Mánh “dìm” đối thủ mua game online của NPH Việt Nam
Không ít những game online đang trên đường về với dải đất hình chữ S đã và đang được cùng lúc nhiều nhà phát hành đàm phán một cách độc lập với đơn vị sở hữu bản quyền phát hành tại nước sở tại.
Làng game Việt từ trước tới nay luôn là nơi những chiêu thức thậm chí là “mánh khóe” cạnh tranh của các nhà phát hành để có được lợi thế cũng như lợi nhuận cao hơn so với đối thủ được dịp tha hồ “tỏa sáng”.
Trước đây chúng ta đã có những bài viết phân tích những mánh cạnh tranh không đẹp đẽ lắm của các NPH, từ việc sử dụng những cái tên sốc, độc, đôi khi có phần phản cảm, hay mua quảng cáo trên adword để game thủ bị nhầm lẫn lúc tìm kiếm thông tin về một tựa game, thu hút nhân tài của đối thủ, đến cả việc… mạo danh nhà phát hành khác để đàm phán mua game online tại thị trường nước ngoài…
Trong thời điểm game online tại Việt Nam đã chính thức có những chế tài quản lý việc phát hành, cũng là lúc các nhà phát hành game online trong nước bắt đầu dám để ý tới những game online có chất lượng tại các thị trường nước ngoài (thường thì vẫn là Trung Quốc), thay vì phải chịu quẩn quanh với những webgame nhàm chán và dễ khiến game thủ bội thực, từ đó có cái nhìn khác về NPH.
Chính vì thế một hình thái cạnh tranh khác của một số nhà phát hành trong nước cũng dần hình thành. Trong những bài viết trước đây mà GameK có đề cập, không ít những game online đang trên đường về với dải đất hình chữ S đã và đang được cùng lúc nhiều nhà phát hành đàm phán một cách độc lập với đơn vị sở hữu bản quyền phát hành tại nước sở tại.
Điều này có nghĩa là, một tựa game đôi khi (có vẻ như đã) trở thành mục tiêu của nhiều NPH, tất cả (lại có vẻ như) đều muốn đưa tựa game này về mái nhà của chính mình bằng mọi giá. Thế nhưng liệu có đôi chút phi lý, khi số lượng những game online được đánh giá tích cực tại thị trường Trung Quốc là không hề nhỏ, thế nhưng vì sao các nhà phát hành lại cố gắng giành giật với nhau một tựa game online?
Video đang HOT
Kỳ thực, theo đại diện một số NPH game Việt, đây là một chiêu thức “dìm” đối thủ mới của một bộ phận những cái tên đã trở nên quen thuộc trên bản đồ MMO Việt. Thông thường, sau khi “đánh hơi” thấy mục tiêu mà một nhà phát hành đối thủ đang nhắm tới, một số nhà phát hành Việt Nam cũng sẽ bước vào một cuộc đua ảo mà chính họ đã tạo nên.
Họ vẫn sẽ ngồi vào bàn đàm phán với đơn vị nắm giữ bản quyền, phía đối tác. Tuy nhiên mục đích của những nhà phát hành này hoàn toàn không phải để nẫng tay trên tựa game đầy hứa hẹn nọ, mà đơn thuần chỉ là gây khó khăn cho nhà phát hành thực sự mong muốn phát hành sản phẩm này.
Việc cùng lúc phải đàm phán với nhiều bên chắc chắn sẽ khiến quá trình đạt được thỏa thuận hợp tác giữa hai phía, với một bên là nhà phát hành game online Việt Nam bị đình trệ. Chưa dừng lại ở đó, việc đàm phán cũng vô tình tạo ra tình trạng khi đơn vị sở hữu bản quyền luôn muốn bán tựa game cho bất kỳ bên nào sẵn sàng trả cái giá cao nhất để sở hữu tựa game của mình.
Ở một chừng mực nhất định, cạnh tranh là chất xúc tác hoàn hảo để thúc đẩy thị trường phát triển. Thế nhưng quá chú tâm vào việc gây khó dễ đối thủ, không chừng hệ quả sẽ là gậy ông đập lưng ông. Hãy nhớ rằng, trong “cuộc chạt đua ảo” mà tôi đề cập ở trên, chỉ có nhà phát hành Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán với bên Trung Quốc.
Vì tựa game sẽ được bán cho phía trả giá cao nhất, vì thế các nhà phát hành game online Trung Quốc sẽ chẳng ngại ngần gì mà không ép giá các NPH Việt chúng ta. Từ đó những kẻ hưởng lợi hoàn toàn không phải là các nhà phát hành “phá game”, mà đó chính là những người Trung Quốc. Hãy nhớ có một dịp, chúng ta đã bàn về vấn đề một tựa game khi bán cho thị trường Thái Lan với mức giá chênh lệch rẻ hơn gấp nhiều lần khi bán cho NPH Việt chúng ta.
