Mánh kiếm tiền tỷ của lãnh đạo Tổng cục Thuỷ sản bị bắt
Chỉ trong 2 năm, đã có hơn 800 sản phẩm thức ăn thuỷ sản và sản phẩm xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được đưa vào lưu thông.
Lật tẩy mánh làm giả giấy tờ kiếm tiền tỷ
Các sản phẩm là thức ăn trong nuôi trồng thuỷ sản và các sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản trước khi bán ra thị trường phải được Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng – thuộc Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN-PTNT) cấp phép cho lưu hành.
Thế nhưng, kết luận của Bộ NN-PTNT vừa công bố cho thấy, rất nhiều sản phẩm không cần phải đi qua khâu kiểm tra, xác minh chất lượng. DN chỉ cần bỏ ra 5 triệu đồng để trả cho giám đốc Trung tâm là ngay lập tức có tên trong danh sách.
Đối tượng Lê Anh Tuấn (nằm trong nhóm 8 người ký khống vụ 800 sản phẩm thuỷ sản) đã bị bắt giam
Từ đầu 2013, nhóm cán bộ Trung tâm trên gồm ông Bùi Đức Quý (Giám đốc Trung tâm) đã câu kết với ông Nguyễn Huy Bàn, bà Đỗ Thị Hà, ông Phạm Hồng Quân, bà Vũ Thị Thu, Nguyễn Thị Hà, ông Nguyễn Văn Dũng và ông Lê Tuấn Anh (lúc đó làm Phó Phòng Hành chính – Tổng cục Thuỷ sản) đã làm giả 3 văn bản của Tổng cục Thuỷ sản gồm văn bản số 758, 1526, 1789 nhằm mục đích cấp phép cho lưu hành 140 sản phẩm là thức ăn chăn nuôi và 668 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường thuỷ sản vào lưu hành trái quy định của pháp luật.
Bản gốc của công văn ngày 1/4/2013 thông báo về các sản phẩm xử lý cải tạo môi trường thuỷ sản đáp ứng yêu cầu bổ sung vào Danh mục được cấp phép lưu hành tại Việt Nam (lưu tại Tổng cục Thuỷ sản) với phần phụ lục chỉ kèm theo 30sản phẩm. Song, bản chính được phát hành lại có tới 194 sản phẩm, tức có 164 sản phẩm được thêm vào phụ lục và được đưa vào lưu hành trên thị trường từ 12/2014.
Ngoài công văn trên, nhóm lãnh đạo Trung tâm còn tiếp tục làm giả phần phụ lục tại 2 công văn khác. Theo đó, có thêm 130 sản phẩm thức ăn thuỷ sản, 171 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản được ghép thêm vào và đưa vào lưu hành trái luật từ tháng 6/2014.
Video đang HOT
Công văn số 1382/TCTS-VP ngày 3/5/2013 về việc thông báo các sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản đáp ứng yêu cầu bổ sung vào Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam đã bổ sung 186 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản được đưa vào lưu hành trái quy định từ tháng 3/2015.
Ông Bùi Đức Quý chính là người đã ký vào tất cả những công văn trên để đưa các sản phẩm ngoài danh mục vào lưu hành trên thị trường.
Chỉ với chiêu làm giả công văn, ông Bùi Đức Quý đã được bà Vũ Thu Hà chuyển cho số tiền lên đến 912 triệu đồng. Ông Dũng cũng chuyển tiền vào tài khoản của ông Phạm Văn Hoà (người quen của bà Thu) với tổng số tiền là 976 triệu đồng. Số tiền này được tính trả cho ông Quý 5 triệu đồng/sản phẩm nhận làm cho DN.
“Ăn” tiền tỷ bị bắt giam
Mánh làm tiền trên đã bị phát giác khi Bộ NN-PTNT nhận được đơn tố giác và tiến hành kiểm tra, xác minh. Cuối cùng, nhóm cán bộ tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiêm, kiểm định nuôi trồng thuỷ sản đã phải thừa nhận sai phạm của mình.
Tám cán bộ tại Trung tâm bị điều tra xác minh. Kết quả, Tổng cục Thuỷ sản đã cách chức và khai trừ Đảng với ông Bùi Đức Quý. Khi bị cách chức, ông Quý đã chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thuỷ sản.
Tổng cục Thủy sản cũng buộc thôi việc và khai trừ Đảng với ông Lê Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Hành chính, quản trị của Văn phòng Tổng cục; cảnh cáo và buộc thôi việc 5 viên chức của Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản.
Cơ quan này cũng thu hồi toàn bộ văn bản bị ghép, đưa thêm sản phẩm trái quy định, đồng thời ra 4 quyết định thu hồi 1,176 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước.
Hồi đầu tháng 8, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, cho hay, vụ việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để đưa hơn 800 sản phẩm thức ăn chăn nuôi và xử lý môi trường cho 70 DN đã được Bộ NN-PTNT chuyển hồ sơ sang Bộ Công an xử lý.
