Mất 200 triệu đồng vì trò lừa đảo làm cộng tác viên online
Gần giai đoạn cuối năm, vấn nạn lừa đảo trực tuyến diễn ra ngày càng phức tạp. Nhiều người cho biết họ liên tục nhận được cuộc gọi mời chào làm cộng tác viên online cùng lời hứa việc nhẹ lương cao.
Lời mời “làm cộng tác viên online kiếm tiền từ xa” hay “việc nhẹ lương cao” là chiêu trò mà kẻ gian thường xuyên sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo.
Với lời hứa có thể dễ dàng kiếm được 200.000-400.000 đồng/ngày, các đối tượng sẽ tạo niềm tin với nạn nhân bằng cách trả lương rất đầy đủ trong thời gian đầu. Sau đó, nạn nhân cần phải nâng cấp nhiệm vụ để nâng mức lương.
Vấn nạn lừa đảo diễn ra ngày càng phức tạp trong giai đoạn cuối năm (Ảnh minh họa).
Từ đó, các đối tượng sẽ bắt đầu thực hiện nhiều chiêu trò dẫn dắt để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Không ít người đã vô tình sập bẫy của những đối tượng lừa đảo và mất trắng hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng.
Mới đây, Công an huyện Đan Phượng đã tiếp nhận trình báo từ chị T. (SN 2001, trú tại huyện Đan Phượng, Hà Nội) về việc bị lừa đảo thông qua một ứng dụng tuyển cộng tác viên.
Theo lời kể, ban đầu khi thực hiện đơn hàng đầu tiên, chị T nhận được hoa hồng và có thể rút tiền thành công. Tuy nhiên, khi thực hiện các đơn hàng có giá trị cao hơn, hệ thống liên tục báo lỗi và yêu cầu nạp thêm tiền gấp 5 lần giá trị đơn hàng để được hoàn tiền.
Sau nhiều lần chuyển tiền nhưng không thể rút, chị T mới nhận ra mình bị lừa và trình báo với cơ quan Công an. Tổng số tiền chị đã chuyển lên đến gần 200 triệu đồng.
Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo thường là tạo những tài khoản, hồ sơ mạng xã hội giả mạo, thường đưa các tin, bài quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Khi “con mồi” liên hệ đến để kiếm việc làm, các đối tượng yêu cầu phải thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu “hoa hồng”.
Video đang HOT
Một đơn hàng thành công sẽ được hưởng “hoa hồng” 10-20%. Đối với những đơn hàng giá trị nhỏ, đầu tiên nạn nhân sẽ được thanh toán kèm “hoa hồng” như đã hứa hẹn nhằm tạo lòng tin.
Đến khi số tiền đặt các đơn hàng ngày càng lớn, các đối tượng sẽ giở nhiều chiêu trò, thủ đoạn chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn thông báo đến nạn nhân trúng thưởng một giải thưởng lớn rồi dụ dỗ nạn nhân tham gia làm nhiệm vụ đặt đơn hàng, kiếm tiền online.
Trước chiêu trò tinh vi trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân nên tỉnh táo trước các lời mời tuyển cộng tác viên kiếm tiền hoa hồng với lợi nhuận cao.
“Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, hoặc đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra kỹ thông tin về đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn để xác minh tính chính xác.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu trên các trang web không rõ nguồn gốc. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật”, Cục An toàn thông tin cho biết.
Cứ 220 người Việt dùng điện thoại, có 1 người bị lừa đảo trực tuyến
Thiệt hại do lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam trong năm 2024 lên đến 18.900 tỷ VNĐ.
Lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam vẫn đang ở mức báo động (Ảnh: Hiệp hội An ninh mạng).
Đáng chú ý, hình thức lừa đảo phổ biến nhất là mời gọi đầu tư, lộ lọt dữ liệu cá nhân vẫn ở mức báo động.
Hiệp hội An ninh mạng mới đây đã công bố báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng 2024; được thực hiện ở khu vực người dùng cá nhân, theo hình thức trực tuyến, từ ngày 28/11 đến ngày 14/12, thu hút 59.000 người tham gia.
Không gian ảo, thiệt hại thật
Theo đó, cứ 220 người dùng điện thoại thông minh sẽ có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tỷ lệ là 0,45%. Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ VNĐ.
Thực tế cho thấy số nạn nhân bị lừa đảo lớn nhưng số có thể lấy lại được tiền rất nhỏ.
