Mang thai tuần 7: Em bé tăng gấp đôi kích thước so với tuần trước
Đúng là bé yêu đang lớn lên từng ngày, từng giờ. Bạn có tò mò xem tuần mang thai thứ 7 này bé và mẹ đã đạt được những mốc phát triển nào không? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
So với tuần mang thai thứ 6 thì sang tuần thứ 7 này bé đã tăng gấp đôi kích thước, nhưng không phải vì thế mà mẹ thấy cơ thể mình lộ rõ sự khác biệt đâu. Em bé vẫn chỉ như là một quả việt quất nhỏ xíu thôi nên bụng bầu của mẹ vẫn đang được “giấu” trong khung xương chậu. Mẹ hãy quan tâm đến những thay đổi khác đang diễn ra trong cơ thể mình nhé.
Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào khi mang thai tuần 7?
Cơ chế sản xuất hormone tăng cao trong tuần thứ 7 của thai kỳ; nên mẹ có thể tiếp tục gặp phải các triệu chứng thường gặp của thai kỳ như căng tức ngực, chóng mặt, thèm ăn hoặc không muốn ăn… Dưới đây là một số vấn đề thường gặp ở thai kỳ tuần 7 mẹ có thể tham khảo:
- Có thể bạn sẽ nhìn thấy những mạch máu của mình nổi rõ lên, đặc biệt là ở vùng ngực và chân. Khi bạn đứng lâu thì chân có thể sẽ sưng đau, và bạn muốn ngồi nhiều hơn trước. Hãy tranh thủ nghỉ ngơi bất cứ khi nào có thể, nâng chân lên cao khi ngồi hoặc nằm cũng sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn. Tình trạng chuột rút cũng có thể xảy ra trong tuần này.
- Hai đầu ngực của bạn có thể sẽ lớn ra và thâm lại. Có thể sẽ có cả mụn nhọt mọc quanh quầng vú giúp cho hai đầu vú của bạn sẵn sàng tiết sữa, bạn hãy mặc kệ chúng tự hết chứ đừng nên nắn bóp hoặc bôi bất cứ “kem trị mụn” nào lên. Ngoài ra nếu may mắn bạn sẽ không bị nổi mụn trên mặt – đây là hiện tượng do các hormone lúc mang thai hoạt động mạnh mẽ khiến bạn gần như quay trở lại “tuổi dậy thì”. Lưu ý khi sử dụng các sản phẩm dưỡng da, trị mụn khi đang có em bé bạn nhé.
Mẹ đang bước vào tuần mang thai thứ 7 rồi, vậy là chỉ còn 33 tuần nữa thôi.
- Âm đạo sẽ tiết nhiều dịch nhầy hơn. Điều này là bình thường trong suốt quá trình mang thai nên bạn đừng lo lắng, trừ khi nó có mùi khó chịu, chuyển màu vàng hoặc bạn có cảm giác tấy rát, đau xót – hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa ngay nếu gặp trường hợp này. Việc đi tiểu liên tục bạn cũng vẫn sẽ gặp phải trong giai đoạn này.
- Thỉnh thoảng bạn sẽ có cảm giác đau ở phần bụng dưới, cảm giác đau này nặng nề, khó chịu tương tự như cảm giác bạn gặp phải trước mỗi kỳ kinh nguyệt. Có khá nhiều phụ nữ gặp tình trạng này và đó cũng là điều bình thường trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, nếu bạn thấy đau liên tục, hoặc âm đạo của bạn bị ra máu nhiều, hay đơn giản là bạn thấy lo lắng, hãy trao đổi với người có kinh nghiệm, chuyên môn.
- Mang thai cũng sẽ làm cổ tử cung của bạn thay đổi khá nhiều. Trong giai đoạn thai kỳ 7 tuần, nút nhầy đầu tử cung sẽ phát triển. Nút nhầy đầu tử cung có nhiệm vụ bảo vệ tử cung bằng cách mở và đóng tử cung lại, ngăn không cho mầm bệnh đi vào tử cung. Nút nhầy này sẽ tồn tại cho tới khi cổ tử cung giãn nở để chuẩn bị cho quá trình sinh con.
- Nghén: Tình trạng buồn nôn, chán ăn hoặc thèm ăn vô cớ có thể xảy ra trầm trọng ở tuần thứ 7. Đa số các mẹ bầu sẽ hết tình trạng nghén này khi bước vào tam cá nguyệt thứ 2, phần ít là kéo dài lâu hơn hoặc hết cả thai kỳ, tuy nhiên mẹ không nên quá lo lắng mà hãy tìm cách để bản thân thoải mái nhất: thư giãn, chia nhỏ các bữa ăn, dùng thêm gừng, trà thảo mộc không có caffeine cũng có tác dụng tốt.
- Tâm trạng của mẹ trong tuần mang thai thứ 7 này nhìn chung cũng chưa thật sự ổn định. Điều này cũng là tất nhiên vì mẹ đang mang trong mình một mầm sống đang lớn dần với bao nhiêu mới mẻ, lạ lẫm. Trải nghiệm này chắc chắn rất đặc biệt khiến mẹ không tránh khỏi việc cảm xúc thay đổi liên tục phải không nào?
