‘Mãnh hổ Trung Đông’ gục ngã trước tên lửa Mỹ, kết thúc cuộc đời oanh liệt
Sau hàng chục năm chiến đấu, rút cuộc thì Thiếu tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds, Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng gục ngã.
Ông thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ ở gần sân bay quốc tế Baghdad, Iraq rạng sáng 3-1-2020.
Qasem Soleimani là một vị tướng nổi tiếng tại khu vực Trung Đông. Thái độ cứng rắn với phương Tây, tài chỉ huy đỉnh cao đã khiến ông luôn là cái gai trong mắt Mỹ và Israel.
Một tờ báo Kuwait từng tiết lộ “âm mưu của Mỹ và Israel” nhằm loại bỏ một vị tướng quan trọng hàng đầu của Iran, hầu cắt đứt cánh tay nối dài của người Iran ở Trung Đông.
Động thái này được cho là ngăn chặn việc Iran kiểm soát các lực lượng dân quân người Shiite ở Syria và Iraq, cùng với lực lượng Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Palestine.
Theo đó, tờ báo Kuwait Al-Jarida đưa tin, Mỹ bị cáo buộc đã “bật đèn xanh” cho Israel vạch kế hoạch để ám sát tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh đặc nhiệm al-Quds, cánh tay hải ngoại của lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.
Bài báo trích dẫn một nguồn tin giấu tên ở Tel Aviv nói rằng, “có một thỏa thuận Mỹ-Israel” rằng tướng Soleimani là mối đe dọa hàng đầu đối với lợi ích của hai nước trong khu vực.
Thực tế là cái gật đầu của Mỹ cho phép sát hại viên tướng hàng đầu của Iran lại diễn ra 3 năm sau khi chính nước này từng có một hành động ngăn cản nỗ lực của Israel nhằm ám sát ông Soleimani ở một địa điểm gần Damascus.
Vào thời điểm đó Mỹ đã cảnh báo Tehran về vụ ám sát vị tướng này có thể xảy ra, đồng thời cũng cho biết về việc người Israel đã theo dõi sát sao từng bước chân của tướng Soleimani, ở cả Syria lẫn Iraq.
Tờ báo không chỉ rõ nguyên nhân khi đó tại sao Mỹ lại ngăn cản Israel thực hiện kế hoạch ám sát viên tướng Iran, nhưng rất có thể là vào thời điểm cách đây 3 năm, chính quyền của Tổng thống Obama lo ngại vụ ám sát này sẽ khiến Tehran nổi giận và Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ không bao giờ được ký kết.
Tuy nhiên hiện nay, Tổng thống Mỹ có quan điểm cứng rắn đối với Iran. Ngoài việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Tehran, mới nhất ông Trump đã ra lệnh cho không quân nước này không kích, giết hại viên tướng nổi tiếng của Iran vào rạng sáng nay (3-1).
Chính Lầu Năm Góc đã lên tiếng xác nhận cuộc tấn công, nói rằng hành động này được thực hiện “theo chỉ đạo của Tổng thống”.
Cái chết của tướng Soleimani là một bước ngoặt đầy rủi ro ở Trung Đông và được dự đoán sẽ có sự trả đũa nghiêm trọng từ Iran và các lực lượng mà nước này ủng hộ trong trục đối đầu với Mỹ.
Video đang HOT
Không chỉ gây sóng gió cho mối quan hệ Mỹ-Iran, vụ việc cũng đã làm chấn động toàn cầu, khiến giá dầu tăng và khiến cho các quốc gia liên quan cảm thấy lo ngại về các bất ổn trong khu vực.
Các quan chức Mỹ từ lâu đã cáo buộc tướng Soleimani là “chủ mưu các cuộc tấn công vào quân đội Mỹ ở Iraq và chống lại lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới”.
Trong khi phía Iran tuyên bố Mỹ phải chịu trách nhiệm cho mọi hậu quả của “chủ nghĩa phiêu lưu” của nước này.
Các nhà phân tích đồng ý rằng Soleimani là một nhân vật độc nhất và có lẽ không thể thay thế đối với Iran, sau tin tức về cái chết của vị tướng này.
