‘Mắt biếc’: Có nhiều điều để chú ý ngoài câu chuyện tình yêu day dứt, khắc khoải của Ngạn – Hà Lan – Trà Long
Nhắc về ‘ Mắt biếc’ của màn ảnh rộng, người ta còn nhớ tới cô giáo Hồng thẳng thắn, kiên trì, nhớ đoàn tàu chứa đầy sự tiếc nuối, hay nhớ những bản nhạc phim buồn da diết.
Nhắc tới Mắt biếc của Nguyễn Nhật Ánh,người ta sẽ nhớ ngay tới mối tình đậm sâu Ngạn dành cho Hà Lan, cũng như những rung động đầu đời mà Trà Long – con gái Hà Lan dành cho Ngạn.
Nhưng, hơn cả tình yêu đôi lứa, Mắt biếc phiên bản màn ảnh rộng của Victor Vũ không chỉ mang tới vùng quê bình dị lẫn thị thành tấp nập, đem đến cái hồn của từng gương mặt như bước ra từ trang sách, mà còn không ngại đưa vào phim nhân vật mới, xây dựng được cả hình ảnh giàu tính ẩn dụ xuyên suốt phim.
Đoàn tàu – cái kết mở đắt giá nhất phim
Cho đến gần cuối phim, khi Trà Long nhắc tới câu nói: ‘Ở đời có hai thứ tuyệt đối không thể bỏ lỡ. Một là chuyến xe cuối cùng. Hai là người thật lòng thương mình’ và Ngạn ngồi trên tàu, nước mắt dàn dụa, người xem mới giật mình nhận ra đường ray, tàu hỏa đã xuất hiện trong phim tới vài lần.
Khi còn học cấp ba tại Huế, Ngạn có tới cây cầu dành cho tàu hỏa bắc ngang sông. Ngạn đứng yên bên đầu cầu, như chờ tàu chạy qua, như chờ cơ hội bắt đầu tình cảm giữa mình và Hà Lan. Cho tới tận hai mươi năm sau, Ngạn mới bước lên chuyến tàu của riêng mình, chuyến tàu của sự ra đi, bỏ lỡ, và làm lại từ đầu.
Ngạn rời Đo Đo, rời khỏi miền ký ức lẫn niềm yêu lẫn lộn dằn vặt mình suốt thời gian qua, mong tìm cuộc sống mới. Ngay khoảnh khắc tàu lăn bánh, Hà Lan nhận ra bản thân đã bỏ lỡ người thương cô thật lòng. Cô không đuổi kịp đoàn tàu, đã đánh mất người duy nhất sẵn sàng ở bên mình.
Khác với cái kết trong sách – chỉ nói về quyết định ra đi của Ngạn, cái kết trên phim khiến khán giả day dứt hơn: biết đâu Ngạn và Hà Lan sẽ gặp lại nhau trong tương lai, biết đâu hai người xa nhau mãi mãi.
Có thể nói, Victor Vũ đã liều và đã thành công khi mang chuyến tàu này vào phim. Liều vì người xem đã quen với kết thúc trong sách, và rất có thể cái kết không hợp lý sẽ phá vỡ tất cả cảm xúc phim mang lại từ đầu. Nhưng may mắn thay, cái kết đã góp một phần lớn giúp phim thăng hoa.
Gương mặt mới ‘vượt thời đại’
Hồng không phải nhân vật có sẵn trong nguyên tác Mắt biếc, người bạn học chung lớp cấp một, người đồng nghiệp của Ngạn chỉ xuất hiện trong phim.
Tại sao gọi Hồng là gương mặt ‘vượt thời đại’? Bởi trong bối cảnh diễn ra Mắt biếc, chuyện con gái chờ đối phương ngỏ lời, tỏ tình rồi kết hôn, lập gia đình sớm gần như là lẽ đương nhiên. Nhưng không, Hồng tới ba mươi lăm tuổi mà vẫn ‘ở giá’, thực hiện hành trình cọc đi tìm trâu, quyết tâm chờ Ngạn.
