng ý. “Trong khi người này chuyển máy, tôi còn nghe các thao tác trên bàn phím, nghe giọng nói như từ tổng đài trước khi nghe giọng một người đàn ông tự xưng là cán bộ của Bộ Công an” – bà L. kể để lý giải vì sao bà bị lừa.
Video đang HOT
Khi nghe bà L. trình bày, người được cho là “cán bộ của Bộ Công an” đọc lại tên tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân của bà để xác minh và thông báo bà đứng tên một tài khoản ở Ngân hàng Vietcombank tại Hà Nội, có giao dịch mấy chục tỉ đồng của một đường dây rửa tiền quốc tế. “Họ yêu cầu tôi phải hợp tác điều tra vì trong đường dây này có hơn 500 người, công an đã bắt được mấy chục người và đang tiếp tục bí mật điều tra. Họ yêu cầu tôi giữ liên lạc bằng máy bàn và sạc pin điện thoại di động vì sẽ phải “hợp tác điều tra” trong thời gian dài liên tục, không được rời máy ra. Họ diễn kịch như thật. Lúc nói chuyện với tôi, “cán bộ” nói trên còn cố tình nói lớn “Các đồng chí phải ghi âm cẩn thận để phục vụ điều tra” để tôi nghe và yêu cầu tôi phải nói to, rõ ràng để họ ghi lại nên tôi răm rắp làm theo” – bà L. kể.
Trong khi nói chuyện với bà L., các đối tượng lừa đảo mạo danh “cán bộ điều tra” cung cấp số điện thoại của họ đang gọi tới để bà kiểm tra qua tổng đài 1080 tại Hà Nội. Bà L. gọi tổng đài kiểm tra thì nhân viên tổng đài thật trả lời số điện thoại đó đúng là của Bộ Công an khiến bà L. không thể nghi ngờ. Thuyết phục được bà L. tin rằng họ là công an thật, nhóm lừa đảo yêu cầu bà khai báo tất cả số tài khoản ở các ngân hàng, số tiền hiện có và cả tài sản trong nhà có những gì giá trị để họ “xác minh nguồn gốc tài khoản có phải do rửa tiền mà có hay không”. Bà L. khai báo bà có 300 triệu đồng trong tài khoản của Ngân hàng ACB thì nhóm lừa đảo yêu cầu bà ra ngân hàng chuyển vào tài khoản của cơ quan điều tra để xác minh, nếu không phải tiền từ tổ chức tội phạm sẽ được trả lại ngay, trong vòng 2-24 giờ.
Bà L. nghĩ “cây ngay không sợ chết đứng” nên đã tới ngân hàng chuyển tiền theo yêu cầu của nhóm lừa đảo… Sau khi bà L. chuyển tiền, các đối tượng vẫn giữ liên lạc và thông báo một phần số tiền này trùng với số thời điểm giao dịch của khoản tiền mấy chục tỉ đồng nói trên, rồi đề nghị bà L. khai báo các số tài khoản còn lại và tài sản trong nhà. Bà L. khai còn 60 triệu đồng trong một tài khoản khác thì nhóm lừa đảo yêu cầu bà phải rút hết, chuyển vào tài khoản cho chúng để “điều tra”. “Lúc này tôi mới thật sự tỉnh, biết mình bị lừa vì số tiền này là tiền tôi tiết kiệm bao lâu nay, có giao dịch gì đâu” – bà L. chua chát kể. Sau đó bà L. đi trình báo công an.
Tương tự trường hợp của bà L., nhiều giáo viên, bác sĩ, nhà báo cũng trở thành nạn nhân của chiêu lừa trên. Trong đó có người bị lừa vài chục triệu, người bị lừa vài trăm triệu, số ít trường hợp kịp tỉnh ra khi chưa chuyển tiền cho nhóm lừa đảo.
