“Mạng di động thứ 8″ bị thu hồi giấy phép hoạt động
Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom ( Indochina Telecom) đã chính thức bị Bộ Thông tin và Truyền thông rút giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông di động.
Lẽ ra, công ty đã bị thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông di động từ tháng 8/2011, vì theo quy định, nếu doanh nghiệp nhận giấy phép sau hai năm mà không triển khai thì sẽ bị thu hồi.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), do Đông Dương Telecom có đưa ra một số lý do chính đáng nên đã cho thêm thời gian.
“Tuy nhiên, đến thời điểm này thì Bộ kiên quyết thu hồi lại giấy phép, vì mạng di động này chưa có động thái gì trong việc triển khai cung cấp dịch vụ”, ông Hải cho biết.
Cũng theo Cục trưởng Cục Viễn thông, việc rút giấy phép mạng di động của Đông Dương Telecom khẳng định sự kiên quyết của cơ quan quản lý trong việc thực thi pháp luật và đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Trước đó, ông Hải cũng cho biết, Bộ đã gửi “tối hậu thư” yêu cầu doanh nghiệp báo cáo tình hình triển khai thực tế và hạn cuối cùng là trong tháng 10/2012, Đông Dương Telecom phải có báo cáo lên Bộ, nếu không có được triển khai cụ thể, Bộ sẽ tiến hành rút giấy phép.
Video đang HOT
Về phía Đông Dương Telecom, mới đây Phó tổng giám đốc Nguyễn Minh Khánh cho biết rằng đơn vị này vẫn đang theo đuổi việc tham gia thị trường viễn thông di động.
Theo ông Khánh, về mặt chủ trương, cụ thể Đông Dương Telecom đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về dùng chung hạ tầng mạng 3G với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), tuy nhiên, về quan điểm, thỏa thuận chi tiết thì các bên vẫn chưa thống nhất, vì thế vướng mắc lúc này của Đông Dương Telecom là ở khâu đàm phán với Viettel.
Ngoài những lý do dẫn đến việc Đông Dương Telecom bị rút giấy phép theo quy định và quan điểm của Bộ, ở một góc cạnh nào đó, theo như giải thích của lãnh đạo mạng này, thì việc “chậm triển khai trên thực tế” là do việc đàm phán thỏa thuận chi tiết với Viettel vẫn chưa có những thống nhất cuối cùng.
Là mạng di động thứ 8 được cấp phép tại Việt Nam, cách thức hoạt động của Đông Dương Telecom có khác biệt so với các mạng đi trước. Đó là doanh nghiệp này sẽ đi thuê lại hạ tầng mạng cũng như tần số của doanh nghiệp khác để triển khai dịch vụ, chứ không có băng tần riêng – lý do vì sao Đông Dương Telecom hay được gọi nôm na là “mạng di động ảo”.
Tại lễ cấp giấy phép cho Đông Dương Telecom, tháng 8/2009, một vị thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khi đó đã nhận xét: “Đây là mô hình thử nghiệm đầu tiên về chính sách bán lại dịch vụ trong viễn thông di động”.
Cũng tại buổi lễ đó, đại diện Đông Dương Telecom cho biết, sau khi được cấp giấy phép doanh nghiệp sẽ khẩn trương xây dựng hạ tầng mạng, phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông di động, và dự định đến hết năm 2009 mạng di động này sẽ đi vào triển khai, sau đó sẽ cung cấp dịch vụ ra thị trường với đầu số 099 và chia sẻ sử dụng chung mạng vô tuyến 3G với Viettel.
Sau ba năm, rõ ràng giữa kỳ vọng và thực tế là một khoảng cách khó lấp đầy. Đã có nhiều phân tích, nhận định cho rằng, trong bối cảnh thị trường viễn thông ngày càng khốc liệt, với những tên tuổi nắm thị phần chi phối, thì cơ hội cạnh tranh của Đông Dương Telecom là rất nhỏ.
Ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phân tích, thông thường mạng di động ảo chỉ có khả năng tồn tại ở giai đoạn bắt đầu mở cửa thị trường, khi còn tồn tại độc quyền hoặc mức độ cạnh tranh chưa cao giữa các nhà mạng. Còn khi các nhà mạng đã cạnh tranh quyết liệt, giá bán sát giá thành thì “cửa sống” cho các mạng ảo không còn.
Theo: VnEconomy
Mạng di động ảo Việt có thể bị thu hồi giấy phép
Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi "tối hậu thư" cho các doanh nghiệp được cấp giấy phép mạng viễn thông ảo, nếu không triển khai cung cấp dịch vụ sẽ bị thu hồi lại giấy phép.
Đã ba năm tính từ thời điểm tấm giấy phép gần nhất được cấp cho mạng viễn thông di động mặt đất không có tần số đầy đủ VTC. Còn nhớ, khi nhận giấy phép từ Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện của doanh nghiệp đã tiết lộ, sẽ hợp tác với EVN Telecom để cung cấp mạng di động ảo. Còn giờ, khi thương hiệu EVN Telecom đã không còn tồn tại trên thị trường viễn thông Việt, VTC vẫn chưa có động tĩnh gì để chứng tỏ sẽ ra mắt một mạng di động ảo của mình.
Trước VTC khoảng 1 năm, công ty Đông Dương Telecom cũng đã nhận giấy phép mạng di động ảo. Khi được cấp phép, theo cam kết lúc đó, công ty sẽ triển khai mạng vào quý I/2010. Sau đó, lại có khẳng định được đưa ra, kiểu gì, doanh nghiệp cũng phải triển khai cung cấp dịch vụ trong năm 2011. Đông Dương Telecom còn được "chia sẻ" đầu số vàng 099 với Beeline Việt Nam khi đó và nay là mạng di động Gmobile.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, khi quý 3/2012 đã gần kết thúc, vẫn chưa có một động thái nào thể hiện doanh nghiệp sẽ tham gia cung cấp dịch vụ trên thị trường. Trao đổi với báo giới mới đây, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, từ cuối năm ngoái, đúng ra cơ quan quản lý nhà nước đã phải thu hồi giấy phép của doanh nghiệp, song khi đó, họ đã đưa ra một số lý do chưa triển khai được và còn cam kết chắc chắn sẽ triển khai mạng nên Cục mới chỉ cảnh báo.
Và cho tới thời điểm này, vẫn chưa có động thái gì cho thấy mạng ảo được triển khai nên Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra tối hậu thư. Theo đúng quy định, nếu quá thời gian cho phép mà doanh nghiệp không triển khai thì thu hồi lại giấy phép.
Các chuyên gia viễn thông cho rằng, sở dĩ các tấm giấy phép triển khai mạng di động ảo của Việt Nam khi các doanh nghiệp nhận được lại chỉ... để đó vì họ gặp khó khăn trong bài toán kinh doanh khi cung cấp dịch vụ. Với các điều kiện không quá khắt khe như hiện nay, việc để có tấm giấy phép khá dễ dàng, nhưng để các mạng di động ảo thực sự đi vào hoạt động lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, việc triển khai MVNO có hiệu quả hay không hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp. Thế nhưng, khi đệ đơn xin cấp phép, doanh nghiệp này đã không lường trước được sự khắc nghiệt của thị trường thông tin di động Việt hiện nay. Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ hội thành công trong việc kinh doanh mạng di động ảo giờ đang ngày càng ít hơn khi mà cuộc chiến giữa các mạng có hạ tầng mỗi ngày một quyết liệt hơn.
Với con số khoảng 120 triệu thuê bao di động, thị trường dù được nhận định cơ hội để các nhà mạng nâng cao số lượng thuê bao vẫn còn nhưng không quá lớn khiến ngay cả các doanh nghiệp vốn được xây dựng hạ tầng nhưng "sinh sau đẻ muộn" như Vietnamobile hay Gmobile còn đang chật vật kinh doanh, thì mạng di động ảo được dự báo khi tham gia cung cấp sẽ còn gặp khó hơn rất nhiều để có được thị phần nhất định.
Mạng di động ảo là mạng viễn thông di động mặt đất không có tần số đầy đủ (Full Mobile Virtual Network Operator - Full MVNO). Khi được nhận tấm giấy phép này, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động ảo không phải xây dựng hệ thống trạm truy cập vô tuyến (BTS) của mình mà dùng chung cơ sở hạ tầng với các nhà khai thác di động đầy đủ (Mobile Network Operator - MNO) khác, tuy nhiên, vẫn phải xây dựng hệ thống liên quan đến mạng lõi, dịch vụ, cước phí, chăm sóc và phát triển thuê bao của mình.
Theo Genk
Tái cơ cấu VNPT sẽ được quyết trong năm 2012 Theo quy định, VNPT sẽ không được sở hữu hai mạng di động. Ảnh: TH Bộ TT&TT vừa ra chỉ thị đối với một số thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng như di động, cố định, Internet băng rộng... phải có ít nhất 3 doanh nghiệp mạnh. Điều này sẽ tác động mạnh đến Đề án tái cơ cấu của VNPT...