Mạng sống đang bị coi rẻ trên phim trường?
Sẽ còn những cái chết oan uổng như diễn viên Nguyễn Giàu trong phim “Hùng Ali và Sáu Lóc Cóc” nếu mạng sống con người không được xem trọng trên phim trường như hiện nay
Tin anh Nguyễn Giàu diễn viên bị tai nạn đa chấn thương trên trường quay bộ phim “Hùng Ali và Sáu Lóc Cóc” do Công ty Giải trí Ưng Hoàng Phúc và Công ty Ngộ Entertainment đầu tư sản xuất, đã qua đời lúc 11 giờ 40 phút ngày 10-8 khi mới 25 tuổi đã khiến nhiều đồng nghiệp, công chúng thương tiếc, xót xa lẫn bức xúc. Anh Giàu sẽ không phải chết oan uổng nếu mạng sống con người không bị coi rẻ trên phim trường như vậy.
Đóng vai quần chúng phải chịu
“Hùng Ali và Sáu Lóc Cóc” là phim điện ảnh hành động – hài nên huy động một lực lượng diễn viên quần chúng rất đông. Theo lời kể của nhiều người có mặt tại đoàn phim, hôm xảy ra tai nạn của anh Giàu (24-7), đoàn phim triệu tập khoảng 50 diễn viên quần chúng và cascadeur (người đóng thế) tham gia. Hầu hết họ đều không được ký hợp đồng lao động và mua bảo hiểm. Anh Giàu cũng nằm trong số đó.
Một cảnh quay hành động có sự hỗ trợ của nhiều diễn viên quần chúng trong phim “Hùng Ali và Sáu Lóc Cóc”. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Không chỉ anh Giàu mà đa số diễn viên quần chúng hiện nay đều xuất thân từ sinh viên, người chưa có việc làm hay gia đình nghèo khó. Họ đến với phim vì muốn kiếm thêm chút tiền trang trải cuộc sống. Vì thế, ai cũng mang tâm trạng “đi đóng phim được là mừng rồi”. Anh Văn Thành, một diễn viên quần chúng chia sẻ: “Tôi đi đóng vai quần chúng đã 3 năm nay nhưng chẳng bao giờ quan tâm tới chuyện hợp đồng hay bảo hiểm”. Một người phụ trách gọi diễn viên quần chúng cũng xác nhận: “Lâu nay, tôi ít thấy diễn viên quần chúng lên tiếng hỏi về hợp đồng hay bảo hiểm. Vì họ đóng vài ba cảnh quay đơn giản, không nặng nhọc và nguy hiểm nên chỉ mong kiếm được vài ba trăm ngàn là xong!”.
Song, nói như anh Quang Bình, một diễn viên quần chúng khác: “Nói không quan tâm cũng không chính xác, đúng hơn là chúng tôi không có quyền đòi hỏi. Ban đầu vào nghề, tôi cũng sợ tai nạn vì đôi khi cũng phải đóng những cảnh nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro như đánh chém nhau hay nhảy từ trên cao xuống. Nhưng khi hỏi hợp đồng hay bảo hiểm thì mọi người đều lắc đầu bảo: Đừng có mơ! Đóng vai quần chúng phải chấp nhận thiệt thòi thôi”. Diễn viên Thân Thúy Hà cũng cho rằng các diễn viên có đòi quyền lợi nhưng không được nên họ nản, không còn quan tâm. Rất nhiều diễn viên quần chúng vì yêu nghề, kiếm tiền mà chẳng màng đến sự nguy hiểm của bản thân, chấp nhận làm nghề với tâm trạng “may nhờ rủi chịu”.
Đổ hết cho nghèo
Chuyện tai nạn nói riêng và an toàn cho diễn viên trên trường quay nói chung được cảnh báo từ hàng chục năm nay. Báo Người Lao Động từng có loạt bài “Tai nạn trường quay: Không ai bảo hiểm” từ năm 2005 cũng đã đề cập thực trạng này. Song từ đó đến nay, những tồn tại đã đề cập vẫn không cải thiện. Trường hợp của anh Nguyễn Giàu mới đây lại một lần nữa cho thấy nguy hiểm luôn chực chờ các diễn viên khi họ làm việc trên trường quay.
Một diễn viên cho biết: “Với những diễn viên có ký hợp đồng thì đều được mua bảo hiểm. Còn những diễn viên không ký hợp đồng thì đương nhiên là không được mua bảo hiểm”. Diễn viên Thân Thúy Hà nêu thực tế: “Không chỉ có diễn viên quần chúng không được mua bảo hiểm mà hiện nay, phần lớn diễn viên phụ cũng không được mua bảo hiểm”.
