Mánh khóe lừa đảo hàng trăm triệu từ lập facebook trên mạng
Chiều tối ngày 15/1, thông tin từ Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, lực lượng của đơn vị này vừa bắt giữ đối tượng Dương Viết Cường (SN 1995), trú thôn Phương Hạ, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch để điều tra về hành vi chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, Công an Quảng Bình nhận được đơn tố cáo của chị T., trú huyện Bố Trạch về việc bị lừa đảo chiếm đoạt 150 triệu đồng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã xác định hành vi phạm tội của đối tượng Cường.
Cụ thể, vào khoảng tháng 10/2017, Cường thấy trên mạng xã hội có một tài khoản facebook với những hình ảnh và thông tin cho thấy chủ tài khoản là người đẹp trai, giàu có, sống ở Hà Nội. Sau đó, Cường đã lập một facebook giả mang tên Ngô Gia Hiếu và lấy hình ảnh của facebook trên làm hình ảnh đại diện, đồng thời phát tán những hình ảnh về việc thu hồi nợ, có điều kiện về kinh tế.
Chị L. khi sử dụng tài khoản facebook của mình đã kết bạn với facebook mang tên Ngô Gia Hiếu (do Cường lập ra). Hai bên thường xuyên nói chuyện, trao đổi thông tin với nhau dù chưa hề gặp mặt.
Đối tượng Cường bị bắt giữ. (Ảnh CAQB)
Biết được nhu cầu cần mua ô tô giá 400 triệu đồng của chị L., Cường đã ngỏ ý giúp đỡ tìm mua ô tô cũ. Vào khoảng tháng 12/2017, Cường cho chị L. số tài khoản của một người phụ nữ tên N.T.N (một người chuyên bán hàng trên Facebook) để chuyển tiền vào tài khoản này.
Vào ngày 4/12/2017, vì tin vào lời giới thiệu của Cường, chị L. đã chuyển 150 triệu đồng vào tài khoản của chị N. mà Cường cho trước đó.
Video đang HOT
Ngay sau đó, Cường nhắn tin cho chị N. nói bạn của mình gửi nhầm tiền và yêu cầu chị N. chuyển số tiền đó vào tài khoản ngân hàng của chị H.T.T (cũng là người thường xuyên bán hàng trên facebook).
Sau khi chị N. chuyển lại tiền cho chị T., Cường đã liên lạc với chị T. nói mua hàng mỹ phẩm của chị T với giá 1,5 triệu đồng nhưng chuyển nhầm 150 triệu đồng nên yêu cầu chị T. rút tiền để trả lại cho Cường.
Khi nhận được tiền, Cường tiếp tục tung tin Ngô Gia Hiếu đã bị Công an Hà Nội bắt nhằm chiếm đoạt số tiền trên. Sau khi bị bắt giữ, đối tượng Cường cũng đã thừa nhận hành vi phạm tội và khai nhận số tiền lừa đảo được của chị L. dùng để tiêu xài cá nhân.
Vụ việc hiện đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.
Đặng Tài
Theo Dantri
Vợ sỹ quan quân đội cầm đầu đường dây lừa chạy chế độ thương binh
Là vợ của một sỹ quan quân đội, Tạ Thị Vân "nổ" mình có thể chạy chế độ thương binh, chất độc da cam cho các cựu chiến binh. Tin lời Vân, hàng trăm cựu chiến binh đã bị chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.
Viện KSND tỉnh Nghệ An vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Tạ Thị Vân (SN 1962, quê Thanh Hóa, trú tại TP Vinh, Nghệ An) ra trước pháp luật về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Vân được xác định là đối tượng chính trong vụ việc nhận tiền chạy chế độ thương binh, chất độc da cam của các cựu chiến binh có nguyện vọng hưởng các chế độ chính sách nhưng bị thất lạc hồ sơ, giấy tờ.
Tin lời Vân, nhiều cựu chiến binh đã mất hàng chục triệu cho người phụ nữ này để làm thủ tục hưởng các chế độ chính sách
Tạ Thị Vân có chồng công tác tại Ban chỉ huy quân sự 1 huyện tại Nghệ An. Sau đó, ông này được chuyển đến nhận công tác tại Tỉnh đội Nghệ An. Vân "nổ" mình quen biết nhiều người làm chế độ chính sách từ Trung ương đến địa phương, có thể "chạy" nâng hạng thương binh, chế độ thương binh, chất độc da cam... Với thủ đoạn này, từ năm 2012-2014, Tạ Thị Vân và Hồ Thanh Tùng (trú xã Hưng Phú, Hưng Nguyên, Nghệ An) đã câu kết với nhau để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các cựu chiến binh.