Không nên tin lời nói qua điện thoại
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM đã bắt giữ nhiều đối tượng trong các đường dây lừa đảo xuyên quốc gia bằng hình thức lừa thông báo nợ cước điện thoại.
Thượng tá Cao Xuân Lợi, phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, khẳng định: khi cơ quan điều tra có nghi vấn, cần người có liên quan hợp tác điều tra thì phải có giấy mời, giấy triệu tập gửi qua cảnh sát khu vực nơi người đó cư trú để mời tới trụ sở công an xã, phường hoặc trụ sở cơ quan điều tra làm việc. Không có chuyện cơ quan điều tra làm việc qua điện thoại, càng không có việc yêu cầu người dân chuyển tiền của mình vào tài khoản của người khác. “Mọi quyết định xử lý tài sản, vật chứng, tiền bạc hoặc tài sản thu giữ của các bị can đều phải có các quyết định, có lệnh của cơ quan chức năng” – ông Lợi nói.
Ông Lợi lưu ý người dân nếu nhận được điện thoại thông báo như những trường hợp vừa nêu, người dân có thể cứ giữ liên lạc với nhóm lừa đảo, đồng thời báo cho công an nơi gần nhất hoặc báo cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM (số điện thoại 083.8640508, gặp điều tra viên Trần Ngọc Ẩn) để trình báo.
Khi kẻ lừa đảo dùng kỹ thuật cao Thượng tá Cao Xuân Lợi cho biết hầu hết nạn nhân trình báo việc các nhóm lừa đảo cho số điện thoại của Bộ Công an, Công an Hà Nội hoặc công an một tỉnh, thành phố nào đó để nạn nhân kiểm tra qua đài 1080, xác nhận đúng số điện thoại đó là của công an. Số máy mà các đối tượng gọi tới cũng hiển thị đúng số điện thoại của cơ quan công an khiến các nạn nhân tin tưởng, làm theo chỉ dẫn và cuối cùng chuyển tiền vào tài khoản của nhóm lừa đảo. Theo ông Lợi, việc này là do các nhóm lừa đảo sử dụng các biện pháp kỹ thuật cao, tấn công đánh lừa hệ thống máy móc để cài đặt hiển thị số máy gọi tới như ý muốn của họ. “Các đối tượng hầu hết là ở nước ngoài gọi về, có khi hiển thị đúng số của đơn vị công an nào đó, cũng có khi hiển thị đầu số lạ hoặc không hiển thị số. Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác khi nhận được điện thoại thông báo các trường hợp nợ cước điện thoại, điện tiêu dùng hay các dịch vụ khác”. Không dễ ngăn chặn giả mạo số điện thoại Chuyên gia Võ Đình Bảo Quốc, phó tổng giám đố c Công ty Wada, cho rằng những kẻ lừa đảo đã khai thác tối đa hình thức gọi điện qua giao thức Internet (Voip) để giả mạo số điện thoại. Hình thức gọi Voip cho phép người gọi có thể dùng các công cụ kỹ thuật chèn các dãy ký tự hoặc số đại diện cho bên gọi đến. Khi đó số hiển thị trên máy điện thoại người bị gọi có thể là bất kỳ số nào theo ý muốn của người gọi. Người dùng di động chỉ nhìn thấy số hiển thị trên màn hình điện thoại và chắc chắn không thể biết được là số giả mạo. Theo ghi nhận của chúng tôi, trước đây từng xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến vấn nạn giả mạo số điện thoại (chủ yếu phục vụ các mục đích xấu) như: phần mềm giả mạo số điện thoại bất kỳ, trò lừa đảo mạo danh số điện thoại tổng đài mạng di động… Những hình thức này đều xuất phát từ các cuộc gọi, nhắn tin qua giao thức Internet. Các mạng di động cũng đã có biện pháp ngăn chặn nhưng không triệt để. Về cơ bản, nhà mạng phải tùy từng trường hợp để truy tìm ra địa chỉ Internet đã thực hiện hành vi mạo danh số điện thoại, từ đó mới có biện pháp ngăn chặn cụ thể.
