Mảnh ghép hoàn hảo của vợ chồng một chân
Ngọc Bảo mất chân trái, Lệ Thu mất chân phải. Duyên phận đã giúp họ gặp gỡ và trở thành mảnh ghép hoàn hảo của đời nhau.
Đám cưới “cổ tích”
Một ngày đầu tháng 3, thôn Đông Dương tại miền quê Ứng Hòa (Hà Nội) rộn ràng với đám cưới của “chú lính chì” Đoàn Ngọc Bảo. Diện bộ vest sáng màu, chàng trai sinh năm 1993 nở nụ cười tươi rói khi liên tục được khen trông bảnh bao hơn ngày thường.
Suốt hành trình từ Ứng Hòa tới Bắc Giang đón dâu, Bảo hồi hộp, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn đồng hồ và nhắn cho cô dâu báo tin quãng đường mình đang di chuyển.
Hay tin chú rể sắp tới, Lệ Thu mỉm cười, khẽ ngắm lại mình trong gương. Khoác lên bộ váy trắng tinh khôi, Thu vẫn chưa dám tin mình đã tìm thấy hạnh phúc trọn vẹn sau vài mối tình dang dở vì bị gia đình đối phương phản đối.
Khoảnh khắc Bảo và Thu dắt tay nhau vào lễ đường với những bước đi tập tễnh, người thân, láng giềng đều không kìm nổi nước mắt. Có lẽ họ chưa bao giờ chứng kiến một đám cưới đặc biệt đến vậy, khi cả cô dâu và chú rể đều mang chân giả. Đâu đó trong đám đông có người quay sang nói với nhau: “Cuộc sống quả thật vẫn luôn có phép màu”.
Trên lễ đường, Bảo nhớ lại lần đầu gặp Thu sau gần 1 tháng quen biết và nhắn tin qua mạng xã hội. Anh lập tức cảm mến cô gái có đôi mắt to tròn, nụ cười lộ má lúm xinh xắn và giọng nói dịu dàng.
Dù chưa từng trải qua mối tình nào trước đó, chàng trai đã thầm ao ước cô gái này là “mẹ của các con mình”.
“Lúc ấy, mình chỉ nghĩ nếu cưới cô ấy, sau này con sẽ giỏi lắm, vì mẹ nó quá nghị lực. Giày chân trái thì cũng đang để không nên cứ thử xem sao”, Bảo bật cười hạnh phúc.
Sau khi kết hôn, vì dịch bệnh, Thu và Bảo không thể đi du lịch như nhiều đôi mới cưới. Tuy nhiên, họ không coi đó là điều đáng buồn. Hai người xem thời gian này như “tuần trăng mật đặc biệt” khi có nhiều thời gian trượt patin, tập thể dục, nấu ăn, đọc sách cùng nhau.
Đôi vợ chồng cũng mới thuê được căn phòng trọ khoảng 30 m2 gần cơ quan của Thu. Dù tiện nghi chưa có gì đáng kể, hai người vẫn cảm thấy cuộc sống ngập tràn hạnh phúc.
Thu hay đùa mỗi tối đi làm về, cô và chồng đều tháo chân giả để chung ở góc nhà, nhảy lò cò khắp nơi như đôi chim chích. Cả hai đều là người vui vẻ, hay pha trò trêu nhau, nên căn phòng nhỏ khi nào cũng rộn vang tiếng cười.
Một buổi sáng dịu dàng của tháng 5, tia nắng len qua cửa sổ đánh thức Bảo lúc 7h.
Dù còn 2 tiếng nữa mới phải đến cửa hàng nơi đang làm quản lý, Bảo luôn dậy trước vợ. Chàng trai có thói quen chuẩn bị bữa sáng và đồ ăn vặt cả ngày cho vợ, từ trứng luộc, sữa, hoa quả đến bánh kẹo. Vừa bỏ tất cả vào túi, anh không quên dặn vợ ăn uống đúng giờ.
Mảnh ghép hoàn của đời nhau
Bảo mắc bệnh phù chân voi bẩm sinh nên phải cắt bỏ chân trái cách đây 8 năm. Còn Thu mất chân phải do vụ tai nạn hồi cô học lớp 5. Cũng vì có hoàn cảnh giống nhau, tình yêu đến với họ vừa nhẹ nhàng, vừa tự nhiên.
Từ khi quen nhau đến lúc cưới chỉ 3 tháng, nhiều người có thể nghĩ Thu và Bảo “yêu nhanh cưới vội”, nhưng với họ, chỉ cần thấy bên nhau có tương lai thì thời gian bao lâu không còn quan trọng. Hai người vẫn nói rằng khi đặt cạnh nhau, họ mới trở nên trọn vẹn.
Mỗi buổi chiều tan làm, Bảo thường đến sân chơi tại một chung cư trên đường Trung Kính để dạy thêm patin. Hình ảnh chàng trai trượt một chân điệu nghệ khiến những người xung quanh không khỏi trầm trồ.