Cứ hễ Hồng xuất hiện, công chúng biết ngay sẽ có một phát biểu ‘hơi thốn’ nào đó chuẩn bị được cất lên. Cô thẳng thắn theo đuổi tình yêu, không ngại ngần tỏ rõ lòng mình cho Ngạn thấy – tính cách chỉ bắt gặp ở những thiếu nữ sinh ra trong thế kỷ hai mươi mốt. Tuy bị chê cười, nhưng Hồng, cùng với Trà Long, là những nhân vật sống thật và sống không hối tiếc nhất Mắt biếc.
Những nhân vật bước ra từ trang sách
Trần Nghĩa đã không phụ lòng những người ngày đêm ngóng chờ Mắt biếc, anh dường như là chính Ngạn trong nét bút của Nguyễn Nhật Ánh. Dáng người Trần Nghĩa mảnh mai, mái tóc hơi dài như tôn lên vẻ thư sinh của chàng trai chỉ chuyên chú vào ba điều: học, chơi đàn, và Hà Lan.
Bước vào phim, Trần Nghĩa ngay lập tức đánh gục nơi sâu nhất trong tâm hồn mỗi người xem bằng ánh mắt tình tứ, nhìn Hà Lan bằng đôi mắt biếc chỉ dành cho riêng cô. Đôi mắt lấp lánh chứa ước vọng yêu đương, trìu mến, sáng lấp lánh giữa rừng sim tím thơ mộng.
Suốt hai tiếng đồng hồ, một trong những điều dẫn dắt khán giả tới với cao trào sau cùng – sự rời đi của thầy giáo làng, chính là từng nét biến hóa trên cặp gương buồn man mác của Trần Nghĩa. Không cần tới lời nói, Ngạn sống trong hình hài của Trần Nghĩa, tỏ bày những buồn đau, khắc khoải, đớn đau, dịu dàng chỉ bằng ánh nhìn.
Đâu có câu thoại nào nói Ngạn khổ tâm biết bao, hay làm gì có ai nói Ngạn tâm sự rằng anh sầu lòng tới nhường nào, nhưng chỉ cần nhìn Trần Nghĩa thôi, bất cứ người nào cũng có thể nghe được tiếng trái tim anh thổn thức.
Có xem phim rồi, người ta mới hiểu tại sao Trúc Anh lại nói Hà Lan là người sống nội tâm. Hà Lan của Trúc Anh yêu phố xá tấp nập, yêu sự hào nhoáng phồn hoa, nhưng thâm tâm khá cô đơn và giấu kín những tâm sự không biết giãi bày cùng ai.
Trúc Anh vào vai Hà Lan khá tròn trịa, đem tới một đôi mắt biếc theo đúng nghĩa đen: lấp lánh như sao xa, đẹp mơ màng khi còn là thiếu nữ, đẹp u hoài khi đã là phụ nữ. Cô khóc, cô cười, cô suy tư đều đẹp, đẹp đằm thắm thấy rõ theo thời gian. Với những phân cảnh đòi hỏi cảm xúc mạnh như lúc sinh Trà Long, nghe Ngạn thổ lộ hay chạy theo đoàn tàu, Trúc Anh đã làm vừa lòng được số đông.
Tuy không xuất hiện quá nhiều, nhưng Trà Long của Khánh Vân gây được ấn tượng mạnh bằng vẻ linh lợi, hoạt bát, thẳng thắn của mình. Và Trần Phong – Dũng, cũng rất thành công khi khiến cho người ta ‘ghét’ mình qua cái đá lông nheo đa tình hay cái nhếch môi đậm chất sở khanh.
Hình ảnh đẹp, không còn sáo rỗng
Một lần nữa, Victor Vũ lại mang tới cho khán giả những thước phim đẹp đến nao lòng. So với thời Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc gần với làng quê hơn, hình ảnh chân thật hơn, và cũng khiến người xem có nhiều sự đồng cảm, thương nhớ về một thời, một vùng đất nghèo, một thị thành đã xa hơn. Từ đồi sim tím đến bộ áo dài, từng chiếc xe, từng cái biển hiệu, từng góc nhà, đều được tái hiện giống thực tế nhất có thể.
