Mạo danh công an, lừa đảo chiếm đoạt hơn 3,4 tỷ trong vòng 8 ngày
Bằng chiêu thức mạo danh nhân viên viễn thông, công an đang điều tra về những vụ việc rửa tiền, buôn ma túy, mua bán trẻ em Nguyễn Văn Phi và đồng bọn đã ép nhiều nạn nhân nạp tiền “để phục vụ công tác điều tra”.
TAND tỉnh Nghệ An vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Nguyễn Văn Phi (30 tuổi), trú xã Bảo Đài, huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khoảng giữa năm 2017, Nguyễn Văn Phi gọi điện đặt vấn đề với Phạm Đình Luận tìm người mở tài khoản ở các ngân hàng, làm thẻ ATM. Phi trả giá mỗi thẻ 3 triệu đồng. Sau đó, Luận đã liên lạc và cùng Nguyễn Hữu Thu, Phạm Đình Phi, Phạm Công Phượng mở được 15 tài khoản, lấy 15 thẻ ATM của các ngân hàng. Tất cả số thẻ trên được Luận gửi sang Đài Loan cho Nguyễn Văn Phi và nhận lại 45 triệu đồng.
Luận còn bàn với Thu và Phạm Đình Phi làm chứng minh nhân dân giả để tiếp tục mở tài khoản, lập thẻ ATM rồi bán cho Nguyễn văn Phi nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan công an. Sau đó, từ Đài Loan, Nguyễn Văn Phi gọi điện thống nhất với Luận, Thu, Phạm Đình Phi khi có tiền của người bị hại chuyển vào các tài khoản sẽ đi rút tiền mặt. Nguyễn Văn Phi đã trích ra 15% đến 20% số tiền chiếm đoạt được chia cho đồng bọn.
Cơ quan điều tra xác định, trong vòng 8 ngày từ ngày 21/8/2017 đến 29/8/2017, các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 6 bị hại ở các tỉnh, thành trên cả nước với tổng số tiền hơn 3,4 tỉ đồng. Chiêu thức chung mà các đối tượng áp dụng là giả danh nhân viên viễn thông, thông báo nợ tiền cước. Các nạn nhân dù ra sức thanh minh đều bị các đối tượng này thông báo sẽ chuyển vụ việc sang cơ quan công an để điều tra.
Ngay sau đó, điện thoại của họ nhận được các cuộc gọi có số đuôi 113. Đầu dây bên kia tự xưng là cán bộ công an đang điều tra về những vụ việc rửa tiền, buôn ma túy, mua bán trẻ em, mà tiền trong các tài khoản ngân hàng của nạn nhân bị nghi ngờ liên quan. Sau đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân phải bí mật chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra. Sợ hãi, nhiều người đã nghe theo chỉ đạo của các đối tượng.
Bị cáo Nguyễn Văn Phi.
Video đang HOT
Nạn nhân bị lừa mất nhiều tiền nhất là bà Bùi Thị Hồng T. (Khánh Hòa) với số tiền hơn 2,4 tỉ đồng. Theo trình báo của bà T. sáng 29/8/2018, bà bất ngờ nhận được điện thoại từ số máy lạ. Đầu dây bên kia là giọng một người phụ nữ tự xưng là nhân viên viễn thông cho hay bà đang nợ gần 9 triệu đồng tiền cước. Bà T. nói không đăng ký điện thoại tại Hà Nội thì người phụ nữ này nói có thể một người nào đó đã sử dụng CMND của bà để gọi sang các nước và sẽ chuyển máy đến công an để khiếu nại.
Sau đó, một nam giới tự xưng là Đại úy công an, cán bộ công an TP Hà Nội thông báo bà T. có liên quan đến vụ án lớn. Số điện thoại của bà được gọi đi nhiều nước, liên quan đến hoạt động mua bán trẻ em, mua bán ma túy và trong tài khoản của bà được chuyển nhiều tỷ đồng liên quan đến những hoạt động này.
“Cán bộ công an” này yêu cầu bà T. không được nói cho ai biết và thành thật trả lời các câu hỏi liên quan đến nhân thân, lai lịch, số tiền trong các sổ tiết kiệm tại ngân hàng.
Chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, người phụ nữ này tiếp tục nhận được số điện thoại lạ gọi đến tự xưng là cán bộ Tòa án, yêu cầu bà phải chuyển tiền vào các tài khoản được đưa ra.
Việc liên tiếp bị tấn công dồn dập bởi những số điện thoại của những người liên quan đến pháp luật khiến bà T. hoảng sợ. Bà cũng không dám thông báo cho ai mà trưa cùng ngày đã ra ngân hàng chuyển hơn 2,4 tỉ đồng cho đối tượng lạ. Chỉ đến khi chuyển tiền xong, người phụ nữ này mới nghi ngờ mình bị lừa, rồi trình báo công an.
Tương tự, nhiều nạn nhân ở các tỉnh thành trong cả nước cũng bị lừa với chiêu thức như vậy. Trong đó, có người mất hết tiền, người may mắn được người thân phát hiện nên kịp thời phong tỏa tài khoản, lấy lại được tiền.
