Mạnh tay với hành vi buôn bán quân trang giả
Trong thời gian qua, nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến các đối tượng sử dụng quân trang giả đã bị cơ quan chức năng phát hiện. Các đối tượng này đều bị xử lý, song những người buôn bán quân trang quân dụng giả thì vẫn… vô can.
Lực lượng công an phối hợp với quản lý thị trường kiểm tra sạp hàng buôn bán
quân trang quân đội tại khu vực Bệnh viện 105
Luật đã có…
Tháng 10-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu. Theo đó, buôn bán trái phép quân hiệu, phù hiệu, quân phục, quân trang… sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Nghị định 59/2006/NĐ-CP cũng đã quy định vũ khí quân dụng, trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an bao gồm quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng để chế tạo… thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, tịch thu hàng hóa. Thương nhân, cá nhân, tổ chức kinh doanh mặt hàng này tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính từ 500.000 đồng đến 100 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Quy định là như vậy nhưng trên thực tế, để xử lý các đối tượng này hiện còn rất nhiều vướng mắc. Điển hình là ngày 4-10, CAH Từ Liêm bắt Nguyễn Duy Hùng về hành vi giả mạo chức vụ cấp bậc và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Duy Hùng đã mạo danh mình là Thiếu tá quân đội nhân dân Việt Nam và mặc một bộ quân phục với đầy đủ ve hàm và cả… biển hiệu. Sau khi bị bắt, Hùng khai mua bộ quần áo này với giá 300.000 đồng tại đường Lê Duẩn. Cơ quan CSĐT CAH Từ Liêm đã ra lệnh khám xét khẩn cấp cơ sở kinh doanh này, thu giữ rất nhiều quân trang, quân dụng của các ngành quân đội và công an. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, cơ sở kinh doanh trên vẫn chưa phải chịu bất cứ một hình thức xử lý nào do quần áo thu được tại đây phần lớn là hàng giả, không thuộc danh mục hàng cấm. Còn việc kinh doanh mua bán hàng giả cũng không xử lý được do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chưa có đăng ký bảo hộ về kiểu dáng, màu sắc cho quân phục, lễ phục.
… nhưng khó xử
Video đang HOT
Theo chủ một cửa hàng trên đường Lê Duẩn thì rất nhiều người ở đủ mọi lứa tuổi có nhu cầu mua quân trang, quân dụng. Thậm chí cả các cựu chiến binh, những người hiện đang công tác trong lực lượng vũ trang bị rơi, mất quân trang, cành tùng, sao mũ, thắt lưng cũng là khách hàng của các cửa hàng này. Giá một bộ quần áo xuân hè của quân đội được bán với giá 300.000 đồng, quần áo thu đông là 700.000 đồng đến 1 triệu đồng. Chiếc mũ giống hệt mũ của ngành công an được bán với giá 120.000 đồng có gắn sao, 100.000 đồng không kèm sao… Bên cạnh đó, một số cửa hàng còn bán cả quân hàm cấp úy, cấp tá…
Tại một số tỉnh, quân trang của các ngành công an, quân đội còn được bày bán công khai, mời người dân mua về mặc để đi… lao động vì khá bền. CATP Hà Nội đã nhiều lần phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các cơ sở kinh doanh mặt hàng này trên địa bàn Hà Nội, thu giữ được hàng nghìn bộ quân trang cùng với nhiều loại quân dụng nhưng dường như việc làm này chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Vì các trường hợp này chỉ bị xử phạt hành chính với mức vài triệu đồng, thậm chí thu giữ hàng hóa thì cũng chỉ ít ngày sau, cửa hàng kinh doanh lại hoạt động bình thường.
Để hạn chế tình trạng quân trang, quân dụng giả được mua bán tràn lan trên thị trường đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của lực lượng công an, quản lý thị trường. Ngoài ra, các cơ quan công an, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và thanh tra Nhà nước chuyên ngành cũng có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại. Các cơ quan công an có thể tự mình hoặc phối hợp với cơ quan quản lý thị trường, hải quan để sớm phát hiện, xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, cần có biện pháp mạnh với một số cơ sở buôn bán, kể cả việc truy cứu trách nhiệm hình sự với một số vụ việc điển hình để răn đe.
Châu Anh
Theo ANTD
Hà Nội: 500.000 đồng là thành... cảnh sát giao thông
Với hơn 500.000 đồng là người mua có trong tay một bộ đồng phục của cảnh sát giao thông. Việc "biến" thành một nhân viên của lực lượng vũ trang trở nên dễ như... ăn phở.
Quân trang quân dụng giả ngang nhiên tung hoành
Trang phục của lực lượng vũ trang được bán tràn lan trên rất nhiều tuyến đường của Hà Nội. Trên đường Lê Duẩn, phố Khâm Thiên, hay tại khu vực gần cổng các trường Học viện An ninh Nhân dân trên đường Trần Phú (Hà Đông); Học viện Cảnh sát Nhân dân tại Cổ Nhuế (Từ Liêm); thậm chí ngay cả vỉa hè đường Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân); Lê Duẩn (Đống Đa)... đều bày bán loại trang phục nàyTheo quan sát của PV, việc mua bán tại những cửa hàng này diễn ra khá sôi động.