Trước đó, Tư lệnh lực lượng Vệ binh Cộng hòa cách mạng Hồi giáo Iran, tướng Qassem Soleimani đã chuyển một thông điệp tới Bộ Tư lệnh lực lượng viễn chinh Mỹ tại Syria.
Đồng thời ông cũng khuyến cáo toàn bộ quân đội Mỹ nên rút lui khỏi Syria hoặc “cánh cửa địa ngục sẽ mở ra với lính Mỹ”. Hiện tại Mỹ đã rút bớt sự hiện diện ra khỏi Syria, tuy nhiên quân số của họ vẫn đang hiện diện rất lớn xung quanh khu vực này, sẵn sàng can thiệp khi có yêu cầu.
Thiếu tướng Qasem Soleimani sinh ngày 11-3-1957, là sĩ quan cao cấp của quân đội Iran.
Ông Qasem Soleimani từng là một cựu chiến binh của cuộc chiến tranh Iran-Iraq những năm 1980.
Vị tướng này nổi tiếng với với chiến lược ngoại giao cứng rắn và sự hỗ trợ quân sự hết mình cho các đồng minh có cùng hệ tư tưởng, trong đó có Syria.
Năm 2012, tướng Soleimani đã giúp củng cố chính phủ Syria, cũng như gửi quân và khí tài giúp quân đội nước này chống lại tổ chức khủng bố IS.
Xuất thân từ gia đình nghèo khổ, khi còn trẻ, tướng Soleimani từng làm công nhân xây dựng trước khi trở thành quân nhân chuyên nghiệp.
Ngày 22-9-1980, khi Saddam Hussein phát động cuộc xâm lược của Iran kéo dài 8 năm, Suleimani nổi lên là vị chỉ huy trẻ tài năng và can đảm.
Sau chiến tranh, ông tiếp tục phục vụ trong quân đội. Trong cuộc nổi loạn của sinh viên năm 1999 tại Tehran, tướng Soleimani cảnh báo Tổng thống Mohammad Khatami, nếu không dẹp được cuộc nổi loạn thì chính quân đội sẽ chống lại vị tổng thống này.
Tướng Soleimani được miêu tả là “nhà hoạt động mạnh mẽ duy nhất ở Trung Đông ngày nay và là nhà chiến lược và chiến thuật quân sự chính trong nỗ lực của Iran nhằm chống lại ảnh hưởng của phương Tây”.
Tổng thống Bashar al-Assad xoay chuyển được tình thế trong cuộc nội chiến Syria một phần lớn nhờ vào công của vị tướng người Iran này.
“Người Nga không chống lại sự hiện diện của Mỹ và có thể chấp nhận thực tế này sau khi xác định rõ nét ranh giới ngăn chặn xung đột không chủ ý giữa hai bên. Nhưng Iran có một quan điểm rõ ràng và kiên quyết không thay đổi, không để Tổng thống Syria một mình đối mặt với lực lượng quân đội Mỹ, nếu Washington quyết định duy trì sự hiện diện ở chiến trường Syria”, Tướng Soleimani từng cho biết.
Việc vị tướng nổi tiếng Iran bất ngờ bị Mỹ ra tay sát hại chắc chắn sẽ làm cục diện Trung Đông nóng lên trong thời gian tới.
Một số quan chức Mỹ cũng như các nhà quan sát kỳ cựu của Iran, nói rằng cuộc tấn công là một động thái leo thang vượt xa những gì họ từng dự đoán.
Một chuyên gia về Iran cho biết, cuộc tấn công đã làm ngạc nhiên ngay cả một số thành viên của chính quyền Trump, thậm chí quyết định nhằm mục tiêu vào vị tướng của Iran chưa bao giờ được xem xét một cách nghiêm túc, ít nhất là trong thời gian gần đây.
Một cựu quan chức Mỹ nói rằng cuộc tấn công đặc biệt đáng chú ý vì nó nhắm vào một nhân vật nằm trong bộ máy chính quyền Iran, trái ngược với các nhân vật phi nhà nước trước đây.
Một quan chức Trung Đông khác của Mỹ nói rằng một cuộc trả đũa của Iran có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Các mục tiêu của Iran có thể là các quan chức Mỹ ở châu Phi, ở châu Mỹ Latinh và có thể là ở vùng Vịnh.
