Mất an toàn giao thông tại công trình cầu vượt Dầu Giây
UBND H.Thống Nhất (Đồng Nai) yêu cầu chủ đầu tư dự án cầu vượt ngã tư Dầu Giây nhanh chóng khắc phục tình trạng mất an toàn giao thông qua khu vực này.
Thi công mất an toàn giao thông tại nút giao cầu vượt Dầu Giây ẢNH: THANH CHƯƠNG
UBND H. Thống Nhất vừa tổ chức cuộc họp và yêu cầu Công ty CP BT20 – Cửu Long (chủ đầu tư dự án cầu vượt ngã tư Dầu Giây) nhanh chóng khắc phục tình trạng mất ATGT cho người và phương tiện khi lưu thông qua khu vực này.
Cụ thể, tại dự án còn thiếu đèn tín hiệu cảnh báo, gờ giảm tốc trên các tấm thép trải giữa mặt đường, thu gọn, dọn dẹp hệ thống mương thoát nước… dễ xảy ra các vụ việc gây mất ATGT.
Liên tục xảy ra tai nạn, kẹt xe
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại công trình nút giao cầu vượt Dầu Giây (điểm giao giữa quốc lộ 1 với quốc lộ 20 và tỉnh lộ 769, thuộc xã Xuân Thạnh, H. Thống Nhất) thường xuyên không có rào chắn, không có biển báo, không đèn chiếu sáng vào ban đêm; đồng thời có nhiều khối bê tông to nằm giữa đường gây mất ATGT cho người đi đường.
Do đang thi công công trình nên làn đường ở đây bị thu hẹp, tạo thành nút thắt cổ chai ở hai đầu, thường xuyên xảy ra xung đột giao thông, dẫn đến kẹt xe vào giờ cao điểm và đã có không ít vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra. Anh Đoàn Văn Cường, người dân ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2 (H.Thống Nhất) cho biết: “Công trình thi công rất chậm, thường xuyên xảy ra TNGT vì thiếu biển báo và đèn cảnh báo. Nhiều đoạn bị thắt cổ chai, ban đêm xe ở xa tới không biết thường đụng vào rất nguy hiểm”
Cùng nỗi bức xúc, ông Trần Văn Tạo (ấp Lập Thành, xã Xuân Thạnh) cho biết: “Nơi đây thường xuyên xảy ra kẹt xe kéo dài, nhất là vào các ngày cuối tuần, ngày lễ, tại nạn thì nhiều vô kể, nước ngập đường, ổ gà, ổ voi dày đặc. Bây giờ chúng tôi mong muốn cầu vượt làm nhanh cho dân được nhờ, chứ tai nạn thì liên tục, buôn bán ế ẩm”.
Vướng mặt bằng để thi công đúng tiến độ
Dự án nút giao cầu vượt Dầu Giây được khởi công xây dựng từ tháng 2.2017, dự kiến hoàn thành vào tháng 3.2018. Công trình do Công ty CP BT 20 – Cửu Long làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ xây dựng mố và hợp long cầu ở phía Bắc, còn phía Nam đang triển khai nhưng rất chậm vì thiếu mặt bằng thi công, vì hiện công tác đền bù giải tỏa phía khu vực này vẫn chưa thực hiện xong.
Video đang HOT
Theo đại diện Công ty CP BT 20 – Cửu Long thì hiện nay đơn vị mới thực hiện được khoảng 70% khối lượng công việc. Nguyên nhân do phía nam cầu chưa giải phóng được mặt bằng, nên đơn vị chưa thể huy động hết các thiết bị vào thi công, dẫn đến chậm tiến độ.
Ông Hồ Sỹ Hiệp, Chỉ huy phó, công trình nút giao cầu vượt Dầu Giây cho biết: “Cầu vượt Dầu Giây, đang chậm tiến độ so với kế hoạch, nguyên nhân do giải phóng mặt bằng chậm. Chậm thì kéo theo nhiều hệ lụy như hệ thống thoát nước không đồng bộ xảy ra tình trạng ngập úng của một số hộ dân, nước tràn lên đường xuất hiện ổ gà, gây mất an toàn giao thông. Đơn vị mong muốn các cơ quan chức năng, đặc biệt là tỉnh Đồng Nai bàn giao mặt bằng sớm để nhà thầu thi công hoàn thành đúng tiến độ”.
