Mang thai tuổi mãn kinh: Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Kinh nguyệt đã hết, buồng trứng đã teo nhưng phụ nữ cao tuổi vẫn có thể sinh con. Công nghệ mới này đã giúp không ít người hưởng niềm vui làm mẹ ở tuổi xế chiều. Tuy nhiên, việc mang thai ở tuổi mãn kinh có rất nhiều rủi ro.
Phụ nữ tuổi mãn kinh cần có những tư vấn kỹ về sức khỏe sinh sản.
Dùng trứng của người khác
60 tuổi vẫn có thể làm mẹ, điều kỳ diệu này đã trở thành hiện thực với những người phụ nữ cao tuổi tại Việt Nam. Tất cả là nhờ những tiến bộ của y học hiện đại.
Thông tin trên đã khiến không ít người tò mò muốn tìm hiểu. Theo đó, bà Nguyễn Thị Gấm (xã Xuân Lai, Gia Bình, Bắc Ninh) đã gần 60 tuổi. Vì người con lớn ở xa nên vợ chồng bà muốn sinh thêm một đứa con nữa cho đỡ hiu quạnh.
Hy vọng mong manh nhưng vợ chồng bà vẫn đến Bệnh viện Bưu điện để được thăm khám và tư vấn.Trong những trường hợp này, các bác sĩ dùng phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương trứng rồi tiến hành chuyển phôi.
Mặc dù, trong quá trình mang thai, các bà mẹ lớn tuổi sẽ gặp rủi ro cao hơn nhưng nhờ được theo dõi và chăm sóc khoa học nên đã có nhiều trường hợp sinh thành công khi sản phụ có độ tuổi từ 53 – 60.
Với bà Gấm, ước mơ đã thành hiện thực khi gia đình có thêm thành viên mới. Nhờ tiến bộ của y học, các bà mẹ lớn tuổi có thể sinh ra các em bé khỏe mạnh và phát triển bình thường cả về thể chất lẫn tinh thần. Đây không chỉ là niềm vui của các cặp vợ chồng mà còn là niềm vui của ngành y tế Việt Nam.
Năm 2015, vợ chồng bà Nguyễn Thị Nguyệt (62 tuổi ở Lạng Giang, Bắc Giang) cũng đã có cậu con trai con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm. Trước đó, các bác sĩ cũng đã hỗ trợ sinh sản thành công cho một sản phụ 58 tuổi – sinh một bé trai khỏe mạnh, nặng 3,2 kg.
BS Cao Hồng Chi, Trung tâm Tư vấn Sức khỏe sinh sản, Sức khỏe cộng đồng, Hội Kế hoạch hóa gia đình cho biết, mang thai ở tuổi mãn kinh là một thành tựu của y học, song không phải ai cũng có thể mang thai vì nhiều lý do.
Ở tuổi 60, buồng trứng đã suy, không còn khả năng kích trứng, nên buộc phải đi xin trứng. Sau đó tiến hành thụ tinh với tinh trùng của người chồng và cấy vào người phụ nữ. Không có chuyện một người không còn trứng nữa mà vẫn sinh đẻ bình thường được.
Video đang HOT
Về bản chất, gen của đứa con không phải là gen di truyền từ người mẹ mang thai, mà từ người cho trứng. Việc người phụ nữ đã 60 tuổi mang thai ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Trong 3 tháng đầu, phải tiêm nhiều thuốc nội tiết để giữ thai.
“Lúc này, niêm mạc tử cung đã teo rồi, trứng không làm tổ được. Cấy phôi vào, rất khó để giữ. Nguy cơ thai không đậu là rất cao nên phải sử dụng rất nhiều thuốc nội tiết. Thuốc nội tiết làm cho khối u phát triển nhanh, nên những người có khối u như mắc bệnh u xơ tử cung chẳng hạn, là không áp dụng biện pháp này được”, BS Cao Hồng Chi cho biết.
Nhiều rủi ro
Theo BS Cao Hồng Chi, các sản phụ cao tuổi muốn mang thai thành công thì quan trọng nhất là chất lượng niêm mạc của tử cung. Việc mang thai ở tuổi mãn kinh có rất nhiều rủi ro.
Đầu tiên là sử dụng quá nhiều thuốc nội tiết có thể làm kích thích khối u phát triển, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Những biến chứng trong quá trình mang thai cũng rất dễ xảy ra. Rồi sức khỏe của người phụ nữ ở tuổi này cũng đã kém đi nhiều, khả năng vượt qua được chặng đường thai nghén cũng thấp.
Ở tuổi này các cơ quan cơ thể không còn hoạt động tốt như trước, sức khỏe nói chung cũng khó có thể bảo đảm thụ tinh nhân tạo thành công.
Ngay cả khi điều kỳ diệu xảy ra là thụ tinh nhân tạo thành công thì nguy cơ sảy thai, thai chết lưu vô cùng lớn bởi nội tiết của người cao tuổi quá kém.
Các bác sĩ không khuyến khích phụ nữ lớn tuổi mãn kinh sinh con dù thực tế về mặt khoa học có thể được. Phụ nữ mang thai và sinh con khó khăn hơn khi lớn tuổi và có thể gặp một số vấn đề sức khỏe gây nguy hiểm cho thai kỳ.
Một rủi ro nữa là chi phí để thực hiện mang thai ở tuổi mãn kinh sẽ rất lớn. BS Cao Hồng Chi cho biết, mang thai bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo thông thường, không gặp bất trắc gì, thì có giá khoảng 150 triệu đồng/lần.
Ngoài ra, còn phải đi xin trứng, với giá khoảng 30 – 40 triệu đồng/lần. Trong quá trình mang thai cũng phải sử dụng rất nhiều thủ thuật khác nhau, tổng chi phí lên đến 200 – 300 triệu đồng. Đó là trường hợp thuận lợi nhất.
Trong khi đó, rất nhiều người làm đi làm lại không thành công, thì chi phí còn cao hơn nữa.
Hiện, có một xu hướng mới đang được nhiều người quan tâm là lưu trữ trứng và tinh trùng khi tuổi còn trẻ để dự phòng cho sau này, đặc biệt là người có dự định lập gia đình muộn, người bị ung thư và cần lưu trữ trứng, tinh trùng trước khi điều trị để tránh chất lượng trứng và tinh trùng bị tổn thương…
Với kỹ thuật hiện nay, có những trường hợp trữ lạnh trứng và tinh trùng trong vòng 15 năm khi rã đông để làm hỗ trợ sinh sản thì chất lượng trứng, tinh trùng vẫn còn tốt.
Người mẹ càng lớn tuổi, nguy cơ gặp phải các biến chứng khi mang thai và sinh nở càng cao. Do vậy, những người có ý định sinh con khi tiền mãn kinh hoặc mãn kinh hãy tham khảo rất kỹ ý kiến của các chuyên gia hỗ trợ sinh sản, cũng như thực hiện đầy đủ các lời khuyên về khám sức khỏe, khám thai, sàng lọc trước sinh và sau sinh.
Mai Chi
Theo GDTĐ
Phụ nữ mang thai không nên tiêu thụ caffein: Đây là nguyên nhân
Phụ nữ mang thai được khuyến cáo nên tránh các loại đồ uống, thực phẩm chứa caffein, vậy lý do là gì?
Cafein là chất kích thích hoạt động trên não và hệ thần kinh. Tiêu thụ cafein có thể làm tăng HA (Hyaluronic acid) và nhịp tim. Đồng thời tiêu thụ một lượng lớn caffein còn có thể dẫn đến lo lắng và bồn chồn, thậm chí có thể gây nhức đầu và mất ngủ. Nếu thường xuyên thiêu thụ cafein, khi ngừng đột ngột có thể gây ra các triệu chứng cai nghiện như mệt mỏi, khó chịu rõ ràng.
Hạn chế tiêu thụ cafein trong thai kỳ là điều quan trọng giúp giảm nguy cơ các vấn đề sức khỏe cho em bé. Hàm lượng cafein cao ở phụ nữ mang thai thậm chí có thể gây sảy thai. Cafein được tìm thấy tự nhiên trong các loại thực phẩm, đồ uống như cà phê, trà, sô-cô-la,...