Bảo nói anh gắn bó với patin đã được gần 5 năm. “Mệt gấp đôi, calo tiêu thụ gấp đôi nhưng thích thú cũng gấp đôi”, chàng trai cười nói sau khi vừa lượn vài vòng sân tập.
Vốn yêu quý trẻ em nên Bảo dần thích thú, phát triển từ sở thích cá nhân thành công việc cho thu nhập tương đối ổn định.
Buổi học hôm nay, 2 bé Tí và Huy xuống sân sinh hoạt chung từ 16h30. Dù chưa trượt buổi nào trước đó, cả hai vẫn mạnh dạn xin thầy Bảo cho xỏ thử giày và đi những bước đầu tiên. Có ngã, có đau nhưng dưới sự khích lệ của thầy, hai cậu bé quyết tâm tập đến tận cuối ngày.
Ngày trước còn độc thân, Bảo thường dạy học viên tới 22h, có khi còn đi chơi sau đó. Còn giờ đã lập gia đình, chàng trai cố kết thúc công việc sớm để về với vợ, và luôn nhớ mua cho cô khi thì hoa quả, lúc lại đồ ăn vặt.
Không chỉ trượt patin giỏi, Bảo còn chinh phục nhiều môn thể thao khác như bơi lội, leo núi trong nhà. Năm 2015, anh từng sang Hàn Quốc tham gia Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic) ở bộ môn trượt tuyết.
Vừa năm ngoái, đỉnh Fansipan – nóc nhà Đông Dương – cũng được chàng trai 27 tuổi đặt chân lên bằng hình thức leo núi.
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, Thu trở thành kế toán cho một công ty xe máy nhiều năm qua. Hàng ngày, cô vẫn tự đi làm trên chiếc xe 3 bánh.
Dù công ty không có chế độ gì cho người khuyết tật, Thu vẫn vui vì được coi như một người bình thường làm công ăn lương, có thể kiếm tiền từ chính năng lực chứ không phải sự thương hại. Cô chỉ mong có vậy.
Khi tình yêu kết trái
Từ lúc yêu cho đến giờ đã là vợ chồng, mỗi cuối tuần, Bảo vẫn giữ thói quen đưa Thu đi xem phim hay ngồi cafe để thay đổi không khí. Dù thỉnh thoảng vẫn có người hướng ánh mắt tò mò đến sự khác biệt ở đôi chân, hai vợ chồng vẫn thấy bình thường vì đã quen với điều đó.
Trong một lần chơi trò gắp thú, vì Thu thích chuột bông, Bảo kiên trì đứng gắp bằng được để tặng cô. Anh nói đùa với vợ, lúc đó vẫn còn là người yêu, rằng: “Năm nay chúng mình mà có chú chuột thật thì vui nhỉ!”.
Nghe câu đùa của Bảo, Thu chỉ cười. Trước đây, có lúc cô nghĩ mình sẽ không lập gia đình, bởi không muốn trở thành gánh nặng cho người khác, phần vì lo bản thân khiếm khuyết, sau này khó sinh con.
Hơn nửa tháng sau khi cưới, Thu thấy mệt trong người và bị cảm cúm nhẹ trong lúc đi làm. Đồng nghiệp khuyên cô về kiểm tra vì biểu hiện giống như đang mang bầu. Đắn đo nguyên một ngày, Thu nhắn tin cho chồng mua que về thử.
Cầm trên tay kết quả, Thu run run, gọi với ra phía chồng. Bảo bật dậy, chẳng kịp xỏ chân giả, tập tễnh ra chỗ vợ, căng mắt nhìn vào 2 vạch nhỏ lờ mờ trước mắt.
Thế là mặc cho trời đã tối khuya, hai vợ chồng vừa mừng vừa lo chạy ra hiệu thuốc hỏi lần nữa cho chắc chắn. Đến tận khi nghe dược sĩ khẳng định: “Hai vạch rõ thế này là có em bé rồi. Chắc chắn!”, cả Thu và Bảo mới thực sự vỡ òa.
Bảo nghĩ ngay đến xin nghỉ việc ngày hôm sau để dành thời gian đưa Thu đi viện khám. Đó cũng là lần đầu tiên, anh nhìn thấy hình ảnh đứa con bé nhỏ hiện trên màn hình.
Bác sĩ nói em bé vừa nặng 10 gram. Nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ là món quà không gì sánh bằng mà Bảo và Thu nhận được.
Gần đây, Bảo tìm mua sách dành cho phụ nữ mang thai, từ cách chăm sóc, chế độ dinh dưỡng cho mẹ, cho bé… tất cả đều được anh mày mò tìm hiểu mỗi ngày. Chàng trai còn tự tay chuẩn bị đồ ăn chính, ăn vặt, thực phẩm chức năng mỗi ngày cho vợ.
