Mang hơi ấm đến trung tâm nhân đạo Hòa Bình
Chiều 29-1, những món quà tình nghĩa của hàng chục đơn vị, nhà hảo tâm, trong đó có Báo An ninh Thủ đô đã được chuyển đến tận tay các em có hoàn cảnh bất hạnh đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm nhân đạo Hòa Bình (Khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Đại diện Báo ANTĐ tặng quà các em nhỏ của Trung tâm nhân đạo Hòa Bình
Mái ấm cho những trái tim trẻ thơ
Nhận món quà đầy ắp nghĩa tình từ đại diện Báo An ninh Thủ đô, bà Nguyễn Như Mai – Giám đốc Trung tâm nhân đạo Hòa Bình nghẹn ngào nói lời cảm ơn. Theo bà Mai, Trung tâm nhân đạo Hòa Bình là tổ chức tự nguyện từ thiện thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Hiện trung tâm đang nuôi dưỡng và bảo trợ cho 327 trẻ em thiệt thòi của 25 tỉnh, thành phố trên khắp mọi miền đất nước, trong đó có 97 trẻ mồ côi, 109 nạn nhân chất độc da cam dioxin. Tại đây, hàng ngày các em được chăm sóc, được học văn hóa, học nghề. Hiện có 12 cháu được học văn hóa tại các trường phổ thông thuộc quận Cầu Giấy, Thanh Xuân.
Qua bà Như Mai chúng tôi gặp cháu Lê Xuân Nam, 17 tuổi. Nam sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Bố Nam bỏ đi khi em mới 15 ngày tuổi. Sau đó ít lâu, mẹ Nam lại qua đời do bệnh nặng. Cơ duyên đưa Nam đến với Trung tâm nhân đạo Hòa Bình. Nhờ sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của bản thân, hiện Nam đã tốt nghiệp THPT và đang là sinh viên trường Cao đẳng Phát thanh truyền hình Trung ương. Nam tâm sự: “Trung tâm đã thực sự trở thành gia đình thứ hai của em. Từ chỗ không gia đình, về đây em đã có bố, có mẹ, có các bạn, được ăn no, mặc ấm, được cắp sách đến trường. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt, trở thành người có ích cho xã hội để giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh bất hạnh, không phụ những tấm lòng nhân ái đã dang tay nâng đỡ em”.
Không chỉ có Nam mà còn có nhiều trường hợp khác cũng ở trong hoàn cảnh éo le không kém. Đằng sau những nụ cười giòn tan, những ánh mắt thơ ngây, ngơ ngác của các em còn chất chứa không ít nỗi niềm. Trò chuyện cùng chúng tôi, em Chẻo Chẳn Đôi, 14 tuổi, ở huyện Phong Thổ, Lai Châu kể, bố mẹ em sinh được 3 anh em. Mẹ mất, bố đi lấy vợ. Ở với bà nội tuổi cao, sức yếu, ba đưa cháu nhỏ dại không biết nương tựa vào đâu. Cuộc sống nhọc nhằn, Đôi lại là anh cả trong gia đình nên đến 12 tuổi mà vẫn không biết đến mặt chữ. Năm 2011, em được đón về Trung tâm nuôi dưỡng. Thương cảm trước hoàn cảnh của Đôi, cô giáo hàng ngày đến Trung tâm dạy em học. Hiện Đôi đã biết đọc, biết viết. Từ khi biết mặt chữ, Đôi rất vui: “Ở quê chẳng bao giờ cháu biết đến Tết là gì. Đến Trung tâm cháu thích lắm, cháu được các cô dạy dỗ và cho cháu nhiều quà, cháu không muốn về quê đâu…”.
Mảnh đời bị khuyết
Tâm sự cùng chúng tôi, cô Lưu Bích Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm nhân đạo Hoà Bình xúc động: “Tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ Báo ANTĐ gửi tặng các cháu tại Trung tâm là nghĩa cử đầy tình người, thể hiện tình cảm tương thân, tương ái. Hy vọng với món quà này, nhiều mảnh đời bất hạnh sẽ có cơ hội được đón một cái Tết đủ đầy, hạnh phúc và ấm áp”.
Video đang HOT
Chiến tranh đã đi qua, có những viết thương đã lành theo năm tháng và nỗi buồn cũng dần nguôi ngoai, nhưng vẫn còn không ít cảnh ngộ thương tâm do di chứng của chiến tranh để lại – đó là nỗi đau da cam. Hai chị em Nguyễn Thị Tịnh, ở Quốc Oai, có hoàn cảnh đặc biệt. Do ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha đã tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, từ khi sinh ra cho đến nay 2 chị em Tịnh vẫn không hề ý thức được điều gì, mọi sinh hoạt đều phải trông chờ vào sự giúp đỡ của gia đình. Ngày ngày âm thầm nhìn những đứa con đứt ruột đẻ ra sống lay lắt như những chiếc bóng vô hình khiến trái tim của bố mẹ Tịnh rỉ máu. Cô Ngọc tâm sự, cuộc sống của gia đình em Tịnh rất khó khăn vất vả, bố mẹ Tịnh cả đời phải chăm sóc những đứa con tật nguyền, xấu số. Đồng cảm với nỗi đau của gia đình, Trung tâm đã đưa 2 cháu về đùm bọc, chở che, nhưng thật không may, do sức khỏe của Tịnh quá yếu nên em đã qua đời.
Được biết nhiều cháu đang được nuôi dưỡng ở Trung tâm nhân đạo Hoà Bình là con, cháu của những cựu chiến binh, thương binh đã từng tham gia trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Hầu hết các cháu bị dị dạng bẩm sinh, tâm thần phân liệt,… Có lẽ sẽ cần nhiều tấm lòng sẻ chia hơn nữa để thắp sáng niềm tin cho những nỗi đau tật nguyền, những trái tim nhỏ bé đang sinh sống trong ngôi nhà của Trung tâm nhân đạo Hoà Bình. Và Báo ANTĐ sẽ là người bạn đồng hành trong những chặng đường của các em và nhiều mảnh đời bất hạnh khác trên khắp mọi miền của Tổ quốc. “Tình cảm và sự sẻ chia của cộng đồng đã trở thành nguồn động lực to lớn đối với Trung tâm, khiến chúng tôi càng nhận thức một cách sâu sắc hơn trách nhiệm của mình đối với sự tồn tại và phát triển của Trung tâm nhân đạo Hòa Bình. Chúng tôi nguyện sẽ dâng hiến tất cả trí tuệ, sức lực và thời gian còn lại của đời mình cho hạnh phúc và tương lai của những trẻ thơ thiệt thòi bất hạnh. Song để làm được điều này chúng tôi rất mong ngày càng có thêm nhiều sự ủng hộ hơn nữa từ các nhà hảo tâm như Báo An ninh Thủ đô và các đơn vị có mặt trong ngày hôm nay” – bà Như Mai bộc bạch.
Theo ANTD
Người cha 15 năm cõng con gái tật nguyền đến trường
Hàng ngày, cảnh người cha tóc muối tiêu Trương Công Bảy (48 tuổi, ngụ xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) bước chân cà nhắc bế con gái tật nguyền Trương Thị Thương (1989) đến giảng đường 5A, tầng 5 tòa nhà Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, khiến những người chứng kiến rất cảm động.
Mười lăm năm như thế, bất kể mưa hay nắng, ông Bảy vẫn kiên trì cùng con tới lớp...
Ông Trương Công Bảy và con gái Trương Thị Thương.
Cô bé tật nguyền không đầu hàng số phận
Đến tận bây giờ, vợ chồng ông Bảy vẫn không thể lý giải nổi tại sao đứa con gái thứ 3 của mình lại mang số phận không may mắn như thế. "Hai đứa con đầu của vợ chồng tui vẫn mạnh khỏe, bình thường. Khi sinh cháu Thương thấy thân hình con dị dạng, nhiều người khuyên nên gửi nó vào trại trẻ mồ côi, nhưng làm cha làm mẹ ai nỡ lòng nào. Mình phải thương nó nhiều hơn những đứa khác để bù đắp thiệt thòi của con", ông kể lại.