Vụ việc sau đó bị công an phát hiện, các đối tượng Luận, Thu, Phạm Đình Phi bị bắt. Tháng 11/2018, TAND tỉnh Nghệ An đã đưa ba bị cáo trên ra xét xử và tuyên phạt Phạm Đình Luận 15 năm tù, Nguyễn Hữu Thu 14 năm tù, Phạm Đình Phi 8 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó, Luận và Thu đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Phiên tòa phúc thẩm đã tuyên phạt Phạm Đình Luận từ 15 năm tù xuống còn 12 năm tù, Nguyễn Hữu Thu từ 14 năm tù xuống 12 năm tù.
Trong khi các đồng phạm bị bắt giữ, đưa ra xét xử thì Nguyễn Văn Phi bỏ trốn. Sau đó, đối tượng Phi bị truy nã và bắt giữ. Tại phiên tòa, các bị hại có đơn xin xử vắng mặt vì trước đó họ từng tham dự phiên tòa xét xử 3 bị cáo Thu, Luận, Phi. Để việc xét xử được khách quan, tòa đã cho trích xuất các phạm nhân liên quan đến vụ án đến tòa.
Trước bục khai báo, bị cáo Nguyễn Văn Phi thừa nhận hành vi phạm tội. Xét thấy vụ án có nhiều tình tiết cần xem xét nên HĐXX quyết định nghị án kéo dài.
Nhà báo 'rởm' tặng hoa giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa bị khởi tố, bắt giam
Bị can Trịnh Ngọc Tuyên, người giả danh nhà báo, cán bộ của Cục Báo chí (Bộ TT-TT) đến tặng hoa Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công an tỉnh Thanh Hóa làm việc với Trịnh Ngọc Tuyên . ẢNH CÔNG AN THANH HÓA CUNG CẤP
Ngày 5.9, nguồn tin riêng của Thanh Niên cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can Trịnh Ngọc Tuyên (36 tuổi, ngụ xã Hoằng Hợp, H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị can Tuyên chính là người giả danh nhà báo, cán bộ của Cục Báo chí (Bộ TT-TT) đến tặng hoa cho Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa vào ngày 19.8, nhân kỷ niệm Ngày truyền thống Công an nhân dân.
Ngày 4.9, cơ quan chức năng cũng đã khám xét nơi ở của bị can Tuyên tại xã Hoằng Hợp.
Lẵng hoa ghi Cục Báo chí do Tuyên tặng lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa ngày 19.8 . ẢNH ĐĂNG TẢI TRÊN FACEBOOK CÁ NHÂN CỦA BỊ CAN TUYÊN
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, khoảng giữa năm 2019, Tuyên giả danh nhà báo và có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 4 triệu đồng của một người dân trên địa bàn TX.Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Nhiều năm qua, Tuyên cũng thường xuyên ở Thanh Hóa và có quan hệ với nhiều người làm báo tại tỉnh này. Tuyên thường khoe bản thân là nhà báo, là cán bộ của Cục Báo chí và có quan hệ rộng với nhiều lãnh đạo cấp bộ.
Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, ngày 19.8, Trịnh Ngọc Tuyên mang theo lẵng hoa có dòng chữ "Cục Báo chí chúc mừng" đến gặp đại tá Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, tại trụ sở Công an tỉnh Thanh Hóa, tặng chúc mừng nhân Ngày truyền thống Công an nhân dân.
Khi đến, Tuyên giới thiệu là cán bộ đang công tác tại Cục Báo chí thuộc Bộ TT-TT. Trong quá trình tặng hoa, có chụp ảnh lưu niệm. Sau đó, Tuyên đăng tải hình ảnh bắt tay, tặng hoa Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa trên trang facebook cá nhân.
Công an tỉnh Thanh Hóa lý giải, với sự tôn trọng, hiếu khách, nên Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã đại diện lãnh đạo Công an tỉnh đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Cục Báo chí.
Sau khi hình ảnh Tuyên tặng hoa đăng tải trên facebook, nhiều người nghi ngờ có sự bất minh trong vụ việc này nên phản ánh với Bộ TT-TT và Công an tỉnh Thanh Hóa.
Lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa sau đó giao Phòng An ninh chính trị nội bộ phối hợp với Sở TT-TT Thanh Hóa xác minh, làm rõ vụ việc.
Khi được mời đến trụ sở làm việc, Tuyên đã thừa nhận không phải cán bộ của Cục Báo chí, cũng không công tác tại cơ quan báo chí nào. Việc Tuyên đến tặng hoa với tư cách cán bộ Cục Báo chí là giả danh.
Không những thế, trong quá trình làm việc, Tuyên có xuất trình thẻ nhà báo ghi thông tin, hình ảnh của mình, nhưng khi Công an tỉnh Thanh Hóa xác minh thì đó là thẻ nhà báo giả.
Hơn 2.700 ngày kêu oan của hai tiến sĩ Từ lúc vụ án được khởi tố ngày 17-1-2013 kéo dài đến nay hơn 7 năm 7 tháng, 2 tiến sĩ (TS) Nguyễn Hữu Lộc và Nguyễn Hồng Nam phải sống trong thân phận bị can, bị cáo rồi nhận mức án 24 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Dù Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại TPHCM...