Trong khi đó, theo ông Phạm Sanh, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất H.Thống Nhất, nút giao cầu vượt Dầu Giây có trên 150 hộ dân bị ảnh hưởng, hiện nay đơn vị đã thực hiện xong việc kiểm đếm và đang thực hiện các bước tiếp theo lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân theo quy định.
Theo số liệu từ Ban ATGT tỉnh Đồng Nai, trong năm 2017 khu vực này đã xảy ra 5 vụ TNGT làm 3 người chết và 5 người bị thương. Còn theo Ban ATGT H. Thống Nhất, trong 6 tháng đầu năm 2018 chỉ xảy ra 1 vụ TNGT chết người. Riêng tình trạng va chạm xảy ra thì có nhiều nhưng sau đó tự thương lượng với nhau nên không có ghi nhận cụ thể.
Theo TNO
HN thông xe cầu vượt An Dương, các phương tiện di chuyển thế nào?
Sáng nay (11.10), Hà Nội chính thức khánh thành, đưa vào khai thác cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên sau 10 tháng thi công. Đến dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Giảm ùn tắc, kết nối Trung tâm chính trị Ba đình với Nội Bài
Phát biểu tại buổi lễ thông xe, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, để nhanh chóng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực nút giao An Dương với đường Thanh Niên, UBND TP.Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi lễ sáng 11.10. Ảnh: THÀNH AN
"Việc thông xe công trình cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên có ý nghĩa rất quan trọng, một mặt giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông, tạo kết nối thuận lợi giữa Trung tâm chính trị Ba Đình với cửa ngõ hàng không quốc tế Nội Bài, mặt khác, thực hiện được việc gia cố vững chắc đê điều, đảm bảo an toàn phòng, chống lũ và tạo được cảnh quan đô thị trong khu vực, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung của Thủ đô", ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo UBND TP.Hà Nội, do tính chất đặc biệt quan trọng của dự án - nằm trên tuyến đê cấp đặc biệt nên trong quá trình nghiên cứu lập Dự án, TP đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý đê điều và Bộ NN&PTNT lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học trước khi chính thức phê duyệt.
Trong quá trình thi công, TP thường xuyên giám sát, kiểm tra, chỉ đạo nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn đê điều, an toàn giao thông.
Từ hiệu quả mang lại của công trình này, Hà Nội sẽ nghiên cứu để triển khai tiếp đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi đến nút giao Nhật Tân và sẽ báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành cho phép tạo cơ chế để triển khai nhanh chóng thuận lợi, nhằm sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đồng bộ cả tuyến, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Đồng thời, UBND TP cũng giao Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội phối hợp với Sở NN&PTNT đẩy nhanh các thủ tục để triển khai đoạn tiếp theo từ Khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân....
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.Hà Nội cắt băng thông xe cầu vượt nút giao An Dương-Thanh niên.
Ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, Dự án xây dựng cầu vượt thông theo hướng Yên Phụ - Nghi Tàm (vượt qua đường An Dương và đường Thanh Niên) bằng kết cấu thép lắp ghép, móng cọc khoan nhồi, bề rộng cầu 10m, tĩnh không thông xe dưới cầu 4,75m.
Đồng thời, điều chỉnh kết cấu đê Hữu Hồng đoạn từ Km62 500 đến Km63 600 (từ Khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương) dài khoảng 1,1km bằng việc thay thế một phần đê đất bằng đê bê tông cốt thép đảm bảo an toàn chống lũ.
Dự án khởi công vào khoảng tháng 9.2017 với mức đầu tư gần 312 tỷ đồng, gồm chiều dài 271m, rộng 10m, 7 nhịp cầu. Cầu được lắp đặt, xây dựng bằng kết cấu tường chắn bê tông cốt thép dạng chữ L.