Khi bị mắc bẫy lừa đảo, mặc dù 88,98% người dùng cho biết họ đã ngay lập tức cảnh báo, trao đổi với người thân bạn bè, nhưng chỉ có 45,69% người được hỏi trả lời có báo cáo với cơ quan chức năng, đây là tỷ lệ khá thấp.
Theo chuyên gia của Hiệp hội, việc báo cáo với các cơ quan chức năng khi gặp lừa đảo là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của bản thân nạn nhân và ngăn chặn các hành vi phạm pháp.
Thứ nhất, việc báo cáo sẽ giúp cơ quan chức năng có thông tin kịp thời để điều tra, thu thập bằng chứng, từ đó tăng khả năng truy bắt và xử lý các đối tượng lừa đảo.
Thứ hai, việc báo cáo cũng có thể giúp người bị hại phục hồi một phần hoặc toàn bộ tài sản bị chiếm đoạt, đặc biệt khi cơ quan chức năng can thiệp sớm và phong tỏa được tài sản liên quan.
Hơn nữa, mỗi vụ lừa đảo được báo cáo sẽ góp phần vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu về các chiêu trò, phương thức hoạt động của các đối tượng, từ đó cảnh báo cộng đồng, ngăn ngừa các đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, gây thiệt hại cho nhiều người khác.
Do đó, báo cáo không chỉ bảo vệ cá nhân mà còn đóng góp vào việc xây dựng một môi trường mạng an toàn, minh bạch, lành mạnh hơn cho cộng đồng.
Các hình thức lừa đảo phổ biến
Hình thức tấn công người dùng của các đối tượng lừa đảo rất đa dạng và tinh vi. Trong đó 3 hình thức phổ biến nhất năm 2024 gồm: dụ dỗ người dùng tham gia các chiêu trò đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao; giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức; lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn.
Theo kết quả khảo sát, 70,72% người dùng từng nhận được lời mời đầu tư tài chính vào các sàn giao dịch không rõ nguồn gốc nhưng cam kết không rủi ro, lợi nhuận cao; 62,08% cho biết gặp phải các cuộc gọi mạo danh cơ quan, tổ chức (công an, tòa án, thuế, ngân hàng...) để thúc giục cài phần mềm hoặc đe dọa phải chuyển tiền để chứng minh trong sạch do liên quan vi phạm pháp luật.
60,01% cho biết nhận được các thông báo trúng thưởng, khuyến mãi cao nhưng thông tin rất mập mờ, bất thường.
Bên cạnh các kịch bản tinh vi, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều công nghệ hiện đại như: công nghệ trí tuệ nhân tạo Deepfake để tạo video, giọng nói giả mạo nhằm xây dựng lòng tin từ nạn nhân; ứng dụng công cụ tự động (chatbot) để giao tiếp liên tục với nạn nhân; dùng phần mềm chuyên dụng trên máy tính để thực hiện cuộc gọi viễn thông, tiếp cận nhiều người cùng lúc.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (Ảnh: Hiệp hội An ninh mạng).
Việc ứng dụng công nghệ cao khiến cho nhiều nạn nhân khi tiếp xúc các nội dung giả mạo đã không phân biệt được thật - giả, dẫn tới dễ bị mắc lừa.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia khuyến cáo: "Tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục hoành hành trong năm 2025.
Bên cạnh các biện pháp từ cơ quan quản lý, người dùng vẫn cần nâng cao cảnh giác, kỹ năng an toàn khi tham gia không gian mạng. Không chia sẻ thông tin cá nhân với những người không quen biết hoặc dịch vụ không tin tưởng.
Người dùng cần xác minh kỹ lưỡng bất kỳ cuộc gọi hay trao đổi nào liên quan đến chuyển tiền. Sử dụng ứng dụng phòng chống lừa đảo nTrust để lọc và ngăn chặn các số điện thoại lừa đảo, website độc hại".
Chặt đứt đường dây mua bán người xuyên biên giới Hai cô gái trẻ cầm đầu đường dây mua bán người xuyên quốc gia bị Bộ đội Biên phòng Tây Ninh phối hợp với Công an Tây Ninh bắt giữ. Bộ đội Biên phòng Tây Ninh vừa phối hợp với Công an tỉnh Tây Ninh bắt giữ Phạm Thị Kim Anh, 21 tuổi, ngụ phường Bảo Vinh, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai...