Mang thai sớm – thực trạng báo động ở tuổi vị thành niên
Mang thai sớm là thực trạng mà trẻ em gái vị thành niên trên toàn thế giới đang phải đối mặt. Tại Việt Nam, tình trạng vị thành niên, thanh niên quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn và mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục đang có xu hướng gia tăng.
Hậu quả của việc mang thai ở tuổi vị thành niên sẽ theo các em suốt cuộc đời, ảnh hướng tới con cái của các em và thế hệ sau này.
Nhân viên y tế Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản (Sở Y tế Hà Nội) tư vấn sức khỏe sinh sản cho vị thành niên. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN
Tỷ lệ phá thai vị thành niên gia tăng
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), hàng năm có khoảng 16 triệu em gái trong độ tuổi từ 15-19 sinh con, cứ 10 trẻ vị thành niên thuộc nhóm này thì có 9 em đã lập gia đình. Các biến chứng khi mang thai và khi sinh tiếp tục là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong mẹ với các em gái tuổi từ 15 – 19 ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Năm 2008, ước tính số ca nạo thai không an toàn ở vị thành niên trong độ tuổi từ 15 – 19 tại các nước đang phát triển là khoảng 3 triệu ca.
Trên toàn cầu, cứ 3 nữ thanh niên trong độ tuổi từ 20 – 24 thì có 1 người (tương đương với khoảng 70 triệu người) kết hôn trước lần sinh nhật thứ 18. Nếu xu hướng hiện nay không được cải thiện thì trong vòng một thập kỷ tới sẽ có 142 triệu trẻ em gái kết hôn trước khi bước sang tuổi 18 (tính tới thời điểm năm 2020). Điều này có nghĩa là mỗi năm sẽ có 14,2 triệu trẻ em gái, hay mỗi ngày sẽ có 39.000 trẻ em gái kết hôn trước khi bước sang tuổi 18.
Tại Việt Nam, năm 2011, tỷ lệ có con trong nhóm dân số vị thành niên là 46/1000. Tỷ lệ này cao hơn ở các nhóm dân số có trình độ học vấn thấp, mức sống thấp, các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm dân cư sống tại các khu vực trung du và miền núi phía Bắc và các khu vực nông thôn. Tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên của Việt Nam cũng cao hơn so với nhiều quốc gia khác ở châu Á.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do tảo hôn và quan hệ tình dục trước hôn nhân; các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục còn chưa được phổ biến rộng rãi; thiếu những hiểu biết sâu và những số liệu thống kê chính thức về tình trạng mang thai, tỷ lệ phá thai và tình trạng sinh con sớm ở tuổi vị thành niên…
Video đang HOT
Kết quả điều tra quốc gia vị thành niên và thanh niên lần thứ 2 (SAVY 2) thực hiện năm 2009 cho thấy: 17% số thanh niên đã lập gia đình, khoảng 44% thanh niên và vị thành niên trong độ tuổi từ 14 – 25 chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân. Ước tính tỷ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên chiếm 20% tổng số ca phá thai ở Việt Nam. Hơn 1/3 số thanh niên và vị thành niên được phỏng vấn cho rằng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục không dễ dàng, đặc biệt là ở vùng nông thôn và các khu vực người dân tộc thiểu số sinh sống.
Hậu quả từ việc mang thai sớm
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định: Hiện nay, trên thế giới có khoảng hơn 500 triệu trẻ em gái đang sinh sống tại các nước đang phát triển. Các em đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mà tự mình không thể giải quyết được; đặc biệt là thường phải lập gia đình khi còn nhỏ tuổi, phải mang thai và sinh con khi các em chưa thực sự trưởng thành về mặt thể chất, tình cảm và chưa trưởng thành về mặt xã hội để sẵn sàng làm mẹ.
Theo UNFPA, một số rủi ro thường xảy ra khi sinh con ở tuổi vị thành niên bao gồm nguy cơ sinh non, sinh nhẹ cân, thai lưu và chết sơ sinh cao. Trẻ sinh ra bởi các bà mẹ tuổi vị thành niên có nguy cơ tử vong cao hơn so với bà mẹ trên 20 tuổi. So với các bà mẹ sinh con khi ngoài 20 tuổi, nguy cơ tử vong do thai sản đối với các bà mẹ trong nhóm tuổi từ 15- 19 cao gấp 2 lần và cao gấp 4 lần đối với nhóm các em gái sinh con dưới 15 tuổi. Các bà mẹ vị thành niên có nguy cơ thiếu máu cao gấp 3 lần so với các nhóm khác.
