Mariah Carey phá kỷ lục cát-xê giám khảo
Diva nhạc pop nhận được 18 triệu USD cho vai trò giám khảo của chương trình American Idol mùa tới, vượt qua con số 15 triệu USD mà công chúa nhạc pop Britney Spears được trả khi ngồi ghế nóng The X-Factor.
Trang Us dẫn lời một nguồn tin thân cận với chương trình American Idol cho biết, với mức lương 18 triệu USD (hơn 372 tỷ đồng), Mariah Carey trở thành giám khảo được trả cao nhất trong lịch sử các chương trình truyền hình.
Cựu giám khảo American Idol Jennifer Lopez nhận được 12 triệu USD trong mùa trước. Kỷ lục trước đó thuộc về nữ ca sĩ Britney Spears với 15 triệu USD cho vai trò “cầm cân nảy mực” của chương trình The X Factor phiên bản Mỹ.
Mariah Carey trở thành giám khảo American Idol mùa tiếp theo với cát-xê kỷ lục. Ảnh: AP.
Nữ ca sĩ từng giành 5 giải Grammy chia sẻ trên Twitter: “Với tư cách một ca sĩ, nhạc sĩ và nhà sản xuất, tôi rất vui và cảm thấy có trách nhiệm trong việc phát hiện và giúp đỡ những tài năng mới”. Diva 42 tuổi cho biết, cô háo hức chờ đến ngày được ngồi vào ghế nóng của American Idol.
Cách đây không lâu, hai giám khảo quen thuộc của American Idol là Steven Tyler và Jennifer Lopez đều nói lời chia tay với chương trình. Nhiều nguồn tin cho rằng, nữ ca sĩ “On The Floor” khúc mắc với nhà sản xuất chuyện cát-xê. Nhưng Jennifer khẳng định, việc đồng nghiệp Steven Tyler rút lui khỏi cuộc thi ca hát là lý do thực sự khiến cô quyết định ngừng vai trò này.
Steven Tyler (trái) và Jennifer Lopez thôi làm giám khảo American Idol. Ảnh: AP.
Video đang HOT
Mặc dù chia tay chương trình, ngôi sao nhạc Latin vẫn chia sẻ nhiều kinh nghiệm với nữ ca sĩ đàn chị, giúp Mariah đảm nhận tốt vai trò mới. Theo Jennifer Lopez, để trở thành một giám khảo tốt, cần nhớ rằng, tất cả mọi điều chung quy đều vì thí sinh. Jennifer khẳng định, Mariah sẽ thành công nhờ có nhiều kinh nghiệm trong nền công nghiệp giải trí.
Hoàng Anh
Theo VNE
Công thức hút khách của 'The Voice'
Giọng hát thí sinh, những màn tranh luận kịch tính giữa các huấn luyện viên, format cuốn hút khiến The Voice, chỉ sau hai mùa phát sóng, đã vượt mặt American Idol hay The X-Factor, trở thành chương trình hot nhất thế giới.
Tại vòng thử giọng giấu mặt của cuộc thi The Voice phiên bản Mỹ mùa thứ hai (2012), thí sinh Nicolle Galyon thích hát nhạc đồng quê và chơi piano - một sự kết hợp không mấy phổ biến trong thể loại âm nhạc này. Cô đệm piano hát "You Save Me" thay vì sử dụng guitar. Giám khảo - huấn luyện viên Adam Levine không ngần ngại nhấn chuông, xoay ghế nóng để nhìn mặt Nicolle Galyon và chọn cô vào đội của mình. Khi các huấn luyện viên khác cảm thấy không xuôi tai trước sự kết hợp "khó ưa" của Nicolle Galyon, Adam hét lên: "Thật là ngu xuẩn! Tất cả hãy câm đi". Huấn luyện viên Blake Shelton sau đó xoa dịu tình huống bằng cách đùa rằng, ông biết mình đã mất đi một giọng ca tài năng khi Adam xoay ghế, nhưng Nicolle sẽ hạnh phúc hơn khi về đội của Adam.
Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ sống động trên sân khấu The Voice, cho thấy, sự bất ngờ từ thí sinh, các cuộc tranh luận, thậm chí là đấu khẩu giữa huấn luyện viên là những yếu tố khiến cho cuộc thi âm nhạc non trẻ của đài NBC làm mưa gió toàn thế giới kể từ khi ra đời vào năm 2011.
"Cơn bão" The Voice
Giám khảo cuộc thi The Voice của đài NBC. Từ trái qua: Cee Lo Green, Christina Aguilera, Adam Levine, Blake Shelton. Ảnh: Deadline.