Theo Xahoi
Cảnh báo lừa đảo: "Góp vốn mở quầy xổ số đầu xuân"
Nhiều người cho biết họ đã nhận được cuộc gọi mời góp vốn mở cửa hàng xổ số của một người đàn ông có giọng nói miền Nam
Xuất hiện các cuộc gọi lừa đảo góp vốn mở quầy xổ số
Nhận điện thoại lạ trong ngày đầu xuân mới rủ góp vốn mở quầy sổ số, anh Phạm Văn Đông ở Hà Nội không khỏi băn khoăn. Phản ánh tới Đường dây nóng Báo Công an nhân dân, anh Đông cho biết, vừa đầu xuân mới, gia đình anh nhận được một cuộc điện thoại gọi vào số cố định. Người này tự xưng là bạn anh Đông, ở TP Hồ Chí Minh lâu rồi không gặp, muốn xin số điện thoại di động của anh Đông để hỏi thăm sức khỏe. Người nhà anh không hề nghi ngờ, cho luôn số điện thoại.
Thấy có số điện thoại lạ gọi tới, anh Đông vừa "a lô" thì ở đâu dây bên kia một giọng nói miền Nam rất hồ hởi cất lên: "Anh Đông à, anh có nhớ tôi không? Có lần tôi gặp anh ở quán bia trên quận Tây Hồ đó, anh có nhớ ra không?". Anh Đông ậm ừ vì quả thật anh có rất nhiều bạn, mà bạn ở quán bia thì không nhớ hết, nên nói: "À nhận ra rồi, nhớ rồi". Người đàn ông này nhanh chóng giới thiệu làm quen. Anh ta giới thiệu chú của mình làm ở công ty xổ số, có mở một quầy xổ số ở quận Tây Hồ rất lớn, cần đầu tư thêm tiền để chia cổ phần. Chú anh ta mở quầy xổ số này thiếu 10 tỷ, cần góp vốn. Nếu anh Đông góp thì sẽ được chia lợi tức cao. Người đàn ông kể vanh vách cách thức góp vốn, nếu anh Đông góp 100 triệu thì hằng tháng chia lợi tức thế nào, còn góp từ 500 triệu trở lên thì lợi tức cao hơn. Anh ta cho anh Đông số tài khoản để gửi tiền góp vốn mở quầy xổ số, đồng thời sẽ được nhận ngay 10 triệu đồng gọi là trích lại phần trăm cho những người góp vốn đầu tiên.
Nghe thì có vẻ hấp dẫn, anh Đông hỏi người đàn ông lấy gì làm tin tưởng, anh ta bảo sẽ gửi cho anh Đông tài liệu về quầy xổ số này để anh tìm hiểu. Giọng đầy sốt sắng, người đàn ông hứa hẹn với anh Đông, nếu anh góp vốn làm ăn thì sẽ chuyển ngay cho anh 10 triệu đồng. Nghi ngờ có điều gì đó không bình thường, anh Đông đã từ chối. Sau một hồi thuyết phục không được, người đàn ông tắt máy. Dò hỏi ra, vài người bạn của anh Đông cũng cho biết nhận được cuộc gọi mời góp vốn mở cửa hàng xổ số của một người đàn ông có giọng nói miền Nam. Anh Đông muốn đưa câu chuyện này lên báo với mong muốn người dân cảnh giác trước cuộc điện thoại mời góp vốn này
Theo Khampha
Bị đâm chết vì giành hát ưu tiên Mâu thuẫn từ việc bấm bài hát ưu tiên ở quán karaoke, một công nhân đã bị đồng nghiệp đâm chết. Ngày 24/12, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã bác kháng cáo, tuyên y án 19 năm tù giam đối với Trần Văn Huy (SN 1990, ngụ tỉnh Đồng Nai) về tội "Giết người". Khoảng 17 giờ ngày 30-1-2013,...