Theo chủ 1 cửa hàng trên đường Lê Duẩn: "Khách hàng tìm đến mặt hàng này rất phong phú, nhưng nhiều nhất là người trung tuổi và thanh niên. Mỗi ngày cửa hàng của tôi bán được khoảng hơn 20 bộ quần áo quân trang...".
Tại cửa hàng này, 1 bộ quần áo quân đội mặc mùa hè được bán với giá 250.000 đồng/bộ, quần áo mùa đông là 500.000 đồng/bộ. Chiếc mũ giống hệt mũ của ngành công an được bán với giá 120.000 đồng có gắn sao, 100.000 đồng không kèm sao, 120.000 đồng/đôi giày leo núi của bộ đội... Bên cạnh đó, một số cửa hàng còn bán huy hiệu, quân hàm cấp úy, cấp tá...
Bác Nguyễn Hải (TP Hải Dương) cho biết: "Tôi là quân nhân về nghỉ mất sức đã được hơn chục năm, nhưng vẫn rất thích mặc đồ quân đội. Đến công ty may quân đội đặt may thì người ta yêu cầu phải có giấy giới thiệu của Hội cựu chiến binh và phải đặt hàng với số lượng lớn người ta mới nhận. Thế nên, năm nào tôi cũng lên Hà Nội 5-6 lần để mua quân trang, quân dụng trên đường Lê Duẩn này. Tết sắp đến, ngoài mua quần áo, tôi mua thêm 1 bộ quân hàm để đeo chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình cho them... oách".
Với hơn 500.000 đồng là có thể trang bị cho mình một bộ đồng phục của cảnh sát cơ động mà bằng mắt thường khó có thể phân biệt được thật giả. Từng đường kim mũi chỉ khá chuyên nghiệp, chất liệu vải, màu sắc, cúc áo cũng giống y hệt với những bộ quân phục của quân nhân thường mặc.
Những bộ trang phục của ngành vũ trang không chỉ được bày bán tại vỉa hè mà còn được rao bán cả trên mạng. Những bộ đồ này được khá nhiều phụ huynh ưa chuộng mua cho con em mình.
Trẻ em cũng có thể thành cảnh sát cơ động nhờ những bộ quần áo quân trang bán tràn lan trên nhiều con phố tại Hà Nội.
Thách thức cơ quan chức năng?
Theo Nghị định số 59/2006/CP của Chính phủ quy định rõ: Quân trang, trang phục, công cụ hỗ trợ... thuộc lực lượng công an và quân đội là mặt hàng Nhà nước cấm lưu thông trên thị trường. Và để được mua các công cụ hỗ trợ các đơn vị này phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt (xin giấy phép, đăng ký sử dụng, mua ở đơn vị quy định...). Chính vì thế, mọi hành vi mua bán các loại quân trang, quân phục trên thị trường đều là trái pháp luật
Quy đinh của Chính phủ là vậy nhưng một thực tế đáng lưu tâm là hiện tượng bán hàng giống với đồ quân trang, quân phục của ngành công an, quân đội vẫn diễn ra sôi động hàng ngày, hàng giờ trên đường Lê Duẩn. Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, thu giữ những mặt hàng trái phép này, nhưng dường như việc làm này chỉ như "muối bỏ bể". Cũng từ đó dẫn tới bùng nổ một số hành vi giả mạo người của ngành, mặc quần áo, đội mũ của ngành công an, qua mặt cơ quan chức năng và thực hiện những hành vi trái pháp luật.
Điển hình như vào cuối tháng 8/2012 một đối tượng ở Nam Định đã mặc bộ quân phục mang quân hàm thượng tá, đóng giả làm sỹ quan quân đội. thuộc lực lượng kiểm soát quân sự lân la đến các quán cà phê sang trọng tại TP. HCM để "tìm mồi" và đã lừa tiền của nhiều người.
Hay như trường hợp 3 học sinh cấp 3 tại HN giả danh là cảnh sát cơ động để thực hiện hành vi "xin đểu". 3 học sinh này đã vay tiền bạn lên phố Lê Duẩn mua hai bộ quần áo quân phục giá 700.000 đồng, sắm cả mũ cứng, dùi cui và phù hiệu, đề-can cắt dán chữ CSCĐ lên mũ.
Một cán bộ trong ngành quân đội cho biết: "Việc bán quân trang quân phục của ngành nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý rất nặng, và kỷ luật của ngành rất nghiêm, không có chuyện quân trang, quân phục của quân nhân được mang ra thị trường buôn bán. Có thể những con phố bày bán một số mặt hàng này là giả mạo...".
Luật sư Trần Anh Tú, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, đây là hành vi pháp luật nghiêm cấm kinh doanh mua bán dưới mọi hình thức. Ngoài ra, hành vi kinh doanh quân phục, tư trang có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để ngăn chặn tình trạng ngày càng nhiều người giả mạo người trong ngành, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi trái pháp luật, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để "dập tắt" những tụ điểm buôn bán hàng giả, tránh tình trạng giả mạo người của ngành làm giảm uy tín và quyền lực của cán bộ trong ngành.
Theo Người đưa tin
Bắt nghi phạm lừa đảo 'chạy' ngành công an Ngày 3.11, thông tin từ Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an TP.Cần Thơ cho biết chiều 2.11, tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, PC45 - Công an TP.Cần Thơ đã thực hiện lệnh bắt đối với Lê Minh Trung (25 tuổi), ngụ Tỉnh lộ 918, P.Bình Thủy, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt...