Mất ăn, mất ngủ vì huê
Vụ 3 cây huê (sưa) cổ thụ bị đốn hạ ở rừng Phong Nha – Kẻ Bàng không chỉ khiến nhiều người đổ xô vào rừng tìm huê, mà còn xáo trộn đời sống của những gia đình có loại gỗ này.
Rất nhiều người từ các chuyên gia, lãnh đạo hay thương lái một số tỉnh thành cất công tìm hiểu vì sao gỗ huê bỗng chốc được mua với giá ngất ngưởng, nhưng kết quả là những câu trả lời đại loại “không thể biết được”. Công dụng của nó ra sao, mua để làm gì? Những câu hỏi cho đến nay vẫn chưa có lời giải. Một số giả định được đưa ra như được tinh xuất chế tạo vũ khí, thiết bị đặc biệt; có hương thơm xua đuổi được các loại côn trùng khiến phòng ốc, nhà cửa sạch sẽ; hoặc người Trung Quốc coi huê như một loại gỗ có giá trị phong thủy mà ai cũng muốn sở hữu… Nhưng tất cả vẫn chỉ là những lời đồn đoán. Chỉ biết rằng, tất cả các đầu mối thu mua gỗ huê đều hướng đến một thị trường: Trung Quốc.
Gỗ huê bị lực lượng chức năng thu giữ tối 7.5 tại xã Phúc Trạch, H.Bố Trạch – Ảnh: T.Q.N
Ngược lại quá khứ, gỗ huê mới chỉ được “thổi” giá trong khoảng 10 năm trở lại đây. Trước kia, gỗ huê cũng có giá trị nhưng không cao, thua một số loại như lim, táu… Một cán bộ đang công tác ở huyện Minh Hóa kể cầu thang nhà anh có đến 30 cọc gỗ huê. Thời đó, làm nhà không có tiền mua gỗ nên một người bạn tốt đã cho anh số cọc đó. Rất nhiều gia đình ở Quảng Bình đã dùng gỗ huê để làm nhà hay làm các vật dụng khác.
Chưa có manh mối nhóm vào nhà dân cướp gỗ Chiều 12.5, ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng công an xã Phúc Trạch (H.Bố Trạch), cho biết hiện cơ quan công an đang điều tra vụ cướp một khúc gỗ huê xảy ra trên địa bàn và vẫn chưa có thông tin gì về nhóm cướp gỗ. Trước đó, chiều 11.5, lúc chị Nguyễn Thị Nga (ở thôn Thanh Sen 1) đang ở nhà cùng đứa con nhỏ thì bị một nhóm người lạ mặt đi ô tô đến xông vào dùng dao uy hiếp, buộc phải khai nơi cất giấu khúc gỗ huê khoảng 20 kg (trị giá khoảng 600 triệu đồng). Quá hoảng sợ, chị Nga đã chỉ chỗ giấu gỗ huê và nhóm người này đã cướp gỗ đi mất. Ngay sau đó, một số thanh niên ở xung quanh nhà chị Nga dùng xe máy đuổi theo nhưng không kịp.
Vì vậy, khi huê bỗng hóa vàng, những gia đình có gỗ huê trong nhà cũng gặp không ít bi hài. Nhà anh H., ở huyện Quảng Ninh, có bộ tam sự bằng gỗ huê nhưng chẳng dám để nó trên bàn thờ thường xuyên vì sợ trộm cuỗm mất. Khi nào cúng thì mang ra, cúng xong lại đem cất kỹ. Mệt mỏi nhưng anh H. không thể bán đi vì đó là đồ thờ cúng ông bà. Hay trường hợp gia đình ông C., ở TP.Đồng Hới, phải mua một sợi xích to đùng về xích bộ bàn ghế gỗ huê sau khi đã hì hục mang lên đặt ở tầng hai. Thế nhưng ông chẳng an tâm vì cả nhà thường xuyên đi vắng, trong khi bọn trộm hiện nay có thể đưa cả xe cẩu đến trục đi bất cứ thứ gì. Không ít cơ quan tại tỉnh Quảng Bình cũng đang sở hữu bàn ghế bằng gỗ huê, có nơi đã bán lấy tiền mua sắm các thiết bị khác, nhưng có nơi chưa biết xử trí ra sao.
Chìm nổi với huê
Ai đời gỗ lại đi bán bằng cân! Hiện mỗi cân giá từ 3 đến 40 triệu tùy theo loại huê gì và là gốc, rễ, cành hay gỗ hộp. Với gỗ loại hộp dài 2,09 m, rộng 43 cm, dày 12 cm như lô bị lực lượng kiểm lâm thu giữ đêm 7.5 mới đây tại khu vực xóm Mới, thôn Bàu Sen, xã Phúc Trạch (H.Bố Trạch) thì giá có thể lên đến 40 triệu đồng/kg. Và huê trở thành ngọn nguồn của bao oái oăm, bao câu chuyện bi đát. Mất ăn mất ngủ vì huê, đâm chém, nhập viện vì huê, bị phê bình vì huê; huê khiến cho nội bộ lục đục, gia đình ly tán… cũng không ít người giàu lên nhờ huê.