Công trình này là cây cầu thứ 11 ở Hà Nội sử dụng kết cấu hộp dầm đúc sẵn và cũng là một trong 8 công trình cấp bách cần triển khai nhằm hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.
Cấm các phương tiện xe thô sơ và người đi bộ
Về phương án phân luồng tổ chức giao thông cho các phương tiện trên đường bộ qua khu vực nút giao thông đường Yên Phụ-An Dương-Nghi Tàm-Thanh Niên sau khi thông xe cầu vượt nút giao An Dương, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đi theo hai chiều trên cầu vượt An Dương-Thanh Niên theo hướng đường Yên Phụ-Nghi Tàm và ngược lại. Cấm các phương tiện xe thô sơ và người đi bộ đi trên cầu vượt.
Các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đi qua nút giao thông đường Yên Phụ-An Dương-Nghi Tàm-Thanh Niên theo hướng từ Thanh Niên đi An Dương, Nghi Tàm, Yên Phụ qua trung tâm nút theo sự điều khiển và hướng dẫn của hệ thống đèn tín hiệu giao thông, sơn kẻ, biển báo trên đường hiện trạng.
Việc khánh thành cây cầu sẽ giúp giải tỏa ùn tắc thường xuyên cho nút giao này, tạo hướng kết nối nhanh từ trung tâm Hà Nội tới sân bay Nội Bài.
Các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đi qua nút giao thông đường Yên Phụ-An Dương-Nghi Tàm-Thanh Niên qua trung tâm nút theo hướng dẫn của hệ thống đèn tín hiệu giao thông, sơn kẻ, biển báo trên đường hiện trạng.
Tại nút giao thông Yên Phụ-Cửa Bắc, các phương tiện tham gia giao thông đường bộ đi theo hướng dẫn của hệ thống đèn tín hiệu giao thông, biển báo, sơn kẻ tổ chức giao thông. Người đi bộ qua các nút giao theo hướng dẫn của hệ thống biển báo, sơn kẻ tổ chức giao thông theo quy định.
Trên tuyến đường Yên Phụ nhỏ, Sở GTVT Hà Nội tiến hành tổ chức giao thông một chiều cho các phương tiện ôtô theo chiều và đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao Thanh Niên-Phó Đức Chính; tổ chức giao thông một chiều cho các phương tiện ôtô theo chiều và đoạn từ đường Thanh Niên đến ngã 3 Yên Phụ nhỏ (đối diện Công an Phường Yên Phụ).
Sở GTVT Hà Nội cũng giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP tư vấn thiết kế và đơn vị nhà thầu kiểm tra, hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ hướng dẫn điều hành giao thông thuộc phạm vi thực hiện dự án (bao gồm mặt đường, vỉa hè, đảo giao thông, đèn tín hiệu giao thông, dải phân cách, biển báo, sơn kẻ tổ chức giao thông ...) theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt.
Các đơn vị trên phối hợp với các lực lượng chức năng của thành phố trong việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống biển báo, sơn kẻ, pha đèn tín hiệu giao thông đảm bảo hướng dẫn giao thông thuận tiện và an toàn giao thông sau khi thông cầu.
Thanh tra Sở GTVT Hà Nội tăng cường lực lượng xử lý các vi phạm về an toàn giao thông và trật tự đô thị trên các tuyến đường xung quanh khu vực tổ chức giao thông (đặc biệt là các vi phạm về dừng, đỗ phương tiện, họp chợ lấn chiếm vỉa hè lòng đường để kinh doanh buôn bán...).
Thành An
Theo Danviet
Tháo "nút thắt" GPMB, đẩy tiến độ cầu vượt cửa ngõ Nha Trang Thị sát dự án nút giao QL1 với QL1C (đèo Rù Rì,TP.Nha Trang, Khánh Hòa), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp địa phương tháo gỡ dứt điểm vướng mắc GPMB, đẩy tiến độ dự án. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thị sát dự án cầu vượt Đèo Rù Rì, cửa ngõ vào TP.Nha Trang. Ảnh...