Theo đạo diễn Đinh Thái Thụy, việc mua bảo hiểm cho diễn viên lâu nay bị các nhà sản xuất phớt lờ. Rất nhiều nhà sản xuất lấy cớ do nghèo để giải thích cho việc không thể mua bảo hiểm cho diễn viên. “Trong thời buổi làm phim kinh phí thấp, phải chi đủ thứ nên đoàn phim phải ưu tiên những khoản chi cần thiết hơn. Bảo hiểm cũng quan trọng nhưng thù lao diễn viên còn quan trọng hơn nên tiết giảm được chừng nào hay chừng ấy” – đại diện một nhà sản xuất phim truyền hình thú nhận. Trong khi việc bảo hiểm cho đoàn làm phim chưa được quy định trong Luật Điện ảnh càng khiến cho các nhà sản xuất làm lơ.
Video đang HOT
Vấn đề bảo đảm an toàn tại trường quay cũng bị các nhà sản xuất, đoàn phim viện lý do vì “nghèo”. Môi trường làm việc của diễn viên chưa bảo đảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn cũng vì đoàn phim không trang bị bảo hộ lao động. Chẳng hạn như địa điểm quay của đoàn phim “Hùng Ali và Sáu Lóc Cóc” ngay trên lầu 1, nơi công trình xây dựng đang dang dở, có nhiều lỗ trống. Ai cũng biết chỉ cần sơ suất là diễn viên có nguy cơ thương vong.
Rõ ràng đoàn phim hoàn toàn lơ là đến chuyện bảo đảm điều kiện an toàn, bảo hộ, bảo hiểm phim trường. Cứ có sự cố thì giải quyết theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Trong khi tai nạn xảy ra, không những diễn viên bị tổn hại sức khỏe, tính mạng, gia đình của họ bị ảnh hưởng mà đoàn làm phim cũng tốn kém chi phí lo liệu, bồi thường, trợ cấp cho người bị tai nạn. Hơn nữa, việc quay bị gián đoạn, uy tín của đoàn làm phim bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Kathy Uyên, diễn viên người Mỹ gốc Việt, cho biết khi đóng phim ở Mỹ, toàn bộ việc bảo hiểm cũng như mọi quyền lợi khác của cô đều do Hiệp hội Diễn viên Mỹ (SAG) bảo vệ. “Tai nạn đau lòng cứ lần lượt xảy ra nhưng ai là người bảo vệ, giám sát an toàn trên phim trường là một câu hỏi lớn không có lời giải đáp” – đạo diễn Đinh Thái Thụy băn khoăn.
Mảng trống trong quản lý
Theo các nhà chuyên môn, pháp luật lao động quy định khi có quan hệ lao động, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) phải giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ). HĐLĐ là sự thỏa thuận về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động. Trường hợp NLĐ là diễn viên được thuê đóng phim, được trả tiền công (cát-sê) là có đủ yếu tố để xác định giữa hai bên đã phát sinh quan hệ lao động. Vì vậy, phải tuân thủ các quy định của pháp luật lao động, trong đó có việc giao kết HĐLĐ và thực hiện chính sách về bảo hiểm.
Như vậy, tùy từng trường hợp thuê mướn lao động cho các công việc trong quá trình sản xuất phim, NSDLĐ có thể giao kết HĐLĐ với NLĐ theo từng loại khác nhau. Nhưng dù giao kết HĐLĐ loại nào thì khi xảy ra tai nạn lao động với diễn viên, NSDLĐ cũng phải thanh toán toàn bộ chi phí từ khi sơ, cấp cứu cho đến khi điều trị ổn định thương tật cho họ, sau đó, phải đưa NLĐ đi giám định tỉ lệ suy giảm khả năng lao động để giải quyết việc bồi thường và chế độ trợ cấp tai nạn lao động.
Pháp luật lao động cũng quy định NSDLĐ có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn cho NLĐ và NLĐ có quyền từ chối làm công việc khi thấy rõ nguy cơ tai nạn lao động xảy ra, đe dọa tính mạng, sức khỏe của mình.
Từ lâu nay, theo các nhà quản lý chuyên môn, đây là một mảng trống trong việc quản lý, thực hiện các chế độ lao động cho đối tượng NLĐ là diễn viên trong quan hệ lao động hiện nay. Phần lớn các diễn viên không được giao kết HĐLĐ và không được bảo hiểm tai nạn, nhất là diễn viên phụ, diễn viên quần chúng.