Sự phát triển của thai nhi
Video đang HOT
Ở tuần thứ 7 mang thai này, em bé của bạn có kích cỡ như một quả việt quất, dài khoảng 0.9cm đến 1.3cm – tăng gần gấp đôi so với tuần trước.
Bé yêu ở tuần thứ 7 thai kỳ này có kích cỡ bằng quả việt quất.
- Khuôn mặt của bé đang dần được hình thành, chắc hẳn bố mẹ sẽ háo hức lắm đây nhưng đừng nóng vội, ở tuần này bé mới chỉ định hình rõ hơn một chút thôi. Bé đã có mí mắt, thậm chí cả màu mắt cũng bắt đầu được xác định. Đầu mũi và các mạch màu nhỏ cũng thấy được dưới lớp da vô cùng mỏng manh của bé.
- Bộ não của bé trở nên phức tạp hơn trong tuần thứ 7 của thai kỳ. Hộp sọ hình tròn và trong suốt bắt đầu hình thành để bảo vệ bộ não. Ống thần kinh đóng kín, hai bán cầu não bắt đầu hình thành.
- Bên cạnh đó thì thai nhi tuần 7 đã có tim thai và tim đang dần phát triển ngày một phức tạp hơn. Ruột thừa và tuyến tụy cũng hình thành. Một đoạn ruột của bé phát triển thành dây rốn, có mạch máu riêng biệt giúp trao đổi oxy và chất dinh dưỡng nuôi bé trong suốt thời gian nằm trong bụng mẹ.
- Bàn tay và bàn chân nhỏ xíu như mái chèo tiếp tục nhô ra từ cánh tay và cẳng chân. Một điều đặc biệt nữa là em bé của bạn sẽ có một cái đuôi! Đây thực chất là phần nối dài của xương cụt và sẽ biến mất hoàn toàn trong vài tuần tiếp theo.
Xương cụt kéo dài như cái đuôi của bé sẽ dần mất đi
Những điều mẹ cần lưu ý khi mang thai tuần 7
Giữa tuần thứ 5 và 8 của thai kỳ, dinh dưỡng đóng một vai trò lớn trong quá trình phát triển hệ thần kinh, tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn và sinh sản của bé. Vào tuần thứ 7 của thai kỳ, mẹ cần tiếp tục xác định dinh dưỡng là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu để đảm bảo bé yêu ra đời trọn vẹn. Sắt và acid folic vẫn luôn được bổ sung đầy đủ trong giai đoạn này, mẹ bầu đừng quên nhé!
Để tránh tình trạng tê sưng đau hay chuột rút chân, mẹ nên thư giãn và tránh việc ngồi quá lâu một chỗ. Đối với các mẹ bầu làm công việc văn phòng thì sau 1-2 tiếng làm việc trước máy tính nên di chuyển mắt cũng như thư giãn tay chân.
Mẹ bầu khi hãy thư giãn và luôn vui vẻ nhé.
Hãy học cách “chung sống hòa thuận” với tình trạng ốm nghén khi mang thai. Tham gia các lớp học tiền sản, các câu lạc bộ chị em đang mang thai cũng là cách để bạn học thêm được nhiều kinh nghiệm bổ ích từ người đi trước.
Kết thúc tuần 7 với rất nhiều thông tin thú vị, bạn và bé yêu hãy cùng nhau bước vào tuần mang thaithứ 8 nhé!
Theo Helino
Mang thai tuần 6: Bé yêu chỉ bằng hạt đậu nhưng tim đập nhanh gấp đôi bạn!
Quả thật là một điều kì diệu đúng không nào? Bé con đã phát triển vượt bậc so với tuần trước rồi, ở tuần thai kỳ thứ 6 này bé sẽ không ngừng làm mẹ ngạc nhiên về những thay đổi của mình đấy.
Tuần thứ 6 vẫn được coi là giai đoạn đầu mang thai, dù bụng bạn có vẻ phình to hơn đôi chút nhưng bạn vẫn chưa ra dáng một "bà bầu" đâu. Thay vào đó các dấu hiệu thay đổi bên trong mới thật sự khiến bạn bận tâm.
Mẹ bầu tuần thứ 6 vẫn chưa ra dáng "bà bầu".
Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào khi mang thai tuần 6?
Những cảm giác khó chịu khi mang thai sẽ xuất hiện nhiều hơn trong tuần này. Mẹ hẳn sẽ cảm thấy rất uể oải khi cơ thể đang phải điều tiết cho phù hợp với các nhu cầu của thai kỳ tuần thứ 6, có những ngày mẹ sẽ cảm thấy như chưa được ngủ chút nào, hoặc ngủ vẫn chưa đủ. Ngực trở nên đau, nhạy cảm hơn.
Triệu chứng ốm nghén ập đến bất cứ lúc nào khiến mẹ mệt mỏi, buồn nôn. Ước tính đến khoảng 70-80% phụ nữ mang thai bị buồn nôn ở một mức độ nào đó trong ba tháng đầu của thai kỳ nên mẹ hãy chọn các thức ăn dễ tiêu hóa, không nên cố ép bản thân và tránh bỏ lỡ các bữa ăn để tránh tình trạng hạ đường huyết.
Chia nhỏ các bữa ăn sẽ giúp mẹ bầu dễ tiêu hóa và giảm tình trạng ốm nghén khi mang thai.
Ngoài ra hiện tượng đi tiểu thường xuyên khiến mẹ cảm thấy khá là bất tiện. Nguyên nhân của hiện tượng này là do thận của mẹ phải làm việc vất vả hơn để đưa chất thải ra khỏi cơ thể. Bên cạnh đó từ tuần thứ 6 trở đi, bạn có thể cảm nhận chút đau ở dưới thắt lưng mà trước khi có thai bạn chưa từng bị. Đây là do áp lực từ tử cung đang lớn dần gây tác động lên cột sống phía dưới. Những cơn đau lưng sẽ đến rồi đi trong suốt thai kỳ, bạn đừng nên dùng đến thuốc giảm đau mà hãy tranh thủ nghỉ ngơi thư giãn.
Bụng của bạn sẽ lớn hơn một chút, vòng eo sẽ dày hơn bình thường. Tâm trạng của mẹ sẽ tiếp tục không ổn định, thay đổi nhanh chóng mặt nên hãy cố gắng thư giãn nhé.
Sự phát triển của thai nhi
Ở tuần thứ 6, em bé có kích thước tương đương một hạt đậu. Chiều dài trung bình của thai nhi tuần thứ 6 là khoảng 5-8mm và sẽ tăng gấp đôi trong tuần tới!
Cụ thể hơn, thai 6 tuần, thai nhi phát triển như thế này rồi đây:
Một khuôn mặt rõ ràng đã xuất hiện: nhìn hình ảnh siêu âm thai 6 tuần tuổi bạn sẽ thấy ngạc nhiên vì bé có một cái đầu "quá khổ", trán rất to, còn thân mình thì bé xíu. Đây là tuần cho những sự phát triển quan trọng: mũi, miệng và tai. Đôi tai đang phát triển được đánh dấu bằng chỗ lõm nhỏ ở 2 bên đầu. Những đốm đen nơi mắt và lỗ mũi của bé bắt đầu hình thành; Đôi mắt lúc này còn ở vị trí khá xa nhau, gần về phía hai bên thái dương hơn. Khuôn miệng bé đã có lưỡi và các dây thanh âm hình thành.
Kích cỡ của em bé ở tuần mang thai thứ 6 chỉ như một hạt đậu mà thôi.
Thai 6 tuần tuổi đã có tim thai và có thể phát hiện được thông qua siêu âm. Nhịp tim đang đập với tốc độ gần gấp đôi nhịp tim bình thường của mẹ, khoảng từ 100-160 lần/phút đưa máu chảy đi khắp cơ thể tí hon của bé. Bàn tay và bàn chân bé đang nhô ra từ cánh tay và cẳng chân, trông khá giống những mái chèo với lớp màng giữa các ngón. Cả hai bán cầu não của bé đang phát triển, gan đang tạo ra tế bào hồng cầu cho đến khi tủy xương hình thành và đảm nhận vai trò này. Ruột của bé cũng đang phát triển và phổi cũng xuất hiện. Tuyến yên hình thành, cũng như phần còn lại của não, cơ và xương
(1) Khuôn mặt bé đang thành hình (2) Bên trong khuôn miệng tí hon (3) Tim đập nhanh (4) Tay và chân nhú ra.
Những điều mẹ cần lưu ý khi mang thai tuần 6
Ngoài những thay đổi về cơ thể mẹ bên trên thì một số mẹ cũng có những dấu hiệu đau bụng và ra máu. Ở tuần thứ 6 hay bất kỳ tuần nào trước đó, việc đau bụng và ra máu là khá bình thường, tuy nhiên nếu bạn cảm thấy trầm trọng hơn và quá lo lắng thì hãy tìm đến sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Mang thai tuần thứ 6 nên ăn gì? Phần lớn các bà mẹ mới có thai đều băn khoăn về chế độ dinh dưỡng khi đang có em bé. Mẹ nên nhớ rằng hãy cứ ăn cho chính mình, đừng vì con mà ăn cho 2 người, mỗi ngày mẹ chỉ nên nạp 2.000 calories là đủ và điều quan trọng chính là sự cân bằng chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cũng như các tuần trước đó mẹ nên tiếp tục tránh xa các chất kích thích, giữ một lối sống lành mạnh, vận động nhẹ nhàng nếu có thể để đảm bảo sức khỏe tốt nhất bước vào tuần mang thai thứ 7 tiếp theo.
Theo afamily
Dấu hiệu sớm nhận biết có thai Bà bầu thường buồn nôn, căng tức ngực, tăng tiết nước bọt, mệt mỏi... trong tháng đầu thụ thai. Ảnh minh họa Bác sĩ Trịnh Thị Thúy, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội gợi ý một số dấu hiệu có thai tháng đầu tiên, để thai phụ có cách chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Buồn nôn Một buổi sáng...