Rõ ràng chiêu bài “dìm dập” đối thủ này của một số nhà phát hành game online Việt Nam lại dấy lên những lo ngại về những chiêu trò cạnh tranh mang tính lợi bất cập hại hiện nay. Hệ quả của chúng đôi khi khá giống với việc sử dụng những teaser 18 chẳng hạn, khi sẽ chỉ có làng game Việt nói chung phải chịu thiệt hại nặng nề.
Theo VNE
Game Trung Quốc nói thách giá gấp 5 lần khi bán sang Việt Nam
Thách giá cực cao là tình trạng chung mà dân chuyên mua bán game Trung Quốc về Việt Nam vẫn biết, tuy vậy không phải NPH nào cũng sáng suốt khi trả giá cho đối tác.
Mua game là câu chuyện muôn thuở với thị trường Việt Nam khi mà suốt 1 thập kỷ qua chúng ta chủ yếu nhập game Trung Quốc. Chính vì vậy, đối với nhiều NPH thì lâu nay việc tìm và mua trò chơi từ quốc gia này không khác mấy so với một cái chợ, cũng có săn hàng, ngã giá, khích tướng và lừa đảo.
Trong số trên thì việc ngã giá game online thường là khâu căng thẳng và mất thời gian nhất, đơn giản vì thường thì các NPH Việt Nam hay cùng nhắm đến các game online có vị thế cao tại Trung Quốc. Dĩ nhiên chuyện này là hoàn toàn dễ hiểu, nhưng nó lại tạo điều kiện cho các đối tác tha hồ "nói thách" giá lên cao chót vót.
Game Trung Quốc thường nói thách giá 4, 5 lần khi Việt Nam muốn mua.
Theo trao đổi giữa GameK với một chuyên gia trong ngành game nội địa, lúc này thường đi mua game Trung Quốc phải rất "tỉnh" nếu không muốn bị mua hớ. Đơn cử như việc các webgame 2D mang giá trị thực từ 15.000 USD ~ 20.000 USD (400 triệu VNĐ ) nhưng sẽ được rao với giá lên đến... 80.000 USD (1,7 tỷ VNĐ), tức là nói thách gấp từ 4 đến 5 lần.
"Webgame 2D hiện tại không còn có giá cao như trước, thế nhưng các hãng game Trung Quốc vẫn cố tình đẩy giá cao lên để hưởng lợi. Chuyện này có lẽ một phần vì xưa nay Việt Nam bị mua hớ nhiều nên họ nghĩ mình dễ bị lừa", một đại diện NPH Việt tâm sự. Cũng theo vị này thì hiện tại Trung Quốc cứ ra giá 10 phần thì chỉ cần trả giá 2, 3 phần cũng vẫn mua thành công.
Với các webgame 3D cũng vậy, giá trị thực của chúng chỉ trên dưới 80.000 USD nhưng dễ bị đội lên 120.000 USD đến 200.000 USD là thường. Vấn đề ở chỗ nhiều NPH lớn tại Việt Nam vì có quá nhiều tiền nên họ sẵn sàng vung tay để đè bẹp đối thủ đang cùng tranh chấp hợp đồng, vô hình chung dẫn đến giá game bị đội lên khủng khiếp.
Ngoài ra, một thông tin cũng khá thú vị nữa là giá mua nhiều webgame Trung Quốc bây giờ còn thấp hơn so với game online cho mobile. Theo chia sẻ, một game mobile tại đây có giá ít nhất cũng phải 100.000 USD, đơn giản vì triển khai game mobile thường dễ dàng hơn mà thu tiền cũng nhanh hơn so với game trên PC.
Dù mua đắt hay hớ, game về Việt Nam vẫn dễ lãi cao.
"Để mua game rẻ, thường các NPH tầm trung và nhỏ tại Việt Nam phải chịu khó tìm đến các NSX còn non trẻ của Trung Quốc. Họ chưa từng bán game ra ngoài nên sẽ đưa ra mức giá cực mềm, đó cũng là lý do vì sao gần đây nhiều game còn đang phát triển đã được đặt bút ký hợp đồng giữ chỗ sẵn rồi", chuyên gia cho biết thêm.
Điểm đáng chú ý ở đây là nhiều game dù bị mua thách với giá đội lên nhiều lần, nhưng về Việt Nam vẫn thu hồi vốn và có lãi rất nhanh.
Theo VNE
Việt Nam xuất hiện thủ đoạn mạo danh NPH để đi mua game Việc mạo danh nếu không bị vạch trần và ngăn chặn sớm sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường cho cả ngành game Việt Nam. Rất tiếc, đến cả NPH lớn cũng không từ thủ đoạn này. Cạnh tranh luôn là động lực tốt để thị trường phát triển, thế nhưng không phải lúc nào các chiêu bài cạnh tranh cũng lành mạnh....