Hàm lượng cafein cao ở phụ nữ mang thai thậm chí có thể gây sảy thai
Cafein có tác dụng gì với cơ thể?
Cafein gây ra sự phóng thích axit trong dạ dày và dẫn đến cơn đau dạ dày. Nó cũng là một thuốc lợi tiểu giúp loại bỏ dịch cơ thể nhanh hơn. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã cảnh báo, tiêu thụ lượng cafein trên 300 mg/ngày có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai, còn tiêu thụ lượng thấp hơn khoảng 200 đến 300mg/ngày không ảnh nhiều đến khả năng này. Hầu hết các chuyên gia cho rằng phụ nữ nếu sử dụng một lượng nhỏ cafein trong thời gian mang thai cần uống đủ nước và giữ cho cơ thể đủ nước.
Hầu hết các nghiên cứu về sử dụng cafein trong thai kỳ không tìm thấy mối tương quan giữa lượng cafein và nguy cơ sảy thai cao hơn. Nhưng một số nghiên cứu kết luận rằng việc tiêu thụ một lượng lớn cafein (hơn 800 mg một ngày) cùng việc hút thuốc và uống rượu có thể làm tăng nguy cơ sảy thai ở phụ nữ mang thai.
Theo một số báo cáo khác, các bà mẹ tiêu thụ lượng cafein hơn 500 mg/ngày có khả năng sinh em bé với nhịp tim và nhịp thở nhanh hơn, những đứa trẻ này sẽ thức giấc trong một vài ngày đầu sau khi sinh.
Hầu hết các nghiên cứu này không thể tìm thấy bất kỳ mối tương quan nào giữa lượng cafein của người mẹ trong thai kỳ và hành vi hoặc khả năng học tập của trẻ em. Do đó, tiêu thụ lên đến 2 tách cà phê mỗi ngày có thể được coi là an toàn ở phụ nữ mang thai.
Ảnh hưởng của cafein lên cơ thể
Cafein tương tác với nhiều thụ thể như adrenergic, adenosine, serotonin, và các thụ thể but-amino butyric acid (GABA) cholinergic. Tiêu thụ cafein trong thời kỳ mang thai và cho con bú là một nguyên nhân gây lo ngại do về mặt lý thuyết, cafein dễ dàng vượt qua hàng rào nhau thai và trẻ không thể chuyển hóa cafein cho đến khi chúng được ít nhất 3 tháng tuổi.
Khi cafein đi qua nhau thai, tốc độ chuyển hóa của nó giảm đi trong thai kỳ. Chỉ có một lượng rất lớn cafein được xem là gây ra bệnh tật ở chuột trong bào thai, và con người rất khó có khả năng tiêu thụ nhiều cafein như vậy. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng trong hầu hết các trường hợp, cafein không phải là yếu tố duy nhất; các yếu tố khác như tuổi của mẹ, thói quen uống rượu và hút thuốc cũng đóng vai trò quan trọng.
Ngoài ra, hàm lượng caffein của các loại cà phê và trà rất khác nhau, tốc độ làm sạch cafein ở mỗi người cũng khác nhau rất nhiều.
Lời khuyên cho việc giảm lượng chất cafein trong quá trình mang thai:
- Hãy thử uống nước trái cây, nước, hoặc cà phê / trà đã tách cafein
- Cắt giảm các thức uống năng lượng có hàm lượng cafein cao
- Hỏi tư vấn bác sĩ trước khi dùng thuốc để cảm cúm hoặc cảm lạnh.
Huy Hoàng
Theo medical/vietQ
Mang thai tuần 8: Bé yêu đã dần xuất hiện những ngón tay, ngón chân bé xíu Bước sang tuần thứ 8, bạn đã gần như sắp kết thúc tháng thứ hai của thai kỳ rồi đấy. Chúc mừng mẹ và bé! Mặc dù chưa nhìn thấy rõ đâu nhưng những ngón tay ngón chân bé xíu của bé đã xuất hiện. Mẹ chắc chắn đang mong chờ đến ngày được cầm nắm đôi tay, đôi chân xinh xắn của...