Mạnh tay hay bao dung với tội phạm vị thành niên?
“Qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi thấy rất nhiều người bức xúc về vấn đề liên quan đến việc người ở độ tuổi trẻ em phạm tội và cho rằng, đã là luật pháp thì phải nghiêm. Nếu pháp luật nhân đạo với tội phạm thì lại không nhân đạo với nạn nhân của người phạm tội” – đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Phúc bày tỏ.
Tội phạm có xu hướng trẻ hóa
Ngày 26.10, Quốc hội dành cả ngày để cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS). Nhiều ĐB tập trung cho ý kiến về quy định tại khoản 2 Điều 12 của BLHS 2015, theo đó mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với một số tội. Theo đó, các đối tượng này phải chịu trách nhiệm hình sự cả đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng thuộc 3 tội danh: Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Hiếp dâm; Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết đề nghị giữ quy định xử lý hình sự với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Ảnh: Q.H
Có những ý kiến cho rằng việc gia tăng tội phạm trẻ đã đến lúc báo động, chúng ta cần phải có những hành vi răn đe mạnh mẽ hơn. Nhưng tôi cũng nghĩ nếu việc răn đe lại đẩy các em vào con đường phải chịu trách nhiệm hình sự thì chưa hẳn đã là sự lựa chọn đúng đắn để giáo dục trẻ”. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa
Lần sửa đổi này, Chính phủ đã đề xuất không xử lý hình sự đối với người đủ 14 đến dưới 16 tuổi khi phạm vào 3 tội danh nêu trên. ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng, đề xuất như vậy là không thỏa đáng, không phù hợp. “Qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi thấy rất nhiều người bức xúc về vấn đề này và cho rằng, đã là pháp luật thì phải nghiêm. Nếu pháp luật nhân đạo với người phạm tội thì không nhân đạo với nạn nhân của người phạm tội? Thực tế thời gian qua, hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác ở độ tuổi thanh, thiếu niên có có xu hướng gia tăng. Nhiều vụ xảy ra với tính chất phức tạp và gây ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài cho sức khỏe người bị hại” – ĐB Phúc nêu. Bà Phúc cho rằng không nên thay đổi mà giữ nguyên quy định.
Đồng tình, ĐB Nguyễn Văn Tuyết – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bổ sung thêm: Hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác trong học đường, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện có xu hướng gia tăng. Chính vì thế cần giữ nguyên quy định để giáo dục, cải tạo người phạm tội và nâng cao tính phòng ngừa, răn đe.
Video đang HOT
ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đăk Lăk) đã dẫn ra các số liệu của cơ quan chức năng: Từ năm 2011 đến tháng 6.2015, toàn quốc phát hiện 34.685 vụ, với 59.562 người chưa thành niên phạm tội. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, toàn quốc phát hiện 2.582 vụ, với 3.699 người chưa thành niên phạm tội. “Điều này cho thấy xu hướng trẻ hóa tội phạm ngày càng tăng, đáng chú ý nhiều vụ án hình sự về tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do người chưa thành niên thực hiện có chiều hướng gia tăng trong thời gian vừa qua” – ĐB Xuân nêu.
45% số trẻ phạm tội là do bố mẹ không quan tâm
Khác quan điểm, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đã bày tỏ sự đồng tình với các quy định về việc không xử lý hình sự đối với người đủ từ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác, tội hiếp dâm, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. ĐB Tám cho rằng, Chính phủ tăng cường các biện pháp xử lý, giáo dục khác. “Ví dụ như các biện pháp giáo dục đưa vào trường giáo dưỡng, các biện pháp giáo dục, các biện pháp ngăn chặn, cải tạo khác để ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên, như thế đảm bảo tạo điều kiện cho tương lai của các em trong quá trình phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần” – ĐB Tám nói.
Cũng đồng tình với đề xuất của Chính phủ, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) phân tích: Trẻ em ở tuổi 14 đến dưới 16 thực sự là chưa hoàn thiện nhân cách, với độ tuổi này thì đây là giai đoạn thích nổi loạn, thích thể hiện mình và cũng là một giai đoạn rất dễ bị kích động dẫn đến những hành vi thiếu suy nghĩ. Chính vì vậy, ở tuổi này chưa đủ chín, chưa đủ khôn để quyết định những hành vi của mình. ĐB Mai Hoa dẫn số liệu nghiên cứu của Học viện Cảnh sát nhân dân về hoàn cảnh gia đình đối với tội phạm vị thành niên, theo đó 11% là do bố mẹ ly hôn, 29% là do bố mẹ không đáp ứng nhu cầu, 5% là do bố mẹ từ chối nuôi dưỡng và đến 45% là do bố mẹ chỉ mải mê kiếm tiền…
“Có những ý kiến cho rằng việc gia tăng tội phạm trẻ đã đến lúc báo động, chúng ta cần phải có những hành vi răn đe mạnh mẽ hơn. Nhưng tôi cũng nghĩ nếu việc răn đe lại đẩy các em vào con đường phải chịu trách nhiệm hình sự thì chưa hẳn đã là sự lựa chọn đúng đắn để giáo dục trẻ. Chúng ta phải có những giải pháp khác và chúng ta phải lắng nghe trẻ nhiều hơn, chúng ta phải quan tâm đến trẻ nhiều hơn” – bà Hoa bày tỏ.
