Mạnh dạn bán doanh nghiệp nhà nước
Thảo luận tại hội trường ngày 2.11 về ngân sách, các đại biểu Quốc hội cho rằng với mức hụt thu 63.630 tỉ đồng, năm nay thực sự là một năm buồn. Nhiều ý kiến đã đề xuất những giải pháp đột phá để cải thiện lại nguồn thu.
ĐB Trần Du Lịch phát biểu tại phiên thảo luận – Ảnh: Ngọc Thắng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: “Nguyên nhân khiến ngân sách năm nay hụt thu 63.630 tỉ đồng do chúng ta xây dựng dự toán quá cao. Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP không đạt như kế hoạch, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) hết sức khó khăn. Nhưng cũng do việc quản lý chi tiêu chưa chặt chẽ, điều hành có lúc chưa hiệu quả, để cho một số đối tượng lợi dụng, gian lận và trốn thuế”.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay tại 63 địa phương đã có ban chỉ đạo thu ngân sách từ nay đến cuối năm. 9 tháng vừa qua, ngành thuế đã kiểm tra hơn 43.000 DN thu lại cho ngân sách 8.916 tỉ đồng, giảm lỗ 7.970 tỉ đồng… Ngành cũng phối hợp với công an xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm. Riêng giai đoạn 2007 – 2012 đã xử lý hơn 14.000 vụ vi phạm, xử lý hình sự hơn 200 vụ”.
Sử dụng đồng tiền của dân minh bạch
Video đang HOT
ĐB Trần Du Lịch cho rằng sau nhiều năm, chưa bao giờ nền kinh tế, đất nước phát triển, có vị trí như ngày hôm nay. Nhưng ông cũng đặt câu hỏi: Tại sao trong bối cảnh như vậy, ngân sách lại rơi vào tình trạng “giật gấu vá vai”? Và ông cho rằng, nguyên nhân là do cơ chế phân bổ ngân sách xin – cho tồn tại quá lâu, không phân định rạch ròi giữa ngân sách T.Ư, địa phương. Cùng với đó, chi ngân sách theo kiểu “vung tay quá trán”, bộ máy mở rộng quá lớn dẫn tới cồng kềnh, mọi ngành, mọi cấp “đẻ” ra quá nhiều ghế. Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (QH) Thanh Hóa Lê Nam cũng nói QH thông qua nhiều luật, và mỗi lần ban hành thì bộ máy lại phình ra, lại tăng thêm ngân sách. Qua tiếp xúc, cử tri phản ánh tình trạng “ra ngõ là gặp chủ tịch”, các hội ngành nghề thành lập quá nhiều.
Tôi đề xuất cổ phần hóa các tổng công ty như nhà máy bia, nước giải khát, may mặc, da giày… chứ không chỉ cổ phần công ty con, thoái vốn để lấy tiền đầu tư cho các công trình bức xúc về giao thông
Dẫn con số hụt thu, ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định) băn khoăn tại sao báo cáo Chính phủ không thấy đánh giá nguyên nhân chủ quan, chỉ thấy đề cập khách quan. “Phải chăng tình trạng chuyển giá, buôn lậu, trốn thuế, nợ đọng thuế… theo Chính phủ cũng là khách quan. Theo tôi, Chính phủ mà trực tiếp là Bộ Tài chính cần cầu thị, thẳng thắn nhận trách nhiệm yếu kém tồn tại chủ quan của mình trong năm 2013, trên cơ sở đó làm bài học trong năm 2014″, ông nói.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh nhìn nhận: “Các ĐB băn khoăn việc phát hành trái phiếu phải có địa chỉ cụ thể, tôi thấy hoàn toàn chính đáng. Theo tôi phải nên công khai toàn bộ trước QH vì không có lợi ích nào tốt hơn việc sử dụng đồng tiền nhân dân minh bạch, tốt nhất”. Bộ trưởng cho biết, trong tổng số 170.000 tỉ đồng vốn trái phiếu tăng thêm, Chính phủ đang chỉ đạo rất tích cực. Thứ nhất ưu tiên cho QL1 và QL14, hai dự này đã có danh mục chi tiết. Thứ hai là các dự án nằm trong giai đoạn đang đầu tư dở dang trong 2012 – 2015, trong đó có một dự án mới nằm ngoài là Sông Hậu. Đây là dự án duy nhất giãn hoãn được Chính phủ trình QH, nếu được thông qua tổng vốn đầu tư là 9.000 tỉ đồng. Nhưng vì quá lớn nên trước mắt Bộ GTVT chỉ làm giai đoạn 1 là hơn 6.000 tỉ đồng. Còn lại, 66.000 tỉ đồng sẽ bố trí cho các dự án dở dang. “Danh mục này còn hơn 800 dự án dang dở, Chính phủ đã trình QH và không bổ sung thêm một danh mục nào. Hiện Bộ đang cùng địa phương rà soát chốt lại tổng mức đầu tư còn thiếu. Các ĐB không nên quá lo về chuyện có danh mục mới. Ủy ban Tài chính – Ngân sách QH tới đây sẽ họp để thông qua”, Bộ trưởng nói.
Cổ phần hóa bia, nước giải khát, may mặc…
Ủng hộ việc cần thiết phải tăng trần bội chi lên 5,3% GDP và phát hành thêm 170.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ cho giai đoạn 2014 – 2016, nhưng ĐB Trần Du Lịch đề nghị cần lấy một phần cổ tức ở một số đơn vị nằm trong Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về để đầu tư. “Đây chỉ là tiền lẻ, còn tiền chẵn lớn hơn nhiều, đó là cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở các lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ. Tôi đề xuất cổ phần hóa các tổng công ty như nhà máy bia, nước giải khát, may mặc, da giày… chứ không chỉ cổ phần công ty con, thoái vốn để lấy tiền đầu tư cho các công trình bức xúc về giao thông”, ĐB Lịch đề xuất. Ông cũng lưu ý, cần phải đưa vần đề này vào nghị quyết của QH để Chính phủ thực hiện.
Đồng quan điểm, nhưng ĐB Trần Quang Chiểu đề nghị cần phân DNNN làm hai loại, với các DNNN cần nắm giữ vì lợi ích quốc gia không thu cổ tức, thậm chí nếu nguồn lực dồi dào phải bổ sung thêm để tăng năng lực tài chính. Nhưng với loại DN không cần nắm giữ thì phải mạnh dạn bán, thu vốn hàng chục nghìn tỉ đồng về. Bên cạnh đó tăng cường chống thất thu nợ đọng thuế, thanh kiểm tra chống chuyển giá. “Với 3 nguồn như đề xuất trên sẽ giảm được hụt thu, giảm bội chi và nợ công. Trước mắt Chính phủ trình QH ban hành nghị quyết. Năm nay ngân sách là một năm buồn, nếu làm như vậy 2014 sẽ là năm hết buồn”, ĐB nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) Trần Xuân Hòa cho rằng, chủ trương để lại lợi nhuận để các tập đoàn, tổng công ty đầu tư đã có, nay nếu thu lại chắc chắn rất khó khăn và có thể quay trở lại cơ chế xin – cho. Đặc biệt tại các dự án tập đoàn, tổng công ty đang đầu tư theo kế hoạch phê duyệt. “Vinacomin được phê duyệt kế hoạch làm Nhà máy điện Nghệ An công suất 1.200 MW, Hải Phòng 3 là 2.400 MW và dự án sắt Thạch Khê… Với các dự án này, tổng nguồn vốn đầu tư từ 36.000 – 40.000 tỉ đồng, nhưng chúng tôi phải có vốn đối ứng, chỉ 20% cũng đã 8.000 tỉ đồng. Bây giờ dự kiến bình quân lợi nhuận hằng năm để lại chưa đáp ứng được 10%. Nếu thu cổ tức về ai sẽ chịu trách nhiệm các dự án đã phê duyệt, không thực hiện đúng tiến độ. Theo tôi, không nên đưa vào dự thảo quy định này, có chăng giải thích rõ đơn vị nào có kế hoạch nhà nước giao thì không nên thu”, ông Hòa đề nghị.
Theo TNO
Giảm lương, hay công chức "cắp ô"
Để đảm bảo cân đối thu chi ngân sách năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề xuất nhiều giải pháp và đề nghị Chính phủ cho cơ chế điều hành đặc biệt. Trong đó, có cả đề xuất giảm lương cơ bản của người lao động đang hưởng lương từ ngân sách 100.000 đồng từ tháng 1-2014 trở lại mức 1.050.000 đồng từ tháng 1-2014 bằng mức trước tháng 5-2013. Đề xuất giảm lương cơ bản ngay lập tức nhận được sự phản đối của nhiều thành viên Chính phủ. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói thẳng rằng lương mới tăng được 2 tháng mà đã giảm thì phản cảm lắm!
Không chỉ là phản cảm mà còn "đi ngược chiều" khi Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI có nêu lộ trình tăng lương tối thiểu đến năm 2015 phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và điều 91 Bộ luật Lao động cũng khẳng định mức lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Theo khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì hầu như toàn bộ tiền lương, thu nhập của người lao động chi hết cho cuộc sống thiết yếu, không còn tích lũy. Từ kết quả khảo sát trên, một dự báo mức sống tối thiểu năm 2014 của 1 người lao động nuôi 1 người tại vùng I sẽ phải là: 4,113 triệu đồng/tháng!
Vẫn biết sức ép mỗi lần tăng lương rất lớn. Nếu là lương của doanh nghiệp, tăng quá cao sẽ mất sức cạnh tranh, nhà đầu tư nước ngoài băn khoăn. Còn khu vực lương dùng ngân sách nếu tăng cao thì ngân sách phải cố đáp ứng. Nhưng trong lúc đời sống khó khăn hiện nay, giá cả tăng lên, lương không tăng lên được thì không thể đặt ra vấn đề giảm lương. Những người lao động có thu nhập thấp, ngoài mức lương cơ bản, họ không có thêm thu nhập gì. Do đó, 100.000 đồng sẽ là mức giảm đáng kể, gây ảnh hưởng đến tâm lý xã hội. Và việc giảm lương chính là giảm thu nhập của người dân dẫn đến sức tiêu thụ giảm. Đây chính là nguyên nhân doanh nghiệp đã yếu do sức mua chậm, hàng tồn kho lớn, sẽ càng yếu hơn. Không giải quyết được vấn đề giải phóng hàng tồn kho, là đi ngược lại với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế; ngân sách sẽ hụt thu.
Hiện vẫn còn một số bộ phận công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về làm việc không hiệu quả trong khi bộ máy hành chính lại quá cồng kềnh. Cắt giảm biên chế hành chính bộ máy cồng kềnh, lương nhiều nhưng làm việc không hiệu quả hiện nay là việc cần làm. Có công việc mà số biên chế chỉ cần 1/2 vẫn hoàn thành, nếu giảm đi 1/2 mà tăng lương cho người lao động thực sự lên 1,5 lần thì chắc chắn sẽ ổn hơn rất nhiều.
Về đề xuất của Bộ Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định không được giảm lương vì trong 3 năm qua, lương tối thiểu tăng khoảng 35% nhưng giá cả hàng hóa, dịch vụ cũng đã tăng bằng con số này. Đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nếu còn giảm lương thì càng thêm khó khăn.
THIÊN THANH
Theo ANTD
Giá xăng đã minh bạch, giá sữa sẽ bình ổn? Giá cả luôn là mối quan tâm của người dân, đặc biệt là giá cả các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện, nước, sữa... Câu chuyện giá sữa tăng cao bất hợp lý; các tranh cãi xung quanh cách gọi tên các sản phẩm sữa, câu chuyện giá xăng tăng nhanh, giảm chậm... là những vấn đề được Bộ trưởng Bộ...