Massimo Tamburini – cha đẻ các siêu môtô Italy
Ducati 916 hay MV Agusta F4 phảng phất những nét giống nhau bởi đều được sáng tạo bởi nhà thiết kế Italy Massimo Tamburini.
Massimo Tamburini sinh năm 1943, nhà thiết kế môtô người Italy vừa qua đời hôm 5/4 vì bệnh ung thư, để lại những mẫu xe mà cho tới nay vẫn được ca ngợi như đỉnh cao trong làng thiết kế môtô.
Tamburini từng nói “tôi luôn có một niềm đam mê cháy bỏng với môtô, mẹ tôi luôn than phiền về điều đó khi tôi còn là một đứa trẻ, nhưng ngoài môtô, tôi không thể có ước mơ thiết kế một đối tượng nào khác”. Sự nghiệp của ông bắt đầu khi ông tiếp xúc với giải đua môtô tại Monza năm 1961, bị quyến rũ bởi thứ âm thanh của động cơ bốn thì MV Agusta.
Massimo Tamburini (mặc comple) cùng Claudio Castiglioni, ông chủ MV Augsta F4.
Ban đầu, Tamburini làm công việc phát triển xe đua, tức là khiến những chiếc xe đua của các đội mạnh mẽ hơn, nhẹ hơn và cho khả năng kiểm soát tốt hơn. Mẫu xe đầu tiên mà ông thiết kế là một biến thể chiếc MV Agusta 750 Sport với khung xe do ông thiết kế mới.
Năm 1973, hãng Bimota ra đời với tên gọi được gắn ba chữ cái đầu của ba người sáng lập là Valerio Bianchi, Giuseppe Morri và Massimo Tamburini. Nói về xu hướng thiết kế của tương lai, ông cho biết “Đó sẽ là một mẫu xe 750 phân khối với sức mạnh của động cơ 1.000 phân khối nhưng trọng lượng của một chiếc 500 phân khối”. Theo ông, chiếc ST2 của Ducati vào lúc bấy giờ chưa đạt tối ưu bởi “cố gắng chạy theo kiểu xe Nhật, không phải thực hiện bằng cách Italy”.
Năm 1985, Tamburini chuyển sang làm việc cho Cagiva, lúc này Cagiva sở hữu Ducati. Mẫu Ducati đầu tiên mà Tamburini thiết kế là Paso 750, nhưng mẫu xe để người ta nhớ đến nhất lại là chiếc Ducati 916, tinh hoa của thiết kế Italy vào lúc bấy giờ với khung lộ, ống xả dưới yên và gắp đơn.
Siêu phẩm MV Agusta F4.
Năm 1996, khi anh em nhà Castiglioni bán Ducati, Tamburini ở lại với Cagiva, nơi đưa tên tuổi ông tiếp tục thăng hoa trong ngành công nghiệp môtô với mẫu xe của hãng mẹ, MV Agusta F4. Đến năm 2008, Massimo Tamburini nghỉ hưu khi đang là người của Cagiva.
Video đang HOT
Theo VNE
10 sportbike nổi bật thập niên 90
Honda FireBlade, Ducati 916 hay Yamaha R1 là những cái tên đình đám nhất thập niên cuối cùng của thế kỷ 20.
1. Honda FireBlade
FireBlade là tên chỉ một dòng sản phẩm sportbike của Honda, trong thập niên 90 có hai mẫu là CBR900RR và CBR919RR, trước khi bị thay thế chính thức bởi CBR929RR vào năm 2000. Các mẫu xe đều sử dụng động cơ I4, thừa hưởng những công nghệ bước ra từ đường đua, là các "bậc tiền bối" huyền thoại mở lối thành công cho CBR1000RR sau này.
FireBlade là dòng xe tạo ra từ sự thăng hoa của những nhà thiết kế cùng sự chính xác của kỹ sư cơ khí mà không chịu bất cứ ảnh hưởng nào từ các bộ phận khác như tài chính hay marketing của hãng.
2. Ducati 916
Thời gian sản xuất của Ducati 916 từ 1994-1998, để cạnh tranh với những cỗ máy I4 đến từ Nhật, hãng xe Italy ra đời mẫu 916 sử dụng động cơ V-twin, hộp số 6 cấp, công suất 114 mã lực, tốc độ tối đa khoảng 260 km/h. Đến 1999, Ducati thay thế 916 bởi "người mới" 996.
