Mang thai ba, người mẹ đặt cược tất cả để giữ lại 3 con, trải qua vô vàn hiểm nguy và cuối cùng vỡ òa trong hạnh phúc
Mang thai ba, khi đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương khám, bác sỹ khuyên nên bỏ đi 1 thai, nhưng lúc làm xét nghiệm lại cùng trứng nên không bỏ được. Hoặc là giữ tất hoặc bỏ tất!
“Ơ, thế em đẻ làm sao được?”, là câu chị Lan (34 tuổi, hiện đang sống ở Gia Lâm, Hà Nội) hốt hoảng hỏi lại bác sỹ khi được thông báo mình mang thai ba. Giây phút ấy, chị vẫn còn nhớ mãi, bởi đó là cột mốc bắt đầu một hành trình mang thai, nuôi con như dài ra bất tận với vợ chồng chị. Nhất là khi song song với thông tin mang thai ba, bác sỹ còn chỉ ra các mối nguy hiểm với mẹ con chị như: nếu thai tách muộn có thể dính nhau, có thể mắc hội chứng truyền máu song thai làm hỏng cả ba bé,… Nhưng cuối cùng, chị Lan đã kiên gan vượt qua tất cả, để nay đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi nhìn 3 em bé sinh ba lớn lên khỏe mạnh, đã được hơn 2 tuổi và bi bô, chạy nhảy khắp nhà.
Ba anh em trai tên Khoai, Bí, Bắp nay đã được hơn 2 tuổi.
Đặt cược một mất một còn, cực khổ giữ lại cả 3 thai
Kể lại cột mốc phát hiện mang thai ba, chị Lan cho biết: “Mình mang thai ba một cách tự nhiên, dù trước đó chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ mang thai đôi, thậm chí là thai ba. Khi siêu âm lần đầu tiên, bác sỹ bảo là thai đôi, nhưng chỉ thấy rõ 1 thai, còn 1 hình ảnh nhìn mờ. Thế nhưng 1 tuần sau, bác sỹ lại bảo là mang thai ba. Mình nghe như sét đánh ngang tai. Khi đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương khám, bác sỹ khuyên nên bỏ đi 1 thai, nhưng lúc làm xét nghiệm lại cùng trứng nên không bỏ được. Hoặc là giữ tất hoặc bỏ tất!”.
Đứng trước vô vàn những nguy cơ, chỉ còn 50% cơ hội một mất một còn, dù chồng cũng khuyên rằng nên bỏ đi vì nguy hiểm đến thế, nhưng cuối cùng chị Lan đã quyết định đặt cược vào vận mệnh. Vì chị thương con quá, suy nghĩ mãi và quyết giữ lại tất. Đó là những ngày tháng chị sống trong lo sợ, run rẩy, cứ chờ đợi đến lịch gặp bác sỹ để được đi khám, nghe kết quả về các con. May mắn thay, ở mốc 7 tuần, bác sỹ bảo 3 thai không dính nhau. Vậy là chị được thở phào, nhẹ nhõm lần đầu tiên, để bắt đầu vào một hành trình dài hơi hơn phía sau…
Để được ôm 3 đứa con như thế này, chị Lan đã phải đặt cược tất cả vào quyết định giữ thai của mình.
Chồng chị Lan và 3 bé.
“Vợ chồng mình lại hồi hộp đợi chờ đến tuần 18 xem có bị mắc hội chứng truyền máu song thai hay không. Lại là những lo lắng, ác mộng, chờ đợi, sống trong bất an. Cho đến khi bác sỹ thông báo không mắc hội chứng này, mừng không để đâu cho hết. Nhưng ở tuần thai 14, mình phải khâu eo tử cung để giữ thai vì bác sỹ nói nếu không khâu, sợ thai sẽ tuột ra ngoài. Mình đã rất sợ hãi, nhưng may mắn việc khâu này chỉ là một thủ thuật nhỏ, được thực hiện khá nhanh và mình về nghỉ ngơi 2 hôm là trở về trạng thái bình thường”.
Chị Lan cũng chia sẻ thêm rằng, may mắn chị mang thai ba nhưng không nghén, không thèm ăn gì đặc biệt, cũng không bị nôn bao giờ. Dù cho chị phải dùng thuốc nội tiết (cả thuốc đặt và uống) trong thời gian dài khi mang thai đi nữa. Thế nhưng đến khoảng tuần 26-27 của thai kỳ, chị luôn ở trong tình trạng mỏi nhừ, đêm không ngủ nổi, rất khó thở. Bác sỹ siêu âm bảo rằng do thai lớn, chèn sát lên cơ hoành. Ba bé cũng cuộn lên liên tục, dường như vì quá chật chội trong bụng mẹ. Chị dùng gối chữ U dành cho bà bầu nhưng cũng không đỡ được là bao.
Bức ảnh hiếm hoi chị Lan chụp khi mang bầu.
“Đến tuần 28, bác sỹ gọi sang nằm viện để theo dõi. Mỗi ngày lại phải kiểm tra cơn co rất nhiều lần. Nhưng ở viện được khoảng 10 ngày thì đến 5h chiều 17/5, mình vỡ ối ồ ạt. Lúc này, mình được đưa đi siêu âm, bác sỹ nói con được khoảng 6-7 lạng. Các bác sỹ kiểm tra đi, kiểm tra lại cả chục lần, rồi hội chẩn. Mình thì nghĩ, nếu con chỉ được 6-7 lạng thì làm sao sống nổi. Bác sỹ cuối cùng đưa ra lời khuyên, rằng nên để vậy nuôi hai thai còn lại (hai thai chưa vỡ ối). Cả gia đình mình đến rất đông, còn họp nhau lại nữa. Mọi người đều lo lắng sợ nuôi hai thai kia thì thai vỡ ối sẽ ngạt chết mất. Vậy là ký quyết định mổ”.
Thế nhưng quyết định mổ khi đó cũng đồng nghĩa với việc chị Lan phải đối mặt với nguy cơ băng huyết do đờ tử cung, rồi phải cắt cả hai bên buồng trứng… Dù hoang mang, lo sợ tột cùng, chị và gia đình vẫn muốn cứu cả ba bé.
Hạnh phúc vỡ òa và cũng là bắt đầu hành trình khó khăn khi nuôi ba bé sinh non
“23h đêm mình vào phòng mổ. Lúc chuẩn bị mổ, bác sỹ dặn ba cô y tá: “Khi nào tôi mổ xong thì bế bé chạy thật nhanh ra phòng hồi sức”. Và bác sỹ thực hiện ca mổ rất nhanh, khoảng 10 phút thì xong ba bé. Bé đầu ra khóc rất to, bác sỹ bảo: “1,4kg”, đến bé thứ 2 là 1,2kg và bé thứ 3 là 1,1kg. Cả ba bé đều lớn hơn so với cân nặng dự kiến. Quyết định mổ là hoàn toàn đúng đắn. Niềm hạnh phúc vỡ òa không làm sao tả xiết”, chị Lan lâng lâng kể lại.
Ba bé sinh xong đến hơn 20 ngày mới được về nhà.
Cuộc sống xoay quanh việc chăm sóc 3 bé sinh ba rất khó nhọc.
Nhưng sau khi mổ xong, chị Lan phải chịu nỗi đau thể xác rất lớn và nỗi lo lắng khôn cùng trước sự sống của các con: “Đẻ xong mình đau lắm, vì tử cung đã giãn hết cỡ, giờ co lại. Mình lại không đi tiểu tiện được, đau mà cứ trào nước mắt ra suốt thôi. Con lại phải nằm lồng kính cách ly mẹ. Đến 4 ngày sau, mình mới được vào nhìn con. Mới đầu nhìn con mà xót xa lắm: con bé xíu, da đen nhẻm lại nhăn nheo, người đầy lông. Xương sườn và da nhìn như bị dính vào nhau vậy. Hơi thở thì yếu ớt, thoi thóp. Mắt chỉ mở ti hí thôi. Lúc đó mình nghĩ không biết con có sống được không?”.
Khoai, Bí, Bắp khi còn nhỏ.
Rồi chị Lan xuất viện trước, 3 đứa con nằm lại. Về nhà, chị hút sữa để vào tủ lạnh, ngày ngày đến giờ thì được người thân mang sữa vào cho con. Mỗi ngày 6 lần, xếp hàng mang sữa vào, mỗi lần chỉ được nhìn con 2 phút lại đến người khác. Hôm nào chồng vào thăm con, chị Lan cũng hỏi con ăn được bao nhiêu. Lúc đầu chỉ ăn 5ml một lần rồi tăng 10, 15ml, ăn bằng đường xông trực tiếp xuống dạ dày.