Giữa tháng 12/2010, NBC thông báo họ sẽ sản xuất gameshow tìm kiếm tài năng âm nhạc mới dựa trên kịch bản gốc The Voice of Holland của Hà Lan. Ban đầu, chương trình có tên The Voice of America, nhưng sau đó đã rút lại đơn giản và ngắn gọn là The Voice. Bốn ngôi sao Christina Aguilera, Cee Lo Green, Adam Levine và Blake Shelton được lựa chọn là giám khảo - huấn luyện viên cho chương trình mới này. Phát sóng lần đầu tiên vào ngày 26/4/2011, The Voice ngay lập tức hút khách, trở thành chương trình đạt tỷ lệ rating cao nhất với những người xem thuộc độ tuổi từ 18 đến 49.
Ngay sau buổi phát sóng đầu tiên, sáng sớm 28/4/2011, giám đốc điều hành NBC Universal, Stephen B. Burke, nhận được điện thoại từ chủ tịch phát triển truyền thông của công ty, Alan Wurtzel: "Chúng ta đã đạt được lượng rating 5,1%". Phải nghe Alan nhắc lại tới lần thứ hai, Stephen B. Burke mới dám tin đó là sự thật. Lượng rating 5,1%, với 11,8 triệu người xem trong độ tuổi 18-49 là một sự đột phá đối với một chương trình mới. Bước sang mùa thứ hai, lượng rating của đêm mở màn tăng lên 6,7% lượng khán giả đạt 17,8 triệu. Chương trình tiếp tục đứng vị trí số một của đài NBC dành cho khán giả từ 18 đến 49.
Format của The Voice gồm ba vòng: vòng thử giọng giấu mặt, vòng đấu loại và các show trình diễn trực tiếp trên sân khấu. Bốn vị giám khảo, huấn luyện viên, lựa chọn 12 thí sinh của đội mình thông qua việc nghe hát mà không nhìn mặt. Mỗi giám khảo được quyền nghe thí sinh trình diễn trong khoảng 1 phút để quyết định anh, cô ta có muốn thí sinh đó thuộc về đội mình hay không. Nếu hai hoặc nhiều giám khảo cùng lựa chọn một thí sinh (điều dễ xảy ra), quyền quyết định thuộc về chính thí sinh đó.
Tại vòng thứ hai, gọi là đấu loại, hai thành viên trong mỗi đội sẽ được ghép nhóm để thi đấu với nhau bằng việc hát cùng một ca khúc. Các huấn luyện viên sẽ trực tiếp lựa chọn người hát tốt hơn trong đội mình để đi tiếp.
Tại vòng chung kết, thí sinh sẽ biểu diễn trong chương trình truyền hình trực tiếp và kết quả phụ thuộc 50% vào giám khảo, 50% vào bình chọn của khán giả. Các huấn luyện viên có quyền cứu một thí sinh đội mình không nhận được đủ số vote trong tuần. Thí sinh được "cứu" phải trình diễn ca khúc cuối cùng để thuyết phục huấn luyện viên đội bạn cùng khán giả về việc họ được giữ lại. Đến khi chỉ còn 4 người, các thí sinh sẽ biểu diễn cùng nhau trên sân khấu, và lượt bình chọn của khán giả sẽ quyết định ai là người chiến thắng. Năm 2012, giọng ca Jermaine Paul đã đăng quang cuộc thi nhờ màn trình diễn thuyết phục ca khúc "I Believe I Can Fly".
4 lý do The Voice "thổi bay" American Idol
Trong suốt 10 mùa tính đến năm 2011, American Idol - cuộc thi tìm kiếm tài năng ca nhạc của Fox - thống trị sóng truyền hình, nhưng khi The Voice của NBC được công chiếu, cuộc thi ca hát non trẻ lập tức thu hút và trở nên phổ biến hơn. Các nhà phê bình không ngạc nhiên. Những vòng đấu loại của The Voice, những trận đấu ly kỳ về thanh nhạc giữa hai thí sinh đã khiến người ta nhận ra rằng: The Voice, đơn giản là hay hơn American Idol. Theo báo giới Mỹ, có bốn lý do khiến The Voiceăn điểm.
Cuộc thi American Idol đang dần kém thu hút so với The Voice. Hai vị giám khảo Jennifer Lopez và Steven Tyler vừa tuyên bố rời bỏ vai trò này. Ảnh: NyDaily News.
Thứ nhất là sự xuất hiện của các nhân vật được gọi là "huấn luyện viên". Trong The Voice, các ngôi sao nổi tiếng như Christina Aguilera, Blake Shelton, Cee Lo Green và Adam Levine là huấn luyện viên đồng thời là giám khảo. Các huấn luyện viên phải cung cấp những hiểu biết thực sự có giá trị và những lời phê bình mang tính xây dựng cho thí sinh. Điều đó khác hẳn với những phản ứng nước đôi hay chỉ đơn giản "tôi nghĩ bạn hát hay/ bạn hát không tốt lắm" do giám khảo của các chương trình đối thủ đưa ra. Sự cạnh tranh công khai, quyết liệt và hài hước từ các huấn luyện viên của The Voice để giành giật và bảo vệ thí sinh của mình, cũng khiến độ hấp dẫn của chương trình được tăng lên, thay vì những cuộc "giả tranh luận" trênThe X Factor hoặc sự đồng thuận thường thấy giữa các giám khảo trong Idol, tờHollywood Reporter nhận xét.
Lý do thứ hai, đến từ dàn thí sinh chất lượng. The Voice không che giấu rằng nhiều thí sinh của họ được đào tạo âm nhạc bài bản từ trước đó. Trong khi đó, thí sinh của cuộc thi Idol đa phần chưa qua trường lớp thanh nhạc nào, hát chủ yếu bằng bản năng. Đó cũng là lý do khiến cuộc thi tìm kiếm thần tượng âm nhạc chứng kiến nhiều "ca khó đỡ" trong vòng audition và phương châm của chương trình là "from zero to hero", dù không hẳn tất cả thí sinh Idol đều là những "lính mới" của nền công nghiệp giải trí. Ở The Voice, thay vì thử giọng trực tiếp, việc thử giọng online để sơ tuyển và việc "chào" khán giả truyền hình bằng vòng thử giọng giấu mặt khẳng định tiêu chí: thí sinh The Voice được lựa chọn nhờ vào chính giọng hát của họ chứ không phải bất cứ yếu tố nào khác.
Lý do thứ ba, thí sinh The Voice vẫn có thể là chính mình sau nhiều vòng loại. Trong American Idol, các thí sinh bị "nhét vào những chiếc hộp" mang tên disco, rock, pop... sau mỗi tuần, hoặc thậm chí còn có "đêm Whitney Houston và Stevie Wonder", tờ Strachan nói. The Voice, trong khi đó, khuyến khích các ca sĩ tương lai trình diễn những thể loại mà họ có thể tỏa sáng. Sự tự do cho phép thí sinh thực hiện được những màn diễn độc đáo.
Giám khảo The Voice phiên bản Việt (từ trái sang): Trần Lập, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh, Đàm Vĩnh Hưng. Ảnh: Nguyễn Trung Hải.
Lý do thứ tư, tổng hợp của ba lý do trên, theo báo Mỹ, đó chính là sự hấp dẫn, hứng thú, bất ngờ trong từng vòng loại, đặc biệt là vòng đấu loại. Bất cứ ai muốn chứng minh rằng The Voice là cuộc thi ca hát hay nhất trên truyền hình, chỉ cần zoom vào một trong những tập của vòng đấu loại, đặt hai ca sĩ của cùng một huấn luyện viên vào trong một trận đấu, đối đầu với người kia trong một màn song ca mà kết quả sẽ loại bỏ ca sĩ yếu. Cuộc thi Idol vẫn có khả năng sản xuất những màn trình diễn ấn tượng, giống như Jessica Sanchez, cover một cách hoàn hảo bản ballad của Whitney Houston "I Will Always Love You". Nhưng The Voice chứng minh là chương trình truyền hình hấp dẫn một cách nhất quán hơn, nhờ vào những khoảnh khắc căng thẳng của vòng đấu loại.
Tính đến nay, The Voice đã được phát sóng tại gần 50 quốc gia trên toàn thế giới, với nhiều tên gọi khác nhau. Ở châu Á, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam là những quốc gia đã mua được bản quyền chương trình. Cuộc thi Giọng hát Việtmở màn tối 8/7 cũng đã bắt đầu thổi cơn bão The Voice vào lòng khán giả.
Hoàng Anh
Theo VNE
Jennifer Lopez chính thức chia tay American Idol Jennifer Lopez vừa chính thức thông báo rằng cô đang chuẩn bị rời khỏi vị trí giám khảo của cuộc thi "American Idol" sau 2 năm gắn bó. "Thật tình tôi cảm thấy đã đến lúc phải thực hiện những kế hoạch khác mà tôi đã tạm gác lại vì đã dành hết thời gian cho American Idol trong 2 năm qua", nữ...