Bên cạnh đó, kết hôn sớm cũng khiến các em phải chịu áp lực trong sinh nở, chăm sóc con cái và gia đình khi các em chưa đủ trưởng thành. Những trẻ em gái vị thành niên thuộc nhóm thiệt thòi, không được đến trường, phải kết hôn sớm và sống trong các hộ gia đình nghèo thường là những đối tượng hứng chịu các hành vi có hại, dễ bị bạo lực và cưỡng bức tình dục.
Truyền thông thay đổi hành vi
Ông Arthur Erken, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: Mang thai tuổi vị thành niên không chỉ là vấn đề về sức khỏe mà còn là vấn đề phát triển. Nguyên nhân của thực trạng này là từ nghèo đói, bất bình đẳng giới, bạo lực, kết hôn sớm, chưa công bằng giữa trẻ em gái và bạn trai của họ… Vấn đề này cũng thể hiện công tác bảo vệ quyền cho trẻ em gái vị thành niên chưa được tốt. Chính vì vậy ngày Dân số Thế giới năm nay tập trung vào chủ đề “Mang thai ở tuổi vị thành niên”.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) nhấn mạnh: Trước thực trạng trên, ngành y tế cần tăng tính tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng và đa dạng hóa các loại hình; quan tâm hơn nữa tới nhóm đối tượng thiệt thòi (khuyết tật, lang thang, HIV…); khuyến khích các em ở tuổi vị thành niên, thanh niên tham gia vào toàn bộ quá trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho bản thân họ. Đồng thời, nâng cao nhận thức của vị thành niên, thanh niên, thầy cô giáo và cộng đồng về sức khỏe sinh sản; giáo dục kỹ năng sống, giáo dục sức khỏe sinh sản, dự phòng HIV/AIDS cần trở thành chính khóa trong trường học. Biện pháp chủ yếu vẫn là truyền thông thay đổi hành vi…
Quỹ Dân số Liên hợp quốc khuyến nghị: Việt Nam cần thực hiện đầu tư sớm, có chiến lược vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cuộc sống của trẻ em gái vị thành niên; đồng thời bảo vệ các quyền con người cho các em; từ đó tạo ra tác động tích cực tới cuộc sống của các em, giúp làm giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên.
Bên cạnh đó, thực hiện chương trình giáo dục giới tính toàn diện kết hợp với cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản và dịch vụ phòng chống HIV cho vị thành niên như: cung cấp các biện pháp tránh thai, phòng ngừa và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV, các dịch vụ chăm sóc bà mẹ và dịch vụ sau khi nạo phá thai. Đặc biệt, cần bảo đảm rằng các dịch vụ này được cung cấp tới các em tuổi vị thành niên một cách tế nhị, bí mật, không mang tính phán xét và không phân biệt đối xử, không hạn chế về mặt pháp lý và phù hợp với các quy định quốc tế…
Theo Dantri
Giới trẻ phá thai nhiều vì "yêu" thoáng
Theo thống kê, tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên (10-19 tuổi) ở Việt Nam chiếm khoảng 20%. Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết tại buổi họp báo về Ngày Dân số Thế giới tổ chức tại Hà Nội ngày 10/7.
Ngày càng "yêu sớm"
Bác sĩ Nguyễn Đức Vinh, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ y tế cho biết), giới trẻ ngày càng có xu hướng yêu sớm và quan hệ tình dục sớm hơn. Tuy nhiên họ lại thiếu thiếu những kiến thức về tình dục và SKSS nên nhiều bạn trẻ đã nhận "trái đắng" mang thai ngoài ý muốn.
Nghiên cứu "Xác định tuổi vị thành niên có thai và các yếu tố nguy cơ tại ba bệnh viện công tại TP Hồ Chí Minh (gồm Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ và Trung tâm Sức khỏe sinh sản TPHCM) năm 2012 của bác sĩ Nguyễn Duy Tài, Trưởng bộ môn Phụ sản, Trường ĐH Y dược TPHCM, cho thấy: tuổi quan hệ tình dục của vị thành niên ngày càng trẻ hóa với tuổi quan hệ tình dục lần đầu của các em là 14 tuổi. Cá biệt có những em 10-12 tuổi đã có quan hệ tình dục trước hôn nhân và hoàn toàn tự nguyện. Trong khi đó, điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên lần 1 (công bố năm 2005) cho thấy tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở nam nữ thanh niên Việt Nam là hơn 19 tuổi, đến điều tra lần 2 (công bố năm 2010), độ tuổi này hạ xuống còn 18.
Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), tuổi vị thành niên là nhóm từ 10-19 tuổi, chiếm 1/5 dân số Việt Nam. Có nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản cần quan tâm ở lứa tuổi này, đặc biệt là tình trạng quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai khôn an toàn, mắc các bênh lây truyền qua đường tình dục ở vị thành niên, thanh niên có xu hướng gia tăng.
Nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ chí Minh về thực trạng giáo dục và trang bị kỹ năng sống về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho vị thành niên tại TP Hồ Chí Minh cũng cho kết quả tương đồng với 3,2% từng có QHTD với tuổi trung bình là 14.
Quan hệ tình dục ngày càng "thoáng" hơn nhưng lại thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản là nguyên nhân dẫn đến nhiều bạn trẻ mang thai ngoài ý muốn (Số ca nạo phá thai tuổi vị thành niên đang tăng lên với hơn 40% số ca).
Theo điều tra gần đây ở giới trẻ thành thị, chỉ có 9% nam giới được hỏi trả lời đúng về thời điểm dễ có thai trong khi tỉ lệ này ở nữ giới cao hơn gần 3 lần. Bao cao su là biện pháp tránh thai được nhiều bạn trẻ biết đến, thế nhưng vẫn có đến 34% nam giới được hỏi cho rằng nếu phụ nữ mang bao cao su là người không đứng đắn. Thậm chí số bạn trẻ cho rằng bao cao su chỉ dành cho người bán dâm hay không chung thủy không phải là nhỏ.
Theo báo cáo của Vụ sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em năm 2012 thì khoảng 3% số trường hợp có thai là thuộc nhóm vị thành niên. Khoảng hơn 2% số trường hợp phá thai là vị thành niên.
...Và hệ lụy
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, mang thai ở vị thành liên có nhiều hệ lụy, người mẹ chưa phát triển đầy đủ để nuôi dưỡng thai nhi, kéo theo nhiều nguy cơ tai biến sản khoa như:tiền sản giật, sản giật, chảy máu... cũng cao hơn. "Đối với những người mang thai tuổi 18-19 nguy cơ thai nghén cao, dễ bị các tai biến thai nghén", PGS.TS Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.
Còn theo Quỹ dân số Liên Hợp quốc, làm mẹ lần đầu khi tuổi còn quá trẻ khiến các em chịu những nguy cơ tử vong và thương tật cao. Thai chết lưu và tử vong sơ sinh chiếm hơn 50% các ca sinh của các bà mẹ dưới 20 tuổi so với những bà mẹ từ 20-29 tuổi.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, mang thai ở tuổi vị thành niên có nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân, thai lưu và chết sơ sinh cao hơn. Trẻ sinh ra bởi các mẹ vị thành niên có nguy cơ tử vong cao hơn so với các bà mẹ trên 20 tuổi. Ngoài ra, so với các bà mẹ sinh con ngoài 20 tuổi, nguy cơ tử vong do thai sản đối với các bà mẹ trong nhóm tuổi 15-19 cao gấp 2 lần và cao gấp 4 lần đối với nhóm dưới 15 tuổi. Các bà mẹ vị thành niên có nguy cơ thiếu máu cao hơn gấp 3 lần so với các nhóm khác.
Trong khi đó, số liệu quốc gia về nhu cầu chưa được đáp ứng các phương tiện tránh thai trong mỗi nhóm đối tượng (từ 15-19 tuổi; từ 20-24 tuổi) là khoảng 35%. Năm 2011, tỷ lệ có con trong nhóm dân số vị thành niên là 46/1.000, tập trung ở nhóm dân số có trình độ học vấn thấp, mức sống thấp, các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm dân cứ sinh sống tại các khu vực trung du và miền núi phía Bắc, và các khu vực nông thôn.
Chính vì những vấn đề trên đây mà Ngày Dân số thế giới 11/7 năm nay có chủ đề "Mang thai ở tuổi vị thành niên". Đó là vấn đề quan trọng và cần có những bước đi, cách làm, chiến lược truyền thông, hành động cụ thể, để làm sao tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên ngày càng giảm đi. Giảm tỉ lệ vị thành niên mang thai là bảo vệ giống nòi. Kết hôn, sinh con khi đã đủ tuổi sẽ giúp sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh hơn, có điều kiện nuôi dưỡng tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Theo Dantri
Bộ trưởng Bộ Y tế thăm ông Phan Hữu Được sau mổ Chiêu ngày 8/7, ông Phan Hữu Được được Bộ trưởng Bộ Y tế trực tiếp thăm hỏi sau khi ông vừa trải qua ca mô u gan và cắt túi mât. Bô trưởng, Thứ trưởng Bô Y tê, Giám đôc BV Viêt Đức cùng Tông biên tâp Báo Dân trí tới thăm ông Phan Hữu Được (Ảnh: Quang Phong)(Thực hiên: Quang Phong) Vào...