Không phải lúc nào huê cũng giữ giá cao. Những năm 2007, 2008 huê rớt và đứng giá khiến một số thương lái điêu đứng, khuynh gia bại sản, thậm chí có người tự tử. Bởi họ vay tiền với lãi suất cao để gom huê nhưng sau đó phía Trung Quốc thông báo ngưng nhập hàng hoặc nhập ít và giá thấp. Thời điểm đó, cả Đồng Hới ai cũng nghe đồn chuyện đại gia L.H bể lô hàng lên đến 100 tỉ đồng. Thực sự có bể hay không thì chẳng ai biết, vì sau đó nhiều người cho rằng một số thương lái đã ghim hàng vượt cạn được. Và khi huê lên giá trở lại, họ lại thành tỉ phú.
Video đang HOT
Cũng trong năm 2007, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình bắt được một số vụ vận chuyển huê trái phép. Như vụ 600 kg cùng nhiều biển số ô tô, một bộ còi hú ưu tiên của cơ quan công an, mã tấu và một số hung khí khác trên xe 38H-777… tại xã Phúc Trạch, H.Bố Trạch. Hay vụ gần 5 tấn huê trên tàu đánh cá mang số hiệu giả QB 3752.
Vườn huê nhân tạo
Cách Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng chừng 15 cây số, có một “đại bản doanh” huê ở xã Cự Nẫm, H.Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Chủ nhân là gia đình 5 anh em ruột con của ông Ngô Văn Lý (lão nông nổi danh vì đã ươm giống thành công cây huỵnh, ông đã mất – PV).
Chúng tôi ghé vào quán cà phê mới mở của gia đình anh Ngô Thế Anh, con trai thứ 2 của ông Lý. Quán được tạo bằng 100 cây huê 4 năm tuổi đều hàng răm rắp, gia chủ chỉ dựng thêm vài ba cái chòi cho có lệ chứ thực ra tán huê dày đặc đã như một mái nhà xanh. Cảm nhận đầu tiên khi bước vô quán là không khí trong lành, mát rượi, đối chọi với cái nắng nóng như đổ lửa ngoài kia; sự dễ chịu rõ ràng hơn khi ngồi dưới tán các loại cây khác. Tổng số huê trong vườn của Anh là gần 400 cây. Vợ chồng Anh đon đả: “Mát không? Mấy năm trước thương lái Trung Quốc đến hỏi mua toàn bộ với giá 3 triệu đồng 1 cây, họ sẽ bứng cả gốc về trồng nhưng chúng tôi không bán”.
Anh Ngô Thế Anh trước quán cà phê trong vườn huê – Ảnh: T.Q.N
9 năm về trước, sau khi đã thành công với huỵnh, đại gia đình Anh bắt đầu nghĩ cách ươm giống huê. Khoác gùi gạo cơm, áo quần lên vai, Anh lặn lội sang rừng Lào tìm hạt huê đưa về ươm được 3 cây giống. 4 năm sau, 3 cây giống bắt đầu kết hạt, từ đó cho ươm đại trà. Không phải lúc nào cũng ươm thành công, Anh bảo có khi vài cân hạt mà chỉ được vài cây giống. Quan trọng là phải lấy hạt đúng thời điểm chín, chú ý phơi đủ độ vàng và kỹ thuật ngâm ủ.
Tiếng lành đồn xa, dân khắp vùng đổ đến mua huê giống của đại gia đình Anh về trồng, ngoài người các huyện thị trong tỉnh thì người các tỉnh ở Tây nguyên đến mua nhiều nhất; thời điểm đầu giá đến 60.000 đồng/cây, giờ phổ biến nên chỉ còn 10.000 đồng. Bây giờ, Anh bán cả hạt giống rồi bày cách ươm cho người mua. Mới đây Anh bán được 1 tạ hạt với giá 3 triệu/kg.
Anh cho biết có 3 loại, huê dây và huê vàng mọc nhiều ở miền Bắc, có giá trị thấp hơn huê lội (huê đỏ) ở vùng nam Lào và đông dãy Trường Sơn. Huê có thể thích nghi với nhiều loại đất, có chỗ mọc trong lèn đá, lâm tặc phải nổ mìn phá đá lấy rễ, có khi lại mọc ở vùng sình lầy.