Việt Hùng (Tổng hợp)
Theo anninhthudo.vn
Nước Mỹ lại không an toàn nữa rồi
Ra lệnh tiêu diệt vị tướng quyền lực của Iran, người Mỹ chẳng khác nào đang tự "lấy đá ghè chân mình", tự chuốc lấy hiểm nguy không ai lường được.
Mỹ và Iran đang ở bên bờ vực một cuộc chiến tranh sau khi Mỹ giết chết tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds của nước Cộng hòa Hồi giáo trong một cuộc không kích nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad. Chịu chung số phận với ông Soleimani còn có Abu Mahdi al-Muhandis - phó chỉ huy Lực lượng Động viên nhân dân (PMF), một nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn.
Lầu Năm Góc xác nhận vụ tấn công được thực hiện theo chỉ đạo của Tổng thống Trump. Mô tả đây là "hành động phòng thủ" nhằm "ngăn chặn các kế hoạch tấn công của Iran trong tương lai". Lầu Năm Góc khẳng định, Tướng Soleimani chính là người đang tích cực phát triển các kế hoạch tấn công các nhà ngoại giao và nhân viên phục vụ Mỹ ở Iraq cũng như trên toàn khu vực".
Mỹ trước đây thường đáp trả các động thái của Iran bằng cách không kích vào các mục tiêu dân quân do Tehran hậu thuẫn. Tuy nhiên, cuộc không kích nhắm vào đoàn xe của tướng Soleimani là đòn giáng mạnh chưa từng có tiền lệ.
Tướng Iran Qassem Soleimani. (Ảnh: AP)
Nước Mỹ muốn thách thức quyền lực của Iran tại Trung Đông. Cách thức vụ tấn công giết người trên lãnh thổ một quốc gia khác có chủ quyền chẳng khác gì hành động khủng bố quốc tế được che đậy bằng ngôn ngữ ngoại giao "bảo vệ công dân Mỹ và quyền lợi Mỹ trên toàn cầu".
Đây chính là sự kiêu ngạo nước lớn của người Mỹ. Liệu hậu quả của nó sẽ là gì? Một loạt bất ổn tại Trung Đông thậm chí trên lãnh thổ Mỹ có lẽ xuất phát từ những quyết định như vậy.
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố cái chết của Thiếu tướng Soleimani làm tăng gấp đôi động lực chống Mỹ và Israel.
Giới phân tích nhận định, cái chết của hai nhân vật kể trên nhiều khả năng sẽ tạo ra một bước ngoặt ở Trung Đông, sẽ gây ra làn sóng trả thù của Iran cùng các lực lượng ủng hộ nước này trong khu vực nhằm vào các lợi ích của Mỹ.
Một số quan chức Mỹ về hưu và đang tại nhiệm thừa nhận vụ không kích lấy mạng tướng Soleimani có nguy cơ đẩy căng thẳng vượt xa dự đoán.
"Chẳng đời nào Iran không đáp trả", Afshon Ostovar, tác giả một cuốn sách viết về Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran thừa nhận. "Tôi thật không thể tin nổi. Lo lắng ngay bây giờ của tôi là: Bước tiếp theo của Iran là gì? Liệu đây có phải là khởi đầu một cuộc xung đột toàn khu vực?".
Cái chết của hai nhân vật kể trên nhiều khả năng sẽ tạo ra một bước ngoặt ở Trung Đông, gây ra làn sóng trả thù của Iran cùng các lực lượng ủng hộ nước này trong khu vực nhằm vào các lợi ích của Mỹ.
Ông Trump quyết mạnh tay với Iran trước kỳ bầu cử để xoá đi dư luận về một tổng thống yếu đuối trong các vấn đề Trung Đông. Nhưng người Mỹ thừa hiểu rằng, Iran không phải là Iraq hay Triều Tiên. Họ có lực lượng quân sự hùng mạnh nhất Trung Đông, có đồng minh Nga và Trung Quốc luôn bên cạnh, có thế giới Hồi giáo đằng sau hậu thuẫn.