Ba bạn nhỏ lớn dần lên trong sự chăm sóc của gia đình.
Mới 5 tháng, mỗi bạn đã nặng khoảng 8,7kg.
“Mong chờ từng ngày, rồi bạn út do đẻ thiếu tháng lại nhẹ cân, bị bệnh lý võng mạc nên phải tiêm một mũi thuốc 10 triệu. Bác sỹ nói có rủi ro nên lại lo. Rồi bé thứ 2 kiểm tra tai chưa nghe được, lại lo tiếp. Rồi cứ theo bác sỹ khám, cuối cùng các con cũng ổn tất. 20 ngày thì bé đầu tiên được xuất viện. Lúc đó con được 1,7 kg. Về nhà nhìn con bé quá, yếu quá nên không ai dám cho ăn, không ai dám tắm nên mẹ làm luôn. Vì trước đó con chỉ ăn xông trong bệnh viện nên không có phản xạ mút, miệng đơ ra, mẹ lại phải tập cho con bú bình”.
Những ngày chăm đứa con đầu tiên xuất viện, chị Lan còn không dám ngủ vì lo sợ con bé quá sẽ có chuyện. Chị cũng tập cho con bú sữa bằng cách nhỏ từng giọt sữa mẹ vào cạnh mép để con tập mút. Dù cả tiếng chỉ được 15-20ml là nhiều nhưng chị vẫn kiên trì mỗi ngày cho ăn 12 lần như vậy. Dần dần, bé cũng biết cách bú bình. Đến 26 ngày sau sinh, 2 bé còn lại được về nhà, nặng 1,3kg và 1,5kg. Mọi thứ tập cho bé đầu lại được áp dụng cho 2 bé sau. Thế nhưng sau 2 tháng, chị Lan lại bị mất sữa mẹ hoàn toàn vì thiếu ăn, thiếu ngủ và luôn sống trong tình trạng căng thẳng. 3 bạn nhỏ được bú sữa công thức.
Dù sinh non, nhưng các mốc phát triển của 3 bé đều rất nhanh so với các bé cùng lứa.
Trộm vía ăn, ngủ đều rất ngoan nên ba bé đều khá bụ bẫm.
Cuộc sống chăm 3 bạn sinh ba rất vất vả khi chỉ có 2 vợ chồng chị Lan và bà nội chăm. 5 tháng đầu chị không được ngủ, mỗi ngày chỉ chợp mắt được 2 tiếng mà luôn trong tình trạng chập chờn, giật mình. Thậm chí nhiều lúc chị còn nói với chồng: “Chồng ơi mệt quá chắc em không chịu nổi”. Bởi việc cho con ăn, thay bỉm thôi cũng hết đêm. Rồi đường ruột của các con hơn kém, thường đi ngoài. “Có hôm hai vợ chồng cả ngày chỉ lo thay bỉm thôi cũng hết ngày. Tiền bỉm, tiền sữa cũng tốn kém lắm”.
Ba “chàng lính ngự lâm” nay đã hơn 2 tuổi, rất tinh nghịch, hiếu động.
Ba bé chụp cùng anh trai.
Nhưng điều tuyệt vời là từ khi về với mẹ, các con lớn rất nhanh, mỗi tháng đều tăng 1,8-2,2kg, đến 5 tháng là đã được khoảng 8,7kg mỗi bạn. Các mốc phát triển đều rất nhanh khi 4 tháng 17 ngày con biết lật, 16 tháng biết đi và từ 15 tháng là đã bắt đầu bập bẹ tập nói. Từ khi sinh ra đến nay, ba bé cũng chỉ ho, sổ mũi, thỉnh thoảng đi ngoài nhưng chưa phải uống viên kháng sinh nào. Hiện tại, 3 bé đã được 26 tháng tuổi và gia đình chị Lan đã phần nào đỡ khó nhọc hơn trong việc chăm sóc các con. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến mà không gì có thể sánh nổi giành cho gia đình chị, sau rất nhiều khó khăn đã vượt qua.
Theo Helino
Mẹ quyết đẻ mổ tránh tháng cô hồn khiến con phải sinh non
Chị Phương 34 tuổi ở Hà Nội mang thai 35 tuần, xem bói "thầy" khuyên đẻ ngay trước tháng 7 âm lịch mới tốt cho vận mệnh em bé.
Sợ sinh nở vào tháng cô hồn sẽ không tốt, chị Phương yêu cầu bác sĩ phải mổ đẻ cho mình dù sớm 5 tuần so với ngày dự sinh. Sợ bé sinh non sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, bác sĩ thuyết phục người mẹ chờ con đủ ngày đủ tháng mới mổ. Tuy nhiên thai phụ một mực từ chối, đề nghị mổ ngay. Kết quả em bé chào đời bị suy hô hấp phải đưa vào phòng hồi sức tích cực.
Mới đây bé được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong tình trạng suy hô hấp do sinh non. Quá trình điều trị cho bé được bác sĩ tiên lượng là phải lâu dài, nhiều khó khăn.
Chăm sóc trẻ bị suy hô hấp trong phòng hồi sức tích cực. Ảnh: K.C.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hà ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, quá trình phát triển của thai nhi thường tập trung vào những tuần cuối cùng của thai kỳ. Ở tuần thai thứ 35, não của bé vẫn chưa hoàn thiện. Các cơ quan quan trọng như phổi, gan và nội tạng khác cũng đều phát triển mạnh trong những tuần thai cuối cùng. Do đó can thiệp thai kỳ sớm chắc chắn làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của bào thai. Với trẻ sinh non, bác sĩ có thể dùng thuốc giúp phổi trưởng thành sớm hơn tuổi. Tuy nhiên thuốc có nguy cơ gây biến chứng cho trẻ như suy chức năng hô hấp, tuần hoàn, ảnh hưởng đến sức khỏe về sau.
"Sinh sớm dù chỉ vài tuần theo cách không tự nhiên, trẻ còn có nguy cơ bị ngạt sau sinh, ảnh hưởng đến não bộ", bác sĩ Hà cho biết.
Bà bầu sinh mổ hoặc yêu cầu được sinh mổ chọn ngày giờ đẹp ở các bệnh viện hiện nay khá phổ biến. Bình thường em bé ra đời trong khoảng 38-42 tuần thai, nếu sinh muộn hơn thì gọi là thai già tháng. Trường hợp sinh già tháng, quá trình trao đổi chất của mẹ và con giảm, đến mức độ nào đó có thể gây ngừng tuần hoàn dẫn đến thai chết lưu.
Bác sĩ Hà cho biết, nguy hiểm hơn, sản phụ dễ gặp tai biến khi gây mê sinh mổ. Mổ đẻ không đúng quy trình có thể dẫn đến biến chứng cho người mẹ ở lần mang thai sau, nhất là nguy cơ chửa ngoài dạ con, vỡ tử cung, nhau thai bám vào vết mổ cũ...
"Có những ca đẻ gia đình yêu cầu chọn giờ 1-3h hoặc 3-5h sáng, lúc đó bác sĩ đang ngái ngủ ảnh hưởng lớn đến quá trình đỡ đẻ", bác sĩ cho biết.
Bác sĩ khuyên, về mặt tâm lý cần tôn trọng ý kiến của gia đình về việc chọn giờ, chọn ngày mổ đẻ. Tuy nhiên, gia đình và thai phụ nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ điều trị, theo dõi thai và mổ bắt con cho mình, hạn chế nguy cơ tai biến cả mẹ lẫn con. "Tuy nhiên, đẻ thường vẫn là tốt nhất cho hai mẹ con", bác sĩ khuyến cáo.
Đẻ mổ là giải pháp được chọn khi sản phụ sinh khó, không đẻ được. Một số bà mẹ có bệnh lý nên đến thời điểm nào đó trong thai kỳ bác sĩ sẽ chỉ định buộc phải can thiệp để mổ lấy em bé ra. Trường hợp bình thường, theo bác sĩ, chọn ngày giờ sinh đẹp chỉ áp dụng khi em bé đã đủ ngày đủ tháng trong bụng mẹ.
Thúy Quỳnh
Theo Vnexpress
Giả làm nhân viên y tế lừa hơn 6 triệu đồng của người bệnh Người phụ nữ trung niên, ăn mặc gọn gàng tự nhận là bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội đã lừa người nhà bệnh nhân bằng cách nhận mua thuốc hộ theo đơn. Sau khi đưa tiền cho người phụ nữ, may ngay là người đàn ông nảy sinh nghi ngờ và báo bảo vệ. Họ đã nhanh chóng bắt...