Một điều khá thú vị nữa, theo Anh, nu huê (cục u sừng sẹo lồi ra trên thân cây – NV) có giá trị thương mại gấp đôi gỗ huê tốt nhất, 1 kg có thể lên đến 80 triệu đồng. Anh bảo nhiều người mua gỗ huê đốt lên ngửi khói để chữa bệnh viêm xoang nhưng nhựa huê mới là tốt nhất. Bản thân Anh thường xuyên ngửi khói nhựa huê, mỗi lần ngửi cảm giác nhẹ nhõm và đỡ đau hẳn. Anh chỉ cho chúng tôi xem một số cây đã chảy ra dòng nhựa màu nâu, những cây này bắt đầu hình thành dòng. Quệt một ít nhựa lên tấm vỏ lon rồi đốt vào mặt dưới lớp vỏ, một dòng khói bốc lên, đưa gần mũi ngửi quả thực có mùi thơm dễ chịu…
Anh lo lắng: “Bây giờ thì chưa nhưng với giá trị thương mại lớn như vậy, sau này có thể bị trộm hoặc trấn cướp cây. Lúc ấy mình có thể bàn giao cho nhà nước quản lý chẳng hạn”.
Theo Thanh Niên
Giang hồ rút quân, phát hiện vũ khí nóng
Liên quan vụ cây huê ngàn tỷ, lực lượng chức năng của Quảng Bình đã thu được hai khẩu AK "vô chủ" ngay cạnh một nhóm người lạ mặt trong rừng Phong Nha - Kẻ Bàng.
Hàng ngàn người dân đã chủ động rút khỏi rừng vì sợ trấn cướp và không còn hi vọng tìm thấy gỗ huê ở hung Trí.
Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, sau gần cả tháng ùn ùn kéo nhau vào rừng Phong Nha - Kẻ Bàng theo vụ 3 cây huê bị đốn hạ, hàng ngàn người đã chủ động rút khỏi rừng vì không còn hi vọng tìm thấy gỗ huê.
Hiện ở hung Trí chỉ lác đác trên mươi người vẫn cố nán lại dùng mìn phá đá tìm rễ của 3 cây huê nói trên.
Rút khỏi rừng đầu tiên là những người dân trong vùng vào mót huê và gùi thuê, vì sợ ảnh hưởng tính mạng trước nạn giang hồ trấn cướp tràn lan. Sau khi tẩu tán hết số gỗ huê tại chỗ (bán lẻ, thu giấu, biếu xén, trấn cướp...) nhóm lâm tặc 11 người trúng huê cũng đã rút quân khỏi rừng cách đây mấy ngày.
Và cuối cùng là những băng nhóm giang hồ, chúng rút quân khi không còn đối tượng để trấn cướp.
Lãnh đạo Vườn QG PN - KB cho biết, đang điều động 40 kiểm lâm viên có trang bị công cụ hỗ trợ vào truy quét lâm tặc ở hung Trí.
Ngày 9-5, lực lượng này đã phát hiện 2 khẩu súng AK và 10 viên đạn giấu trong hốc đá, cách nơi nhóm người lạ mặt mắc võng nằm chừng 30m. Nhóm người này đã chối bỏ, không thừa nhận đó là súng của họ.
Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, ông Nguyễn Văn Lương cho biết, hai thanh niên ở thôn Bầu Sen là Phạm Quỳnh (SN 1985) và Nguyễn Văn Tuấn (SN 1992) được cho là mất tích trong vụ gỗ huê.
Theo người nhà của nạn nhân, Quỳnh và Tuấn đã rủ nhau vào hung Trí mót huê nhưng mãi không thấy về, nhờ người đi tìm đã 3 ngày vẫn không thấy. Theo nhận định, rất có thể Quỳnh và Tuấn đã bị lạc, hoặc bị giang hồ thủ tiêu ngay trong rừng.
Ông Lương khẳng định, xác chết trong rừng Phong Nha - Kẻ Bàng được người dân ở thôn Chày Lập chôn cất cách đây mấy ngày, theo mô tả lại thì không phải là thi thể của một trong hai người mất tích ở thôn Bầu Sen.
Cũng theo chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, Công an xã đã xác định và có danh sách 11 lâm tặc đốn hạ 3 cây huê tại hung Trí. Tuy nhiên hiện những người này thoắt ẩn, thoắt hiện không mấy khi ở nhà.
Từ khi trúng huê, người dân trong xã, thậm chí là hàng xóm của nhóm người này rất ít khi tiếp cận được họ.
Dư luận ở xã Phúc Trạch cho rằng: Nếu không sớm khởi tố vụ án, bắt giữ những người này, rất có thể họ sẽ ôm tiền trốn khỏi địa phương.
Theo Tiền Phong
Thu giữ lô gỗ huê trị giá hơn 13 tỉ đồng Sáng nay 8.5, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã đo đạc, bảo vệ số gỗ huê vừa thu giữ được tối 7.5. Trước đó, khoảng 20 giờ ngày 7.5, tai khu vưc xom Mơi, thôn Bau Sen, xa Phuc Trach (H.Bô Trach, Quảng Bình), Đôi Kiêm lâm cơ đông va lực lượng Phòng cháy chữa cháy rừng sô 1 (thuộc Chi...