Mạo danh học viện nước ngoài tuyển sinh “chui”?
Theo học được hai năm, bỗng dưng hàng chục học viên của Trung tâm Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Karrox (TT Karrox), có trụ sở thuê tại số 27, ngõ 329 đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đột ngột bị mời ra khỏi trường. Nguyên do chính là nơi theo học của các học viên này đã bị một đơn vị khác thu hồi toàn bộ trụ sở và nơi học tập.
Học viên bị “trục xuất” ra khỏi trường và nơi trọ học khi xảy ra tranh chấp
“Hất cẳng nhau”
Theo đơn phản ánh của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Công nghệ và Đào tạo Quốc tế (gọi tắt là Công ty Công nghệ Quốc tế), có trụ sở tại ngõ 376/56 đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, năm 2009 công ty này được cấp phép hoạt động về lĩnh vực đào tạo. Đây là đại diện duy nhất tại Việt Nam được sử dụng thương hiệu Karrox (Ấn Độ) để tuyển sinh đào tạo chuyên gia quản trị mạng và bảo mật. Sau ngày thành lập, Công ty Công nghệ Quốc tế mở thêm một đơn vị trực thuộc lấy tên là TT Karrox (thuê trụ sở hoạt động tại tầng 6, tòa nhà số 27/329, đường Cầu Giấy) có chức năng tuyển sinh đào tạo hệ KCAP (chuyên gia quản trị mạng và bảo mật).
Video đang HOT
Câu chuyện bắt đầu trở nên rắc rối khi TT Karrox mới chỉ tuyển sinh đào tạo được vài khóa thì nội bộ xuất hiện lục đục. Cụ thể là cuối tháng 5-2012, ông Nguyễn Thành Viên (cổ đông của Công ty Công nghệ Quốc tế), tự ý ký biên bản thanh lý hợp đồng thuê căn nhà số 27, ngõ 329 đường Cầu Giấy mà công ty đang thuê làm trụ sở. Tiếp theo đó, ngày 1-6-2012, ông Viên nhân danh Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Karrox Việt Nam (Công ty Karrox Việt Nam – công ty do ông Viên tự thành lập), ký lại hợp đồng thuê chính căn nhà trên để làm trụ sở cho công ty của mình. Toàn bộ việc này được ông Viên đơn phương thực hiện nên các thành viên khác của Công ty Công nghệ Quốc tế không ai biết.
Thông qua thư điện tử, ông Viên cũng ra thông báo kể từ 9-7-2012, Công ty Karrox Việt Nam sẽ chính thức đi vào hoạt động và yêu cầu một số thành viên của TT Karrox cùng với gần 70 học viên phải ra khỏi nơi đây. Có mặt tại trụ sở, phóng viên ANTĐ ghi nhận sự nhốn nháo của các học viên do họ không biết sẽ phải tiếp tục học tập như thế nào.
“Nhập nhèm thương hiệu”
Trụ sở của Công ty Karrox Việt Nam
Theo thông tin phóng viên ANTĐ thu thập được thì lĩnh vực hoạt động của Công ty Karrox Việt Nam cũng không có gì khác so với TT Karrox trước đây, cụ thể vẫn là hoạt động tuyển sinh và đào tạo hệ KCAP. Những thông tin quảng cáo được phát đi từ Công ty Karrox Việt Nam đều thể hiện đây là “Học viện Công nghệ Thông tin (CNTT) Quốc tế Karrox – Ấn Độ” và Công ty Karrox Việt Nam tiến hành tuyển sinh công khai. Nội dung trong thư điện tử và giấy báo nhập học của công ty này đều do ông Viên ký với chức danh Giám đốc đào tạo của Học viện CNTT Quốc tế Karrox – Ấn Độ”. Ông Viên còn khẳng định: “Karrox Việt Nam sẽ hoạt động và thực hiện đúng theo chương trình của Karrox Ấn Độ, đảm bảo các quyền lợi cho học viên.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên thì điều ngạc nhiên hơn cả là hiện Công ty Karrox Việt Nam chưa hề được Sở GD-ĐT TP Hà Nội cấp phép hoạt động. Nói cách khác, việc sử dụng thương hiệu Karrox Ấn Độ là mạo danh chiêu sinh và thu tiền là trái pháp luật. Một bằng chứng khác là, ngày 16 và 18-7-2012, trong thư gửi Công ty công nghệ Quốc tế, ông Kushark Jaiswal – Giám đốc kinh doanh toàn cầu của Công ty Arrina Ấn Độ vẫn xác nhận, chỉ có Công ty Công nghệ Quốc tế là đơn vị đại diện duy nhất cho thương hiệu Karrox tại Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên ANTĐ ông Nguyễn Thành Viên – Chủ tịch HĐQT Công ty Karrox Việt Nam thừa nhận, đúng là công ty hoạt động không có giấy phép của Sở GD-ĐT TP Hà Nội. Tuy nhiên, do đây là đào tạo nghề nên chỉ cần Giấy phép của Sở LĐ-TB&XH về đào tạo nghề. Về việc có được sử dụng thương hiệu Karrox hay không được ông Viên cho rằng: “Ngày 26-7, chúng tôi đã được Karrox Ấn Độ chấp thuận nên không phải là mạo danh”. Xoay quanh câu hỏi, vậy tại sao trước đó, dù chưa được sự chấp thuận của Karrox Ấn Độ, cơ quan quản lý nhưng ngày 23-7, Công ty Karrox Việt Nam đã tuyển sinh, thu tiền làm thủ tục nhập học cho nhiều sinh viên khóa học 2012-2013 với mác Học viện CNTT Quốc tế Karrox – Ấn Độ thì ông Viên thừa nhận như thế là tuyển sinh, đào tạo “chui”.
Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Văn Lượng – Phó Giám đốc Công ty Công nghệ Quốc tế khẳng định: “Đối với thương hiệu Karrox Ấn Độ mới chỉ chấp thuận nhượng quyền thương hiệu và đào tạo duy nhất cho Công ty Công nghệ Quốc tế ở Việt Nam và đã được đăng ký qua Bộ Công Thương.
Thời gian qua, báo chí cũng đã phanh phui một số “lò” liên kết đào tạo “chui” với các đối tác nước ngoài, khiến học viên tiền mất tật mang. Trước những khuất tất trong vụ việc này, đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ. Báo ANTĐ sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc.
Theo ANTD
Trộm tinh vi và mạo danh nhân viên truyền hình cáp
Tiếp tục đợt kiểm tra trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngày 30-7, cán bộ thanh tra Truyền hình Cáp Việt Nam (VCTV) phối hợp với đại diện của Phòng Bảo vệ an ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng - CATP Hà Nội, Sở Thông tin - Truyền thông và đại diện của chính quyền địa phương kiểm tra tại khu vực xóm Đình, Phú Diễn, Từ Liêm (Hà Nội).
Hiện tượng câu trộm tín hiệu truyền hình cáp bằng dây điện gây mất an toàn cho hệ thống
Đoàn kiểm tra đã phát hiện tín hiệu truyền hình cáp của các hộ dân tại đây được kết nối từ một đường dây lậu. Lần theo đường dây cáp này, lực lượng chức năng phát hiện hộp thiết bị cáp của VCTV bị trộm mở khóa. Đối tượng sau khi mở khóa đã dùng sợi dây cáp ngoài đấu vào hộp tín hiệu của "nhà đài" để câu trộm tín hiệu. Việc các đối tượng xấu sử dụng các dây cáp không đảm bảo chất lượng được bày bán trên thị trường để đấu nối tín hiệu đã làm giảm chất lượng hình ảnh và âm thanh của truyền hình cáp, gây ảnh hưởng lớn tới uy tín của Truyền hình Cáp Việt Nam.
Gia đình chị Đặng Thị Hòa và gia đình ông Lê Quang Hòa, xóm Đình, Phú Diễn cho biết, họ được một nam thanh niên tự giới thiệu là nhân viên truyền hình cáp (không thấy mặc đồng phục đỏ) đến lắp đặt truyền hình cáp với mức giá là 650.000 đồng/hộ. Theo các hộ này, mức giá do người thanh niên trên đưa ra đã bao luôn cả chi phí lắp đặt, dây cáp và theo lời thuyết phục của các đối tượng thì đây là "mức giá lý tưởng, rẻ hơn nhiều so với thị trường hiện nay".
Thực tế, theo quy định của Truyền hình Cáp Việt Nam, phí lắp đặt cho một thuê bao đăng ký mới chỉ là 290.000 đồng/hộ (tiền dây cáp được tính theo khoảng cách thực tế của thuê bao). VCTV khẳng định: "Đây là những vi phạm nghiêm trọng"! Nghi ngờ vì các đối tượng xấu lợi dụng lòng tin của các hộ dân ở khu vực này để kinh doanh bất hợp pháp tín hiệu truyền hình cáp của VCTV, cán bộ kỹ thuật đã rà soát lại các tuyến cáp khác, phát hiện hàng loạt trường hợp sóng truyền hình cáp cũng bị "trộm" với hình thức tương tự.
Khi đến mồi chài các hộ dân, đối tượng mạo danh thường mang theo cả hóa đơn, dây cáp, phiếu thu - chi các loại nên những người dân không rành, lầm tưởng là nhân viên truyền hình cáp. Tất cả các kỹ thuật viên của VCTV khi lắp đặt dịch vụ cho khách hàng đều phải mặc đồng phục màu đỏ, trên lưng áo có in chữ Truyền hình Cáp Việt Nam. Trên hợp đồng, phiếu thu tiền đều có in chữ VCTV, có đóng dấu công ty trên các hợp đồng, hóa đơn. Nếu có nghi ngờ, các hộ dân có thể gọi điện về Tổng đài chăm sóc khách hàng 04.37.717.717 để trực tiếp xác minh thông tin một cách đầy đủ.
Việc câu móc, cung cấp lại, bán lại tín hiệu truyền hình cáp đang diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi hơn. Các hành vi này không chỉ gây thiệt hại cho nhà cung cấp dịch vụ mà còn làm suy giảm tín hiệu truyền hình cáp, gây ảnh hưởng đến các thuê bao chính thống. Do vậy, đoàn kiểm tra liên ngành kiên quyết phối hợp xử lý nghiêm, bóc gỡ những vi phạm trộm tín hiệu tinh vi, quy mô lớn.
Theo ANTD
Bệnh nhân nhí bị thu phí 'giá cắt cổ'? Nằm viện 29 ngày, bệnh nhi đã ra viện với số tiền viện phí lên đến gần 100 triệu đồng. Không chỉ riêng trường hợp này, nhiều bệnh nhi khác cho biết cũng phải trả giá quá cao cho những dịch vụ mà họ nhận được. Sự việc xảy ra tại khoa Điều trị tự nguyện A của Bệnh viện Nhi Trung ương....