Iran sẽ đáp trả. Nhưng các hành động trả đũa thế nào? Ở đâu? Không ai biết trước được. Nó có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, nhằm vào lợi ích của Mỹ, trên chính đất Mỹ, ở châu Phi, ở Mỹ Latinh hay, ở Vùng Vịnh.
Vì thế, nước Mỹ sẽ lại không an toàn nữa rồi.
Tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda mất hiệu quả trong việc chỉ đạo các cuộc tấn công, nhưng nó vẫn truyền cảm hứng hành động cho chi nhánh tại các quốc gia khác nhau. Al-Qaeda có xu thế chia thành những nhóm nhỏ, hoạt động tinh vi hơn và phạm vi hoạt động mở rộng sang tận Trung và Nam Á.
Người Mỹ chắc hẳn chưa quên, sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Washington triển khai một "Cuộc chiến chống khủng bố" bằng những hoạt động quân sự bất thường. Xâm chiếm hai quốc gia, ném bom nhiều nước khác, gửi máy bay không người lái, triển khai lực lượng đặc nhiệm, áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại các quốc gia khác nhau... Thế nhưng đáng buồn thay, mối đe dọa từ Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và khủng bố vẫn để lại di căn.
Ngoài ra, tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) dù đã yếu đi nhiều, nhưng chúng vẫn tiếp tục bổ sung các hành động khủng bố mới vào hồ sơ của mình.
Theo thống kê của trang National Interest, trong giai đoạn 2001-2019, Mỹ đã chi 5.900 tỷ USD cho cuộc chiến chống khủng bố, trong đó hơn 2.000 tỷ USD chi cho các chiến dịch quân sự ở nước ngoài, 924 tỷ USD cho an ninh nội địa, 353 tỷ USD để chăm sóc y tế và thương binh đối với các quân nhân Mỹ từng phục vụ ở các khu vực chiến sự trên thế giới.
Tuy nhiên, một nghịch lý là Mỹ càng chi nhiều tiền, số phần tử khủng bố càng tăng trên phạm vi toàn cầu.
Theo nghiên cứu của trung tâm CSIS (Mỹ), số lượng các tay súng thánh chiến Hồi giáo dòng Salafi đã tăng tới 270% kể từ năm 2001.
Tính đến năm 2018, có tới 67 nhóm thánh chiến hoạt động trên thế giới, tăng 180% so với năm 2001.
Đáng chú ý, phần lớn trong tổng số khoảng 280.000 tay súng thánh chiến hiện nay hiện diện ở các quốc gia mà Mỹ có can thiệp quân sự trong 18 năm qua, như Iraq, Afghanistan hay Libya.
Trớ trêu thay, mức độ nguy hiểm của mối đe dọa mà các tổ chức khủng bố đặt ra đối với nước Mỹ lại phụ thuộc đáng kể vào sự ổn định của những quốc gia nêu trên.
Điều này phần nào lý giải vì sao Mỹ càng tăng cường chống khủng bố, khủng bố lại có dấu hiệu càng phát triển theo hướng đa dạng và manh động hơn.
Chủ nghĩa khủng bố sinh ra từ sự thù hận, tư tưởng cực đoan mà nguồn gốc chính là sự bất công, phân cực trên thế giới.
Các nước lớn luôn kiêu ngạo và tự cho mình cái quyền áp đặp lên quốc gia khác. Không chỉ có Trung Quốc ở Châu Á. Nước Nga ở Châu Âu hay Hoa Kỳ ở châu Mỹ cũng đều giống nhau mà thôi.
Và sự kiêu ngạo nước lớn sẽ chỉ gieo rắc thêm sự hận thù và hành động trả thù mà thôi.
HẠNH NHÂN
Theo vtc.vn
Tướng chỉ huy bị Mỹ ám sát, Iran thề 'trả thù' Chỉ huy của lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Tướng Qassem Soleimani, đã thiệt mạng bởi một loạt rocket được thả xuống gần sân bay quốc tế Baghdad hôm 3/1. Quân đội Mỹ đã thực hiện cuộc không kích theo lệnh của Tổng thống Donald Trump, Bộ Quốc phòng nước này cho biết. Mohsen Rezaee, quan chức...