Mảnh hồn quê trong bánh gai Tứ Trụ Thanh Hóa
Chiếc bánh dẻo mịn, có mùi thơm đặc trưng của lá chuối tiêu, hòa quyện với cái vị dịu mát của lá gai, gạo nếp và mật mía, thêm cái ngọt thanh thanh của nhân đậu, bùi bùi của dừa khô, đậm đà của thịt nạc… đủ níu lòng những người con xa quê.
Sống xa quê ngót hai chục năm, giờ ở cái tuổi đã thôi không muốn đua tranh với đời, thấy hài lòng về một mái ấm gia đình hạnh phúc, kinh tế vững vàng thì nỗi nhớ quê nhà trong tôi lại trở nên da diết hơn. Chiều nay, một người thân ở quê đến thăm, mang biếu mấy chục bánh gai – món ăn được xem là đặc sản nức tiếng quê tôi. Cầm chiếc bánh bé nhỏ trên tay, áp chặt vào lòng bàn tay, đưa lên mũi hít hà để cảm nhận cái mềm mại, man mát của lá chuối khô, cái mùi thơm đậm đà của bánh, tôi như ngược thời gian, trở về với cái thời chăn trâu cắt cỏ bên bờ sông Chu, cái thời mà mỗi dịp lễ, Tết hay giỗ “hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi” là cả làng tôi rộn ràng tiếng chày giã bột lèn bánh.
Mới thoạt nhìn hình dáng nhỏ nhắn của bánh gai, ít ai nghĩ rằng, quy trình làm bánh từ lúc lựa nguyên liệu đến khi bánh thành hình rất phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mẩn và cả con mắt nghề lâu năm của thợ bánh.
Ảnh: Lê Thị Thúy.
Người dân làng Tứ Trụ (nay là Xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) thường trồng cây lá gai ở bãi bồi ven sông Chu. Có lẽ bởi phù sa ở đây màu mỡ mà cây nào cũng tươi tốt, lá to bản và xanh mơn mởn. Đến độ làm bánh, lá gai được hái về, chọn những lá lành lặn, bỏ cuống, tỉ mẩn tước hết từng cái gân lá một, rồi đem phơi cho thật khô. Khi ấy, một mặt lá đã chuyển màu đen thẫm, mặt kia hơi trắng xám là được. Sau đó đem rửa sạch và bỏ vào nồi luộc thật kỹ. Thường để cho lá thật mềm, chúng tôi phải ninh liên tục từ 1-2 ngày, lâu lâu lại đổ ra thay nước mới để luộc tiếp.
Khi lá đã luộc xong, thì vớt ra, nắm lại thành từng cục để vắt cho kiệt nước, lúc đấy mới đem đi giã nhuyễn. Giã lá gai bằng cối có thể nói là công đoạn nặng nhọc nhất trong cả quy trình làm bánh. Vì lá gai phải được giã rất lâu mới trở nên mịn được, giã càng mịn thì bánh càng ngon, càng tròn vị nên trong nhà tôi, công việc này để cho anh và bố làm.
Video đang HOT
Bà tôi kể, ngày trước, hội làng, mọi người thường tập trung tại sân kho của làng để cùng làm bánh. Trẻ nhỏ thì nhặt lá, tước gân, trông nồi bánh thanh niên thì cứ 2 người một cối giã lá cho nhuyễn người lớn hơn, nhiều kinh nghiệm thì phối nguyên liệu, nặn bánh. Ai cũng hồ hởi, vừa làm vừa chuyện trò, đúng cái không khí của hội làng. Ngày ấy, ông và bà cũng nên duyên từ những lần giã lá như thế.
Ngày nay, làm bánh theo kiểu “công nghiệp”, người ta thường cho lá vào máy xay một tí là xong. Nhưng nếu ai từng quen cái vị bánh được làm theo kiểu truyền thống như tôi sẽ dễ dàng nhận ra, bánh ngày nay không ngon bằng, thịt bánh không mịn, ăn cứ như bị “cán”. Vì thế mà cái hồn của bánh gai cũng phôi phai ít nhiều theo thời gian.
Trở về với cái thời của tôi, sau khi giã xong, người ta trộn bột lá gai với bột nếp và mật mía rồi lại đem vào cối đại giã tiếp. Để bánh ngon hơn, người ta phải kén cho được gạo nếp hoa cau để làm cán thành bột, vì nếp này thơm và rất dẻo. Lần giã này vất vả hơn và đòi hỏi người giã phải thật đều tay, đủ độ mạnh để cho hỗn hợp này thật nhuyễn và mịn. Đây là giai đoạn “lèn bánh”. Giai đoạn này chỉ kết thúc khi ta dùng tay xoa xoa ít bột thấy thật mịn, hỗn hợp có màu đen bóng, dễ tạo khối. Nếu không phải thợ làm bánh chuyên nghiệp thì rất dễ để bột bị nhão hoặc khô quá, do lượng mật mía cho vào không thích hợp.