Thông qua một người bạn, ông Hồ Bá T. (SN 1954, trú huyện Diễn Châu, Nghệ An) quen biết Vân. Nghe theo giới thiệu của Vân, ông này đã gom 56 hồ sơ tổng số tiền 699 triệu đồng đưa cho Vân "chạy chế độ". Sau khi nhận tiền và hồ sơ từ ông T., Tạ Thị Vân bố trí ông này đưa các cựu chiến binh làm chế độ thương binh đến Bệnh viện Quân Y 4 "khám thực thể" còn những người làm chế độ chất độc hóa học thì khám tại BV Đa khoa tỉnh Nghệ An.
Mỗi lần khám, Vân yêu cầu những người này phải đóng thêm 1 triệu đồng để "bồi dưỡng cho hội đồng". Tuy nhiên, trên thực tế, các cựu binh này chỉ là đến các bệnh viện để thực hiện các bước khám sức khỏe thông thường chứ không phải khám "thực thể" như Vân nói trước đó. Sau khi đưa những người này đi "khám thực thể" tại các bệnh viện, Vân hứa trong vòng 6 tháng đến 1 năm sẽ có quyết định hưởng chế độ.
Sau thời gian chờ đợi lâu mà không thấy kết quả, trước áp lực của người dân, Vân đã trả lại cho ông T. 42 bộ hồ sơ và 426 triệu đồng.
Ông Phạm Văn M. (SN 1955, trú huyện Nam Đàn, Nghệ An) nhận 65 bộ hồ sơ với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng đưa cho Hồ Thanh Tùng. Toàn bộ hồ sơ, giấy tờ này được Tùng giao lại cho Vân, tuy nhiên, số tiền "chạy chế độ" khi đến tay Vân chỉ còn hơn 1 tỷ đồng.
Bà Tạ Thị Vân đã nhận hàng trăm hồ sơ của các cựu chiến binh để "chạy" chế độ cho họ nhưng trên thực tế, người phụ nữ này không giải quyết được bất kỳ trường hợp nào như đã hứa (ảnh minh họa)
Sau khi Vân và Tùng không "chạy" được chế độ như đã hứa, những người này đã đến nhà, yêu cầu ông M. trả lại tiền và hồ sơ. Trước áp lực của người dân, ông M. phải bán nhà, vay mượn người thân để hoàn trả được 1,1 tỷ đồng. Số tiền còn lại ông M. vẫn đang nợ người dân.
Ồng Trần Văn P. (SN 1948, trú huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) nhận 34 bộ hồ sơ (626 triệu đồng), ông Nguyễn Nam K. (SN 1950, trú huyện Hưng Nguyên, Nghệ An)nhận 34 bộ hồ sơ (680 triệu đồng), ông Thái Văn P. (SN 1963, trú huyện Tân Kỳ, Nghệ An) nhận 31 bộ hồ sơ (310 triệu đồng), ông Nguyễn Văn N. (SN 1958, trú thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) nhận 36 bộ hồ sơ (936 triệu đồng) đưa cho Tạ Thị Vân hoặc Hồ Thanh Tùng để "chạy chế độ".
Mỗi bộ hồ sơ, tùy theo loại chế độ (thương binh, chất độc da cam hay nâng hạng chế độ thương binh), Tạ Thị Vân "ra giá" từ 12 đến gần 30 triệu đồng. Trên thực tế, Vân chỉ đưa những người này đi "khám thực thể" tại các bệnh viện rồi thôi, không giải quyết được chế độ cho bất kỳ ai như đã cam kết. Cơ quan điều tra kết luận, với thủ đoạn này, Tạ Thị Vân chiếm đoạt của 95 cựu chiến binh thông qua những người trên hơn 3,6 tỷ đồng. Hiện Tạ Thị Vân và gia đình đã hoàn trả được một phần số tiền chiếm đoạt cho các bị hại để trả cho các cựu chiến binh.
Ngoài ra trong quá trình điều tra cho thấy Tạ Thị Vân thông qua Hồ Thanh Tùng nhận 471 bộ hồ sơ với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Do Hồ Thanh Tùng đang bỏ trốn nên chưa đủ cơ sở để xử lý, cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ xử lý sau.
Khi sự việc bị phát giác, Tạ Thị Vân liền bán nhà, bỏ trốn dẫn đến nhiều hồ sơ của các cựu chiến binh hiện vẫn đang bị thất lạc. Tạ Thị Vân sau đó bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ.
Liên quan đến sự việc này, cơ quan điều tra xác định chồng bà Vân không liên quan đến việc bà này nhận tiền "chạy chế độ" của các cựu chiến binh. Hiện, bà Vân và chồng đã hoàn tất thủ tục li hôn.
Vụ án sẽ được TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử trong thời gian tới.
Hoàng Lam
Theo Dantri
"Mượn" hàng chục xe máy của người thân mang đi... cầm Để có tiền hút ma túy, Thọ đã mượn xe máy, điện thoại của người thân mang đi bán hoặc cầm cố mà không hoàn trả lại. Ngày 15/1, thông tin từ Công an huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết đã khởi tố, bắt tạm giam Ngô Văn Thọ (SN 1992, ngụ xã Ea Yông, huyện Krông Pắk) về hành vi...