Chỉ sau đó mấy ngày, Viện KSNDTC đã giao Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội và Vụ 3 KSNDTC kiểm tra lại vụ việc. Bởi, theo nhiều luật sư đây là vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu cấu thành tội “làm giả con dấu tài liệu cơ quan, tổ chức” theo Điều 267 Bộ Luật hình sự và cần được khởi tố.
Đến ngày 7-8/1/2017, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã thực hiện bắt giam với 3 bị can nguyên là cán bộ Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thuỷ sản về tội Giả mạo trong công tác.
Các đối tượng bị bắt gồm: Bùi Đức Quý (62 tuổi, nguyên Giám đốc Trung tâm 3K); Lê Tuấn Anh (38 tuổi, nguyên Phó phòng Hành chính quản trị, Văn phòng Tổng cục Thuỷ sản, Bộ NN-PTNT); Nguyễn Văn Dũng (32 tuổi, nguyên cán bộ Phòng Kiểm nghiệm, kiểm định Trung tâm 3K).
Trước đó, ngày 14/12/2016, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Giả mạo trong công tác”.
(Theo Vietnamnet)
Đà Nẵng còn hơn 100.000 m3 đất nhiễm dioxin
Sân bay Đà Nẵng có 148.000 m3 đất nhiễm dioxin và hiện mới được xử lý 45.000m3 trong nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh từ phía Mỹ.
Ngày 8/1, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cùng Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đã đến kiểm tra dự án xử lý chất độc hóa học/dioxin tại sân bay Đà Nẵng.
Hai Bộ trưởng nghe báo báo về dự án. Ảnh: N.T.
Báo cáo với hai Bộ trưởng, thiếu tướng Bùi Anh Chung, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân (chủ đầu tư dự án) cho biết sân bay Đà Nẵng có khoảng 148.000 m3 đất, trầm tích nhiễm dioxin. Từ tháng 6/2011, dự án xử lý môi trường nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng do Chính phủ Mỹ tài trợ đã được khởi công. Đến nay, 45.000 m3 đất nhiễm dioxin đã được làm sạch.
19 ha đất đã được giải phóng, trong đó gần 6 ha bàn giao cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam xây dựng mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng phục vụ APEC 2017. Giai đoạn 2 của dự án đang được triển khai, tiếp tục xử lý thêm 45.000 m3 đất nhiễm dioxin tại điểm "nóng" về chất độc hóa học do Mỹ gây ra trong chiến tranh tại Việt Nam.
Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực và những kết quả tích cực trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh cũng như thực hiện các dự án xử lý dioxin của Chính phủ Mỹ. Ông cho biết ngoài khối lượng đất nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng đã được làm sạch, đến nay 7.500 m3 đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Phù Cát (Bình Định) cũng được cô lập, chôn lấp.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hà, vấn đề khắc phục ô nhiễm dioxin tại Việt Nam vẫn là một thách thức. Ông dẫn chứng dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng phải kéo dài đến năm 2018, do khối lượng đất và trầm tích nhiễm dioxin tăng gấp đôi so với dự kiến ban đầu; báo cáo môi trường tại sân bay Biên Hòa đã hoàn thành nhưng việc xây dựng kế hoạch xử lý tổng thể, khả thi để triển khai gặp nhiều khó khăn do chưa rõ nguồn lực và lựa chọn công nghệ...
Khu xử lý đất và trầm tích nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Ảnh: Ngọc Trường.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết Chính phủ đánh giá giá cao những kết quả đạt được trong việc khoanh vùng, xử lý bước đầu một số điểm nóng tồn dư chất độc hóa học. Nhưng đó mới chỉ là một phần nhỏ khối lượng đất nhiễm chất độc dioxin ở Việt Nam. "Chúng ta phải lo cho nhân dân ở các vùng này yên tâm sống và làm việc, phải có đất xanh phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng", Đại tướng nói.
Bộ trưởng Lịch cho rằng, ngoài nguồn vốn tài trợ của nước ngoài, cần tranh thủ nguồn lực trong nước để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Ông chỉ đạo các lực lượng quân đội nhanh chóng lập kế hoạch và xử lý triệt để chất độc hóa học tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và Phù Cát (Bình Định), cũng như tính đến các dự án khác.
Dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng đã xây một mố lớn, lót kín. Đất được đưa vào mố, phủ bê tông để nung bằng nhiệt. Các thanh nhiệt hoạt động ở 750 - 800 độ C và cho phép mố được nung nóng 225 độ C. Khí độc sẽ thoát ra ngoài qua ống xả kín, lọc qua nước trước khi thải ra môi trường, trả lại đất sạch.
Ngọc Trường
Theo VNE
Vụ "bán quyền ăn tiền" ở Tổng cục Thuỷ sản: Không thể xử lý nội bộ! "Nếu vi phạm pháp luật phải khởi tố, chứ không phải xử lý nội bộ", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. "Nếu vi phạm pháp luật phải khởi tố, chứ không phải xử lý nội bộ", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh. Tại buổi làm việc...