Nhiều lần, hai vợ chồng ông Bảy đã bán lúa non đưa con đi bệnh viện chạy chữa. Ở đâu các bác sĩ cũng lắc đầu: Cháu bị phơi nhiễm chất độc da cam, suốt đời chịu dị dạng. Vợ chồng cắn môi, nuốt ngược nước mắt vào lòng đưa con về. "Bao nhiêu năm con đến trường là từng ấy thời gian tui quanh quẩn việc nhà đợi đến giờ đón con. Mẹ nó gánh vác việc đồng áng, nhiều khi thấy bà ấy đi sớm về hôm mà thương lắm. Vợ chồng động viên nhau cố gắng vì con cái", ông Bảy cho biết.
Điều an ủi lớn nhất đối với họ là bé Thương dù không thể đi lại được, mọi sinh hoạt hầu như trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác, nhưng bù lại em được ông trời ban tặng cho vầng trán cao, thông minh, đôi mắt sáng long lanh lạ thường. Lên 6 tuổi, tuy mang trên mình nhiều di chứng chất độc da cam, em đã tập ngồi được, nói được. Nhiều lần thấy bạn bè trong làng tung tăng cắp sách đến trường, em nằng nặc đòi ba mẹ cho đi học.
Thương con, vợ chồng ông Bảy chỉ nghĩ đó là sở thích tức thời của con, chỉ cần học vài ba hôm sẽ chán đòi nghỉ thôi. "Ai ngờ",... ông Bảy bỏ dở câu nói lẫn lộn buồn vui. Và rồi trước mỗi buổi sáng xuống đồng, hai vợ chồng thay nhau cõng con vượt gần 10 km băng ruộng đến lớp học. Cực nhất mùa mưa, dù đường xá khó đi nhưng Thương quyết kiên trì, không bỏ trường, bỏ tiết.
Đến lớp 9, sự bất hạnh lại ập đến với cô bé. Trong lúc chờ mẹ đến đón, gió bão quật gãy cành phượng xuống đúng chỗ Thương ngồi, làm em gãy 2 cánh tay. Thương con, ông Bảy khuyên: "Hay con nghỉ ở nhà bố mẹ sẽ nuôi". Nhưng Thương một mực không chịu. Và em đã khẳng định được nghị lực, nhiều năm liền là học sinh giỏi, đoàn viên xuất sắc của trường và Tỉnh Đoàn Quảng Nam. Hạnh phúc hơn, nhiều năm em được thầy cô, nhà trường chọn đi dự thi học sinh giỏi môn Văn và Toán cấp tỉnh...
Khi biết mình là một trong hai thí sinh được đặc cách xét tuyển trong kỳ thi Đại học vào năm 2011, niềm vui như nhân lên gấp bội với cô sinh viên Trương Thị Thương có chiều cao, cân nặng khiêm tốn (70cm, 20kg).
"Sau khi tốt nghiệp PTTH, em đã định hướng cho mình đăng ký thi vào Đại học Sư phạm Đà Nẵng, ngành công nghệ thông tin. Đến khi cha chở em đi thi ngày đầu tiên thì nhận được tin ngành Giáo dục đặc cách cho miễn thi đại học. Em mừng lắm vì biết tương lai mình sẽ tươi sáng hơn", cô hồ hởi tâm sự.
"Bên ướt cha nằm"
Tuy thời gian nhập học đã hơn một năm trôi qua, nhưng khi nhắc đến cô sinh viên đặc biệt này, hầu như mọi người dân phường Hòa Minh, nơi có trường ĐHSP đóng chân, ít ai không biết đến hình ảnh người cha gầy ốm Trương Công Bảy ngày lại ngày đèo con trên chiếc xe máy đến trường, rồi bồng bế em vào lớp học.
Ngày "cõng" con ra Đà Nẵng, lòng ông Bảy ngổn ngang, phần mừng vì con được vào đại học, phần khác nghĩ đến chặng đường bốn năm dài đằng đẵng ở chốn đô hội, không biết lấy gì để hai bố con sinh sống. Nhưng không thể để ước mơ của con bị dang dở, ông bàn với vợ vay bà con, chòm xóm rồi bán thêm ít lúa lấy tiền làm lộ phí đi đường, mua một chiếc xe máy và thuê tạm căn gác trọ nhỏ. Chiếc xe vừa là phương tiện đưa con đến trường, vừa giúp ông tranh thủ xin vào đội xe ôm chở khách để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.