3. Honda VFR400
Ra đời từ 1986, VFR400 sử dụng động cơ 400 phân khối V4, cho tốc độ tối đa tới 208 km/h. Dòng xe này là khởi điểm cho những mẫu sport-touring VFR800, 1200 ngày nay. VFR400 lúc đó là đối thủ sừng sỏ của những Yamaha R4, Kawasaki ZX-4R, SuzukiGSX-R400 hay BMW S400RR.
4. Kawasaki KR-1/KR-1S
Khoảng đầu những năm 90, môtô hai thì chủ yếu được sử dụng bởi những người dưới 25 tuổi bởi tính khí của xe thất thường, có thể đi từ ủ rũ đến hưng phấn không báo trước. Kawasaki KR-1/KR-1S ra đời năm 1988, sử dụng động cơ 2 thì 2 xi-lanh song song dung tích 249 phân khối, làm mát bằng chất lỏng. Công suất 54 mã lực, đạt vận tốc tối đa tới 225 km/h.
5. Triumph Daytona T595
Ra đời năm 1997, T595 Daytona là một trong những xe hiện đại nhất của thập kỷ, sử dụng động cơ 3 xi-lanh DOHC dung tích 955 phân khối làm mát bằng dung dịch. Hệ thống phun xăng điện tử, hộp số 6 cấp, ly hợp ướt. Tốc độ tối đa khoảng 254 km/h.
6. Honda RC45
Động cơ V4 khiến Honda không giành được nhiều danh hiệu tại các đường đua, gần đây nhất là Casey Stoner với chiếc RC212V năm 2011, nhưng trước đó phải kể đến John Kocinski năm 1997 với chiếc RC45 tại giải World Superbike sử dụng động cơ V4 DOHC dung tích 749 phân khối làm mát bằng chất lỏng, công suất 120 mã lực, tốc độ tối đa 258 km/h.
7. Suzuki TL1000S
Được Suzuki giới thiệu năm 1997, TL1000S sử dụng động cơ V-twin góc nghiêng 90 độ, dung tích 996 phân khối làm mát bằng chất lỏng. Công suất 125 mã lực, mô-men xoắn cực đại 105 Nm. Để tạo sự khác biệt trong thiết kế, các kỹ sư Suzuki tạo cho TL1000S bộ quây một nửa với lốc máy để hở như những nakedbike.
8. Kawasaki ZXR750 J1, 2 và L1, 2 ,3.
Giới thiệu tại Anh từ 1/1991 tới 11/1992, là mẫu xe phát triển lên từ chiếc ZXR750H1 và H2. Xe sử dụng động cơ 4 xi-lanh thẳng hàng dung tích 749 phân khối cho công suất 100 mã lực.
9. Aprilia RSV Mille
Cuối những năm 1998, mẫu sportbike với động cơ V-Twin cỡ lớn ra đời, không phải Ducati nhưng cũng không mang nét châu Á của xe Nhật, RSV Mille của Aprilia thể hiện đúng chất đường đua, vì thế xe toát dáng đẹp nhất chi khi tăng tốc trên đường. Xe sử dụng động cơ 998 phân khối V-twin 60 độ. Đây là mẫu xe dung tích lớn đầu tiên mà Aprilia sản xuất sau những chiếc xe chỉ 250 phân khối.
10. Yamaha R1
Nếu như Honda FireBlade có cả một giai đoạn dài của thập kỷ 90 để "tung hoành" thì tới 1998, đối thủ đáng gờm thật sự là Yamaha R1 ra đời. Xe sử dụng động cơ 998 phân khối, 4 xi-lanh thẳng hàng. R1 mang một sức mạnh hoang dã mà không phải ai cũng có thể chế ngự.
Theo Kunihiko Miwa, cha đẻ của R1, để điều khiển chiếc xe làm việc 70-80% công suất đã rất "phiêu". Tuy nhiên muốn khám phá ngọn nguồn sức mạnh bên trong cỗ máy 1.000 phân khối thì người cầm cương cần tỉnh táo và tập trung hơn 100% sức lực của mình nếu không muốn ngựa hoang hất văng khi phi nước đại hay qua những khúc cua.
Theo VNE
Những nhà thiết kế môtô hàng đầu thế giới Ít ai biết đến đằng sau những mẫu môtô bắt mắt là sự tài hoa của những nhà thiết kế hàng đầu thế giới. Những tuyệt phẩm thiết kế như BMW S100RR, MV Agusta F4, Ducati 1199 giúp các hãng xe làm nên tên tuổi. Danh tiếng của những nhà thiết kế cũng từ đó được chấp cánh trong ngành công nghiệp môtô...