Thực tế, có những tai nạn hoàn toàn không thuộc nguyên nhân chủ quan của con người. Có một vài hãng phim mỗi khi thành lập đoàn phim, bất kể có pha nguy hiểm hay không đều mua bảo hiểm cho toàn đoàn theo quy định của nhà nước, cả bảo hiểm bệnh tật lẫn bảo hiểm tai nạn. Nhưng phần lớn các hãng phim hiện nay lấy lý do kinh phí làm phim eo hẹp nên chỉ những phim dự kiến có những cảnh nguy hiểm nhà sản xuất mới mua bảo hiểm tai nạn cho đoàn phim, kể cả máy móc trang thiết bị. Một số hãng cho biết chỉ mua bảo hiểm nếu diễn viên yêu cầu còn không thì thôi. Nếu chẳng may có xảy ra tai nạn trong quá trình quay phim, nhà sản xuất có trách nhiệm chăm lo việc điều trị cho diễn viên là được.
Có phim để đóng, có tiền thù lao là đã mừng rồi nên diễn viên ít ai ý thức, quan tâm đến việc có hay không có bảo hiểm tai nạn trên trường quay. Vì muốn có phim để đóng, nhiều diễn viên chẳng màng đến sự nguy hiểm của bản thân. Khi tai nạn xảy ra, nhà sản xuất nói lời xin lỗi, thăm hỏi, động viên và chịu toàn bộ viện phí xem như là hết trách nhiệm. Còn tính mạng của diễn viên, cuộc sống người thân của họ sẽ ra sao khi có trường hợp tai nạn tử vong hoặc mang thương tật nặng đến suốt đời thì gần như bỏ mặc!
Bảo vệ tính mạng diễn viên trên phim trường đang cần sự ra tay quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước và sự lên tiếng mạnh mẽ của các hội điện ảnh trong việc bảo vệ lợi ích người làm nghề.
Ân Thông
Theo Hạ Nguyên
Người lao động
Bi kịch nhói lòng 'đại gia' săn 'quà quê' khu công nghiệp
Tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), không ai không biết tới Trang - một "quà quê" mà nhiều "đại gia" săn đón. Hồi đi học, Trang được coi là hoa khôi của một trường miền núi...
Thời gian gần đây, tại các khu công nghiệp rộ lên việc có nhiều "đại gia" lui tới săn "quà quê". "Quà quê" mà dân chơi hay nói tới là các nữ công nhân làm tại các khu công nghiệp. Do thiếu thông tin, sự hỗ trợ, giúp đỡ cần thiết và thiếu việc làm, thu nhập thấp nên nhiều nữ công nhân dễ rơi vào nguy cơ bị lợi dụng, mua bán dâm.
Từ công nhân tới "quà quê"
Tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), không ai không biết tới Trang - một "quà quê" mà nhiều "đại gia" săn đón. Hồi đi học, Trang được coi là hoa khôi của một trường miền núi của tỉnh Hà Giang. Nhà nghèo nên sau khi thi trượt đại học, Trang lặn lội ra Hà Nội tìm việc. Gõ cửa hết công ty này đến công ty khác, cuối cùng cô cũng kiếm được công việc may gia công cho một doanh nghiệp chuyên về may mặc với mức lương 1,1 triệu đồng/tháng.
Làm được vài tháng, cơn bão khủng hoảng kinh tế tràn tới đẩy cô rơi vào cảnh thất nghiệp. Đang lúc không việc làm, không nơi nương tựa thì một người đàn ông "nghĩa hiệp" xuất hiện. Ông ta trang trải toàn bộ tiền thuê nhà, tiền ăn và trả thêm cho Trang 1 triệu đồng/tháng với điều kiện có thể đến với Trang bất cứ lúc nào. Điều kiện quá hấp dẫn khiến Trang nhắm mắt chấp thuận dù biết ông ta đã có gia đình. Không những vậy, để có thêm tiền, Trang chấp nhận làm món "quà quê" cho vài người đàn ông khác.
Nhiều nữ công nhân gặp khó khăn trong cuộc sống. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa).
Dạo qua các nhà trọ ven khu công nghiệp sẽ không mấy khó khăn nhận diện những nữ công nhân đang tự biến mình thành "quà quê". Sở dĩ các đại gia gọi đó là "quà quê" bởi theo họ, những cô gái có gốc gác quê mùa này đa phần vẫn còn giữ được "hương đồng gió nội", không "moi" giỏi như những cô gái nhà hàng.
Đây là "mảnh đất" béo bở để những anh chàng "họ Sở" tha hồ "cày bừa". Họ yêu chóng vánh, trao thân dễ dàng và khi người yêu ra đi thì nữ công nhân buộc phải chối bỏ giọt máu trong bụng mình để có cơ hội xây dựng tương lai với người khác.
Để đánh giá bước đầu về tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế đối với việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân nữ nhập cư và mối liên hệ với nguy cơ mua bán người, Trung tâm Hợp tác phát triển nguồn nhân lực và ActionAid Việt Nam đã phối hợp lựa chọn địa bàn một số thành phố công nghiệp có tính chất đại diện của vấn đề để nghiên cứu. Đó là xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội (có khoảng 20 nghìn công nhân nhập cư, 70% là nữ); phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng (có khoảng 29 nghìn công nhân nhập cư, 65% là nữ); phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh (60 nghìn công nhân nhập cư, 75% là nữ).
Theo báo cáo kết quả nghiên cứu, phần lớn lao động nữ nhập cư chỉ được doanh nghiệp ký hợp đồng ngắn hạn, chỉ có 28% nữ công nhân nhập cư có hợp đồng lao động không xác định thời hạn; 10% công nhân nữ nhập cư đang ký hợp đồng miệng hoặc không ký hợp đồng lao động; 24% đang ký hợp đồng thời hạn dưới 12 tháng ngay cả khi đang làm những công việc có tính chất thường xuyên, không thời vụ.
Tính chất bấp bênh còn thể hiện ở chỗ có 36% công nhân nữ nhập cư đã từng chuyển nơi làm việc 1 -5 lần trong 5 năm qua. Tiền lương và thu nhập thực tế của hầu hết công nhân nữ nhập cư từ nơi làm việc giảm so với trước (bình quân từ 15- 30%) nên người lao động phải chi tiêu tiết kiệm, kham khổ hơn, nhất là những người phải tiết kiệm tiền để gửi về hỗ trợ gia đình, người thân.
Dễ sa chân vào cạm bẫy vì ít được quan tâm
Trên 90% công nhân nữ nhập cư đều xác định khi bị giảm hoặc mất việc làm, giảm thu nhập, sẽ tìm kiếm một công việc mới (kể cả công việc có điều kiện lao động thấp kém hơn), ít người lựa chọn phương án trở về quê.
Đáng buồn là theo kết quả điều tra, đã có nhiều thông tin cho thấy có sự tham gia của một số công nhân nữ nhập cư vào hoạt động mại dâm, làm việc ở những cơ sở "nhạy cảm" như massage, karaoke "ôm", nhà nghỉ, cắt tóc - gội đầu - giải khát - thư giãn... trên địa bàn cư trú hoặc ở những địa bàn lân cận. Có một thực tế đang diễn ra là các chủ doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến những khó khăn của công nhân như việc làm, thu nhập, sức khoẻ, điều kiện làm việc, ăn ở, đi lại, tham gia hội họp, học tập.
Đặc biệt, nữ công nhân nhập cư phải sống trong các khu trọ không được đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, không được hưởng thụ văn hoá và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo quan sát của nhóm nghiên cứu, công nhân ở đây -nhất là công nhân nữ -thường thuê chung 3 -4 người/nhà và không có bất kỳ phương tiện thông tin giải trí nào, từ tivi đến sách báo.
Phần lớn các nữ công nhân đều đến từ các vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ và các huyện ngoại thành, chưa qua đào tạo, tay nghề thấp, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có kinh nghiệm trong sản xuất công nghiệp, tâm lý không ổn định.
Bất chấp khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp ít tuyển dụng lao động hơn, nhiều lao động nữ nông thôn vẫn tìm đường lên thành thị để tìm kiếm việc làm. Chính vì vậy, việc chấp nhận một công việc nhiều rủi ro, bất chấp hậu quả là điều dễ xảy ra, nhiều chị em dễ bị lợi dụng, dụ dỗ, lừa gạt vào con đường mại dâm.
Để giảm nguy cơ những nữ công nhân bị sa vào tệ nạn mại dâm, buôn bán người, nhóm nghiên cứu khuyến cáo bản thân nữ công nhân rất cần được nâng cao sự hiểu biết xã hội. Họ cần hiểu hơn về các quy định của pháp luật, về hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội...
Với kiến thức xã hội thu nhận được, họ sẽ xử lý tốt hơn các vấn đề thường gặp trong cuộc sống, trong công việc. Quan trọng hơn, họ cảm thấy mình thực sự được quan tâm và bớt đi tâm trạng, nỗi buồn nơi đất khách quê người. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của các đoàn thể, doanh nghiệp.
Theo_Người Đưa Tin
11 đối tượng được tăng lương từ 6/4 Theo Khoản 1 Điều 2, Nghị định 17/2015/MĐ-CP, từ 6/4/2015, 11 đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống sẽ được hưởng mức lương tăng thêm hàng tháng. Từ 6/4, 11 đối tượng sẽ được hưởng mức lương tăng thêm hàng tháng Cụ thể, người có hệ số lương thấp (từ 2,34 trở xuống) được tăng lương thêm 8% bao gồm...