Tiếp đến là nhân bánh gồm: đậu xanh đồ lên giã cùng với đường cho thật mịn, thêm một ít dừa nạo rang khô và chút thịt lợn nạc cho đậm vị, cuối cùng rắc vào hỗn hợp vài giọt dầu chuối cho thơm. Lấy bột bánh nặn thành từng cục tròn rồi dàn mỏng trong lòng bàn tay, lấy nhân cho vào giữa rồi vê lại sao cho bột phủ kín phần nhân bên trong, tạo hình bánh tròn, đầy đặn. Sau đó lăn bánh lên cái mâm nhôm có rải sẵn vừng rang khô. Vị bùi bùi của vừng sẽ làm bớt hắc, và khi bóc bánh đỡ bị dính vào lá. Sau đó đem gói bánh bằng lá chuối khô, mà phải là lá từ cây chuối tiêu, để già và khô tự nhiên trên cây thì mùi bánh sau này mới thơm được.
Cuối cùng là đem bánh đi hấp. Làm bánh vất vả bao nhiêu mà chỉ cần hấp bánh chín chưa tới, hoặc chín quá thì coi như công “dã tràng” hết. Vì nếu hấp chưa chín mà đem đi hấp lại thì sẽ mất hết vị bánh, nên thợ bánh khi hấp phải căn rất cẩn thận, từ nhiệt độ, lượng nước, thời gian… để khi vớt ra là bánh vừa chín tới. Có những thợ bánh lâu năm ở làng tôi, họ chỉ cần ngửi mùi thơm của bánh là biết ngay bánh chín hay chưa. Sau khi vớt bánh ra, để nguội và thật ráo nước rồi dùng lạt nhuộm màu đỏ, cột chặt từng chiếc một, và bó năm chiếc lại với nhau sao cho thật vuông vức. Lúc này, người thợ làm bánh mới có thể thở phào nhẹ nhõm cho một mẻ bánh đã hoàn thiện.
Một chiếc bánh đạt yêu cầu là thịt bánh phải vừa dẻo mịn vừa thơm đặc trưng của lá chuối tiêu, hòa quyện với cái vị dịu mát của lá gai, gạo nếp và mật mía, phảng phất hương thơm nồng của dầu chuối, thêm cái ngọt thanh thanh của nhân đậu, bùi bùi của dừa khô, đậm đà của thịt nạc…Thế mới đủ níu lòng những người con xa quê như tôi, để lúc nào cũng như có cái gì đó thôi thúc tôi muốn trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình.
Bánh gai Tứ Trụ quê tôi giản dị từ cái vẻ ngoài mộc mạc của lá chuối khô cho tới những nguyên liệu dân giã sẵn có như lá gai, gạo nếp, mật mía, đậu xanh… mà cứ thế, đi vào đời sống của người dân và trở thành một nét văn hóa đặc trưng của vùng miền. Bánh gai mộc mạc, dân giã là thế nhưng lại được đặt trang trọng trên bàn thờ gia tiên mỗi dịp Tết hay giỗ Lê Lai, Lê Lợi và là đặc sản cho những người con xứ Thanh mang đi làm quà.
Theo VNE
Thức uống đơn giản xoa dịu những ngày hè nắng nóng
Nước trà xanh có hương vị chan chát, ngọt hậu trong miệng, thanh thanh, giải nhiệt. Ngày nay, loại trà này được chế biến thành nhiều loại nước đóng chai uống liền và được mọi người ưa dùng.
Có nhiều cách để người Sài Gòn xoa dịu đi cái oi ả trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm ở một thành phố quanh năm không có mùa đông này. Chẳng hạn như ngâm mình vào bể bơi, ăn những món giải nhiệt, ngồi trong phòng máy lạnh và hạn chế đến thấp nhất việc phải bước ra đường nếu có thể... Nhưng không phải lúc nào bạn cũng có thể làm vậy được. Có những lúc đang chạy xe trên một con đường đầy khói bụi và ngập nắng, bắt gặp một xe bán nước mát bên đường với những trái dừa tươi, nước sâm, nước mát, có lẽ, bạn sẽ không thể chối từ. Cảm giác dòng nước mát chảy vào cuống họng xua tan ngay cơn khát sẽ khiến bạn quên đi sự khắc nghiệt và khó chịu của thời tiết.
Ai đó khi đi khỏi Sài Gòn, bên cạnh việc nhớ về những đêm đứng trên cầu Thủ Thiêm ngắm bầu trời đầy sao, ngắm thành phố náo nhiệt ban ngày và sôi động vào ban đêm sẽ nhớ những xe nước giải khát đang mời gọi ở những góc đường. Dừa tươi, dừa tắc, nước sâm, nước đắng, nước bông cúc..., những thức uống có những cái tên nghe rất địa phương khiến người từ nơi khác mới đến thấy lạ lẫm, nhưng uống một lần thôi, bạn sẽ hiểu ngay vì sao dân thành phố này lại mê chúng đến vậy.