Theo Danviet
Tranh cãi về đề xuất nâng độ tuổi trẻ em lên 18
Nhóm ủng hộ cho rằng nâng tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 là phù hợp với công ước quốc tế, bảo vệ được nhóm trẻ có nhiều biến đổi tâm sinh lý; nhóm khác lại lo ngại sẽ xung đột với nhiều luật và khó xử lý khi tội phạm vị thành niên gia tăng.
Tại phiên thảo luận dự luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) ngày 23/11, các đại biểu đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất nâng độ tuổi trẻ lên 18.
Ủng hộ đề xuất nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên đến dưới 18 tuổi như dự luật, đại biểu Nguyễn Thị Phúc thông tin, theo nghiên cứu của Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc, trong số quốc gia thành viên Công ước quốc tế về quyền trẻ em, đa số quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18. Chỉ có 12,1% quốc gia quy định trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có Việt Nam.
"Việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em dưới 18 tuổi như dự luật là phù hợp với Công ước quốc tế, phù hợp với quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam về xác định tuổi của người chưa thành niên", đại biểu Phúc nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc ủng hộ việc nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18. Ảnh: Giang Huy.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn cho rằng thời điểm này mới điều chỉnh tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 đã là muộn, trong khi các nước xung quanh và thậm chí như Lào, Campuchia là 2 quốc gia gần nhất cũng đã quy định độ tuổi này.
Theo đại biểu Hoàn, báo cáo của Bộ Lao động đã có tới 12/13 bộ, ngành được xin ý kiến nhất trí, có tới 55/63 tỉnh thành nhất trí quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18. "Tôi đề nghị dù có phải tốn kém để điều chỉnh các bộ luật, hay có phải tiết kiệm các nguồn chi khác để có nguồn lực cho việc đảm bảo các quyền của trẻ em thì cũng phải làm vì thế hệ tương lai của đất nước", đại biểu Hoàn nói.
Đồng tình với dự thảo, Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga cho biết, nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 sẽ phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em, phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục bậc THPT. Lứa tuổi 16-18 có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, rất nhạy cảm, cần được quan tâm đặc biệt để giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách, phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, được bảo vệ để không dễ bị lạm dụng.
Nâng độ tuổi trẻ em sẽ xung đột với nhiều bộ luật khác
Cẩn trọng với đề xuất trên, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng việc nâng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 cần phải thảo luận, suy nghĩ thật kỹ vì chính từ nội dung này mà kéo theo rất nhiều nội dung khác trong dự thảo cũng như liên quan đến nhiều bộ luật khác. Cụ thể, việc nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 sẽ dẫn đến xung đột với nhiều bộ luật, như Lao động, Hình sự, Dân sự, Thanh niên...
Bên cạnh đó, khái niệm và cách xác định trẻ em của các bộ luật vừa được nêu trên cũng có nhiều bất cập, không thống nhất. Hiện nay, trẻ em được xác định ở tuổi nào thì mỗi luật lại quy định khác nhau. Bộ luật lao động quy định người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi, Luật thanh niên quy định thanh niên từ 16 đến 30 tuổi, Bộ luật dân sự quy định 18 tuổi trở lên mới là người thành niên. Bộ luật hình sự quy định người 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi hành vi phạm tội...
Không đồng tình với việc nâng độ tuổi trẻ em, đại biểu Triệu Thị Thu Phương lập luận, so với Công ước quốc tế thì không trái. "Theo Điều 1 Công ước trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi trưởng thành sớm hơn. Quy định này hoàn toàn mở, không bó buộc", bà Phương phân tích.
Nêu thực tế tội phạm xảy ra ở tuổi vị thành niên gia tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng, nhiều vụ bạo lực học đường vi phạm pháp luật xảy ra ngay tại trường học, đối tượng phạm tội là những học sinh lớp 7-8, thậm chí có em giết người dã man với thái độ rất dửng dưng, đại biểu Phương lo lắng: "Nếu đưa tuổi trẻ em lên dưới 18, tôi e rằng mức độ phạm tội ở độ tuổi vị thành niên sẽ gia tăng, không tốt cho vấn đề quản lý xã hội".
Một thực trạng nữa được đại biểu Phương nêu ra là ở vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, độ tuổi từ 16 đến dưới 18 đã kết hôn và sinh con, mặc dù luật pháp không cho phép. Vì thế, bà Phương đề nghị giữ nguyên độ tuổi trẻ em như luật hiện hành. "Nếu còn nhiều ý kiến khác nhau, tôi đề nghị Quốc hội lấy phiếu xin ý kiến Quốc hội", đại biểu Phương nói.
Võ Hải
Theo VNE