Từ trước tới nay, phim của Victor Vũ mực thước với những công thức ‘chuẩn chỉnh’: cảnh đẹp, nội dung có lớp lang, luôn có sự ưu tiên cho những gương mặt mới. Từng có một thời, người ta xem phim của anh làm trong niềm hân hoan lẫn sợ hãi: hân hoan vì đẹp, sợ hãi vì sự đẹp lấn át tất cả. Phim duy mỹ, mà thiếu sự kết nối tình cảm giữa các nhân vật, giữa các nhân vật và cảnh quay. Nhưng qua Mắt biếc, người xem đã thấy Victor Vũ đã sử dụng kỹ thuật, thủ pháp làm phim để dùng hình ảnh nâng cảm xúc cho khán giả, chứ không còn ‘khoe’ tay nghề nữa.
Dàn dựng bối cảnh trong Mắt biếc
Nhạc phim tạo cảm xúc tốt
Điểm vô cùng đáng khen của Mắt biếc là đã kết hợp nhuần nhuyễn âm nhạc, cảm xúc và hình ảnh. Phim sử dụng những bản nhạc xưa, những bản nhạc ‘đầm’ đúng điệu, ngay cả đoạn nhạc được chọn cũng có lời hát cũng phù hợp với tâm tư nhân vật.
Ca khúc Có chàng trai viết lên phiên bản hòa tấu
Bên cạnh đó, không thể nào bỏ qua ba ca khúc mới ngoài Có chàng trai viết lên cây của Phan Mạnh Quỳnh, bao gồm: Từ đó, Nơi ấy, Tôi chỉ muốn nói. Không phải Phan Mạnh Quỳnh, không phải ca sỹ nổi tiếng nào khác, người thể hiện những ca khúc này chính là giọng ca Phạm Đình Thái Ngân – người lồng tiếng cho Ngạn.
Dù không phô diễn quá nhiều kỹ thuật hát phức tạp, nhưng bất cứ nốt nhạc nào, câu hát nào, Thái Ngân cũng chạm được tới trái tim người xem nhờ sự thấu hiểu nhân vật, đẩy cảm xúc phim lên tột bậc.
Mắt biếc được công chiếu trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 20/12.
Theo tiin
Giải mã lý do "Mắt biếc" của Victor Vũ vừa ra mắt đã gây sốt phòng vé
Bộ phim điện ảnh "Mắt biếc" của đạo diễn Victor Vũ đạt doanh thu khủng và lọt top 1 Google Trends ngay ngày khởi chiếu sớm. Có nhiều lý do tác phẩm này vừa ra mắt đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Mới đây, đạo diễn Victor Vũ chính thức ra mắt bộ phim điện ảnh "Mắt biếc" dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nội dung phim kể về cuộc đời của Ngạn. Ngay từ khi còn nhỏ, Ngạn đã thầm yêu cô bạn thanh mai trúc mã Hà Lan nhưng Hà Lan lớn lên lại ngã vào vòng tay của Dũng.
Hà Lan mang thai nhưng bị Dũng ruồng bỏ. Cô làm mẹ đơn thân rồi gửi con gái Trà Long về quê. Trà Long lớn lên trở thành cô giáo trường làng và yêu đơn phương Ngạn. Cuối cùng, Ngạn quyết định ra đi vì anh nhận ra rằng Trà Long chỉ là cái bóng của Hà Lan.
Ngạn yêu Hà Lan nhưng cô lại si mê Dũng.
Ngay khi ra mắt, "Mắt biếc" của Victor Vũ đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Theo thông tin từ phía rạp chiếu phim, ngay trong ngày phim chiếu sớm (sneak show), số lượng vé bán ra là 1.200 vé, đạt doanh thu khoảng 80 triệu đồng.
Ngoài ra, từ khóa "Măt biêc" lọt top 1 Google Trends (công cụ chuyên phân tích mức độ tìm kiếm các từ khóa). Thông tin này phần nào khẳng định đứa con tin thần của Victor Vũ đang được nhiều người dùng internet quan tâm.
Bên cạnh đó, trên mạng xã hội, cư dân mạng còn bàn tán xôn xao mọi thông tin liên quan đến "Mắt biếc" từ dàn diễn viên, các ca khúc trong phim đến thông tin hậu trường phim. Không dừng lại ở đó, hàng loạt sao Việt thi nhau chấm điểm phim "Mắt biếc" sau khi thưởng thức.
Không quá khó hiểu khi "Mắt biếc" hiện có sức hút lớn như vậy. Lý do đầu tiên phim gây sốt là bởi đây là dự án dựa trên cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Lâu nay, Nguyễn Nhật Ánh được biết đến là nhà văn nổi tiếng suốt nhiều thế hệ với các tác phẩm bán chạy, trong số đó, "Mắt biếc" thuộc hàng xuất sắc.
Được thực hiện dựa trên cuốn tiểu thuyết "Mắt biếc", phim của Victor Vũ nhanh chóng nhận được sự chú ý của các độc giả trung thành những trang văn của Nguyễn Nhật Ánh.
Sức hút của "Mắt biếc" còn đến từ Victor Vũ. Nam đạo diễn này nổi tiếng tài hoa. Anh từng được khen ngợi khi thực hiện các bộ phim gây bão phòng vé như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Cô dâu đại chiến", "Scandal: Bí mật thảm đỏ". Có thể nói, Victor Vũ trở thành thương hiệu bảo chứng cho doanh thu lẫn chất lượng phim.
Khi "Mắt biếc" công chiếu, Victor Vũ không làm người yêu điện ảnh thất vọng về quá trình biến ngôn ngữ văn chương thành ngôn ngữ điện ảnh. Nhiều khán giả xem phim nhận xét ngôn ngữ điện ảnh của Victor Vũ gây ấn tượng mạnh mẽ thông qua phần hình ảnh đẹp mắt, giàu chất thơ.
"Mắt biếc" thu hút sự quan tâm của công chúng cũng bởi phim có sự tham gia của Phan Mạnh Quỳnh về mặt âm nhạc. Phan Mạnh Quỳnh hiện là nhạc sĩ, ca sĩ lượng fan đông đảo vì những sáng tác có chiều sâu nội dung như "Nước ngoài", "Nơi ấy con tìm về", "Có chàng trai viết lên cây".
Được biết, Victor Vũ đã thuyết phục Phan Mạnh Quỳnh viết toàn bộ các ca khúc cho phim, yêu cầu là mỗi ca khúc như nói hộ nỗi lòng chàng si tình, không những tình cảm mà còn phải đúng tính cách của Ngạn và có những biến đổi tinh tế gắn liền với mỗi giai đoạn khác nhau trong đời Ngạn.
Phan Mạnh Quỳnh mất gần một năm để hoàn thiện 3 ca khúc. "Hà Lan"- bài hát đầu tiên là về nàng thơ "Mắt biếc", có giai điệu đẹp, buồn mênh mang như đôi mắt đã làm tâm hồn chàng trai si tình dậy sóng. Ca khúc thứ hai - "Từ đó" viết cho đại cảnh rừng sim, thể hiện sự thăng hoa hạnh phúc, hy vọng vào tình yêu đẹp vừa chớm nở.
Ca khúc cuối cùng - "Tôi chỉ muốn nói" được viết khi Ngạn biết mình đã quá yêu Hà Lan và lo sợ mất về tay Dũng. Để bày tỏ nỗi thổn thức của Ngạn khi mối tình đầu cứ dần xa tầm tay với, Phan Mạnh Quỳnh đã sử dụng chất liệu guitar mộc mạc.
Ngoài âm nhạc, ngôn ngữ điện ảnh, dàn diễn viên cũng tạo nên sức hút cho phim "Mắt biếc". Chưa bàn đến khả năng diễn xuất, các diễn viên chiếm trọn cảm tình của khán giả bằng phần nhìn. Trúc Anh và Khánh Vân xinh đẹp, dịu dàng cùng đôi mắt hút hồn. Trần Nghĩa có vẻ ngoài thư sinh, đôi bắt đượm buồn.
Đông đảo khán giả hiện đặt kỳ vọng "Mắt biếc" trở thành bom tấn phòng vé cuối năm 2019.
Trailer phim Mắt biếc
Theo kienthuc.net
'Mắt biếc' của Victor Vũ khác tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh như thế nào? Đạo diễn Victor Vũ tôn trọng nguyên tác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tuy nhiên, phim "Mắt biếc" cũng có nhiều chi tiết mới, đặc biệt là cái kết. *Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung phim Mắt biếc là dự án điện ảnh Việt hiếm hoi thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả ngay từ thời điểm...