Những ngày trời nóng, nhu cầu về nước của cơ thể tăng cao, nhất là sau khi tập luyện thể thao hay lao động miệt mài. Đôi khi người ta lại thèm một thứ gì đó giàu mùi vị hơn là một ly nước lọc quen thuộc. Sinh tố sẽ là một gợi ý cho lúc này, với màu sắc và vị ngon ngọt của những trái cây nhiệt đới đặc sắc.
Ở thành phố này còn có những con đường gắn liền với món nước vừa bổ dưỡng, vừa đậm hơi thở mùa hè. Đến đường Nguyễn Trãi hay Võ Văn Tần vào buổi chiều tối, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những quán sinh tố ở hai bên đường, các quán nhỏ được "thiết kế" đơn giản, chỉ có vài bộ bàn ghế nhựa, quán này liền sát quán kia, nhưng lúc nào cũng nhộn nhịp và đông khách. Khách hàng ở đây chủ yếu là các bạn trẻ, họ luôn chọn nơi đây là địa điểm gặp nhau bởi họ có thể vừa ngắm đường phố, vừa được thưởng thức nhiều loại thức uống được pha chế từ trái cây tươi và giá cả rất "sinh viên".
Những bà nội trợ đảm đang cũng có những cách chiêu đãi và giúp những người thân trong gia đình cảm thấy dịu mát trong những ngày nắng nóng bằng những món đồ uống đơn giản nhưng hữu hiệu. Một nắm lá trà xanh chẳng hạn. Có thể bạn không để ý rằng trong lá trà xanh có tanin, caffein cùng nhiều vitamin và muối khoáng, đặc biệt là nhiều vitamin C.
Nước trà xanh có hương vị chan chát, ngọt hậu trong miệng, thanh thanh, giải nhiệt. Ngày nay, loại trà này được chế biến thành nhiều loại nước đóng chai uống liền và được mọi người ưa dùng.
Nước dưa hấu ép cũng là một trong những món giải khát ngon, dễ làm và dễ tìm thấy ở mọi nơi. Đường trong dưa hấu là loại đường trái cây dễ hòa tan, dễ hấp thu nên có tác dụng cung cấp năng lượng, phục hồi cơ thể nhanh chóng. Lượng vitamin B1, C và canxi trong loại quả này cũng nhiều.
Ngoài ra, nước chanh tươi là một thứ thức uống khác cũng đơn giản, nhưng dễ tái tạo lại năng lượng cho những người vừa đi nắng về hay đổ mồ hôi nhiều trong phòng tập. Thức uống này có tác dụng thanh nhiệt, sát trùng, tạo cảm giác thèm ăn, trị ho và giải cảm. Chỉ với một quả chanh tươi, chút đường và vài viên đá nhỏ, với phương pháp pha chế đơn giản là bạn đã có một ly nước chanh cung cấp đến 59 calories.
Danh sách những món nước tại các quán café trong thành phố liên tục được cập nhật thêm món mới, đặc biệt những món nước trái cây trong một ngày hè nóng nực này, làm bạn không thể không ghé đến mỗi khi cần giải nhiệt. Cùng thưởng thức nước táo, nước cam, nước dứa đặc trưng và ngả mình trên chiếc ghế êm ở các quán cafe, nhìn ra thứ ánh sáng dịu nhẹ được lọc bởi tấm màn dày ngăn cách bạn với nhiệt độ cao ngoài trời, bạn sẽ thấy mình may mắn khi được hưởng một ngày hè mát mẻ.
Nhiều bạn trẻ trong thành phố lại muốn hòa mình vào không khí nhộn nhịp ở chuỗi các quán cà phê theo phong cách Tây đang mọc lên nhiều hơn ở những vị trí đẹp tại các góc đường trong thành phố. Ở đây họ sẽ thoải mái thưởng thức những món trà, cà phê kiểu Italy hay làm quen với các món nước hỗn hợp mới lạ được pha chế cầu kỳ hoặc được xay nhuyễn từ kem, chocolate kết hợp với trái cây tươi.
Sống ở một thành phố không có mùa đông cũng thú vị, ngày nào cũng là một ngày mùa hạ nóng bỏng và háo hức, bạn sẽ luôn có cơ hội để thưởng thức những đồ uống mang hương vị nhiệt đới để thanh nhiệt, giải độc.
Theo VNE
Canh chuối lá lốt Ở quê tôi, nhà nào cũng có vài bụi chuối sau vườn. Chuối có nhiều loại, như chuối cau, chuối hương, chuối tiêu, chuối hột, chuối sáp... nhưng chuối ba lùn là loại được ưa thích nhất. Ảnh: N.V.Học Chuối này ăn chín rất ngon, bên cạnh đó còn có thể dùng để chế biến thành món canh chuối lá lốt, món ăn...