Đều đặn, đầu giờ ông chở con đến trường, bế con vào lớp, cuối buổi lại đón con về. Giờ lên lớp, khi Thương yên vị trên bộ bàn ghế nhỏ "ưu tiên", ông Bảy mới yên tâm đi làm. May mắn có được một "cuốc xe" kiếm vài ngàn đồng, ông vội vàng đi chợ, nấu cơm nước chờ đón con về chung bữa. Nhiều hôm thời tiết thất thường, ông Bảy ngã bệnh không đưa con đi học được, ông và con phải nhờ sự trợ giúp của bạn bè chung lớp.
Nghèo khó, chỗ ngủ cũng chỉ có vài miếng ván ghép lại, ông nhường cho con, còn mình giành phần trải chiếu dưới nền gạch lạnh lẽo. Bữa cơm của hai cha con hầu như chỉ rau xanh và cá khô. "Hai cha con có ăn nhiều nhặn chi mô, con bé bé tẹo, còn tui đau ốm nên nuốt cơm rất khó. Nhưng vì con, phải ráng ăn để còn có sức chăm cho cháu khỏe mạnh, kẻo gián đoạn việc học hành", người cha tâm sự.
Bước sang tuổi 48, nhưng trông ông Bảy như già hơn chục tuổi. Ông cho hay: "Kiếm việc làm thêm ở xa thì sợ không kịp giờ đón con nên hôm rồi tui có xin nhà trường làm công việc trồng hoa, xén cỏ, chăm sóc sân trường cho tiện nhưng Ban Giám hiệu bảo đang còn xem xét".
Bản thân ông Bảy vốn bị bệnh thấp khớp, người cũng đau ốm liên miên mỗi khi trái gió trở trời. Không làm được nhiều việc nặng phụ vợ, trong gần hai năm qua, cứ mỗi lần nghĩ đến chuyện thu nhập của cả gia đình dựa vào bốn sào ruộng và gánh chè của vợ ở quê, ông lại xót xa. Vì vậy, không quản ngại, cuối tuần, ông thường mua những mặt hàng người dân quê cần, lặn lội vượt gần 60km chở về nhà cho vợ đổi lại gạo và rau củ ra Đà Nẵng dành ăn dần cho rẻ.
"Hai cha con ở đây đã khổ, gánh nặng hai đứa con ở nhà cộng với món nợ và tiền sinh hoạt hàng đều dồn cả lên vai mẹ nó. Hàng ngày quần quật làm đồng, tối về bà ấy lại tất bật gánh nồi chè đi bán rong để kiếm tiền phụ tôi ngoài này. Tính sơ sơ, mỗi tháng tiền thuê nhà trọ và tiền ăn uống cũng đã hết hơn 2 triệu đồng", ông Bảy thả giọng trầm trầm.
Chia sẻ với khó khăn, nhọc nhằn của hai cha con Thương, thầy Lưu Trang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm cho biết: "Phía Nhà trường cố gắng tạo mọi điều kiện, giúp đỡ để em Thương có thể theo học chương trình đào tạo Đại học tại trường, miễn giảm 100% học phí trong suốt bốn năm học. Năm học 2013 này, Đoàn trường sẽ vận động thêm sự giúp đỡ từ những doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố để em có thêm những suất học bổng trang trải cho cuộc sống hằng ngày".
Theo Pháp luật Việt Nam
Sinh viên được hỗ trợ vé xe Tết SV nghèo, SV người dân tộc, khuyết tật... sẽ được hỗ trợ vé xe Tết Quý Tỵ. Trung tâm Hỗ trợ HSSV TP.HCM (SAC) đang triển khai chương trình bán vé xe Tết Quý Tỵ 2013 cho SV các trường CĐ - ĐH, TCCN tại TP.HCM (tiếp nhận đăng ký vé từ nay đến hết ngày 21/1/2013). Mức giá bán lẻ cho các...