“Con yêu của mẹ, trước ngày có con, mẹ đã cảm nhận được, ba con là một chàng trai tốt, kiên nhẫn và vô cùng thương mẹ. Nhưng chỉ đến khi mang thai con, ba mới có cơ hội thể hiện cho mẹ con mình biết, ba còn tuyệt vời hơn thế nữa! Ba luôn nhẹ nhàng, chu đáo chăm sóc mẹ, cho dù mẹ mệt mỏi nên hay càu nhàu, cáu gắt nhiều hơn. Ba còn giúp mẹ massage nữa, đôi tay thô vụng vẫn rất dịu dàng…”, Thu xúc động nhắn nhủ tình yêu bé bỏng đang ngày một lớn trong cơ thể mình.
Ngày trước, Thu là cô gái tinh nghịch, hoạt bát nhưng từ khi có con, bản năng làm mẹ bỗng khiến cô trở nên nhẹ nhàng, đi đứng, ăn uống đều chú ý hơn. Cô gái 26 tuổi từng mang chân giả đi làm cho thuận tiện, nhưng giờ bầu bí, đai thắt vào bụng không tốt nên cô chuyển sang dùng nạng.
Lần đi khám thai vừa rồi, bác sĩ nói em bé có chỉ số bình thường, phát triển đầy đủ. Chỉ nghe có vậy, đôi vợ chồng trẻ đều rơi nước mắt vì hạnh phúc.
Tình yêu cổ tích của Thu và Bảo đã đơm trái ngọt. Trong ngày tháng tới, cuộc sống của họ sẽ bận rộn hơn, vất vả hơn trước kia, nhưng chắc chắn không thể vơi đi hạnh phúc và tiếng cười ngập tràn.
Clip cụ bà U60 ung dung trượt patin bằng một chân như "múa đường quyền" gây bất ngờ khắp cộng đồng mạng
Sự dẻo dai của cụ bà khi trượt patin đã khiến giới trẻ vô cùng thích thú và ngạc nhiên!
Cách đây ít giờ, mạng xã hội xôn xao trước đoạn clip ghi lại khoảnh khắc cụ bà tuổi đã cao nhưng trượt patin rất chuyên nghiệp.
Clip cụ bà lướt patin nhanh trên sân với động tác rất tự tin và chuyên nghiệp khiến cư dân mạng không ngớt sự ngạc nhiên và thán phục.
Nội dung đoạn clip ghi lại cho thấy, một cụ bà mặc quần đen, áo hoa tối màu đang di chuyển cực kì uyển chuyển và dẻo dai trên đôi giày patin. Trong lúc trượt, cụ bà còn thay đổi khá nhiều động tác khó mà có lẽ cả những bạn trẻ cũng khó lòng thực hiện được.
Cụ bà không chỉ trượt patin thành thục mà còn liên tục thể hiện thành công những động tác khó. Ảnh cắt từ clip
Lúc thì cụ đi bằng 1 chân, giữ thăng bằng, lúc thì di chuyển nhanh, lúc lại làm nhiều động tác "khó nhằn" khác. Chính sự dẻo dai và khéo léo của cụ bà đã khiến dân mạng vô cùng thích thú và thán phục.
Ngay sau khi đăng tải, đoạn clip ngắn này đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của hàng nghìn cư dân mạng. Rất nhiều người thán phục và kinh ngạc trước sức khỏe, sự dẻo dai cũng như tinh thần yêu thể thao của bà cụ:
- "Phục cụ quá, sao con tập mãi vẫn chưa đi được mà cụ trượt như dân chuyên nghiệp vậy".
- "Không biết cụ học cái này lâu chưa mà chuyên nghiệp quá. Cụ cũng rất dũng cảm nữa, con tuy còn trẻ mà không dám trượt như cụ".
- "Quá dẻo dai và ấn tượng, nếu có cuộc thi chắc cụ sẽ giành giải nhất mất".
Bên cạnh những lời ngợi khen, cũng là lời bày tỏ sự quan ngại khi cụ cao tuổi mà trượt patin, nếu chẳng may bị ngã sẽ rất dễ chấn thương thì rất khó lành:
- "Nhìn cụ trượt giỏi quá nhưng cũng lo, cụ tuổi chắc cũng cao rồi, nhỡ may ngã hay chấn thương thì khó lành lắm".
- "Nhìn ấn tượng thật, nhưng mình lo nhỡ gặp chấn thương thì lại khổ con, khổ cháu ấy ạ".
Mặc dù chưa xác định được danh tính của cụ bà, song màn biểu diễn trượt patin điệu nghệ của cụ vẫn đang khiến dân mạng xôn xao bàn tán.
Thương tâm vợ hiệp sĩ đường phố một mình bươn chải, vay mượn tiền để chồng đi bắt cướp Vợ chồng ông Hoàng - bà Xí và câu chuyện đằng sau những nghĩa cử cao đẹp, giúp đỡ người khác khiến Ốc Thanh Vân nghẹn ngào cảm phục. Ông Trần Văn Hoàng làm nghề lái xe ôm, ông tham gia bắt cướp từ những năm 1995 và được mọi người yêu quý gọi cho cái tên "hiệp sĩ đường phố" cùng nhiều...